Đau khổ là một phần tất yếu của cuộc sống, không phải vì cuộc sống buộc phải có đau khổ, mà vì cuộc đời xưa nay vẫn thế, vì con người mọi thời đều muốn né đau khổ, mà tránh không được.
Mẹ Maria ơi, con thấy Mẹ không tìm đau khổ mà cũng chẳng né tránh nó. Mẹ đón nhận tất cả niềm vui nỗi buồn của cuộc đời. Nơi Mẹ, có 5 sự vui với niềm vui khôn xiết mà rất sâu kín, cũng có 5 sự sáng khi Người Con chí thánh nổi bật trước mặt mọi người. Giờ là lúc vàng được tinh luyện bởi lửa, là lúc Chúa Giêsu thực hiện cuộc vượt qua, cũng là lúc Mẹ theo Chúa tới nơi tận cùng của tình yêu mến trong 5 sự thương. Đó là 5 sự thương khó và cũng là 5 sự thương mến. Một tình mến không theo kiểu lãng mạn bay bổng, mà thực tế với việc hy sinh mạng sống, với việc tự hiến đến cùng vì tình yêu. Và chẳng có ai hiệp thông với Chúa cách thân thiết cho bằng Mẹ.
Nơi thứ nhất, khi Thầy Giêsu lo buồn đổ mồi hôi máu trong Vườn Cây Dầu, khi chỉ có 3 môn đệ thân tín ở bên Thầy, thì Tin Mừng không thấy nói gì tới Mẹ. Lúc Thầy Giêsu phải chiến đấu quyết liệt nhất, cũng là giờ Thầy sống giây phút ấy một mình, chỉ một mình Thầy với Chúa Cha. Đúng như có lần Thầy nói với các môn đệ: anh em sẽ bỏ Thầy lại một mình, nhưng Thầy không ở một mình đâu vì Chúa Cha luôn ở cùng Thầy. Khi Thầy bị quân lính bắt, con vẫn chưa thấy sự hiện diện của Mẹ. Các môn đệ dù hiện diện, nhưng lại bỏ chạy hết.
Dù Tin Mừng không nói, nhưng người đạo diễn bộ phim Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô đã diễn tả mối tương quan đặc biệt giữa Thầy Giêsu và Mẹ Maria. Ngay khi Thầy bị bắt, thì Mẹ có linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, và ngay sau đó là môn đệ Gioan chạy về tới nhà để báo tin cho Mẹ biết. Thật vô cùng đặc biệt về tương quan giữa Thầy Giêsu và Mẹ Maria. Vì Thầy Giêsu là người con, nên có một tình mẫu tử sâu đậm giữa Mẹ và Con của Mẹ. Vì Thầy Giêsu là Thiên Chúa, nên có một mối liên kết siêu nhiên đặc biệt giữa Mẹ và Chúa của Mẹ.
Nơi thứ hai, Thầy Giêsu chịu đánh đòn. Nơi thứ ba, Thầy Giêsu chịu đội mão gai. Mẹ âm thầm bước theo Con của Mẹ. Đã đến giờ mà tất cả lời Thiên Chúa hứa cho Mẹ và cho Con của Mẹ sẽ thành hiện thực. Một hiện thực Mẹ không thể hình dung được. Một hiện thực Mẹ đang bước theo và đón nhận, đau khổ và hy vọng. Một hiện thực Mẹ hiểu được trong niềm tin phó thác.
Nơi thứ tư, Thầy Giêsu vác thập giá. Trên con đường thương khó ấy, có ông Simon vác đỡ cho Thầy nhưng Tin Mừng Gioan thì nhấn mạnh rằng, chính Thầy vác lấy thập giá. Con không thể hình dung nổi nỗi đau đớn của Thầy khi bị tra tấn, nỗi khổ tâm của Thầy khi nhìn sự phản bội và tội lỗi xung quanh, cũng không thể hình dung được sức mạnh đón nhận của Thầy. Con chưa thể cảm nhận được con tim nhói đau của Mẹ mỗi khi thấy làn roi đánh vào Chúa, khi thấy mỗi lần Chúa ngã xuống. Con càng khó mà hiểu được trái tim của Mẹ mạnh đến mức nào để có thể đứng vững giữa những khổ đau trăm bề.
Từ đầu cuộc thương khó tới giờ, Tin Mừng vẫn lặng thinh, không nói gì tới Mẹ. Con chỉ đọc thấy, thánh Luca kể rằng, có nhiều người đi theo Thầy Giêsu trên con đường thập giá. Con chắc rằng, Mẹ đang hiện diện ở đó. Mẹ chẳng nói gì. Ngôn ngữ của Mẹ là hiện diện. Trong đau khổ, ngôn ngữ bằng lời trở nên mất chỗ đứng, ngôn ngữ hiện diện, ngôn ngữ đồng hành, ngôn ngữ bước theo có vị trí đặc biệt. Cho tới nơi thứ năm, cho tới chân thập giá, Mẹ trở nên sáng tỏ như Sao Mai bên cạnh Mặt Trời Công Chính là Con của Mẹ.
Con cứ thử nghĩ mà nghĩ không ra, con cứ thử hình dung mà hình dung không nổi. Đứng trước tất cả những cáo gian, bất công và sự lăng mạ như thế, theo thói thường, người ta cũng bị những cái xấu xa ấy đồng hóa luôn, và người ta sẽ đáp lại thế gian cũng với những thái độ, ngôn từ, hành vi thô bạo ấy. Nhưng ở đây không hề như vậy, tâm điểm của Mẹ không phải là thế gian, mà là Con của Mẹ, là Chúa của Mẹ, và là những con người đang ngóng trông Thiên Chúa viếng thăm.
Mẹ đứng đó, Mẹ lặng lẽ, Mẹ bình an giữa sóng gió. Mẹ vẫn hy vọng cho dù dường như không còn gì để hy vọng. Con của Mẹ chỉ thốt lên những lời mà con chưa từng thấy ai trên cõi đời này có thể làm như vậy, ngay trên thập giá, ngay trong vực sâu của khổ đau, ngay trong đỉnh cao đơn côi. Đó là lời tha thứ cho kẻ thù. Đó là lời chấp nhận tình bạn thân mến của kẻ trộm lành. Đó là lời thương mến dành cho Mẹ và cho người môn đệ. Đó là lời con hiền thảo đối với Cha trên Trời.
Mẹ thương mến, ngày nay càng ngày người ta càng thấy rõ sự bấp bênh của cuộc sống, và người ta dần bớt đề cao chỉ số thông minh, mà quan tâm hơn đến chỉ số cảm nhận, và đặc biệt chú ý đến chỉ số vượt khó. Con thấy, chẳng ai có chỉ số vượt khó cho bằng Thầy Giêsu, sau đó là đến Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa để con có thể vượt khó như Mẹ, để niềm vui bình an của Chúa ở trong con, và như thế con sẽ là tất cả, vì con sẽ là em của Anh Cả Giêsu và là con của Mẹ.
(Tứ Quyết SJ, dongten.net 06.11.2016)