Một triều giáo hoàng dưới dấu hiệu của tình “cha con”
|
Trên chuyến bay từ Mêhicô về Rôma, Đức Phanxicô thông báo huấn dụ về gia đình của Thượng Hội Đồng Gia đình sẽ được ký vào ngày 19 tháng 3, ngày lễ thánh Giuse và cũng là ngày kỷ niệm khai mạc triều giáo hoàng của ngài. Chúng ta không thể đặt triều giáo hoàng dưới tên nào hay hơn là triều giáo hoàng của gia đình. Nhưng chỉ sau lễ Phục Sinh thì huấn dụ mới được công bố.
Nhưng Đức Giáo hoàng có một ngạc nhiên ở tiệm sách: quyển sách của ngài với các trẻ em trên thế giới. Từ tháng 2, quyển sách đã được xuất bản bằng tiếng Ý nhưng ấn bản tiếng Pháp sẽ được phát hành trước lễ Phục Sinh. Ngày chúa nhật 13 tháng 3 này, kỷ niệm ba năm triều giáo hoàng của ngài với quyển sách này là một chuyện lý thú.
Tựa tiếng Ý của quyển sách là: “Tình yêu trước thế giới. Đức Giáo hoàng viết cho trẻ em,” đúng hơn là Đức Giáo hoàng trả lời thư cho trẻ em! Quyển sách cùng hợp đồng xuất bản giữa nhà xuất bản Loyola Press, Rizzoli và nhà xuất bản Librairie Editrice Vaticane.
Cuộc đối thoại của Đức Phanxicô và trẻ em làm các nhiếp ảnh gia thích thú. Nhưng vào thời Đức Gioan-Phaolô II, họ cũng thích, không một chuyến đi thăm giáo xứ ở Rôma nào mà Đức Gioan-Phaolô II không nói chuyện với trẻ con. Ở Ostie, trong chương trình một bé trai phải đón Đức Giáo hoàng. Em chấm dứt bài nói ngắn của em bằng câu: “Nếu khi nào cha cảm thấy một mình, thì cha có thể gọi cho con.” Rồi em bắt đầu cho cha số điện thoại của mình, nhưng chưa cho xong thì em đã quá xúc động. Em gieo mình vào lòng Đức Giáo hoàng. Đến lễ Giáng sinh, Đức Gioan-Phaolô II muốn có một hang đá lớn ở Quảng trường Thánh Phêrô và chưng cho đến 2 tháng 2.
Ngày 13 tháng 12-1994, trước ngày lễ Giáng sinh, trong bầu khí lễ Chúa Hài Đồng sinh ra của Năm Thánh quốc tế gia đình, Đức Gioan-Phaolô II viết cho em một bức thư. Em báo cho Đức Gioan-Phaolô II biết, em rất vui vì mẹ em sẽ sinh một em bé gái dù… mẹ em chưa làm siêu âm, nhưng rốt cục thì đúng là một em bé gái! Có em viết thư cho Đức Gioan-Phaolô II nói em mong “khi mình lớn lên, Đức Giáo hoàng sẽ phong thánh cho em!”… Trẻ con làm chúng ta vui. Và các nhiếp ảnh gia cũng đã có những bức hình đẹp của Đức Bênêđictô XVI với trẻ con.
Đức Phanxicô cũng là giáo hoàng của trẻ con. Không biết bao nhiêu lần ngài xin chúng ta đừng sợ lòng dịu dàng trìu mến. Trên đường đi của ngài, ngài liên tục ôm hôn và ban phép lành cho các em. Ngài sửa mủ cho các em muà đông, ngài đội mũ cho các em mùa hè. Ngài cho các em lớn lên ngồi xe giáo hoàng của mình. Ngài để cho em Didier ngồi trên ghế của mình, hôn thánh giá của mình. Và bây giờ là quyển sách ký tên “Jorge Mario Bergoglio-Phanxicô”. Ryan, Joao, Natasha, Emil, Yfan, Alessio…: ba mươi mốt bức sao lại bằng hình, trong ngôn ngữ, trong chữ cái, với các bức vẽ của các em. Đức Giáo hoàng trả lời, phản hồi thư các em, ngài viết rất nghiêm túc. Các em ở Trung Quốc, Âu Châu, Mỹ Châu… Và các em quay Đức Phanxicô với các câu hỏi vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta: Chúa làm gì trước khi tạo dựng thế giới? Những người mình thương mà họ chết, chuyện gì xảy ra với họ? Có thật tất cả chúng ta có một thiên thần hộ thủ không, kể cả những người ác? Đâu là điều khó nhất mà Giáo hoàng đã phải làm? Cha sẽ làm gì nếu cha có thể làm phép lạ? Ông ngoại của con không phải là người công giáo, ông có lên thiên đàng được không? Vì sao cha thích đá banh? Vì sao cha thích điệu nhảy tango? Hồi xưa cha có giúp lễ không?
Đức Phanxicô, người sinh ra vào mùa Giáng Sinh, trong huyền nhiệm Nhập Thể – 17 tháng 12-1936 – và ngài được thụ phong linh mục cũng trong Mùa Vọng – ngày 13 tháng 12-1969 -, ngài thoải mái với các em, trả lời các câu hỏi khó nhất của các em.
Ryan, Canada, 8 tuổi đặt câu hỏi khó nhất và đã là cảm hứng cho tựa: “Chúa đã làm gì trước khi tạo dựng thế giới?”. Đức Giáo hoàng đề nghị em: “Con có thể nghĩ như vậy: trước khi tạo dựng thế giới, Chúa đã yêu. Chúa luôn luôn yêu. Chúa là tình yêu.”
Joao, Bồ Đào Nha, 10 tuổi, vẽ một chiếc xe giáo hoàng và hỏi: “Cha cảm nhận gì khi cha thấy trẻ em ở Quảng trường Thánh Phêrô?” “Trên thực tế, khi cha nhìn một em bé như con, cha thấy trong lòng dâng lên một niềm hy vọng. Vì với cha, nhìn một em bé là thấy tương lai. Đúng, cha thấy rất nhiều hy vọng, vì nơi mỗi em bé, có niềm hy vọng cho tương lai nhân loại”.
“Làm sao Chúa Giêsu có thể đi trên nước?” em Natasha hỏi. Natasha ở Kenya, 8 tuổi, em ký chữ “Love” với một quả tim đỏ. Đức Giáo hoàng trả lời cho em: “Con phải tưởng tượng Chúa Giêsu đi một cách tự nhiên, một cách bình thường. Ngài không bay trên nước, cũng không bơi lộn nhào. Ngài đi như con đi, có nghĩa nước cũng là đất, đi bước này tiếp bước kia.” Và vì bức vẽ của Natasha có mấy con cá bơi dưới bước chân của Chúa Giêsu, Đức Phanxicô viết thêm: “Cha nhìn mấy con cá dưới chân Chúa Giêsu vui như hội hoặc bơi nhanh hơn. Chúa Giêsu là Chúa nên Ngài có thể làm tất cả. Ngài có thể đi trên nước một cách nhẹ nhàng. Con biết đó, Chúa không bị chìm.”
Emil, Cộng hòa Dominicain, 9 tuổi: “Các người trong gia đình con đã chết, từ thiên đàng họ có thể nhìn nhìn chúng con không?” “Con cứ nghĩ là có”, ngài trả lời và viết thêm: “Con, con không thấy họ, nhưng nếu và khi nào Chúa cho phép, họ có thể thấy chúng ta, ít nhất trong những giây phút nào đó trong cuộc đời chúng ta. Con biết đó, họ không xa chúng ta. Họ cầu nguyện cho chúng ta, họ trìu mến săn sóc chúng ta. Và đó là điều quan trọng.” Và ngài cậy đến trí tưởng tượng của mình: “Con có thể hình dung các cha mẹ đã qua đời của con: từ Trời, họ cười với con. Con đã vẽ họ bay bên cạnh cha. Nhưng họ cũng “bay” gần con và họ trìu mến đi theo con.”
Với em Luca ở Úc, 7 tuổi, em cũng hỏi về cái chết: “Mẹ con đã ở trên thiên đàng. Mẹ con có mọc cánh như thiên thần không?” “Không, không, không! Mẹ con ở trên Trời, mẹ con đẹp, xinh xắn và đầy ánh sáng. Mẹ con không mọc cánh. Đó là mẹ mà con đã biết, nhưng mẹ đẹp hơn bao giờ hết; và mẹ nhìn con, cười với con, đứa con trai của mẹ. Mỗi lần mẹ thấy con, mẹ con bằng lòng nếu con ngoan. Nếu con không khoan, mẹ vẫn thương con rất nhiều và mẹ xin Chúa Giêsu làm cho con tốt hơn. Con nghĩ đến mẹ con như thế này nhé: xinh đẹp, tươi cười và rất thương yêu con.”
Wing, Trung Quốc, 8 tuổi, em hỏi Đức Phanxicô: “Vì sao đá banh làm cho cha thích?” “Cha rất thích đá banh, Đức Phanxicô trả lời. Cha chưa bao giờ đá một trận cho đàng hoàng vì cha không học kỹ thuật đá. Cha không có đôi chân khéo léo. Nhưng cha rất thích xem các cầu thủ trên sân banh. Con biết vì sao không? Vì cha thấy đây là một môn chơi đồng đội với tình đoàn kết. Nếu một cầu thủ nào muốn đá một mình thì anh sẽ thua và anh cũng không được các bạn cùng ê-kíp yêu mến. Khi đá banh mình phải đá chung, khi mình chơi một trò chơi với nhóm, thì mình phải tìm lợi ích chung cho cả nhóm, đừng nghĩ đến lợi riêng của mình hay đặt mình lên phía trước. Và đó cũng là những gì mình phải làm trong Giáo hội.”
William, Mỹ, 7 tuổi, hỏi nếu ngài làm được phép lạ thì phép lạ nào ngài sẽ làm. Đức Phanxicô trả lời: “Cha sẽ chữa lành cho các em bị bệnh. Cha cũng chưa hiểu vì sao các em lại bị đau. Theo cha, đó là một huyền ẩn (…). Cha cầu nguyện với câu hỏi này: vì sao trẻ con đau? Chính tâm hồn của cha đặt câu hỏi này. Chúa Giêsu đã khóc và khi ngài khóc, ngài hiểu các thảm kịch của chúng ta. Cha tìm cách để hiểu.”
Và có những em đã làm tâm hồn Đức Phanxicô xúc động sâu xa như em Clara ở Ai-Len, 11 tuổi: “Cha có cảm thấy mình như người cha của tất cả mọi người không?” Đức Phanxicô trả lời: “Mọi linh mục đều muốn cảm thấy mình là cha! Tình cha con thiêng liêng là quan trọng. Cha cảm nhận tình này rất mạnh: cha sẽ không phải là cha nếu cha không cảm nhận tình phụ tử này. Cha luôn nghĩ mình trong cương vị người cha, cha không nghĩ khác đi được. Và cha rất thích bức vẽ của con, một quả tim lớn trong đó có người cha và hai cô con gái: và cô gái cầm con gấu bông là con đúng không? Đúng, Clara, cha thích được là một người cha.”
Chính là để cho trẻ con mà Đức Phanxicô nghĩ trong Thông điệp “Chúc tụng Chúa”: “Hành tinh không phải là một ‘di sản” mà chúng ta để lại cho con cái mình, đó là “món nợ” mà mình mượn của trẻ con!”
Chính trong cương vị người cha mà ngài phản ứng với nạn ấu dâm, ngài tố cáo đây là “lễ vật của quỷ”, một hành vi đi ngược với tình cha con.
Lợi nhuận của quyển sách sẽ được đưa vào quỹ từ thiện do Đức ông Konrad Krajewski phụ trách. Đức ông là Giám đốc cơ quan từ thiện của Tòa Thánh, cơ quan có Bệnh xá Thánh Mácta “Trẻ em của giáo hoàng”, nơi có hơn 500 trẻ em gặp khó khăn được nhận sự giúp đỡ.
Nếu Đức Phanxicô khai mạc triều giáo hoàng của mình vào ngày lễ Thánh Giuse 19 tháng 3-2013 thì đây đúng là tiêu biểu của một tình phụ tử thiêng liêng: Thiên Chúa, Chúa Cha đã giao Con mình cho thánh Giuse, để thánh Giuse trở thành người cha. Và trên bàn giấy của Đức Phanxicô có bức tượng thánh Giuse nằm ngủ. Vì trong khi thánh Giuse nằm ngủ mà Thiên Chúa đến nói với ngài và chỉ dẫn thiên hướng cho ngài. Và giáo hoàng “chiêm niệm trong hành động” biết rằng khi ngủ là phó mình cho Chúa, nghe lời Chúa trong tinh thần dễ bảo của đời sống thiêng liêng.
Nhưng cũng phải nhớ trong tình phụ tử này, một tình phụ tử dám bày tỏ cho những người nhỏ bé tình âu yếm của Chúa Cha, Chúa Giêsu và Thần Khí, là sự uyển chuyển của một dạng tình mẫu tử, như ngài thường xin các linh mục hãy cho mọi người biết “tình mẫu tử của Giáo hội”. Quyển sách nhỏ xinh đẹp với các bức vẽ màu sắc của các em cho thấy đến độ nào, Đức Phanxicô đã thực hiện hình ảnh dịu dàng âu yếm của một Giáo hội-Mẹ. Và đây là quyển sách ý nghĩa cho kỷ niệm sinh nhật ba năm giáo triều của Đức Phanxicô.
Cuối cùng, thể hiện tình phụ tử của hàng giáo sĩ là chìa khóa cho cuộc cải cách khổng lồ mà Đức Phanxicô đang đưa ra thực hiện, với các chuyến đi mệt lử trên độ cao hai ngàn mét vĩ tuyến, trên hơn hai mươi ngàn cây số, với bao là tài liệu, với khả năng gặp gỡ, khả năng đối thoại không biên giới của ngài.
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 13.03.2016/
zenit.org, Anita Bourdin, 2016-03-11)