Có một hình ảnh diễn tả về cái bóng giúp chúng ta dễ hiểu và hình dung, đó là hình ảnh nơi một người hướng về mặt trời và sau lưng họ là vệt dài của cái bóng.
Cũng vậy, đời tu là một thực thể sống động, nó cũng bao gồm cả bóng lẫn hình. Có thể nói, hai mặt này là một tổng thể của một thực tại trọn vẹn. Có những tu sĩ đã phủ nhận phần cái bóng này khiến đời sống họ trở nên lệch lạc và mất quân bình. Bài viết này như những gợi ý giúp chúng ta khám phá lại cái bóng của mình trong đời tu để nhờ việc nhận ra và làm hòa với cái bóng mà ta biết mình hơn và nhờ đó, đời sống tâm linh được vững vàng và thăng tiến trong ơn nghĩa Chúa. Trước hết, chúng ta tìm hiểu thuật ngữ cái bóng.
CÁI BÓNG
Theo C.Jung, nhà tâm lý phân tích này cho rằng cái bóng là mọi thứ chúng ta đẩy lui vào trong tiềm thức vì nó không được người sống đồng thời “chấp nhận”. Nói cách khác, nó là thành phần trong nhân cách mà chúng ta đã ức chế vì chúng xung khắc với hình ảnh mà chúng ta muốn được nhìn nhận nơi mình từ người đối diện ; hơn nữa, vì cái bóng làm mờ nhạt hình ảnh bản thân mà chúng ta cố tạo trước mặt người khác, nên chủ thể cần tìm mọi cách để phủ nhận hoặc tỏ ra khinh thường cái bóng ấy cách nào đó. Hiểu như thế, những gì chúng ta cố tạo một hình ảnh bản thân thật ấn tượng từ cách đánh giá người khác, đôi khi là một thứ mặt nạ.
Chúng ta biết rằng mỗi người đều có những lý tưởng sống, điều này tạo nên một cách thể hiện cái tôi lý tưởng, nhưng vì lý tưởng khác xa với thực tế nên những cách biểu hiện của chủ thể thường mang một thứ mặt nạ cách nào đó. Và một khi con người dùng mặt nạ thật đẹp đẽ và ấn tượng để phô diễn ra bên ngoài thì ẩn sâu trong vô thức lại có một cái bóng xấu xí và tầm thường; nó luôn trực chờ những lúc chủ thể vô ý sẽ lộ ra bên ngoài. Đó là điều chúng ta vẫn nói ai đó: “trưởng giả học làm sang”.
Nói như thế, không có nghĩa là cái bóng hoàn toàn xấu; trái lại, nó là biểu tượng của sự thiện hảo như lời khẳng định của nhà tâm lý đại tài này: cái bóng trong vô thức không phải là điều xấu do bản chất, nhưng là nguồn mạch của sự thiện tối cao: không chỉ là bóng đen, nhưng cũng là ánh sáng; không chỉ là thú tính, bán khai và quỷ quái, nhưng cũng là siêu phàm, thiêng liêng và thần thiêng…[i] Bởi đó, cái bóng tùy thuộc vào nhận thức của chủ thể trong từng giai đoạn của tiến trình hình thành nhân cách. Chẳng hạn, khi triết gia Nietzsche quan niệm rằng nhân đức theo tôn giáo là một sự nhu mì và bạc nhược quá đáng thì ông đã đề cao một chủ nghĩa anh hùng siêu nhân. Trong khi đó, nhiều nhà phê bình lịch sử cho rằng trong thực tế đời sống ông là một người yếu nhược. Như thế, cái bóng về sự yếu nhược nơi ông một lần nữa trái ngược với mặt nạ mà ông muốn phô diễn cho người đời là một người mạnh mẽ. Tắt một lời, nhân đức khiêm nhường mà vị triết gia này khinh thường và phủ nhận, lại là một nội lực giúp chủ thể hình thành nhân cách trưởng thành. Vì như Đức Phanxicô khẳng định: nhân đức khiêm nhường không dành cho kẻ yếu mà cho người mạnh mẽ thực sự.
Một điều cần lưu ý ở đây, là bóng đi đôi với hình trong cùng một thực tại cuộc sống; tách rời hoặc loại trừ nó, đồng nghĩa với việc chối bỏ chính nhân cách của bản thân. Vấn đề là chúng ta cần khám phá ra cái bóng dưới mọi hình thức để giúp nó “hòa nhập” vào đời sống thực tiễn. Điều cấp thiết lúc này là tìm ra cách hình thành của cái bóng để từ đó khám phá ra và giúp nó hòa giải với bản thân. Có thế, nó sẽ giúp chúng ta tạo được thế quân bình trong đời sống.
VIỆC HÌNH THÀNH CÁI BÓNG TRONG ĐỜI TU
Bất cứ một tổ chức nào đều có những qui định nhằm hướng dẫn mọi thành viên tuân thủ hầu có thể giúp mọi người đạt được mục đích đã đề ra của một tổ chức đúng nghĩa. Cho dù là luật bất hành văn, nó cũng hàm chứa một số qui tắc giúp tổ chức đó luôn thăng tiến. Cộng đoàn tu trì cũng vậy, ở đó các tu sĩ khát khao sống đời tận hiến buộc phải giữ một số qui định, nó ví như một đường ray và chỉ những ai chấp nhận đi theo con đường ấy mới mong đạt đến đích.
Có cả một phần Giáo luật nhằm hướng dẫn và chi phối những người sống đời thánh hiến, hơn nữa, mỗi tu sĩ cần thấm nhuần linh đạo của dòng mình để có thể thăng tiến toàn diện đời tu. Đó là chưa nói đến, những thói lệ của một cộng đoàn như một cách thích ứng của cộng đoàn tại nơi họ sống. Tắt một lời, họ cần biến một nền văn hóa khác biệt với những gì trước kia họ sống, vào trong cuộc sống của một cộng đoàn. Chúng ta vẫn nghe nói: cây cao bóng cả, điều này được giải thích theo nghĩa cái bóng của tâm lý học thì rất thú vị ! Nếu như cây cao được ví như những nố Giáo luật, linh đạo của dòng, thói lệ…là cây cao thì cái bóng cả ấy được hiểu là những gì chúng ta dồn nén vì bị choáng ngợp bởi các “thứ lề luật” chưa được “nhập thể”.
Chẳng hạn trường hợp của thánh nữ Têrêsa HĐGS, vốn là một thiếu nữ được sống trong một gia đình đạo hạnh. Thế mà, chị cũng choáng ngợp với những thứ luật chi li được chỉ dẫn trong cộng đoàn. Chị được học cho biết con đường nên thánh của Mẹ Têrêsa Avila, là một loại “cây cao” sẽ dần tạo cái “bóng cả” nơi đời tu của chị, ít ra, trong những năm đầu.
Bước chân vào đời sống cộng đoàn, người tìm hiểu như bước vào một thế giới hoàn toàn xa lạ. Ở đó, họ học cho biết những qui tắc và những yêu sách của bậc sống của mình. Vì chưa quen với những đòi hỏi của đời sống này mà họ dễ có xu hướng sống khép kín, từ đó, họ muốn che giấu những lối cư xử “bố đời” để rập theo cách xử thế của những bậc trưởng thượng trong cộng đoàn. Do đó, đôi khi họ đốt cháy giai đoạn và vì thế, họ không tránh khỏi những dồn nén trong đời sống thường ngày. Cái bóng vẫn đeo bám họ cho đến khi họ biết tự vượt qua những thứ luật đã chi phối họ để tìm một sự giải thoát trong Tinh Thần và Chân Lý.
Cụ thể hơn, khi chúng ta xác tín rằng đời tu là theo sát gót Đức Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người thì những gì xem ra xa rời với lý tưởng ấy thì cách nào đó trong vô thức, chúng ta sẽ loại ra bên ngoài những gì cản trở bản thân đạt đến lý tưởng này. Vô hình trung, chúng ta có thể phủ nhận những phương thế xem ra không hợp với đời tu. Chẳng hạn, có thời gian người ta nghi ngờ phương pháp Thiền của Phật Giáo và cho rằng nó thật nguy hiểm cho người Kitô hữu nhưng gần đây đã có nhiều linh mục tu sĩ áp dụng phương pháp này theo nhãn quan Kitô giáo. Cái bóng ấy đã phủ một thời gian trong đời sống các Kitô hữu.
Như thế, chúng ta thấy việc hình thành cái bóng trong đời tu như một định luật tất yếu: hễ có hình là có bóng. Ấy là hai mặt của một thực tại duy nhất. Thế nhưng, cái bóng chỉ thực sự trở nên tiêu cực và gây cản trở trong đời tu khi nó không được chính chủ thể tiếp nhận và hòa giải trong đời sống thường ngày. Trái lại, khi chủ động nắm bắt tầm ảnh hưởng của cái bóng, các tu sĩ sẽ biếtmình thực sự để có thể xông vào “trận chiến” với tất cả sự tự tin vì biết mình cần phải làm gì.
NHỮNG CÁCH THỨC KHAI THÁC CÁI BÓNG
Các nhà tâm lý gợi ý nhiều cách khai thác cái bóng này, ở đây, chúng ta ghi nhận vài cách chính yếu và thiết thực được áp dụng cụ thể trong đời tu.
Phóng chiếu
Chúng ta có thể hiểu khái niệm này cách đơn giản theo lối nói bình dân: suy bụng ta ra bụng người. Nghĩa là khi chúng ta gán ghép quá đáng về một lỗi lầm của ai đó mà thực ra, nó lại nằm ngay trong chính bản thân mình. Chẳng hạn, khi thấy một tu sĩ nào đó làm một việc tốt, chúng ta giải thích ngay anh ấy đang lấy điểm và từ đó, giải thích hoàn toàn ý xấu và giải thích chiều hướng xấu theo tình trạng nội tâm của bản thân mình về hành động của vị tu sĩ ấy. Việc này giải thích cái bóng nơi chúng ta có thể là thích xoi mói việc làm người khác hoặc thường giải thích tiêu cực cho hành động của tha nhân…và thậm chí, những việc làm của chúng ta được coi là tốt và xây dựng cộng đoàn cũng là cách chúng ta đang lấy điểm và tạo nơi mình một thứ mặt nạ hầu mua chuộc sự tôn trọng rẻ tiền nơi tha nhân, đặc biệt là những người phụ trách của chúng ta.
Cũng theo chiều hướng đó khi xét đến những mặt tốt của người khác, chúng ta thấy rằng có người lại tỏ vẻ như không thích điểm nổi bật và tài năng của người khác. Trong khi đó, họ lại che giấu cái bóng của họ là bất lực khi thực hiện những ước ao: muốn được những điều tốt đẹp nơi người kia.
Một hình thức phóng chiếu khác được dân gian nhắc đến khi nói: chuyện bé, xé ra to. Chúng ta có thể hình dung mối tương quan của chiếc máy vi tính và bộ phóng chiếu. Nhìn vào chiếc máy vi tính, chúng ta nhận ra kích cỡ của mọi sự đều nhỏ so với những gì được phóng chiếu trên màn ảnh lớn. Điều này giúp chúng ta liên tưởng đến cường độ cảm xúc của chủ thể đã vượt quá mức độ cho phép của một tình huống nào đó. Nói cách khác, chúng ta phản ứng bất tương xứng với điều chúng ta nhận thức. Do đâu có sự phản ứng bất tương xứng này ? Thưa: vì khi chủ thể phủ nhận cái bóng của mình và khi nhận ra một nét tương đồng nào đó nơi người kia, họ ra sức chỉ trích và lên án người kia gấp đôi cường độ, đó là hậu quả của việc chỉ trích bản thân và lên án người khác cộng lại. Và như thế, họ đã phóng chiếu lên người khác những gì họ phải gánh chịu do cái bóng của họ mang lại và đổ trên đầu tha nhân một cách bất công. Để hiểu rõ hơn chúng ta cần phân tích một trường hợp cụ thể, khi quan sát thấy một người chị em trong cộng đoàn có cách cư xử thiếu tế nhị, thay vì tìm cách để trao đổi với họ trong tinh thần xây dựng, chúng ta lại rêu rao những lỗi nhỏ nhặt ấy cho người khác; tệ hại hơn, chúng ta lại còn trình báo với bề trên trong tinh thần “xây dựng”, nhưng trong thực tế, chúng ta hạ giá uy tín của người khác nhân danh một thứ đạo đức giả tạo. Thực ra, cái bóng của sự gây bất hòa chia rẽ và lòng đố kỵ đang ẩn sâu trong vô thức của họ. Như thế, chúng ta nhận ra: nền văn hóa “nổ và chém gió” đã hủy hoại mọi tương giao trong một cộng đoàn dòng tu.
Cũng còn một hình thức phóng chiếu khác ít được chúng ta quan tâm, đó là cái bóng của người mặc cảm tự ti. Người này đã phóng chiếu mặt tích cực của mình cho người khác. Họ có khuynh hướng đề cao tài năng người khác, ngưỡng mộ và muốn trở nên giống như người đó.[ii] Thế nên, họ tự hạ thấp bản thân và dần đánh mất nét độc đáo của mình trong một cộng đoàn. Họ thường mặc cảm mà nghĩ rằng mình không đủ năng lực để phục vụ cộng đoàn, từ đó, những năng lực và năng khiếu đã bị họ kìm nén không thể phát huy hết tính sáng tạo của nó. Cái bóng của mẫu người này đã phóng chiếu tích cực lên người khác không có gì đáng trách nhưng thật đáng thương ! Vì sự kìm nén cái bóng này mà họ đã đánh mất nhiều cơ hội để khẳng định mình và phục vụ cộng đoàn theo nén bạc Chúa trao.
Tóm lại, dù là phóng chiếu cách tiêu cực hay tích cực đều phản ánh sự lệch lạc và thiếu lành mạnh trong nhân cách. Có thể nói, phóng chiếu là cách mà tu sĩ thường dùng để tự vệ trong khi tương giao với anh chị em đồng tu và một khi cái bóng mà họ muốn gán cho người khác lại khiến họ đánh mất sự tự tin và cởi mở trong một tương giao đích thực.
Giấc mơ
Có thể nói, chúng ta chưa dành cho thông điệp của giấc mơ một vị trí xứng đáng trong đời sống thường ngày. Thật vậy, giấc mơ vén mở cho chúng ta cả một chân trời vô thức. Nếu như chúng ta dành 2/3 thời gian của ngày sống cho việc hoạt động và ý thức thì 1/3 quãng thời gian còn lại, chúng ta dành cho giấc ngủ và giấc mơ, đây là thời gian của hoạt động vô thức. Bởi vậy, nhiều nhà phân tâm học coi giấc mơ như một hình thức giải tỏa trá hình. Nếu như cả ngày “cỗ máy” của chúng ta hoạt động thì lúc ngủ nghỉ là thời gian cho chúng ta xả giãn; càng hoạt động với cường độ mạnh thì cơ thể càng cần nhiều lối thoát hiểm hơn. Chính vì thế, khi phân tích về giấc mơ, chúng ta sẽ khám phá một phần cái bóng của mình còn khuất ẩn.
Có một nữ tu trẻ đã chia sẻ giấc mơ của chị và cuộc chiến thiêng liêng rằng: chị phải mất một thời gian dài sống trong cuộc khủng hoảng khi đối diện với vấn đề quyền bính giữa chị với Bề trên. Trong một giấc mơ, chị thấy mình đi băng qua một con sông, dần dần con sông ấy dâng lên quá cao đến mức báo động. Có một người đã trao cho chị cái phao nhưng chị đã sử dụng cách miễn cưỡng vì không chấp nhận hình ảnh của người ấy. Đến khi lên bờ, chị đã dùng một vật nhọn mà giết chết người ấy. Khi thức dậy, chị nhận ra ngay hình ảnh của người liên quan trong giấc mơ là vị Bề trên của mình. Có thể nói, cái bóng của sự bất tuân phục, kiêu ngạo tưởng mình toàn năng không cần ai chỉ dẫn, đã đưa chị đến một con sông như muốn nuốt chửng chị mà chị không biết. Và lúc này, hình ảnh của vị Bề trên đã có mặt kịp thời để cứu chị nhưng chị lại ra tay hạ sát vị ân nhân này.
Xét cho cùng, phân tích giấc mơ cũng chỉ là một hình thức phóng chiếu dưới dạng biểu tượng. Thật vậy, nếu hiểu phóng chiếu là cách mà chủ thể áp đặt trên đối tượng thì giấc mơ cũng là phương tiện giúp chủ thể tự vệ khi gắn cho đối tượng những gì mình đã khước từ hay kiềm nén nơi bản thân. Mà khách quan chúng ta có thể nhận ra cái bóng trong biểu tượng ly kỳ từ giấc mơ mang lại. Chúng ta có thể trở lại với sự kiện minh họa trên, khi nữ tu kia đã phóng chiếu chính thái độ muốn điều khiển người khác của mình mà áp đặt cho vị Bề trên. Trong thực tế, vị này có toàn quyền trên chị. Chúng ta nhận ra rằng thái độ bất khoan dung của chị không hệ tại ở lệnh truyền của vị này nhưng do sự thống trị của bản năng gây hấn chưa được thăng hoa.
Một lần nữa, chúng ta nhận ra cơ chế phóng chiếu khả dĩ giải thích phần lớn cái bóng của chủ thể. Điều này đúng khi xét trong tương giao. Và giấc mơ là biểu tượng diễn đạt một tương giao đang có vấn đề. Ngoài ra, chúng ta cần xét đến nội dung của những chuyện hài hước.
Hài hước
Có những sự việc khiến chúng ta tức cười, cũng có những sự kiện làm chúng ta buồn cười, và cũng có những điều giúp chúng ta vui cười. Tiếng cười hiện hữu luôn có một lý do để nó tồn tại. Chúng ta cười vì nhiều lý do nhưng ở đây, nó được giải thích theo cái bóng của chủ thể cười. Chúng ta hỏi rằng tại sao khi đối diện với cùng một vấn đề, người này cười còn người kia thì không. Câu trả lời là do chính mối quan tâm của mỗi người khác nhau. Thật vậy, khi có ai cười vì một sự việc nào đó, điều này giả thiết có một tương quan giữa chủ thể và vấn đề. Ở đây, cái bóng sẽ được nhận ra khi chủ thể có những hành vi hay thái độ vượt quá bản chất của sự việc cho phép. Chẳng hạn, khi thấy một người đồng tu lâm cảnh khốn khó, thay vì hỏi thăm và quan tâm, chúng ta lại biểu hiện bằng cách mỉm cười và đua giỡn. Đó có thể là biểu hiện một sự thờ ơ lãnh đạm mang tính dã man. Bởi thế, người đời có câu ví von thật hay: cười người hôm trước, hôm sau người cười. Đúng vậy, sự khốn khó trong đời rồi bạn cũng sẽ trải qua, cái cười của bạn hôm nay sẽ trả giá cho sự xúc phạm do chính bạn gây nên. Cái bóng mà bạn đã khước từ và khinh chê nay được bạn phóng chiếu lên người khác. Sự hài hước ấy là bằng chứng tố cáo tính tàn bạo hoang sơ nơi bạn.
Trong khi đang cử hành một nghi thức trang trọng, chúng ta lại bật cười vì một chi tiết sơ suất nhỏ nào đó của vị chủ tọa. Như thế, chúng ta không chỉ cười vì một lỗi mọn của người khác mà còn khinh chê một hình thức biểu hiện bên ngoài và xem thường một giá trị tâm linh. Cái bóng được giải thích ở đây là sự thiếu hiểu biết và sống nội dung mà một nghi thức tôn giáo mang lại. Hoặc chúng ta có thể giải thích rằng khi phản ứng bằng cách cười như thế, chủ thể như tách mình ra khỏi buổi cử hành đó để có thể đánh giá việc làm người khác hơn là sống chiều kích hiệp thông. Chia trí hay lo ra là chuyện thường tình của kiếp con người nhưng một khi có một ai đó phản ứng bằng cách “mỉm cười” thì họ đã nhạo cười chính nghi thức họ đang cử hành và hơn thế nữa, họ mặc nhiên xem thường chính việc họ đang ý thức cử hành.
Đặt câu hỏi
Phần này đã được Cha John Monbourquette gợi ý gồm 9 câu hỏi trong tác phẩm Làm thế nào để kết bạn với cái bóng của bạn. Tuy nhiên, khi giới hạn trong đời sống tu trì, thiết tưởng, chúng ta chỉ gợi lại 2 câu hỏi căn bản:
*Trực tiếp
Những chủ đề thảo luận nào bạn có khuynh hướng tránh né khi trao đổi với người khác ? Những hoàn cảnh nào khiến bạn cảm thấy mình trở nên căng thẳng, sợ hãi và tự vệ ? Những lời nhận xét nào khiến bạn giật mình và đánh mất đi tính tự chủ ? Và những câu hỏi đại loại như thế.
Khi trả lời cho những câu hỏi này, bạn như bị người khác tạt vào mặt một gáo nước; nó khiến bạn giật mình. Nhưng khi chân thành và can đảm đối diện với cái bóng ấy, bạn sẽ ngộ ra một điều: chúng ta đều là những người giới hạn đang sống trong một thế giới bất toàn. Chúng ta tự hỏi tại sao cũng cùng một chủ đề tình dục mà người khác coi là chuyện bình thường, tôi lại trở nên cấu kỉnh và căng thẳng như thế ? Hóa ra, trước khi đi tu, tôi đã bị nhiều chàng thanh niên lạm dụng tình dục. Cái bóng ấy bấy lâu tôi muốn che giấu trước mặt mọi người.
*Gián tiếp
Những khía cạnh nào bạn muốn phô diễn ra trước mặt mọi người ?
Chúng ta vẫn nghe các bậc tiền nhân nói: Tốt khoe xấu che. Đây là cách ứng xử thông thường của người khôn khéo thì có gì liên quan đến việc trả lời câu hỏi này để nhận ra cái bóng ? Chúng ta thấy rằng việc phô diễn những gì tốt đẹp nơi mình theo hướng khai thác những thế mạnh, tích cực hay những đam mê của mình thì không có vấn đề, nhưng một khi chủ thể ảo tưởng về bản thân mình: nghĩa là thổi phồng cái tôi…thì đây là nơi cái bóng ẩn khuất. Thật vậy, khi chủ thể ảo tưởng về mình, họ tìm mọi cách để nâng mình lên một cách lố lăng và lòe loẹt, vô tình họ kìm nén những mặt tiêu cực và giới hạn để giữ mãi hình ảnh ấn tượng nơi cách đánh giá của người khác. Thế nhưng, sự thật sẽ phơi bày khi họ không thể kiểm soát hoàn toàn bản thân và cái gì giả tạo thì không thể bền vững.
Sau khi đưa ra những câu trả lời xung quanh câu hỏi trên, bạn chỉ cần làm một bản đối chiếu với những gì trên kia, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cái bóng của bạn. Đây là phần triết lý anima (âm) và animus (dương) được C.Jung đề nghị trong một tác phẩm của ông. Chẳng hạn: khi tỏ ra là một người mạnh mẽ (dương), bạn cần phải che giấu và kìm nén những gì khiến bạn tỏ ra yếu nhược (âm). Hoặc khi muốn phô diễn trước mặt mọi người một mẫu người quảng đại thì cách nào đó, bạn muốn phủ nhận và khước từ con người ích kỷ trong mình.
LÀM HÒA VỚI CÁI BÓNG CỦA BẠN
Đôi khi chúng ta dễ tha thứ cho người khác hơn là cho chính mình. Cũng vậy, chúng ta dễ làm hòa với người khác hơn là làm hòa với bản thân. Đó là chủ trương của những người khoái khổ. Tác giả James E. Sullivan trong tác phẩm Hành trình tự do, đã gợi lên hai hình thức trừng phạt bản thân. Điều này cho thấy chúng ta không dễ đối diện và làm hòa với cái bóng của mình. Để thực hiện công trình nhiêu khê này, chúng ta cần trải qua 3 bước với tất cả sự can đảm và kiên nhẫn siêu nhiên.
Chấp nhận hiện hữu
Như chúng ta đã biết, một khi cái mặt nạ được chúng ta đeo vào mỗi ngày để biểu diễn trước mặt mọi người trên sân khấu cuộc đời, thì việc khước từ và phủ nhận cái bóng của mình là chuyện dễ hiểu. Thật vậy, sống trong một cộng đoàn dòng tu được bấy nhiêu truyền thống tốt lành thánh thiện kết tinh nên, chắc hẳn, những người bước vào đây phải có một bề dày nhân đức nào đó. Thế nhưng, những thói bố đời vẫn còn đó, vô hình trung, các tu sĩ không tránh được những lối sống hai mặt mà Đức Phanxicô đã đề cập trong 15 Căn bệnh của Giáo Triều. Cái mặt nạ nơi mình càng tinh tế thì con người càng tìm mọi cách che giấu cái bóng của mình cách tinh vi hơn; đến một lúc nào đó, vì ngủ mê trong những ảo tưởng về mình, họ quên rằng bản thân mang một cái bóng.
Vì thế, để có thể bước vào tiến trình làm hòa với cái bóng, điều kiện trước hết và trên hết là chấp nhận sự hiện hữu của nó như thành phần của đời sống cá nhân. Điều này đòi buộc mỗi cá nhân phải thực hiện một cuộc trở về với lòng mình, sống chiều kích nội tâm cách triệt để và với ơn Chúa, chúng ta thấy đâu là những cản trở khiến chúng ta ì ạch trên hành trình tâm linh. Chính cái bóng là đối thủ số một đã tác động và ảnh hưởng tiêu cực trên lý tưởng hoàn thiện của mỗi tu sĩ.
Gọi tên và chỉ điểm
Chấp nhận cái bóng trong đời sống đã là một bước tiến, thì việc gọi tên và chỉ điểm là việc dễ dàng với thủ thuật đã gợi ý trên đây. Nếu xét cái bóng với tương quan cái mặt nạ, chúng ta chỉ cần nhận ra những gì chúng ta còn ảo tưởng về mình hay những chủ trương thái quá trong đời sống. Chẳng hạn, khi muốn phô diễn trước mặt cộng đoàn tu trì hình ảnh về một người nhiệt tình và quảng đại thì cái bóng ấy được chúng ta che giấu với hai tên gọi: lười biếng và ích kỷ (đối lại với nhiệt tìn hvà quảng đại). Thật vậy, cái bóng này sẽ bị chúng ta ém gọn trong ngục tối dưới mọi hình thức. Hoặc nếu xét cái bóng do việc phóng chiếu, chúng ta sẽ gọi tên và chỉ điểm chính những gì chúng ta gắn cho người khác. Cái bóng trong máy vi tính của chúng ta có thể không thấy rõ nhưng một khi phóng chiếu lên người khác với tầm mức rộng và sâu, sẽ giúp chúng ta dễ nhận diện nó để khả dĩ đặt tên và chỉ điểm.
Làm hòa
Đây là bước cuối cùng để giúp cá nhân toàn nhập vào đời sống cách toàn diện cả bóng lẫn hình, cả tối lẫn sáng, cả khuyết lẫn ưu nơi đời sống cá nhân trong một cộng đoàn tu trì. Để được thế, mỗi người cần làm một bản phác thảo cả thế mạnh và thế yếu từ cái bóng của bản thân. Chẳng hạn, việc chúng ta che giấu khuynh hướng ích kỷ của mình có lợi gì cho cá nhân và cộng đoàn, đồng thời, nó có hại gì cho cá nhân và cộng đoàn ? Chính khi đưa ra một kết quả cụ thể nào đó, chúng ta lại đối chiếu với những đòi buộc của cộng đoàn mình đang sống. Ví dụ, cộng đoàn này nêu bật tinh thần: mọi sự làm của chung. Chúng ta lại lấy dài nuôi ngắn, lấy chung làm riêng, đó là một trở ngại cho đương sự khi muốn thực sự dấn thân trong cộng đoàn ấy. Sau khi đã đặt mọi sự lên bàn cân, chúng ta đã biết mình cần làm gì để làm hòa với cái bóng trong đời sống ý thức của bản thân. Một lưu ý ở đây, bước tiến triển nào trong hành trình tâm linh phải được thực hiện cách tiệm tiến để tránh tình trạng “hội nhập nhất thời” khi chủ thể chưa đủ xác tín vào vấn đề liên quan và cách áp dụng trong thực tiễn. Hơn nữa, chúng ta cần ghi nhận những lý tưởng trong đời tu phải được mỗi tu sĩ tiếp cận, học hỏi và nhập thể vào đời sống cách khôn ngoan và thuận theo ân sủng Chúa. Có thế, chúng ta sẽ giảm bớt những mặt nạ và làm dịu những cái bóng trong đời tu hầu tạo thế quân bình trong đời sống thể lý, tâm lý và tâm linh.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.
————————-
[i] C.Jung, Collected works, tr.389. Trích lại Wikie Au và Norren Cannon, Những thôi thúc trong tim, chuyển ngữ Nguyễn Ngọc Kính, tr.57.
[ii] Sđd, tr.74.