Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: CN Mình Máu Thánh Chúa & Tuần IX mùa Thường Niên – năm C

 

TUẦN 9 MÙA THƯỜNG NIÊN

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
Lc 9,11-17

Đức Giêsu bảo:
“Chính anh em hãy cho họ ăn.”
(Lc 9,13)

Mình Máu Thánh Chúa! Một mầu nhiệm vừa tế nhị vừa rất khó hiểu.

I. CÁI NHÌN LỊCH SỬ

Cũng như Mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa có liên hệ rất mật thiết với cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Để chuẩn bị cho các tông đồ đón nhận mầu nhiệm Phục sinh, Chúa đã thực hiện ba phép lạ:

1/ Cho con gái ông Giarô mới chết được sống lại.

2/ Phục sinh chàng thanh niên con bà góa thành Naim, đã chết, người ta đang khiêng đi chôn,

3/ Cuối cùng là phục sinh Lagiarô, người đã chết và đã chôn trong mộ bốn ngày.

Cũng vậy để chuẩn bị cho các tông đồ và những người tin Chúa đón nhận Mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa đã làm 2 phép lạ thật lớn: Hóa bánh ra nhiều hai lần và cộng thêm vào đó là một bài giảng rất dài và rất quyết liệt về Bánh hằng sống. Chúa nói thật rõ: “Thịt ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống – Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời”

Lời Chúa là như thế nhưng tin vào bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu Máu Chúa vẫn còn là một khoảng cách rất dài.

Vào thế kỷ thứ 8 tại Lancianô nước Ý, một linh mục dòng thánh Basiliô đang khi cử hành thánh lễ, sau khi truyền phép xong, bỗng đâm ra nghi ngờ sự hiện diện của Chúa dưới hình bánh ruợu thì lập tức Phép lạ đã xẩy ra ngay trong tay vị linh mục đó: Bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi.

Đây là phép lạ hàng đầu- và có thể coi là phép lạ lớn nhất trong số hơn 40 phép lạ Chúa đã làm trải dài qua dòng thời gian cho đến ngày hôm nay, để củng cố niềm tin của con người trước mầu nhiệm kỳ diệu này.

Phép lạ tại Lucianô còn được lưu giữ cho đến ngày hôm nay tại nhà thờ Thánh Phanxicô bên Ý. Giáo quyền đã cho phép thực hiện nhiều cuộc giảo nghiệm do giáo quyền cùng làm việc với những người chuyên môn:

Năm 1574 do Đức Cha Rodriguez.
Năm 1637 do Cha Tổng đại diện Giáo phận
Năm 1770 do Đức Cha Cervasone
Năm 1886 do Đức Cha Fetrarco

Và gần đây nhất vào thời đại của chúng ta, do nhu cầu cần phải xác minh thêm một lần nữa, giáo quyền đã cho phép thực hiện một cuộc giảo nghiệm mới, với những phương tiện mới hơn để khẳng định một cách khách quan hơn về tính cách lạ lùng của Phép lạ này.

Được giáo quyền cho phép, ngày 18/11/1970 các cha dòng Phanxicô, những người có trách nhiệm bảo lưu đã trao thánh tích cho một nhóm chuyên viên khoa học để họ làm công việc tế nhị và khó khăn này.

Nhóm này do Giáo sư Odoardo Linoli với sự cộng tác của Giáo sư Ruggero Bartellithuộc đại học nổi tiếng Siena điều khiển.

Công việc được thực hiện một cách hết sức khoa học và nghiêm túc. Đến ngày 4/3/1971 tại nhà thờ Thánh Phanxicô chính Giáo sư Linoli chủ tọa buổi đúc kết công trình nghiên cứu trước sự hiện diện của giáo quyền, chính quyền, đại biểu giới văn học, y học. Các cuộc phân tích được minh họa bằng một loạt các hình ảnh chụp dưới kính hiển vi.

Sau đây là kết luận của công trình nghiên cứu được nhiều tạp chí khoa học trên thế giới đăng tải

1. Thịt này là thịt thật. Máu này đúng là máu thật.

2. Thịt và máu là thịt và máu của con người

3. Thịt và máu đều thuộc cùng nhóm A-B

4. Đồ hình của Máu này giống với đồ hình của máu người được trích lấy từ một cơ thể con người trong một ngày.

5. Thịt được làm thành từ mô cơ tim.

6. Thịt máu hoàn toàn giống với thịt máu của một người sống thực sự.

7. Không hề tìm thấy dấu vết việc tẩm ướp mô tế bào bởi bất cứ một hóa chất nào được dùng trong kỹ thuật bảo trì bằng tẩm ướp.

8. Miếng thịt này được lấy ra từ phần thịt của trái tim một cách khéo léo tuyệt mỹ như do một nhà phẫu thuật tài ba thực hiện.

9. Hàm lượng các protéin chứa trong máu được phân phối đều đặn theo tỷ lệ y hệt như trong đồ hình protéin huyết thanh của máu tươi bình thường.

10. Trong máu có các chất chlorua, photspho, manhêdi, potassium, sodium và calcium.

11. Việc các di vật thánh này được lưu giữ một cách tự nhiên từ bao thế kỷ, bất chấp ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, không khí, sinh vật… là một hiện tượng không sao giải thích được theo phương diện khoa học.

Như vậy chúng ta có thể nói sau khi được mời gọi để thẩm định, Khoa học đã nói lên tiếng nói khách quan của mình về phép lạ Chúa đã làm tại Lancianô.

II. CHÚA LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ ĐỂ LÀM GÌ?

a/ Trước hết để thực hiện một lời hứa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”

Thiên Chúa muốn được gần gũi với con người, tạo vật kỳ diệu nhất trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngay từ trong Cựu Ước, ý muốn đó đã được nói lên:

– Nói lên bằng lời: “Niềm vui của Ta là được ở giữa loài người.”

– Nói lên một cách cụ thể bằng hòm bia thánh.

Sự hiện diện của Chúa trong Cựu Ước cụ thể những chưa đầy đủ và rộng khắp. Hòm bia tuy linh thánh nhưng cũng mới chỉ là dấu chỉ, là biểu tượng. Chúa còn muốn một sự hiện diện trọn vẹn, đầy đủ và rộng khắp hơn. Chính vì thế mà Ngài đã lập ra Bí tích Thánh Thể để – nói theo Cha Teilhard de Chardin – để Chúa có thể hiện diện tràn lan trên khắp địa cầu.

b/ Để tiếp tục bày tỏ cho con người biết là Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người và cho con người được sống sự sống của Ngài.

Về điểm này Cha Teilhard de Chardin diễn tả rất hay: “Nhờ hiệu quả của việc Ngài dấn mình vào giữa lòng thế giới mà những dòng nước lớn của vật chất êm đềm có đầy sức sống. Nhìn bề ngoài thì chẳng có gì xao động dưới cuộc biến dạng khôn tả này. Tuy nhiên khi tiếp xúc với Lời Bản thể thì vũ trụ đã trở thành nhục thể Ngài cách kỳ diệu”.

Con người được sống chính sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa chia sẻ sự sống của Chúa cho con người. Chẳng có gì hạnh phúc hơn. Chẳng có gì kỳ diệu hơn.  

c/ Cuối cùng, Chúa ở trong Bí tích Thánh Thể để giúp cho mọi người nhận ra mình là anh chị em với nhau trong Chúa.

Trong cuộc khủng hoàng con tin xẩy ra ở Pêru cách đây mấy năm. Một cuộc khủng hoảng dai dẳng, nghẹt thở kéo dài nhiều tuần lễ, người ta đã hết lời ca tụng một người. Người đó chính là cha Juan Julio Wicht. Ngài được thả vào ngày nhưng ngài tình nguyện ở lại. Việc Ngài ở lại đã làm nức lòng thủ lãnh của quân khủng bố. Ngày 18/4/1965 nhân ngày sinh nhật của Ngài, Nestor Cerpa Carlotini thũ lãnh quân khủng bố có gửi đến Ngài một điện văn như sau: “Mặc dù giữa chúng ta có những khác biệt nhưng chúng tôi muốn gửi đến cha những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày sinh nhật của cha cũng như lòng kính trọng của chúng tôi với quyết định ở lại của cha”.

Sau này khi được hỏi về những ngày bị giam giữ, Cha Juan Julio Wicht đã nói: “Các du kích đã không làm gì xúc phạm đến chúng tôi trong lời nói cũng như trong việc làm”

Chính sự hiện diện của Cha đã làm cho mọi người đối xử tốt với nhau hơn.

Chúa Giêsu cũng thế: Cha Teilhard de Chardin nói tiếp: “Bây giờ tôi có thể nói như hai môn đệ Emmau: Tôi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh. Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới nhận ra chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô. Có những người mà trước đó gặp ngoài đường, chúng ta dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng ta thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi. Bởi chúng tôi cùng tin Phúc Âm, cũng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”. Amen.


THỨ HAI TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
Mc 12,1-12

“Các ông chưa đọc câu Thánh Kinh này sao?
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.”
(Mc 12,10)

1. Dụ ngôn chúng ta vừa nghe là dụ ngôn tương đối dễ cắt nghĩa. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Vườn nho là dân Israel. Các tá điền là các lãnh tụ của dân. Tôi tớ được sai đi thu hoạch các hoa lợi là các ngôn sứ. Người con của ông chủ là Chúa Giêsu.

Thiên Chúa đã trao dân Israel cho các lãnh tụ của họ chăm sóc, nhưng họ đã không chu toàn trách nhiệm của mình. Các ngôn sứ nhiều lần được sai đến để nhắc nhở họ, nhưng không những họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy: Tiên tri Êlia bị truy nã, phải trốn sang Ai Cập thất thểu ăn xin. Tiên tri Isaia đã bị cưa làm hai khúc. Tiên tri Giêrêmia bị cầm tù. Tiên tri Daniel bị tống vào hang sư tử. Tiên tri Giacaria bị sát hại giữa cung thánh và bàn thờ. Gioan Tẩy Giả bị chém đầu….

Cuối cùng, Thiên Chúa sai chính con một của mình đến, tưởng họ sẽ kính nể …. nhưng họ cũng không nghe mà còn giết chết luôn Người Con ấy. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã truất quyền họ, rồi sau đó Người ban cho một dân khác là Giáo Hội.

Như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa đã kiên nhẫn nhưng không nhu nhược. Những kẻ chống lại Thiên Chúa có lúc đã tưởng mình chiến thắng, nhưng cuối cùng họ đã phải rước lấy thảm bại mà không thể trách Thiên Chúa được điều gì.

Trong sách các vua của Cựu Ước, chúng ta đọc được câu chuyện này: Hoàng tử của vua Hieroboam nước Israel bị đau nặng, vua liền nói với hoàng hậu rằng:

– Bà hãy cải trang giả dạng, đừng để người ta nhận ra bà là hoàng hậu, rồi đem theo mười ổ bánh mì, với bánh sữa và bình mật ong, đi gấp lên Silô, gặp tiên tri Abia, để hỏi cho biết số phận hoàng tử con chúng ta thế nào, sống hay chết.

Lúc ấy tiên tri Abia chẳng còn trông thấy gì, hai mắt đã lòa vì quá già. Nhưng Chúa phán dạy tiên tri Abia rằng:

– Này hoàng hậu Hieroboam sẽ tới hỏi han về đứa con trai đang bị đau nặng; lúc đến, nàng sẽ cải trang thành một người khác.

Do đó, khi tiên tri Abia vừa nghe có tiếng người bước qua cửa, liền hỏi ngay:

– Hoàng hậu Hieroboam đó phải không? Xin mời vào, cớ sao phải giả dạng làm người khác làm gì? Tôi có trách nhiệm báo hung tin cho bà hôm nay. Bà cứ về thưa cùng vua Hieroboam, Thiên Chúa là Chúa dân Israel phán như sau: “Ta đã tôn ngươi lên giữa dân chúng. Ta đã đặt ngươi làm thủ lãnh Israel dân Ta. Ta đã xẻ đôi nước của gia đình Đavid mà trao cho ngươi. Nhưng ngươi đã không bắt chước Đavid tôi tớ, là tuân theo các mệnh lệnh của Ta. Trái lại, ngươi đã gây ra nhiều tội ác, lại còn thờ các thần ngoại bang mà bỏ Ta. Vì thế, nay Ta giáng họa trên gia đình Hieroboam, Ta sẽ trừ diệt nhà Hieroboam. Các người thuộc gia đình Hieroboam, nếu chết trong thành sẽ bị chó ăn thịt; nếu chết ngoài đồng, sẽ bị chim trời rúc rỉa. Thôi bà đứng dậy đi về đi, và khi về, bà vừa đặt chân tới cửa thị trấn, thì con trai của bà sẽ chết.

Và quả đúng như thế. Hoàng hậu Hieroboam về đến Thesa, vừa bước qua ngưỡng cửa, thì hoàng tử con bà chết liền, đúng như lời tiên tri Abia đã nói.

2. Đàng khác, nếu suy nghĩ xa hơn một chút nữa chúng ta sẽ thấy ý nghĩa còn thâm sâu hơn. Vườn nho chính là Giáo Hội. Thợ làm vườn nho sát nhân là những người Công giáo tội lỗi cố chấp đã làm khổ Giáo Hội, đã giết hại các tôi tớ đại diện Chúa.

Vua Julianus, hoàng đế cai trị nước Rôma từ năm 361 đến 363. Nhà vua là cháu hoàng đế Constantinô. Nhà vua là người Công giáo, nhưng lại không muốn sống đời hy sinh theo Chúa, không muốn cầu nguyện, không muốn tránh xa tội lỗi, nhưng chỉ muốn sống đời sống dâm đãng, bất công và không có lòng bác ái. Chính vì thế mà nhà vua đã bỏ đạo rồi lại còn quay sang bắt bớ Giáo Hội. Sau khi đã lên án xử tử cho Đức Giáo Hoàng, nhà vua còn hỏi nhạo báng rằng:

– Ông Giêsu thợ mộc đang làm gì ở xưởng thợ Nazareth?

Đức Giáo Hoàng đã khiêm tốn thưa:

– Tâu đức vua, Chúa Giêsu của tôi ở trên trời, Ngài đang đóng quan tài cho đức vua.

Chẳng bao lâu sau đó, vua Julianus đem quân đi giao chiến với quân Ba-Tư, nhà vua bị một mũi tên của quân thù ghim thẳng vào trái tim. Nhà vua đã tức giận kéo mũi tên đó ra, lao lên trời mà kêu rằng: “Hỡi ông Giêsu người xứ Nazareth, ông đã thắng tôi rồi”. Đoạn nhà vua tắt thở.

Hãy nhớ, Thiên Chúa đã kiên nhẫn nhưng không nhu nhược.

Xin kết thúc bằng những lời trong Sách Huấn Ca:

Kính sợ Đức Chúa đem lại vinh quang và tự hào
hân hoan và phấn khởi. (Hc 1,11)

Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng,
cho con người được hoan hỷ mừng vui
và an khang trường thọ. (Hc 1,12)

Ai kính sợ Đức Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp,
ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành. (Hc 1,13)


THỨ BA TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
Mc 12,13-17

Đức Giêsu bảo họ: “Của Cêsar, trả về Cêsar;
của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”
(Mc 12,27)

1. Những người Do Thái cử một số người Pharisêu đến hỏi để gài bẫy Chúa Giêsu. Câu hỏi của họ rất thâm độc: “Chúng tôi có phải nộp thuế cho Cêsar không?” (Mc 12,14).

Câu trả lời của Chúa vừa khôn, vừa khéo, vừa rõ: “Của Cêsar hãy trả cho Cêsar, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mc 12,17).

Qua câu trả lời trên, Chúa Giêsu nhắc cho mọi người nguyên tắc: con người có hai bổn phận phải chu toàn: đó là bổn phận đối với trần thế, và bên cạnh đó còn một bổn phận khác quan trọng hơn đó là những bổn phận đối với Thiên Chúa.

2. Vâng! Những người Pharisêu và đảng Hêrôđê đã dùng những lời lẽ rất tốt đẹp như những chiếc lá che trên những cái hố mà ở dưới họ đặt sẵn chiếc bẫy. Việc làm này chứng tỏ họ là những con người giả hình. Chúa Giêsu có lần đã ví họ như những nấm mồ bên ngoài quét vôi trắng xóa coi rất đẹp, nhưng bên trong thì đầy những xú uế thối tha bẩn thỉu.

Chúa rất ghét những con người giả hình như thế. Đối với Chúa thì con người phải biết sống trung thực với mình và với cả những người khác. Người trung thực là người sống thật với những gì mình có, không tô vẽ, không thêm bớt. Có sao nói vậy, có như thế nào sống như thế đó. Chỉ khi nào chúng ta biết sống như thế, thì cuộc sống mới trở nên tốt đẹp và mọi người mới có được cuộc sống an bình.

Một hôm, vua Vũ Đế nhà Hán nói với các quan rằng:

– Ta xem trong sách tướng có nói, người ta nhân trung dài một tấc thì sống lâu một trăm tuổi.

Đông Phương Sóc đứng bên phì cười. Các quan bắt lỗi là vô phép.

Đông Phương Sóc cất mũ, tạ rằng:

– Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần không dám cười bệ hạ, chỉ cười ông Bành Tổ mặt dài mà thôi.

 Vua hỏi:

– Sao lại cười ông Bành Tổ?

Đông Phương Sóc nói:

– Tục truyền ông Bành Tổ sống tám trăm tuổi. Nếu quả thực như câu trong sách tướng bệ hạ nói thì nhân trung ông dài tám tấc, mà nhân trung dài tám tấc thì cái mặt ông ta dễ phải dài đến một trượng.

Vua Vũ Đế nghe nói bật cười tha tội cho.

Hãy coi chừng kẻo chúng ta cũng vấp phải chứng giả dối, đối xử với nhau theo kiểu những lời nói đầu môi chóp lưỡi, những lời khen ngợi không thành thực, những câu nói gài bẫy hại người. Sống với những người như thế thật là nguy hiểm. Nếu tôi thật là như vậy thì tôi cũng thật nguy hiểm cho những người sống chung với tôi.

3. Việc nộp thuế hằng năm cho Đền thờ Jêrusalem là một luật buộc cho tất cả những người Do Thái, phái nam từ hai mươi tuổi trở lên phải nộp thuế, cả khi người đó sinh sống ngoài lãnh thổ Israel và số tiền phải trả tương đương với số lương của hai ngày làm việc.

Thói quen đóng thuế là vào tháng ba trước khi mừng lễ Vượt Qua. Chúa Giêsu, với tư cách là Con Thiên Chúa, thì Ngài phải được miễn nộp thuế Đền thờ. Vì theo luật Rôma đang có hiệu lực thời đó thì những thành phần của gia đình nhà vua, không phải nộp thuế. Tuy nhiên, để khỏi gây ra gương mù gương xấu, để khỏi làm gai mắt họ thì Chúa Giêsu đã nộp thuế. Cách hành xử của Chúa có thể là một bài học thiết thực cho mỗi người. Chúa Giêsu hành xử không theo tiêu chuẩn công bằng mà là bác ái, để khỏi gây ra gương mù gương xấu cho anh em. Chúa tuân giữ cả những điều nhỏ mà thật ra Chúa không buộc phải giữ.

4. Trong cuộc sống của tôi, thử hỏi những gì là “của Cêsar” (nghĩa là thuộc về vật chất, thế gian) và những gì là “của Thiên Chúa”.

Ông Sam Jones là một nhà truyền đạo trứ danh bên Mỹ, ngày kia, có tín đồ than thở với ông rằng:

– Thưa ông, tôi đóng góp cho Hội Thánh nặng quá!

– Bao nhiêu một năm? Ông Jones hỏi.

– Năm đồng một năm.

– Thế ông tin Chúa đã bao lâu?

– Đã bốn năm nay.

– Trước khi tin Chúa ông làm gì?

– Tôi nghiện rượu.

– Mỗi năm ông uống rượu hết bao nhiêu tiền?

– Chừng 250 đồng mỹ kim..

– Khi ấy ông có đất ruộng gì không?

– Tôi phải mướn đất, cày bừa với một con bò.

– Bây giờ ông có gì không?

– Tôi có một khu ruộng tốt và một đôi ngựa cày.

Bấy giờ, ông Jones mới nghiêm nghị trách rằng:

– Trước đây, ông cho ma quỉ mỗi năm 250 đồng để được cày ruộng thuê với một con bò, mà nay Đức Chúa Trời đã cứu ông, nay ông chỉ dâng cho Ngài năm đồng mỗi năm để được cày ruộng riêng của mình với một đôi ngựa. Đúng ông là người bội bạc từ đỉnh đầu đến bàn chân! (NTS).

Vâng! Tất cả đều là hồng ân Chúa ban và phải trả lẽ với Chúa về những hồng ân Người ủy thác. Chúng ta phải dùng ân huệ Chúa ban cho thật xứng đáng. Lòng tin nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta chỉ là môn đệ Chúa, là người có bổn phận chia sẻ hồng ân Chúa ban cho với người khác và sử dụng nó trong thời gian nào đó mà thôi.


31/05
ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG BÀ THÁNH ÊLISABÉT
Lc 1,39-56

A. Thánh Luca thuật lại một cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ: người mẹ già và người mẹ trẻ.

– Người mẹ trẻ là người đến thăm. Người đó chính là Đức Maria, người đang mang Chúa Giêsu trong lòng, người được gọi là người “có phúc hơn mọi người nữ”, và là người có một niềm tin tuyệt vời.

– Người mẹ già là người được thăm: Đó là bà Êlizabeth. Bà cũng đang cưu mang. Người con bà cưu mang là người con của ân sủng. Người mẹ già và cả con người con của mình đều cảm thấy được diễm phúc trước sự xuất hiện của người mẹ trẻ “Bởi đâu tôi được diễm phúc là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy! Vì này tai chị vừa nghe lời em chào thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng chị”.

+ Cuộc viếng thăm mà thánh Luca thuật lại là cuộc viếng thăm tuyệt đẹp: dẹp trong ý nghĩa và đẹp trong thành quả.

Đẹp trong ý nghĩa bởi vì đây là cuộc viếng thăm của hai người mẹ đang cưu mang trong mình những con người thánh.

Và đẹp trong thành quả vì cuộc viếng thăm này đã đem lại những kết quả tuyệt vời: Gioan Tẩy giả được thánh hóa ngay từ trong lòng mẹ và Mẹ Maria đã để lại cho hậu thế một bài ca, một bài ca thánh, có một không hai trong Lịch sử ơn Cứu độ, để nói lên tâm tình tạ ơn và ca tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa

+ Chúng ta cầu xin cho cuộc viếng thăm này trờ thành mẩu mực cho các cuộc viếng thăm nhau của chúng ta .

B. Quả vậy khi nhìn vào cuộc sống xô bồ ngày nay, chúng ta thấy chuyện đi thăm viếng nhau ngày càng ít dần, nhất là những người sống nơi thành thị. Có khi hai người ở sát nhà nhau mà không gặp nhau suốt cả tháng trời. “Tình nghĩa láng giềng” ngày càng lợt lạt, thay vào đó là “đèn nhà ai nhà nấy sáng”, và “sống chết mặc bây”. Linh mục Azevedo nhận xét: ngay cả những tu sĩ ở cùng một cộng đoàn mà nhiều khi chỉ “sống bên cạnh nhau” chứ không phải “sống với nhau”. Câu chuyện Đức Mẹ lặn lội đường xa đến thăm và giúp đỡ bà Êlisabeth là một lời nhắc nhở những người sống cạnh nhau hãy nhớ đến nhau.

Hơn nữa khi chúng ta thăm nhau, thử hỏi chúng ta đã đem lại được gì tốt đẹp cho những người chúng ta viếng thăm hay chỉ là những chuyện cà kê dê ngỗng với nhau hoặc là ngồi lê đôi mách. Việc thăm viếng nhau như thế chẳng những không giúp ích gì cho nhau mà còn làm dịp tội cho nhau và là dịp để nói xấu người khác.

Có lẽ chúng ta cũng phải thành thực kiểm tra lại những cuộc thăm viếng của chúng ta xem: Tôi có mang Chúa đến cho người tôi thăm viếng hay không? Những điều tôi nói có phải là Tin Mừng khiến người được tôi thăm cảm thấy được bình an và hạnh phúc hơn không?

Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã thuật lại một câu chuyện sau nhân dịp một đài truyền hình phỏng vấn Mẹ.

Mẹ nói: Một lần khi khi còn ở Úc tôi có đến thăm một người thuộc thổ dân Aborigine. Ông cụ sống trong cảnh cô độc thật thảm thương. Ông sống trong một túp lều xiêu vẹo với tuổi đã già nua của mình. Khởi đầu câu chuyện cho lần gặp đầu tiên, tôi đã đề nghị:

– Để tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông.

Ông ta trả lời hững hờ:

– Tôi đã quen sống như vậy rồi.

– Nhưng ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp.

Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

– Có bao giờ ông thắp đèn này chưa?

Ông la trả lời cộc lốc:

– Nhưng thắp đèn để cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu? Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy mặt người nào cả.

Tôi hỏi ông:

– Nếu như có người tình nguyện đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?

– Dĩ nhiên.

Từ ngày đó, các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi qua đời ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin giúp ông:

– Xin nhắn với mẹ Têrêsa, bạn tôi, rằng ngọn đèn mà mẹ thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng.

Đó chỉ là một việc nhó mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

Vâng! Đúng là một cuộc viếng thăm thật tuyệt vời.

Ngọn đèn cũ không được thắp sẽ trở nên vô dụng và quên lãng nơi một xó xỉnh nào đấy, nhưng khi được châm vào một chút dầu tình yêu và sự bao dung thì nó đem đến sự sáng và sưởi ấm lòng người. Giờ đây, con người dù phải sống cô độc nhưng không còn cô đơn nữa vì bóng tối đã bị đẩy lui và nhường bước cho tình yêu và lòng bao dung của những đốm sáng nhỏ nơi con người, nơi nhân loại.


THỨ TƯ TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
Mc 12,18-27

“Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại,
thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng,
nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.”
(Mc 12,25)

1. Tin Mừng kể lại nhiều lần, người Do Thái tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu, nhưng họ đều gặp phải cảnh: gậy ông đập lưng ông. Hôm nay, họ lại tìm cách bày trò để gài bẫy Chúa một lần nữa. Theo bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thì họ muốn chế nhạo Chúa về việc tin vào sự sống lại, tức là đụng đến tín điều Phục Sinh.

Để làm công việc này, họ bày ra một câu chuyện tuy khó xảy ra trong thực tế nhưng lại rất hợp lý về phương diện lý luận và luật pháp. Câu chuyện thế nào thì chúng ta đã được nghe.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu đã cho họ thấy hai điểm:

– Một là, quan niệm của họ về cuộc sống mai hậu còn quá thô sơ và không hiểu tí gì về quyền năng của Thiên Chúa: Chẳng phải vì không biết Thánh Kinh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? (Mc 12,24).

– Hai là họ không nhận ra được ý nghĩa của sự Phục Sinh được hàm chứa trong câu Thiên Chúa tự xưng mình là Thiên Chúa của các Tổ phụ: Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống. (Mc 12,27)

Và lại một lần nữa, Chúa bịt miệng họ một cách hết sức ngoạn mục.

Đây không phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu bị nhạo cười. Người ta đã từng cho Người là khùng, là điên, là bị quỉ ám. Mãi đến khi gần chết trên Thánh Giá mà quân lính hành hình Chúa vẫn còn nhạo cười Ngài: “Để xem ông Êlia có đến cứu hắn không! Nó đã cứu được kẻ khác mà nay lại không cứu được mình!” (Mt 15,31).

2. Ngày nay, cũng chẳng khác gì ngày xưa. Cũng có một số người không tin vào sự tồn tại của chính mình ở đời sau. Họ đang sống như chỉ có đời này. Họ đang hưởng thụ không biết mệt mỏi. Họ sống như chỉ có một mình mình, không cần biết đến ai, không cần để ý xem tương lai mình sẽ ra sao… Thậm chí có lúc họ còn cho những người tin vào đời sống mai hậu là ngu dại.

Thế nhưng, thực tế có như vậy hay không thì mỗi người phải tự mình suy xét lại.

Người ta đã đọc thấy trên mộ của một người ở nghĩa trang: “Đây là nấm mồ của một người dại dột, đã sống mà không biết tại sao mình sống”.

Nhà triết học Diogenes ngày xưa đã viết: “Trong tất cả mọi sự, hãy nhìn đến cùng đích cuộc đời của mình.”

Một bác sĩ sản khoa nọ đã viết nên một câu chuyện rất hay. Chuyện kể rằng: Một lần nọ, bác sĩ ấy đã thử nói chuyện với một bào thai. Bác sĩ nói:

– Bào thai ơi, thời gian trong bụng mẹ chỉ là giai đoạn sửa soạn, cuộc đời thực sự sẽ đến sau này trên trần thế. Đó là một cuộc đời mà ngươi chưa biết và không thể tưởng tượng ra được.

Nghe vậy, bào thai phản ứng:

– Thôi ông đừng có nói chuyện mê tín dị đoan. Cuộc đời trong bụng mẹ tôi là cuộc đời duy nhất mà tôi biết được lúc này, ngoài ra không còn cuộc đời nào khác nữa. Một cuộc sống ở nơi nào khác chỉ là điều bịa đặt của những kẻ cuồng tín.

Nhưng, suy nghĩ một hồi, bào thai tự thắc mắc:

– À, nhưng mà tôi sẽ có mắt ở trên mặt. Để làm chi nhỉ? Ở đây đâu có gì để nhìn? Tôi sẽ có chân, nhưng tôi không có đủ chỗ để duỗi người ra, vậy có chân để làm gì đây? Và tại sao tôi lại phải có tay? Có tay để cứ khoanh mãi như thế này mãi ư? Tay sẽ làm phiền tôi và mẹ tôi. Sự tăng trưởng của tôi trong lòng mẹ sẽ thật vô nghĩa, nếu như sau này không có một cuộc đời với ánh sáng, màu sắc và nhiều điều khác nữa để tôi nhìn ngắm. Không gian mà cuộc đời khác của tôi sẽ sống, chắc là vĩ đại lắm nhỉ? Chắc là tôi phải đi thật nhiều nên tôi mới cần có đôi chân? Chắc là tôi phải làm việc nhiều và chiến đấu cam go lắm, nên tôi mới cần có đôi tay? Bác sĩ nói đúng đấy! Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi.

Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi.

Vâng, chúng ta đang sống trong trần gian và niềm tin Chúa muốn dạy chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay là: Chắc chắn có một cuộc đời khác nữa sau cuộc sống trên trần thế này.

Chúa đã từng nói: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con” (Ga 14,2).

Như vậy, cuộc đời trên trần gian này không khác gì bào thai cũng đang sửa soạn cho một cuộc đời thực sự sẽ đến. Cuộc sống hôm nay của chúng ta cũng là chuẩn bị cho cuộc sống sau này trên Nước Trời. Cũng như mắt, chân và tay của bào thai chuẩn bị cho cuộc đời sắp đến, thì sự có mặt của mỗi người trên trần thế cũng đang chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.

Thánh Phaolô: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. (Cl 3,2)

Lạy Chúa, xin cho con được luôn hướng lòng lên Chúa. Amen.


THỨ NĂM TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
Mc 12,28b-34

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn,
hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình.”
(Mc 12,33)

1. Hôm nay, đến lượt các luật sĩ tấn công Chúa Giêsu: “Trong các giới răn, giới răn nào là trọng nhất?” (Mc 12,28). Chúa Giêsu đã trả lời rất gọn gàng và rõ ràng: Hai giới luật quan trọng nhất đó là hết lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình.

Có nhiều người lương dân nhìn vào đạo Công giáo chúng ta với rất nhiều thành kiến. Họ cho rằng, đạo Công giáo là một hệ thống những giới răn và kinh kệ dài dòng, mà phải mất cả đời mới có thể học thuộc và tuân giữ được. Quả thực, cách sống đạo của một số Kitô hữu hiện nay có thể làm cho nhiều người ngộ nhận như thế. Thực ra thì đạo của Chúa rất đơn giản. Đạo dạy cho người ta biết có một Thiên Chúa. Ngài là tình yêu. Ngài yêu thương mọi người. Và vì yêu thương, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống trần để mặc khải cho con người về tình yêu của Ngài và mời gọi con người hãy sống yêu thương để được hạnh phúc thật. Tất cả mọi giới răn và lề luật của Chúa được tóm gọn trong hai chữ yêu thương ấy.

“Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng. Và hãy thương yêu đồng loại như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật cùng các tiên tri đều qui về hai giới răn này.” (Mc 28,30-31).

Như vậy, Chúa Giêsu đã xác định cái cốt lõi của mười điều răn là: yêu mến. Mến Chúa yêu người, hai giới răn khác nhau, nhưng không thể tách biệt nhau: chối bỏ một giới răn này, cũng có nghĩa là chối bỏ giới răn kia. Về điểm này, thánh Gioan Tông đồ đã viết rất hay: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng nó không thấy”. (1 Ga 4,20).

2. “Hãy yêu mến tha nhân như chính mình…” (Mc 12,33).

Một đôi vợ chồng nọ bán phở trên hè phố được một thời gian khá dài. Giá cả phải chăng cùng với nụ cười chân thành làm cho quán ăn của họ luôn tấp nập khách ra vào. Đến quán phở của họ nhiều lần, tôi phát hiện thấy sáng nào cũng có một cụ già ăn mặc rách rưới lặng lẽ đứng chờ ở một góc.

Nhìn thấy bà cụ đến, dù hai vợ chồng còn rất bận rộn với những việc đang dang dở, họ vẫn luôn mỉm cười nói với bà cụ:

– Bà chờ cháu một chút nhé, cháu sẽ làm ngay cho bà.

Một lát sau, vợ hoặc chồng họ nhanh nhẹn bỏ phở vào trong chiếc hộp giấy, múc nước phở bỏ vào trong túi “ny-lon”, buộc lại rồi đưa cho bà cụ, và luôn nhắc cụ cẩn thận kẻo bỏng tay. Bà cụ run rẩy đưa đôi tay gầy guộc ra nhận, rồi lặng lẽ quay người ra đi. Nhưng điều kỳ lạ là, dường như chưa lần nào tôi thấy bà cụ trả tiền.

Một hôm, vì không kìm nén nổi sự tò mò, tôi đã hỏi họ. Người vợ thở dài nói:

– Bà cụ ấy thật tội nghiệp, khó khăn lắm mới nuôi con cái khôn lớn. Vậy mà đến già lại không có chỗ nương tựa. Gia đình chúng tôi cũng không được dư giả gì. Giúp đỡ nhiều hơn thì chúng tôi không có khả năng, nhưng chỉ cần bà cụ đến là chúng tôi luôn đãi cụ một bát phở.

Trên nét mặt người phụ nữ trung niên ấy dường như lộ vẻ áy náy, dường như chị cảm thấy có lỗi khi chỉ giúp đỡ bà cụ được như thế.

Tôi để ý và luôn nhận thấy vợ chồng họ đối xử lễ phép và tôn trọng bà cụ giống như những người khách hàng khác, không hề tỏ ra một chút coi thường hay ban ơn.

Sau này, trên phố xuất hiện khá nhiều quán phở, nhưng tôi chỉ thích đến quán phở của họ. Tôi thích ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ, trong âm thanh náo nhiệt của đường phố, lặng lẽ nhìn hai vợ chồng họ chìa đôi bàn tay thô ráp, tặng cho một bà cụ còn nghèo túng hơn mình cả một tấm lòng yêu thương và nhân ái.

Bố thí cho người khác, có lẽ rất nhiều người dễ dàng làm được. Nhưng bố thí cho người khác với một thái độ chân thành và nhân ái, thì không phải ai cũng có thể làm được.

Mẹ Têrêsa từng nói: “Hãy là hiện thân cho lòng nhân ái của Thượng Đế bằng cách thể hiện trên nét mặt, trong ánh mắt, trong nụ cười và cả trong những lời chào nồng nhiệt của mình.”

Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Ðiều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”. (Mẹ Têrêsa)


THỨ SÁU TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
Mc 12,35-37

“Chính vua Đavid được Thánh Thần soi sáng đã nói:
Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi:
bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.”
(Mc 12,36)

1. Hôm qua, các luật sĩ đặt vấn đề với Chúa về giới răn quan trọng nhất. Hôm nay, đến lượt Chúa Giêsu đặt vấn đề với họ. Vấn đề Chúa đặt ra cho họ hôm nay là vấn đềthần tính của Chúa.

Họ nói Chúa Giêsu là con vua Đavid. Thế tại sao Đavid lại gọi Đấng Messia bằng Chúa? (Tv 110)

Khi nói như thế, Chúa muốn chứng tỏ rằng, Ngài chỉ là con Vua Đavid về phần xác, còn về phần thiêng liêng thì Ngài là Con Thiên Chúa và là Chúa của Vua Đavid.

“Con của Vua Đavid” là một tước hiệu để gọi Đấng Messia. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không thích xưng mình với tước hiệu này, vì nó dễ gợi lên một quan niệm lệch lạc trong đầu óc người ta về một Đấng Messia cao sang uy quyền. Ngài thích xưng mình là Con Người hơn. Sở dĩ hôm nay Ngài dùng tước hiệu “Con Vua Đavid” là chỉ vì Ngài muốn mở trí cho các luật sĩ hiểu Ngài là ai thôi.

Chúng ta biết vua Đavid là vị vua rất nổi tiếng mà dân Do Thái kính phục và hãnh diện. Vua Đavid là một con người đại lượng. Ông đã không trừng phạt Saolê dù ông có thể (1 Sm 24,26). Ông hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa (2 Sm 15,25). Ông viết các thánh vịnh. Ông còn là một nhạc sĩ, là nhà kiến trúc vẽ đồ án đền thánh. Quả thực, nhìn lại cuộc đời của ông, người ta thấy ông có một số lầm lỗi, nhưng cách chung ông là một vị vua sáng giá. Người Do Thái quan niệm rằng, làm vua theo dòng họ Đavid là cao trọng nhất. Cho nên nói rằng, Đấng Cứu Thế xuất thân từ nhà Đavid, là tôn vinh giá trị cao nhất của Ngài. Hơn thế nữa, Ngài còn là Chúa của Đavid.

Thánh Kinh đã nhiều lần minh chứng và gọi Chúa Giêsu là con vua Đavid (Mt 1,1). Dân chúng đã từng xưng tụng Chúa là con vua Đavid trong ngày Lễ Lá (Mt 21,9). Người mù thành Giêrikhô cũng đã kêu lên: “Lạy Con Vua Đavid, xin thương xót tôi” (Mc 10,47).

Đức Kitô đã không bao giờ từ chối tước hiệu này, nhưng tước hiệu đó chưa diễn tả đủ vàđúng về Ngài. Vì thế, để kiện toàn những lời đã hứa với Đavid, Chúa Giêsu tuyên bố mình còn lớn hơn Đavid, Ngài là Chúa của Đavid (Mt 22,42-45). Đavid chỉ là một chủ chiên của dân Chúa (Ez 34,23t), Chúa Giêsu mới là chủ chiên thật, hiền lành thí mạng sống cho cả Đavid nữa. Rồi đây, người ta sẽ thấy Đấng là con Đavid sẽ trở lại ngày phán xét (Xh 22,16).

Như vậy, vấn đề được Chúa đặt ra ngày hôm nay là “Chính vua Đavid gọi Đấng Kitô là Chúa thượng thì do đâu Đấng Kitô lại còn là con vua ấy được?” (Mc 12,37). Thật là một câu hỏi dễ trả lời nếu như người ta tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa nhưng điều này những người Do Thái chưa thể vươn tới. Chính vì thế mà họ không tìm ra được câu trả lời.

2. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Uớc gì niềm tin của chúng ta luôn vững mạnh để chúng ta biết sống thật can đảm trên con đường đi theo Ngài.

Ngày quân đội Liên Xô tràn vào chiếm thủ đô Hungary, một viên sĩ quan trẻ dáng vẻ hung hãn, đầy tự đắc của kẻ chiến thắng đã đến gặp vị mục sư.

Viên sĩ quan chỉ cây Thánh Giá treo trên tường và nói:

– Ông biết không? Cái đó là sự dối trá do các mục sư bày ra để làm mê hoặc đám dân nghèo, giúp cho những kẻ giàu dễ dàng kìm hãm họ trong cảnh ngu dốt. Bây giờ chỉ có ông với tôi. Ông hãy thú nhận với tôi rằng, ông không hề bao giờ tin ông Giêsu là Con Thiên Chúa.

Vị mục sư cười và trả lời:

– Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật.

Viên sĩ quan quát lớn:

– Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng diễu cợt tôi!

Nói thế rồi anh ta rút súng ra chĩa vào vị mục sư và hăm dọa:

– Nếu ông không nhận rằng, đó chỉ là sự dối trá, thì tôi bắn ông!

Vị mục sư điềm tĩnh trả lời:

– Tôi không thể nói như vậy, vì không đúng. Đức Giêsu thật là Con Thiên Chúa.

Nghe thế, viên sĩ quan liền bỏ khẩu súng xuống sàn nhà, chạy lại ôm chầm lấy vị mục sư vừa khóc vừa nói:

– Đúng thế, đúng thế! Tôi cũng tin như vậy. Nhưng tôi không thể tin rằng, có người dám chết vì đức tin, cho tới khi chính tôi khám phá ra điều này. Tôi xin cám ơn ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Ngài đã chứng minh cho tôi thấy rằng, vẫn có người dám chết cho Đức Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, con đã nhận Ngài là Chúa của con. Con đã được học, được nghe, được người ta thuyết giảng rất nhiều về Ngài. Xin cho con đừng bao giờ dừng lại ở những giáo thuyết, những diễn tả bằng ngôn từ, nhưng mỗi ngày biết khám phá ra khuôn mặt sống động của Chúa cũng như sự mới lạ qua Lời Ngài trong cuộc sống chúng con đang sống hôm nay. (Hosanna)


THÁNH TÂM CHÚA 2016

Đầu tháng sáu năm 1250, khi vua Louis IX đi kinh lý các miền trong nước Pháp, dân chúng tỉnh Marseilles đã đóng góp nhau định dâng cho nhà vua một lễ vật đầy ý nghĩa. Và hôm ấy, khi vua đến, dân chúng đều tập họp đông đủ. Họ đề cử một cô thiếu nữ dâng lên nhà vua một quả tim bằng vàng. Bên trong có ngành bông huệ kết bằng kim cương rất quí, là biểu tượng của các vua nước Pháp, và có khắc mấy hàng chữ: “Đây là bằng chứng toàn dân tỉnh Marseilles yêu vua Louis và luôn đặt vua trong trái tim mình”.

Nhận được lễ vật và nhận thấy dòng chữ trên, vua Louis IX hết sức cảm động, nhà vua cũng đặt tay lên trái tim và nói: “Đây là bằng chứng vua Louis yêu thương quốc dân Pháp, và luôn đặt họ những trái tim vua”.

Câu truyện trên đây rất ăn hợp với lời tổ tiên chúng ta đã nói:

“Trái tim biểu hiện tình yêu

Tình yêu phát xuất theo chiều trái tim”.

Không lạ gì, khi tỏ lòng yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã cho thánh trinh nữ Margaritta Alacoque được xem thấy Trái tim rất thánh của Chúa.

A. Nhưng tình yêu của Chúa là gì?

Thi sĩ Xuân Ly Băng, đã sáng tác một vần thơ, để diễn tả Tình yêu như thế này:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,

Chỉ nhớ hôm xưa, một buổi chiều,

Nhận được món quà cao giá lắm.

Bây giờ hiểu đó là tình yêu”

Nghĩa là tình yêu chỉ cắt nghĩa được bằng những điệu bộ, cử chỉ bên ngoài; mộtmón quà trao tặng người mình thương là tình yêu; một nụ cười biểu lộ với người mình thương là tình yêu; một cử chỉ âu yếm đối với người mình thương là tình yêu;những hy sinh giúp đỡ người mình thương cũng là tình yêu. Vì vậy, để diễn tả tình yêu Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh trái tim để diễn tả. Chúa đã phán với thánh trinh nữ Margaritta Alacoque: “đây là trái tim đã thương yêu loài người vô cùng. Không tiếc gì với họ”.

Thực thế Chúa Giêsu không tiếc gì với loài người. Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa. Khi con người sa ngã, Chúa đã bỏ trời, xuống trần gian ở vớicon người. Chúa đã làm bao nhiêu phép lạ để cứu giúp con người cả hồn lẫn xác. Chúa đã dạy cho con người nhận biết Thiên Chúa là cha. Chúa còn chịu chết chuộc tội con người, để đưa họ lên thiên đàng với Thiên Chúa, nên Chúa đã tuyên bố: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình của người dám liều thân hy sinh vì bạn hữu mình”

Để biểu lộ tình yêu một cách rõ rệt hơn, Chúa còn hứa với người tôn sùng Thánh tâm như thế này:

1. Thánh Tâm cha sẽ chúc phúc cho mọi công việc họ làm.

2. Thánh Tâm cha sẽ ban ơn đầy đủ, để họ chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao phó.

3. Những tội nhân sẽ gặp nơi Thánh tâm cha nguồn an ủi vô hạn.

4. Những tâm hồn yếu đuối sẽ chóng tìm lại lòng thương xót của Thánh tâm cha.

5. Những người sốt sắng sẽ chóng nên trọn lành.

6. Thánh Tâm cha sẽ đổ ơn toàn thể xuống cho những nơi có đặt tượng ảnh Thánh tâm cha mà tôn kính.

7. Cha sẽ ghi tên những người cổ động việc tôn sùng Thánh tâm vào Thánh Tâm cha, mà không ai tẩy xóa được.

8. Thánh Tâm cha sẽ ban cho linh mục được tài lay chuyển những linh hồn cứng rắn nhất.

9. Thánh tâm cha là nơi nương náu của những tâm hồn đang thất vọng

10. Thánh tâm cha là chốn nghỉ an của các tâm hồn trung hiếu.

11. Vì lòng thương xót vô hạn, Thánh Tâm cha hứa ban cho những người rước lễ thứ sáu đầu tháng liên tiếp, được ăn năn sau hết, và không phải chết đang khi mất nghĩa cùng cha.

Đó là những đặc ân hồn xác, Thánh tâm Chúa đã ban ơn cho loài người, để tỏ lòng thương yêu họ.

B. Nhưng theo lời thánh Augustinô:

“Tình yêu kêu gọi gọi tình yêu,

Tình thương Chúa kêu gọi tình yêu của loài người”

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Vâng phải tập cho mình biết yêu như Chúa. Chúa yêu như thế nào chúng ta hãy biết bắt chước yêu như vậy.

Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tỳ vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ chưa từng thấy.

Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!”.

Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ già. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần trái tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám và để thay thế.

Chàng trai cười nói: Chắc cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt”

Cụ già mới từ tốn nói: “Mọi vết sẹo trong trái tim tôi tượng trưng cho mỗi người mà tôi yêu. Người đó không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè . . . tôi xé một mẩu tim trao cho họ, thường thì họ cũng xé trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra của tôi. Thế nhưng những mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu của tôi trao cho các ngài, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi, chúng không bằng nhau nên chúng tạo ra những sần sùi nhưng tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ để lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.

Nghe thế, chàng trai đứng lặng yên không nói lên một lời nào. Những giọt nước mắt chảy ra lăn trên má lúc nào mà anh cũng chẳng hay. Đột nhiên anh từ từ bước tới và xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho bà cụ: Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ và trao cho chàng trai. Khi ráp lại thì chúng vừa với nhau, nhưng lại không hoàn toàn ăn khớp nhau, cho nên trên trái tim chàng trai xuất hiện một đường lởm chởm. Giờ đây trái tim của anh không còn hoàn hảo nữa nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết, vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh.

Vâng mỗi người chúng ta hãy để cho trái tim của Chúa chảy qua trái tim của chúng ta để biến trái tim của chúng ta trở nên giống trái tim của Người. Chỉ có con đường đó chúng ta mới có thể có được một tình yêu như Chúa.

Lạy Chúa xin cho con một trái tim biết mở rộng để thay vì chỉ đóng khung trong quan điểm của mình, con biết đón nhận những khuyết điểm nơi người khác, những anh em của con.

Xin hãy cung cấp máu cho con tim của chúng con để chúng con biết sống hy sinh quên mình mà không tính toán hơn thiệt.

Xin hãy cùng cảm xúc theo nhịp đập với trái tim của chúng con để chúng con biết “vui với người vui, khóc với người khóc”

Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng một cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu Chúa.


THỨ BẢY TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
Mc 12,38-44

“Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này
đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.”
(Mc 12,43)

1. Có hai hình ảnh rất đối nghịch nhau trong đoạn Tin Mừng này:

– Một bên là hình ảnh của các luật sĩ: rất cao sang, vinh dự với áo thụng, chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất. Thế nhưng, đó chỉ là cái vỏ, che đậy bên trong là một tâm hồn kiêu căng, tham lam, ức hiếp kẻ yếu đuối.

– Bên kia là hình ảnh một bà goá: nghèo tiền nhưng rất giàu lòng.

Chúa Giêsu coi đây là hình ảnh đẹp nên “gọi các môn đệ đến” chỉ cho họ thấy và bảo họ noi gương.

2. Chúa Giêsu dạy một điều rất lạ mà rất hay: có khi nhiều mà là ít, như số tiền dư thừa mà những người giàu có bỏ ra; có khi ít mà lại là nhiều, như một phần tư xu của bà goá nghèo. Nhiều không phải ở của bỏ ra mà là ở tấm lòng và sự hy sinh của mình.

Được vinh dự, được ngợi khen, được tôn trọng, được coi là đạo đức… Ai mà không muốn. Chúng ta cũng thế thôi. Nhưng Chúa bảo “hãy coi chừng”: coi chừng đừng chỉ lo tô vẽ bề ngoài, coi chừng kẻo bề trong tương phản với bề ngoài ấy. Điều quan trọng hơn là phải bồi dưỡng bề trong trước.

Chuyện kể rằng: một người được mời đến dự buổi tiệc lớn. Ông vui vẻ nhận lời và khoác bộ áo xấu nhất. Đến nơi, không ai thèm cười và để ý đến ông. Ông quay về khoác bộ áo đẹp có đính kim cương và các hạt nút bằng vàng. Trong khi ấy yến tiệc vẫn tiếp tục. Ông quay trở lại, lập tức bao lời mời đẹp nhất, danh dự nhất đều dành cho ông. Thịt béo rượu thơm lúc này được bày ra trước mắt ông và ông được mời vào ngồi chỗ nhất.

Nếu sự việc chỉ đến đây thì có lẽ chẳng có gì phải nói. Thế nhưng, điều làm nhiều người phải ngạc nhiên là khi ông vừa yên vị xong thì ông liền đứng lên ngay, cởi áo khoác lên ghế, đoạn lấy thức ăn đưa cho cái áo và nói:

– Mày ăn uống đi, người ta mời mày đó!

Mọi người hết sức ngạc nhiên, nhưng đều hiểu ý ông. Ông muốn nói với mọi người rằng, giá trị của con người không ở bộ áo xúng xính hay cái mã bên ngoài, nhưng đó là tấm lòng bên trong; không ở những cái mình có nhưng ở cái mình là.

Lời Chúa hôm nay đối với chúng ta không chỉ là cảnh giác nhưng còn là lời tra vấn.

3. Việc bà goá làm trong Tin Mừng hôm nay còn nhắc chúng ta về bổn phận đóng góp cho Giáo Hội: chúng ta đã hưởng nhờ của Giáo Hội biết bao nhiêu thứ, thế nhưng chúng ta có ý thức bổn phận phải góp một phần nào về tinh thần hoặc vật chất cho Giáo Hội không? Sách giáo lý mới có cả một giới răn để nhắc cho chúng ta bổn phận này. Đó là điều răn thứ năm dạy các tín hữu có bổn phận chu cấp những nhu cầu vật chất cho Hội Thánh, tùy theo khả năng mỗi người. (Số 1387,1438)

Chúa không cần chúng ta làm những việc to tát nhưng Chúa muốn tấm lòng của chúng ta. Ngài sẽ ghi công không phải chúng ta làm được điều gì lớn lao đối với Ngài, nhưng sẽ trân trọng những gì chúng ta làm vì lòng yêu mến Ngài.

Tổng thống Wilson Hoa Kỳ, người đã đưa đế quốc Mỹ can thiệp vào thế chiến thứ I, là người rất trân trọng đối với những kỷ niệm nhỏ.

Một lần kia, ông và phu nhân cùng nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ dừng lại tại một thành phố tiểu bang Montana. Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị tổng thống. Thế nhưng, không hiểu thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào để đến gần chỗ ngồi của tổng thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia.

Một cậu đã tặng cho ông lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ đang cầm trong tay. Cảnh sát cố tình ngăn cản, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và nhiệt tình cám ơn em. Cậu bé kia cảm thấy buồn vì không có gì dâng tặng tổng thống. Cậu cố tìm trong túi quần và cuối cùng lôi ra được đồng xu nhỏ. Cậu sung sướng vô cùng, vì chính tổng thống đã chìa tay đón nhận món quà của cậu.

Năm năm sau, tổng thống Wilson qua đời. Khi bà Wilson xếp lại các đồ dùng quen thuộc của chồng, mở chiếc ví, bà thấy một bọc giấy được giữ gìn cẩn thận. Cởi bọc giấy, bà nhận ra ngay đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng chồng bà cách đây 5 năm. Ông Wilson quí đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu cũng mang nó trong mình.

Mẹ Têrêsa nói: “Chúng ta nên học cách trao tặng. Không nên coi trao tặng như một bổn phận nhưng như một khát vọng. Tôi thường nói với các cộng tác viên: “Mẹ không cần phần thặng dư của các con. Mẹ không muốn các con cho mẹ những đồ thừa. Người nghèo của chúng ta không cần các con đoái thương, không cần tình cảm thương hại của các con. Người nghèo cần tình yêu và lòng nhân ái”.

Lạy Chúa, xin nhận lấy tấm lòng yêu thương trìu mến đơn sơ nhỏ bé của chúng con. Amen.