|
Sự hiện diện của một tòa sứ thần Tòa Thánh tại Đài Loan đã có từ thời nội chiến Trung Hoa; nó hiện là trở ngại cho các liên hệ ngoại giao cả mấy thập niên nay. Thực vậy, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Hoa lục địa) chưa bao giờ nhìn nhận Đài Loan như Cộng Hòa Trung Hoa. Nó coi Đài Loan như một tỉnh nổi loạn cần phải được tái hội nhập vào quê hương của nó.
Các liên hệ giữa Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Cộng Hòa Trung Hoa từ hồi tháng 11 năm 2015 đã có được một chút hoà dịu, khi Chủ Tịch Trung Hoa Tập Cận Bình gặp Tổng Thống Đài Loan Mã Anh Cửu tại Singapore.
Trong mấy thập niên gần đây, tòa sứ thần Tòa Thánh không có sứ thần. Thay vào đó, người đứng đầu tòa này chỉ là một nhà ngoại giao cấp thấp hơn, hàng tùy viên (chargé d’affairs). Tùy viên mới nhất tại Đài Loan là Đức Ông Paul Fitzpatrick Russell, một công dân Hoa Kỳ 57 tuổi, xuất thân từ Greenfield, Mass.
Ngày 19 tháng Ba vừa qua, Toà Thánh tuyên bố Đức Ông Russell đã được bổ nhiệm làm sứ thần Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Turkmenistan. Việc bổ nhiệm này khiến tòa sứ thần tại Đài Loan không có người đứng đầu. Sự kiện này có thể là dấu hiệu của một khai triển mới trong các mối liên hệ Tòa Thánh và Trung Hoa lục địa. Rất có thể Tòa Thánh sẽ để tòa sứ thần ở Đài Loan không có người đứng đầu, trong diễn trình bình thường hóa quan hệ với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tỏ ra hết sức lưu tâm tới việc tái lập các mối liên hệ với Trung Hoa lục địa, và ngài không giấu giếm ý muốn được viếng thăm Bắc Kinh.
Dưới thời Tập Cận Bình, các liên hệ của Tòa Thánh với Trung Hoa lục địa đã được cải thiện trên bình diện ngoại giao. Điều đáng lưu ý là Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên được phép bay qua không phận Trung Hoa lục địa để tới Nam Hàn và Phi Luật Tân.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gần đây cho hay: các liên hệ với Trung Hoa lục địa “đã và hiện vẫn là một phần của con đường dài với nhiều giai đoạn khác nhau. Con đường này chưa được kết thúc và chúng ta sẽ chung kết nó thuận theo Ý Chúa”.
Đức Hồng Y Parolin nói với tạp chí Ý San Francesco Rivista rằng các mối liên hệ giữa Trung Hoa lục địa và Tòa Thánh “đang sống giai đoạn tích cực của chúng, vì đã có nhiều dấu hiệu từ hai phía cho thấy ý muốn tiếp tục thương thảo nhằm cùng nhau tìm ra các giải pháp cho vấn đề Giáo Hội Công Giáo hiện diện tại quốc gia mênh mông này”. Đức Hồng Y cho rằng “các viễn ảnh hiện rất hứa hẹn”. Ngài hy vọng “mùa hoa sẽ xum xuê và mang lại nhiều trái tốt, vì lợi ích của Trung Hoa và toàn thế giới”. Bài phỏng vấn này đã được công bố ngày 4 tháng Năm nhân dịp có bản dịch tờ San Francesco Rivista sang Quan Thoại Trung Hoa.
Để gặt hái được hoa trái của việc hòa hoãn ngoại giao này, rất có thể tòa sứ thần tại Đài Loan sẽ tiếp tục không có đại diện cao cấp cho Đức Giáo Hoàng trong một thời gian. Điều này không có nghĩa tòa sứ thần sẽ bị đóng cửa. Một nguồn tin quen thuộc với môi trường Trung Hoa cho rằng rất có thể Tòa Thánh sẽ hạ cấp tòa sứ thần này xuống hàng một toà sứ thần nội sự (inter-nunciature), không được xem như một đại diện ngoại giao. Hãng tin China Post đã tiên đoán việc này cách nay mấy tháng.
Điều đáng lưu ý là mô thức tòa sứ thần nội sự này có thể được so sánh với các liên hệ giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh trước khi hai bên chính thức thiết lập ngoại giao đầy đủ vào năm 1984. Còn nhớ năm 1893, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII thiết lập một tòa sứ thần ở “cấp phi ngoại giao” làm điểm tiếp xúc giữa Đức Giáo Hoàng và hàng giáo phẩm Công Giáo Hoa Kỳ.
Phương thức trên tương phản với điều vẫn gọi là “giải pháp Việt Nam”. Việt Nam không có liên hệ ngoại giao với Vatican, nhưng hiện vẫn tham dự hàng loạt các cuộc thương thảo song phương với Tòa Thánh. Năm 2011, quốc gia này đã chấp nhận “một đại diện không thường trú” của Tòa Thánh. Tuy nhiên, chức vụ này hàm nghĩa một vai trò ngoại giao. Hiện nay, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Tòa Thánh chưa sẵn sàng thiết lập bất cứ liên hệ ngoại giao nào.
Tòa Thánh rất có thể di chuyển tòa sứ thần ở Đài Loan qua Bắc Kinh. Họ Tập rất có thể chấp nhận việc này nếu Tòa Thánh, đồng thời, yêu cầu Đài Loan đóng cửa tòa đại sứ của họ bên cạnh Tòa Thánh.
Các bước tiến tới bất cứ liên hệ chính thức nào giữa hai bên nên diễn ra cùng với việc thỏa thuận ngầm về việc đề cử giám mục; hiện thời, chính phủ Trung Hoa lục địa không phải lúc nào cũng thừa nhận các giám mục do Tòa Thánh bổ nhiệm.
Một số nhà chuyên môn nhận định rằng nên nhìn các liên hệ Giáo Hội và Nhà Nước ở Trung Hoa dưới một ánh sáng mới. Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội và từng can dự vào cuộc đối thoại giữa Vatican và Bắc Kinh từ thập niên 1980, đã đề cập tới chủ đề này dịp giới thiệu một cuốn sách hồi tháng 12, 2015. Ngài nói rằng nên bỏ kiểu nói lưỡng phân “Giáo Hội hầm trú” và “Giáo Hội chính thức” (quốc doanh!) ở Trung Hoa; thay vào đó, nên nói đến Giáo Hội Trung Hoa như một phần được chính phủ công nhận, một phần không.
Một ý nghĩ có thể giúp Giáo Hội hầm trú ra khỏi “hang toại đạo” là để Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm các giám mục từ một danh sách do chính phủ Bắc Kinh đề nghị hay ít nhất có thể được họ chấp nhận.
Thủ tục trên có thể đơn giản hóa diễn trình chấp thuận đôi hiện nay giữa Tòa Thánh và chính phủ Trung Hoa lục địa. Việc này cũng có thể làm dễ dàng hơn việc hợp thức hóa các giám mục hiện vẫn bị chính phủ Trng Hoa lục địa coi là “giấu giếm” (chui).
Tòa Thánh thiết lập liên hệ với Trung Hoa năm 1922, dù chỉ ở cấp thấp. Năm 1946, Tòa Thánh thiết lập một tòa sứ thần nội sự với Trung Hoa. Các nhà ngoại giao của Tòa Thánh rời Bắc Kinh năm 1951, vì bị tân chính phủ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trục xuất sau khi Tưởng Giới Thạch rút qua Đài Loan.
Tòa sứ thần nội sự được nâng lên hàng tòa sứ thần năm 1966. Nó vẫn giữ tên Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Trung Hoa, mặc cho hai chính phủ Trung Hoa tranh chấp về danh xưng.
Các tiến bộ hiện nay giữa Tòa Thánh và Trung Hoa lục địa không hề có nghĩa Tòa Thánh muốn quên người Công Giáo tại Đài Loan. Thực vậy, Đức Ông Russell đã thực hiện được nhiều công trình đáng kể tại Đài Loan, điều đã được Tổng Thống Mã thừa nhận trong bài diễn văn từ biệt ngài vào ngày 7 tháng Tư vừa qua.
Tổng Thống Mã, có lẽ sợ các liên hệ đôi bên sẽ yếu đi, nên đã nhắc tới liên hệ ngoại giao song phương đã có từ 74 năm nay. Ông nhấn mạnh một số bước đột phá ngoại giao kể từ năm 2008. Trong số này có: thỏa hiệp giáo dục cao đẳng song phương về việc nhìn nhận các khóa học, tốt nghiệp, chứng chỉ, văn bằng; buổi hòa nhạc của Ca Đoàn Nhà Nguyện Sistine tại Đài Bắc năm 2014; cuộc triển lãm năm 2015 “Các Kho Tàng Từ Trời” tổ chức ở Đài Bắc, trưng bầy các công trình nghệ thuật của Vatican; và phái đoàn do Tổng Thống Mã lãnh đạo tham dự lễ đăng quang của Đức Phanxicô năm 2013.
Trong khi các liên hệ với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa có khuynh hướng cải thiện, và một cuộc tông du Trung Hoa xem ra đã bớt tính mơ mộng để trở thành khả hữu nhiều hơn, thì chính Đài Loan cũng đang muốn chứng tỏ mình có liên hệ lâu đời với Trung Hoa.
Thời gian mới có thể cho biết liệu có thể có một tùy viên mới đến thay thế Đức Ông Russell hay việc ra đi của ngài đánh dấu việc kết thúc một thời kỳ. Vào lúc này, ngài chỉ đơn giản chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ với sứ mệnh cải thiện và củng cố các liên hệ với một quốc gia vốn là cửa ngõ đi vào Âu Châu.
Viết theo Andrea Gagliarducci
Vũ Văn An