Sáu tháng sau khi Đức Phanxicô mở Cửa Thánh đầu tiên của Năm Thánh, cha xứ Mathieu Bondobo của nhà thờ Chính tòa Bangui, Trung Phi làm bản tổng kết phi thường các dấu vết Đức Phanxicô đã để lại.
Từ sau chuyến đi thăm cuối tháng 11-2015, tiến trình đã thay đổi tận căn ở Trung Phi. Theo ngày tháng, tất cả những ai được hỏi tại chỗ đều đồng loạt khẳng định: “Khi đến Bangui, Đức Giáo hoàng đã có những hành vi tượng trưng, nhưng việc lần đầu tiên mở Cửa Thánh Năm Thánh Lòng Thương Xót ở Bangui là một yếu tố quyết định”.
“Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng đã thổi một làn gió hy vọng, để lại cho chúng tôi ý thức, rằng chiến tranh không giải quyết được vấn đề, ngược lại, hòa bình mới có thể”, cha xứ Nhà thờ Chính tòa Bangui nói với tạp chí công giáo Ý Famiglia Cristiana như trên. Sáu tháng sau, cha Mathieu Bondobo không ngần ngại cho đây là “phép lạ” cho sự thay đổi hoàn toàn này ở Trung Phi.
Tình yêu thì mạnh hơn mọi hiểm nguy
Chúng ta nhớ lại thời đó, dù đã có thỏa hiệp hòa bình ký vào tháng năm, Trung Phi vẫn còn chịu những hậu quả gián tiếp của một sự nổ bùng bạo lực lại, dù có sự can thiệp của sứ vụ Liên Hiệp Quốc ở một xứ chưa bao giờ loại đi được bạo lực. Đối với một số người, các căng thẳng này, đặc biệt rất mạnh ở thủ đô Bangui là một đe dọa ngăn chuyến đi của Đức Phanxicô, nhưng đối với Đức Phanxicô, thì đó lại là lý do “chính và khẩn cấp” để ngài đến đây. “Đức tin và tình yêu của ngài cho người dân quá mạnh để ngài sẵn sàng đối diện với tất cả mọi hiểm nguy”, Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin không ngừng lặp lại điều này.
Đến xứ sở này, một xứ sở bị chủ nghĩa khủng bố và các xung đột sắc dân tàn phá, tiếng reo hò vui vẻ cùng với các giọt nước mắt xúc cảm đã đi theo tất cả mọi nơi Đức Phanxicô đi qua, từ ngày đầu đến ngày cuối, đã mở ra một “kỷ nguyên mới cho toàn dân tộc”, Tổng Giám mục địa phận Bangui và là Chủ tịch hội đồng Giám mục Trung Phi Dieudonné Nzapalainga tuyên bố. Hai tháng sau, ngoài mọi mong chờ của Sứ thần Tòa thánh Coppola, “cuộc hưu chiến đơn sơ” được đưa ra trong thời gian Đức Phanxicô thăm viếng vẫn còn duy trì: “Tiếng nói của Đức Giáo hoàng đã được nghe!”, Giám mục sứ thần rụt rè thổ lộ, ngài chưa dám tin vào “phép lạ nhỏ” đang xảy ra trước mắt mình.
Chữa lành các tâm hồn
Sáu tháng sau, không còn ai sợ khi nói đến chữ “phép lạ”. Cha Mathieu Bondobo còn nói đến những hai phép lạ. Phép lạ thứ nhất: “Đã chữa lành bao nhiêu tâm hồn” qua sự có mặt của ngài, ngài đã làm cho dân chúng sống được “giây phút mạnh đưa họ đến việc giải hòa”, như Tổng Giám mục Dieudonné Nzapalainga cũng xác nhận. Phép lạ thứ nhì: “Duy trì được hưu chiến và gần như không còn một cuộc chạm trán nào trong nước, đất nước tìm lại một bầu khí yên lặng ngoài mọi hy vọng”, họ nhấn mạnh.
Đức Phanxicô đã có những hành vi tượng trưng trong chuyến đi Trung Phi của ngài. Nhưng hình ảnh vẫn còn ghi khắc sâu đậm trong tâm khảm mọi người: “Mọi người sững sờ khi Đức Phanxicô mời giáo sĩ imam lên xe chung để cùng chào các tín hữu hồi giáo với mình ở một cánh đồng gần một trường học” trong khu phố hồi giáo PK5 ở Bangui, một khu phố mà mấy tuần trước đó là chiến trường của các vụ bạo lực dâng tràn. “Mọi người đưa tay lên trời tán thưởng, giống như họ đang cầu xin một ơn lành, trong khi trẻ con thì chạy và nhảy chung quanh chiếc xe”, linh mục Mathieu Bondobo vẫn còn xúc động khi nhớ lại.
Sau chuyến đi của Đức Giáo hoàng
Sau khi Đức Giáo hoàng đi, rất nhiều người sợ sẽ có những vụ trượt dốc vì có cuộc bầu cử tổng thống, sẽ “có thể châm ngòi lại”. Nhưng tất cả đã xảy ra mà không có các cuộc chạm trán và bạo lực và cuối cùng Tổng thống Faustin-Archange Toudéra đã được trúng cử: “Ông thắng với số phiếu 60% và sự chiến thắng của ông được chào đón trong các cuộc biểu tình hòa bình, ngược lại với thói quen người dân Trung Phi vẫn có trước đây”, cha xứ Mathieu Bondobo cho báo Famiglia Cristiana biết như trên.
Tân Tổng thống đã được Đức Phanxicô tiếp ngày 18 tháng 4 vừa qua. Ông đến cám ơn ngài về các việc tốt ngài đã làm cho Trung Phi. Còn về phần Đức Giáo hoàng, ngài cám ơn ông và cho ông biết, các cảm xúc của ngài vẫn còn rất mạnh: “Các ông, những người Trung Phi đã làm cho tâm hồn tôi vui sướng”. Một hệ quả quan trọng khác của chuyến đi của Đức Giáo hoàng: Paris quyết định chấm dứt các sứ vụ của các nhóm đặc nhiệm Pháp, theo cha xứ, thì đây là “bằng chứng hiển nhiên của một tình trạng đã được ổn”.
Phép lạ Cửa Thánh
Đối với cha Bondobo, tất cả mọi công lao của sự “tái sinh” này của Trung Phi là do Đức Phanxicô quyết định mở Cửa Thánh Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên tại Bangui, trước khi mở chính thức ở Đền thờ Thánh Phêrô, quyết định này đã làm cho thành phố Bangui thành thủ đô thiêng liêng của thế giới. Hành vi của Đức Phanxicô muốn để lại di sản cho người dân Trung Phi, và dân tộc vinh danh đó như một “di sản quý giá”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn tin: Phanxico