Với tỷ lệ ủng hộ là 88% ngài hẳn phải đang làm đúng.
Giáo hoàng Phanxicô có một tỷ lệ ủng hộ mà mọi lãnh đạo đều phải ghen tỵ: 88% người Công giáo Mỹ nghĩ ngài đang làm tốt, và gần 3/4 người Mỹ mến mộ ngài. Ngài đang làm đúng điều gì?
Để trả lời câu hỏi này, tác giả viết về kinh doanh Jeffrey A. Krames đã xem xét các tiếp cận của ngài dưới cái nhìn của một lãnh đạo, và câu trả lời cuối cùng chính là: Dẫn dắt với lòng khiêm nhượng. 12 Bài học Lãnh đạo từ giáo hoàng Phanxicô: Dù không phải là một người Công giáo, Krames đã được thôi thúc viết về giáo hoàng bởi ông là con của một người sống sót sau thảm họa diệt chủng thời Đức quốc xã. Ông giải thích rằng, ‘Khi gặp giáo hoàng Phanxicô, tôi nghĩ ngài là một người chống Hitler.’
Sau đây là một vài việc làm đã khiến giáo hoàng Phanxicô có tầm ảnh hưởng lớn đến thế, và cũng là bài học cho bất kỳ lãnh đạo kinh doanh nào:
1. Vươn đến những người không phải là khách hàng của mình.
Peter Drucker đã có câu nói nổi tiếng rằng tất cả mọi tổ chức đều có lượng người không phải khách hàng nhiều hơn lượng khách hàng, và bạn có thể biết được nhiều điều từ những người không mua hàng của bạn hơn là những người mua chúng. Với 1,2 tỷ giáo dân, Giáo hội Công giáo có một căn cơ khách hàng khổng lồ, nhưng Phanxicô cũng vươn ra với những người không Công giáo nữa, ví dụ như việc ngài tuyên bố rằng Thiên Chúa cứu độ tất cả chúng ta, chứ không chỉ người Công giáo mà thôi.
Krames nhận định, ‘Chủ trương lãnh đạo đơn giản này có lẽ là cách tốt nhất để mở rộng thị trường.’
2. Chấp nhận mạo hiểm
Khi Phanxicô còn trẻ, ngài đã lâm bạo bệnh, và một nữ tu chăm sóc cho ngài, đã không làm theo hướng dẫn của bác sỹ, mà tăng gấp 3 liều lượng kháng sinh, bởi từ kinh nghiệm của mình, bà biết nếu không dùng liều lượng như vậy thì hẳn ngài sẽ chết. ‘Ngài dùng đó như một ví dụ cho việc sống giữa lằn ranh,’ Krames cho biết.
Ông thêm vào rằng, bạn không thể là một lãnh đạo có ảnh hưởng nếu lúc nào bạn cũng dè dặt. ‘Sống giữa lằn ranh, là chuyện mà giáo hoàng phải làm mỗi ngày.’
3. Tái tạo tổ chức của bạn
‘Đừng thay đổi, hãy tái tạo!’ Đó là lời khuyên của Krames. ‘Giáo hoàng Phanxicô là một người cải cách không e ngại. Ngài chạm đến tất cả mọi phái của Giáo hội Công giáo để nhằm tạo nên một giáo hội gồm tóm hơn.’
Các lãnh đạo xuất chúng nhất cũng làm như thế. ‘Họ không sợ thay đổi, họ biết rằng thay đổi đôi chút là không đủ. Họ tái tạo tổ chức của mình trong một thị trường toàn cầu luôn luôn thay đổi.’
4. Kiên nhẫn
Dù việc tái tạo là điều tiên quyết, nhưng ‘Những thay đổi thực sự không xảy đến trong vài tuần hay vài tháng, nhưng phải mất vài năm.’ Qua cách ước định thời gian, Phanxicô đã thể hiện rằng ngài hiểu điều này. ‘Ví dụ như, sau gần một một năm trên ngai, ngài mới đưa ra nhận định rằng những người li dị và tái hôn có thể được lãnh nhận Mình Thánh Chúa.’ Ngài biết một thay đổi tư tưởng lớn đến thế chỉ có thể có được sau một thời gian dài, Krames nhận định.
5. Xắn tay làm việc
‘Phanxicô ghét bất kỳ thành phần giáo sỹ nào ngồi trong văn phòng và ra lệnh bằng giấy tờ.’ Khi còn là giám mục Buenos Aires, hồng y Jorge Mario Bergoglio, ăn mặc như một linh mục bình thường và ban đêm đi ra ngoài để nói chuyện với dân mình. ‘Khi trở thành giáo hoàng, ngài từng bảo với một tổng giám mục rằng, ‘Tôi không thể làm thế được nữa, nên cha hãy làm việc đó cho tôi.’ Ngài không muốn một giáo hội mới cóng nguyên hộp, nhưng là một giáo hội đi ra mọi ngả đường, tìm kiếm và giúp đỡ người ta.’ Tương tự như vậy là việc Phanxicô chọn không dọn đến ở căn hộ giáo hoàng nhưng vẫn tiếp tục sống trong nhà khách Vatican, ‘để được sống trong một cộng đoàn với những người khác’.
Và các lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất trong kinh doanh cũng là những người liên hệ với các thành viên của mình hết sức có thể. Tính đại diện là một phần thiết yếu trong vai trò lãnh đạo, nhưng đừng bỏ qua mọi liên hệ với các nhân viên cấp thấp hơn hay các khách hàng. Nếu không, bạn sẽ thấy mình bị cô lập và không có quan hệ.
6. Lắng nghe tiếng nói từ mọi phía.
Thật quá dễ cho các lãnh đạo kinh doanh khi họ muốn có quanh mình những cố vấn cùng tư tưởng, và cứ giữ mãi như vậy. Trong khi việc này có lẽ là tiện lợi và thoải mái, thì nó có xu hướng làm tăng thêm tính cố hữu, một chuyện chẳng tốt chút nào cho các tổ chức.
‘Giáo hoàng đã tránh không làm một hoang đảo bằng cách lập nên nhóm C9.’ Đó là một nhóm các hồng y cố vấn đến từ châu Mỹ, châu Phi, châu Á, châu Úc, châu , và một viên chức Vatican. ‘Với tôi, đó chính là ban giám đốc của ngài. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, và họ tham vấn để giúp ngài ra quyết định. Ngài muốn tiếp cận với ý kiến của mọi người.’
7. Mục tiêu của tổ chức phải cao hơn mục tiêu của bạn.
‘Các giá trị giúp cho người ta vươn đến đỉnh cao của tổ chức thường không hợp mấy với tính khiêm nhượng. Chúng đầy tự tin và bạo dạn, nhưng giáo hoàng Phanxicô lại không tán đồng điều này.’ Về lâu dài, việc đặt mục tiêu của tổ chức lên trên ý muốn của mình, sẽ xây dựng một tổ chức mạnh mẽ hơn và với tư cách là lãnh đạo, bạn sẽ được hưởng lợi.
Krames nói rằng, đó chính là những gì Bergoglio đã làm hồi năm 2005, khi ngài là ứng viên duy nhất đủ mạnh để tranh cử với Joseph Ratzinger cho ngai giáo hoàng. Sau nhiều vòng bỏ phiếu, Bergoglio đã thuyết phục những người ủng hộ mình hãy bầu cho Ratzinger, thay vì cứ đấu phiếu mãi. ‘Ngài thấy chuyện này là không tốt, bởi nó sẽ kéo dài mật nghị thêm nhiều ngày nữa, và ngài không nghĩ nó sẽ tốt cho giáo hội.’
8. Dẫn dắt bằng gương mẫu.
Là tổng giám mục Buenos Aires, Bergoglio đưa các linh mục đến những vùng nguy hiểm nhất trong thành phố, các khu ổ chuột, villas miserias. Ở những nơi này, chiếc cổ cồn linh mục chẳng có mấy giá trị bảo vệ, và các linh mục đã bị bắt cóc, tra tấn, và giết hại. Và giám mục Bergoglio vẫn thường đột ngột xuất hiện uống trà với các giáo dân và nâng đỡ các linh mục địa phương.
Năm 2009, khi một trong các linh mục của ngài bị dọa giết bởi đã lên tiếng chống nạn buôn thuốc phiện ở khu ổ chuột, Bergoglio đã đi xuống đường, đem mình ra làm mục tiêu và thách thức bất kỳ ai muốn trả đũa các linh mục của ngài. Và rồi, ‘Chúng không bao giờ quấy nhiễu nữa.’