Hãy sám hối
(Lc 13, 1-9)
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.
2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?8 Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
- Tai họa
Hằng ngày khi đọc báo hay xem thời sự qua máy truyền hình, điều thu hút chúng ta nhất, hẳn là những tai họa: tai họa con người gây ra cho con người (cướp của, giết người, hãm hại…), tai họa do tai nạn hay thiên tai (tai nạn lao động, tai nạn giao thông, lũ lụt…). Và vào thời của Đức Giê-su, cũng có những chuyện thời sự tương tự:
Những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.
Mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết!
(c. 1 và 4)
Khi được thông tin về những tai họa như thế, chúng ta thường hướng về người khác: phê phán và đôi khi lên án những người gây ra tai họa; và đồng thời thương cảm những người bị nạn và có nhiều lúc bày tỏ tình liên đới với họ nữa. Những phản ứng như thế là bình thường và đúng đắn nữa. Vào thời của Đức Giê-su, người ta còn coi những người bị nạn, là những người tội lỗi bị Trời phạt:
Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?
(c. 2)
Trong một hoàn cảnh khác, khi thấy một người mù bẩm sinh, các môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Kết nối tai họa với tội lỗi, nghĩa là coi tai họa như hình phạt đối với người có tội, tuy không còn được phát biểu một cách công khai, nhưng vẫn còn tồn tại trong thâm tâm của nhiều người, và có khi của chính chúng ta nữa.
- “Nếu các ông không sám hối”
Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su mời gọi “những người đọc hay xem thời sự” thời xưa cũng như thời nay hướng về chính bản thân mình:
Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.
(c. 3)
Nếu không sám hối, chính chúng ta cũng tự rước tai họa vào mình, hay gây tai họa cho người khác. Không phải vì Thiên Chúa đánh phạt, nhưng những hành vi xấu tự nó có những hệ quả tai hại, mà không cần ai xử phạt. Và như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm hay chứng kiến, một cuộc sống bị sữ dữ chi phối hay làm chủ, tự nó là một tai họa cho mình và cho người khác.
- Dụ ngôn Cây Vả
“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Lời cảnh báo của Đức Giê-su thật mạnh mẽ và đáng sợ. Tuy nhiên, dụ ngôn về “cây vả trong vườn nho” mà Người kể ngay sau đó, lại làm cho chúng ta bình an hơn. Thật vậy, trong dụ ngôn, ông chủ vườn tỏ ra đòi hỏi và mất kiên nhẫn đối với cây vả chậm ra hoa ra trái:
Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?
(c. 7)
Nhưng bên cạnh ông, lại có “Người Làm Vườn” lạ lùng; người này lại tỏ ra kiên nhẫn và bày tỏ lòng thương cảm đối với cây vả, vì thế đã tìm cách bảo vệ nó:
Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.
(c. 8-9)
Chúng ta có thể tự hỏi, trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, “Người Làm Vườn” trong dụ ngôn của Đức Giê-su, muốn nói về là ai vậy?
* * *
Thánh Phao-lô, trong thư gởi tín hữu Roma, sẽ cho chúng ta biết « Người Làm Vườn » kia là ai :
Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình.
(Rm 8, 3)
Đức Ki-tô chính là « Người Làm Vườn » ; và Người không chỉ kiên nhẫn, thương cảm và bảo vệ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, nhưng Người con tình nguyện chịu chết vì chúng ta. Chính vì thế, « giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8, 1).
Vậy mỗi ngày, chúng ta được mời gọi mở lòng và mở cuộc đời của chúng ta ra, để đón nhận Lời và Sự Sống của Người, để chính Người là Hạt Giống bất diệt sinh hoa kết quả gấp trăm trong đời sống của chúng ta, hôm nay và mãi mãi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc