Ăn chay
Nói đến ăn chay là nói tới việc giảm thiểu một lượng thức ăn, không ăn một vài loại thực phẩm trong một thời gian theo luật, có khi để chữa bệnh nên cần kiêng cữ. Ở đây ăn chay là nhu cầu cần thiết vì sức khỏe. Từ kinh nghiệm ăn chay bảo vệ sức khẻo mà nhà bác học Albert Einstein đã quả quyết: “Không gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay.”
Như vậy dù ăn chay vì lý do tôn giáo, sức khỏe hay sắc đẹp thì cũng không mấy khó khăn, vì đã có mục đích. Ăn chay vì tôn giáo là do lòng đạo đức, ăn chay để khỏe để đẹp là vì bản thân. Những năm gần đây y học đã kiểm chứng lợi ích của việc ăn chay, nên có những ca bệnh nặng các bác sĩ đã khuyên bệnh nhân áp dụng phương pháp ăn chay để trị bệnh cho hiệu quả. Nhà văn và tu sĩ Charles Kingley đã viết: “Tôi mới khám phá được rằng một người uống nước và ăn chay nghiêm ngặt có thể đạt được một số tính chất vĩ đại của sự thông suốt siêu phàm, biện tài vô ngại và nhạy cảm”.
Giữ chay
Khác với ăn chay hình thức bên ngoài, giữ chay lại đi vào cõi thâm sâu của tâm hồn vì nó đòi hỏi tính tự nguyện, tự giác không hệ tại ở bất cứ sự ràng buộc nào của luật lệ hay thể lý. Khi một người ‘giữ chay’ với quyết tâm, giữ cho lòng khỏi những bám víu vào hư vinh, tiền bạc, địa vị, dục vọng… Giữ chay tâm, chay miệng khó hơn cả vì nó chạm vào yếu tính con người. Giữ chay miệng lưỡi để đừng thốt ra một lời hiểm ác nhằm gây chia rẽ – một câu trả đũa, công kích đối phương; giữ chay tư tưởng để không có ý nghĩ xét đoán – qui án, chụp mũ người bên cạnh; giữ chay đôi mắt để không nhìn tha nhân với ánh mắt hận thù, ghanh ghét; giữ chay lòng để xây dựng tình bác ái, đoàn kết giá trị biết bao “Vì Nước Thiên Chúa không phải là việc ăn, việc uống: nhưng là công chính, bình an, và hoan lạc trong Thánh thần” (Rm 14,17).
Như đã trình bày ăn chay dễ hơn ‘giữ chay’, liệu ăn chay còn cần nữa không?
Khi nhắc lại câu hỏi này, giúp mỗi người minh định sâu hơn ý nghĩa của việc ăn chay. Kiêng ăn thịt để làm chủ thân xác hay để tập một nhân đức như hãm dẹp đòi hỏi ăn uống thật không dễ dàng vì như Đức Phật nói “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”.
Hơn nữa, qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa, vì chính lúc không sử dụng lương thực Chúa ban, thấy mình suy yếu rõ rệt, con người chân nhận được tính bấp bênh giòn mỏng của mình để tin tưởng phó thác cho sự quan phòng yêu thương của Chúa.
Còn xét về khía cạnh đạo đức, việc ăn chay trở nên có giá trị không cốt ở đồ ăn thức uống mà bởi thái độ tin kính Thiên Chúa. Tất nhiên, mỗi người có thể trạng và nhu cầu khác nhau trong ăn uống. Có người từ nhỏ đã không ăn được thịt, bố mẹ đã ra công tập, thậm chí ép ăn nhưng người ấy vẫn không ăn được thịt. Do đó, để tránh có cái nhìn thiên kiến, thiếu đức ái, thánh Phaolô đã dạy: “Còn người yếu đức tin, anh em hãy chấp thuận, đừng phê phán quan điểm. Có người tin là ăn được mọi sự, còn kẻ yếu thì đành ăn rau. Người ăn đừng khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn đừng xét đoán người ăn, vì chưng Thiên Chúa đã chấp nhận nó.” (Rm 14,1-3).
Mùa Chay đang dần trôi qua, mong ước cho mọi kitô hữu hiểu được giá trị của việc giữ chay để không chỉ nỗ lực giữ chay theo luật mà còn có gắng giữ chay vì lòng yêu mến Chúa. Nhờ đó, các tín hữu được lớn lên nhiều hơn trong tương quan sâu sắc với Chúa và tha nhân để Mùa Chay thánh thực sự trở nên mùa hồng ân cho mọi tín hữu, qua đó ân sủng Chúa cũng đến được với mọi người.
Nt. Scholastica
Nguồn tin: GP Bùi Chu