Khi ngắm 5 sự Vui, con liên lục lặp đi lặp lại Đức Mẹ thế này Đức Bà thế kia. Nhưng khi ngắm 5 sự Sáng, Mẹ đã ẩn đi, mà Chúa thì sáng lên. Khi đọc lời kinh 5 mầu nhiệm sáng, không còn thấy danh xưng về Mẹ nữa. Cũng chỉ có sự thứ hai nói về dấu lạ hóa nước thành rượu là trực tiếp nhắc tới Mẹ.
Dù nhiều điều Tin Mừng không nói, nhưng với lòng đạo bình dân, con vẫn muốn hình dung những gì Mẹ đã trải qua khi đồng hành với Chúa. Nếu con có gì chưa phải, đừng trách con Mẹ nhé! Con chỉ muốn học theo gương Mẹ, là trở nên nhỏ bé để cho Chúa lớn lên.
Biến cố Thầy Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan là bước khởi đầu đời công khai. Thầy Giêsu rời khỏi gia đình, rời khỏi cuộc sống thường ngày ở Nadaret, để bắt đầu thực thi sứ mạng Chúa Cha trao. Điều ấy đồng nghĩa là, cuộc sống bình dị tươi đẹp của gia đình Nadaret giờ không còn tiếp tục nữa, sẽ bắt đầu giai đoạn mới. Tin Mừng có nhiều lần cho thấy Mẹ đi theo Con của Mẹ trên hành trình loan báo Tin Mừng. Sách Tin Mừng không còn nói gì tới thánh Giuse nữa. Có lẽ Ngài đã qua đời.
Ngày mở màn của Chúa Giêsu chẳng giống ai. Vì đó lại là ngày đi chịu phép rửa sám hối tại sông Giođan. Gioan Tẩy Giả khổ công tu luyện một đời, để rồi tìm thấy một chân lý đơn sơ mà hiển nhiên là, con người đầy tội lỗi và cần ơn tha thứ, cần ơn chữa lành. Con người cần sám hối, và chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ và chữa lành. Gioan còn có thêm một sứ mạng nữa. Đó là Tiền Hô, là giới thiệu Con Thiên Chúa cho mọi người, là công bố tin vui trọng đại về Đấng phải đến, Đấng xóa tội trần gian, Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến.
Chúa Giêsu đến với con người, trở nên giống con người mọi đàng trừ tội lỗi, nhưng Người vẫn xếp hàng trong dòng người tội lỗi. Đó là một loại tình yêu mến rất lạ. Đó là cách Thiên Chúa đến với con người mà chẳng ai có thể nghĩ tới. Chẳng ai thấy điều chi là lạ khi thấy một người thanh niên vào xếp hàng, vì tuổi trẻ thì thiếu gì là tội! Nhưng đó chỉ là con mắt người thường. Với ánh mắt của bậc ngôn sứ, Gioan Tiền Hô nhận ra ngay Đấng đang đứng trước mặt mình là ai. Cửa Trời rộng mở và tiếng Chúa Cha phán: Đây là Con Ta yêu dấu, Cha hài lòng về Con.
Tin Mừng lặng thinh, chẳng nói gì đến Mẹ trong biến cố này. Con nghĩ rằng, Mẹ còn hiểu Chúa hơn Gioan Tẩy Giả nhiều, nhưng không có nghĩa là Mẹ có thể dự đoán được Chúa sẽ làm gì. Có lẽ Mẹ luôn chiêm ngắm và lắng nghe, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng rằng: Chúa sẽ làm điều Chúa muốn và theo cách của Chúa. Có lẽ Mẹ có chút buồn về tâm lý khi không còn sống thân thiết với Con như khi còn ở Nadaret nữa, nhưng có lẽ Mẹ sẽ rất vui một niềm vui mới, khi thấy Người Con bắt đầu sứ mạng sống với đời và cứu giúp người.
Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ giúp con bắt đầu thấy vai trò rất cụ thể và đặc biệt của Mẹ. Mẹ được mời đến dự tiệc cưới, như thế Mẹ là khách. Thế nhưng, cách tham dự của Mẹ không đơn thuần là khách. Vì khách thì lo dự tiệc và dùng những gì chủ tiệc tiếp đãi. Khách thường sẽ khen hoặc chê cách mà chủ tiệc tổ chức. Và nói cụ thể hơn, khách là người đứng ngoài cuộc. Còn Mẹ, Mẹ dự tiệc và đứng trong vị thế người thân, người đồng tổ chức với chủ tiệc. Mẹ tự nguyện đồng trách nhiệm và đồng hành với người nhà. Mẹ tự trở thành người nhà, người thân của gia chủ. Vì có như thế, Mẹ mới thấy được tình trạng hết rượu của gia chủ. Mẹ lo trước nỗi lo của gia chủ.
Cách tác động của Mẹ thật tế nhị và dễ thương vô cùng. Mẹ biết ai có thể giúp. Mẹ biết Mẹ có thể làm được gì và tới mức độ nào. Mẹ không cần đợi gia chủ lên tiếng. Mẹ lên tiếng, trình bày với Chúa Giêsu: Họ hết rượu rồi. Con thấy Mẹ cầu nguyện thật tuyệt. Mẹ biết chính xác nhu cầu thực tế của con người, và thưa lên với Chúa. Còn khi nói với người ta, Mẹ không nói là Chúa sẽ làm, cũng không nói là khó hay dễ. Mẹ nói với họ: Người bảo gì thì hãy làm như vậy. Chỉ một chi tiết nhỏ như thế, con được sáng mắt ra nhiều, khi thấy cách chuyển cầu của Mẹ và cách thực thi sứ mạng của Chúa. Con người cần cất công đổ nước vào chum, trước khi nước ấy có thể hóa thành rượu. Chẳng có phép lạ nào mà lại được thực hiện theo kiểu chờ sung rụng, cũng chẳng có phép lạ thành sự theo kiểu dễ dãi và nhạt nhẽo.
Cũng vì thế mà Thầy Giêsu có lần khen Mẹ trước mặt mọi người. Lần ấy, khi Thầy Giêsu đang nói với dân chúng, thì có một người phụ nữ cảm thấy mến mộ quá mà khen Thầy bằng cách khen Mẹ: Phúc thay người Mẹ đã cưu mang Thầy. Nhân dịp ấy, Chúa mở cho mọi người thấy thêm một khía cạnh khác: phúc hơn nữa, là người lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa. Mẹ Maria có được trọn vẹn cả mối phúc đời thường và phúc lộc thiêng liêng. Mẹ ơi, sự bé nhỏ của Mẹ thật dịu hiền, xin cho con biết theo gương Mẹ, sống bé nhỏ theo bước chân Giêsu. Lạy Mẹ Maria, chúng con kính chào Mẹ với lời kinh Kính Mừng.
(Tứ Quyết SJ, dongten.net 19.10.2016)