Đi hát ca đoàn, câu chuyện nhà đạo nhiều cung bậc…

Được đứng trong hàng ngũ ca đoàn, cầm trên tay cuốn sách nhạc và cất lên tiếng hát phục vụ mọi người luôn mang lại hạnh phúc với các ca trưởng, ca viên. Quanh quá trình là “ca sĩ nhà đạo” đó, có không ít niềm vui và kỷ niệm sống động, thú vị.

Trên bục hát…Tại TGP.TPHCM, hầu như mỗi giáo xứ đều có từ hai ca đoàn trở lên, ở một số nơi đông giáo dân, có khi cán mốc, thậm chí vượt trên con số “10” tròn trĩnh. Ít hay nhiều thì sự rộn rã sau những “cái mi-cờ-rô” cứ luôn tràn đầy, muôn màu muôn vẻ.
Phục vụ cộng đoàn bằng tiếng hát tâm tình, truyền cảm

Ca đoàn thường do các nhóm, giới, hội đoàn quy tụ lại và phụ trách, tạo nên sự phong phú về độ tuổi, đối tượng, chất giọng. Giáo dân nhờ vậy được “thưởng thức”, “đổi món” khi có nhiều người khác nhau hát lễ. Để những bài thánh ca được cất lên đầy tâm tình, truyền cảm, từ ca trưởng đến từng ca viên phải bỏ ra khoảng thời gian dài luyện thanh, luyện giọng, phối bè… Tìm ra sự thống nhất tương đối về giờ giấc để tập gần như là trở ngại khá phổ biến ở mọi ca đoàn. Vì ngại trễ giờ mà có nơi các bạn trẻ vừa tan học đã tức tốc tới thẳng nhà thờ, còn nguyên balô sách vở. Thiếu nhi cũng ráng tranh thủ thu xếp dù còn “chạy show” với lịch học thêm, bồi dưỡng năng khiếu dày đặc mỗi ngày. Chưa kể đối với các ca đoàn thuộc dạng tổng hợp từ nhiều xứ đạo, không ít ca viên phải di chuyển một đoạn đường dài. Chính vì thế, ai đó trễ nãi hay vắng mặt bất ngờ không phải là điều quá lạ lẫm dù mọi thành viên đều ý thức sự chuệch choạc của các ca viên trong giờ tập hát hoặc hát lễ lâu dài sẽ gây ra những vết rạn nứt của một tập thể.
Nhiều ca viên sau một thời gian tham gia đều có cùng suy nghĩ, rằng khi đã vô ca đoàn thì khó bề “dứt” ra nếu thật sự đam mê và tâm huyết. Với họ, “cảm” được ca từ, giai điệu rồi giúp người nghe nâng tâm hồn lên bao giờ cũng là đích nhắm trọng tâm. Cầu nguyện qua lời ca tiếng hát giúp mọi người bình an, thư thái và nỗi buồn, phiền muộn trong cuộc sống dường như cũng cạn vơi. Hơn 10 năm theo bước ca đoàn Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu – nơi quy tụ chủ yếu các cựu học viên DonBosco, chị Nguyễn Thị Thu Hà trải lòng: “Bao bộn bề, âu lo hằng ngày của tôi như được ủi an, nhẹ đi mỗi khi ‘thả’ hồn, đắm mình giữa các bản thánh ca. Nghiền ngẫm từng câu hát, tôi phần nào tìm lại sự cân bằng và niềm tin cho chính mình”.

Ca đoàn Cecilia Lộc Hưng trong một lần biểu diễn ở xứ khác

Xác tín tham gia ca đoàn, nhiều người đã sẵn lòng “tạm biệt” vài thú vui riêng. Khi đến giờ sinh hoạt, các bà, các cô phải gác lại bộ phim, gameshow yêu thích trên truyền hình. Các ông dần bớt la cà, tụ họp. Trở thành những ông bà, cha mẹ, anh chị nêu gương sáng nên việc một gia đình suốt mấy đời đều là ca viên, ca trưởng ngày càng phổ biến. Như nhà bà Phạm Thị Ánh Tuyết – trưởng ca đoàn Đắc Lộ Mactynho có ba thế hệ bền đỗ với chọn lựa ngợi khen Chúa bằng tiếng ca. Có thành viên còn mời gọi, rủ thêm bạn bè, bằng hữu tham gia như ca đoàn Cecilia nhà thờ Lộc Hưng (quận 3) nay có thêm sự góp mặt của các thành viên đến từ các giáo xứ Antôn, Nam Hòa, Thái Hòa…, mang lại niềm vui, luồng gió mới lạ.
Chuyện hậu trường
Một điều dễ nhận thấy nơi đoàn thể này là sự dí dỏm, vui nhộn. Mỗi nhóm đều có những giây phút giải khuây riêng để liên kết mọi người. Sau những giờ luyến láy, ngân nga, thỉnh thoảng mọi người gọi chè, kem tươi, nước uống vào dùng chung hay cùng ăn sáng nếu phụ trách hát lễ I ngày Chúa nhật. Thi thoảng có người mang quà bánh sau một chuyến đi xa tới chia vui trong buổi tập hay tổ chức sinh nhật cho các thành viên. Sự sẻ chia thật đơn sơ nhưng thân tình, ấm áp.
Ngoài ra, nhờ tham gia hát ở nhà thờ mà không ít cặp đôi đã nên duyên từ đây. Như ông Phạm Văn Chương – trưởng ca đoàn Hiền Mẫu giáo xứ Bắc Hà (quận 10) và vợ (hiện cũng là ca viên giới Hiền Mẫu) quen biết nhau khi còn hát tại xứ Tân Sa Châu (quận Tân Bình). Qua mấy mươi năm, giờ hai ông bà vẫn đèo nhau tới tập dợt vào hai buổi tối hằng tuần. Không chỉ vợ chồng cùng cầm “mic”, có cả trường hợp ông bà và cháu “đầu quân” chung một “đơn vị”. Điển hình là ca đoàn Cecilia Lộc Hưng còn được ví von với nickname “Ô Bê Xê” (OBC) do nơi đây quy tụ khá đông ba thế hệ trong một gia đình. Do vậy, khi thấy đám trẻ vắng lễ sáng cuối tuần, ông ca trưởng rất dễ “hỏi thăm” bởi các bậc phụ huynh sờ sờ ngay đó.

Ca đoàn Đắc Lộ Mactynho là nơi quy tụ các anh em đến từ nhiều xứ khác nhau

Mỗi ca đoàn đều có những thuận lợi và trở ngại khác nhau. Nếu thiếu nhi, giới trẻ nhanh nhớ, nhanh tiếp thu nhưng thường lo ra, đùa giỡn thì ngược lại, những người luống tuổi dễ quên giai điệu, nhịp điệu, cung bậc và tiết tấu của một bài hát, dù rất nghiêm túc, tập trung… Ông Chương khề khà: “Bữa trước tập ngon lành rồi ha, bữa sau vô gần như lúc nào cũng thành ‘bè rối’, phải nhẩm một lúc mới nhớ lại”. Đôi lúc còn là chuyện dở khóc dở cười với những ca viên sôlô. Được chọn hát phiên khúc, ai cũng đồng cảm giác sung sướng, hãnh diện. Song vì căng thẳng, hồi hộp mà khi đứng trên bục, có người bỗng tái mét, vã mồ hôi rồi trật nhịp, giọng run lập bập dù lúc tập rất trơn tru, tốt đẹp.
Ngẫm nghĩ, nhìn lại năm tháng đi hát, những “giai thoại” trên cứ hiển hiện trong tâm trí mỗi người và mỗi ngày lại có thêm các mẩu vui cười, niềm hạnh phúc mới. Một số ca đoàn nhớ mãi niềm vinh dự lúc được “đặt hàng” hát cho các dịp tĩnh tâm, đại hội, hội thảo, hội nghị… của TGP TPHCM, hay giao lưu thánh ca Giáng sinh giữa các giáo xứ. Vào những dịp như thế, mọi người đều nôn nao và chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi trình diễn. Có nhóm còn mang theo vĩ cầm, ghita, đàn tranh… phô diễn nét đặc sắc, độc đáo của ca đoàn mình.
Sau khoảng thời gian dài sinh hoạt, tình cảm và sự gắn bó giữa mọi người ngày càng thêm sâu đậm, thân thiết. Và như một thông lệ, khi một thành viên trong ca đoàn lên xe hoa hay con cháu của họ lập gia thất thì anh em sẽ nhiệt tình hát lễ hôn phối. Trường hợp lễ tang cũng vậy, mọi người tham gia trọn tình vẹn nghĩa. Ngoài ra còn là tinh thần liên đới khi viếng thăm, giúp đỡ khi các thành viên hoặc thân nhân đau ốm, gặp khó khăn.
Ca đoàn không chỉ gắn kết trong lời ca tiếng hát mà còn với cả vui buồn trong cuộc sống của các ca viên.

PHÚ KHANG

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc