Với Bắc Triều Tiên dẫn đầu và chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo phát triển nhanh chóng, năm 2015 được kể là “năm tệ hại nhất trong lịch sử hiện đại về việc bách hại Kitô hữu”. Iraq được xếp thứ hai trên Danh Sách Quan Sát Thế Giới Năm 2016 của Open Doors gồm 50 nước nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các Kitô hữu.
Danh sách trên, được công bố thứ Tư vừa qua, cho biết: nếu xét tới 35 quốc gia nơi chủ nghĩa quá khích đã phát triển đến độ “gần như thanh trừng sắc tộc”, thì Iraq dẫn đầu.
Tổ chức Open Doors đã tập chú vào các Kitô hữu bị bách hại từ năm 1955. Trên bản đồ của họ, 10 quốc gia được ghi mầu đỏ cho thấy các Kitô hữu bị bách hại tồi tệ hơn hết. Trong số này, có các quốc gia:
• Bắc Triều Tiên, đứng đầu danh sách liên tiếp 14 năm qua
• Iraq
• Eritrea, dẫn đầu các nước Phi Châu ở Hạ Sahara
• Afghanistan
• Pakistan
• Somalia
• Libya, xuất hiện lần đầu trên danh sách.
Saudi Arabia, nước vừa xử tử một giáo sĩ Shiite và nhiều bloggers bị xử phạt đánh đòn vì đã đề nghị thay đổi các thực hành của Hồi Giáo, đứng hàng 14.
Theo Chủ Tịch Open Doors, David Curry, hơn 7,100 Kitô hữu đã bị giết vì các lý do liên hệ tới đức tin tại Saudi Arabia, và 2,400 nhà thờ đã bị phá hủy hay làm cho hư hại.
Trong buổi họp báo công bố phúc trình, Ông Curry nói tới việc sát nhân, đầy ải biệt xứ, khủng bố, giam cầm, và tiêu diệt các Kitô hữu. Ông cho hay nhóm đấu tranh Boko Haram là lực lượng gây tai họa đứng phía sau việc bách hại tại 4 nước Phi Châu.
Ông nói: “Trình độ loại trừ, kỳ thị và bạo lực chống các Kitô hữu là chưa từng có, rất phổ biến và càng ngày càng tăng cường độ”.
Theo ông, ta cần phải vạch trần việc bách hại này, không những vì các nạn nhân mà còn để nhận ra các đe dọa ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh hoàn cầu. “Việc bách hại các Kitô hữu là định mức hàng đầu cho thấy lúc các quốc gia bắt đầu rơi vào hỗn loạn”.
David Saperstein, đại sứ đặc nhiệm về tự do tôn giáo quốc tế, cho biết thêm “Tại rất nhiều quốc gia, rất nhiều người đang phải chịu nhiều hạn chế hết sức nản lòng, rất đáng ngại” trong việc sống và thực hành tôn giáo của họ, ấy thế nhưng họ vẫn “không chịu từ bỏ đức tin hay Thiên Chúa của họ”.
Ông cho biết thêm “Mọi người trong các con số của phúc trình này đều là những con người nhân bản”. Bên cạnh ông trong buổi họp báo là Gladys Juma có chồng bị thảm sát tại Kenya.
Juma chi tiết thuật lại cái đêm xé lòng đi tìm chồng là Benjamin, người cùng đi với vị mục sư để “chia sẻ lời Chúa Kitô” tại một khu vực Hồi Giáo gần đó.
Mấy giờ sau khi hai người trên mất tích, Gladys Juma tới một bệnh viện gầy đấy. Tại đây, bà được chứng kiến chiếc bị bằng đay đựng các phần thân thể bị chặt và thiêu, và một chiếc đầu lâu bị đánh bể. Không ai có thể cho biết đó là ai. Mấy giờ sau, bà được biết các nạn nhân không thể nhận diện đó đúng là chồng và vị mục sư của bà.
Juma nói rằng “việc trên khiến chúng tôi rất bàng hoàng. Tại Mombasa, chúng tôi hưởng được sự khoan dung tôn giáo trong nhiều năm, nhưng rồi bỗng nhiên tình hình lật ngược không hề báo trước. Chúng tôi vẫn còn đang cần được chữa lành”.
Đối với bà và 4 đứa con của bà, việc chữa lành trên dựa vào sự tha thứ, tín thác vào Thiên Chúa nhưng theo bà, cũng cần Hoa Kỳ phải hành động “để bảo đảm việc người ta phải tôn trọng đức tin của người khác”.
Vũ Văn An