Lm Robert Stackpole (*), giám đốc Viện Lòng Chúa Thương Xót Gioan-Phaolô II, nhận được lá thư của ông Miller với câu hỏi về ý nghĩa của những gì chúng ta dâng lên Thiên Chúa qua Chuỗi LCTX.
Ông Miller viết: “Làm sao chúng ta có thể dâng những gì không là của chúng ta? ‘Lạy Chúa Cha hằng hữu, con xin dâng Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Con Rất Yêu Dấu, là Đức Giêsu Kitô…’. Nhưng những điều này thuộc về Chúa Giêsu, không thuộc về chúng ta. Vậy làm sao chúng ta dâng?”
Lm Robert Stackpole nói: “Đây là một câu hỏi rất hay và sâu sắc. Tôi nghĩ nên chia làm 3 phần”.
1) Theo ý nghĩa nào đó, Ngài thuộc về chúng ta, để chúng ta thuộc về Ngài. Tân ước nói rằng mối quan hệ của Chúa Giêsu với các môn đệ thân thiết đến nỗi chúng ta trở thành Nhiệm Thể của Ngài ngay trên thế gian này, và Ngài làm cho chúng ta được đầy tràn Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 12). Như vậy, khi chúng ta dâng Chúa Con lên Chúa Cha qua Chuỗi LCTX, chúng ta cũng dâng chính chúng ta cùng với Chúa Con. Ngài dâng chúng ta cùng với Ngài. Về tâm linh, chúng ta được “mắc lưới” để không tách rời khỏi Ngài (dĩ nhiên không được cứu độ khi tội trọng chưa được ăn năn).
2) Tân ước cũng cho chúng ta biết rằng mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa thân thiết đến nỗi trở thành mối quan hệ của tình yêu phu thê: Chúa Kitô là Tân Lang, và Giáo hội là Tân Nương của Ngài (x. Ep 5, 25-32). Trong bất cứ mối quan hệ phu thê nào thì vợ chồng cũng đều thuộc về nhau, theo ý nghĩa nào đó, và hai người trở nên “một xác thịt” (St 2, 24).
3) Theo ý nghĩa nào đó, chúng ta có thể dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha cũng được trân trọng trong truyền thống phụng vụ Công giáo, và thể hiện trong Thánh lễ hàng ngày. Hãy nhìn vào Kinh nguyện Thánh Thể I trong sách lễ Rôma: “Lạy Thiên Chúa vinh quang và uy nghi, chúng con dâng lên Chúa hy lễ thánh thiện và hoàn hảo này là Bánh Hằng Sống và Chén Cứu Độ”. Như vậy, chúng ta dâng những gì vừa được thánh hóa, lúc này không còn là bánh và rượu nữa, mà là Bánh Hằng Sống và Chén Cứu Độ. Nói cách khác, đó là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô.
Hoặc nhìn vào Kinh nguyện Thánh Thể IV: “Chúng con dâng Mình và Máu Chúa, hy lễ được chấp nhận và đem lại Ơn Cứu Độ cho cả thế giới. Lạy Chúa, xin đoái nhìn hy lễ mà Ngài đã trao ban cho Giáo hội, và quy tụ những người chia sẻ cùng một tấm bánh và một chén này nên một Nhiệm Thể Chúa Kitô, là hy lễ ngợi khen sống động”. Ở đây nhắc đến “hy lễ được chấp nhận” là lời ám chỉ tới Mk 1, 11: “Hỡi dân cư ở Sa-phia trần truồng, nhục nhã, hãy đi tới… Dân cư ở Xa-a-nan không dám ra khỏi thành; cảnh tang tóc tại Bết Ha Ê-xen khiến các ngươi không thể ở lại đó nữa”, điều mà các Giáo phụ đã coi là lời tiên tri về Bí tích Thánh Thể – Của Lễ tinh tuyền dâng lên Chúa, Hy Lễ được dâng hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới, như Thiên Chúa nói: “Từ khi mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn, Danh Ta vĩ đại ở các quốc gia, Của Lễ tinh tuyền và hương trầm được dâng kính Danh Ta ở mọi nơi”.
Đây chắc chắn là một Mầu nhiệm vĩ đại và sâu xa: Chúng ta dâng Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể, và Ngài dâng tất cả chúng ta. Chúng ta dâng chính chúng ta cùng kết hiệp với Ngài, và Ngài dâng tất cả chúng ta kết hiệp với chính Ngài. Nhưng tôi nghĩ đó là ngụ ý của Kinh thánh, và được trở thành minh nhiên trong truyền thống phụng vụ của Giáo hội, theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể hiểu hết một Mầu nhiệm Thánh như vậy, nhưng chúng ta có thể hiểu bằng một số cách tạo nên ý nghĩa, chúng ta có thể tin điều đó qua chứng cớ của Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng Kinh thánh, và đã hình thành truyền thống phụng vụ của Nhiệm Thể Chúa Kitô qua các thời đại.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ TheDivineMercy.org)
(*) Lm Robert viết cuốn “LCTX: Hướng dẫn từ Sáng thế tới ĐGH Bênêđictô XIV” (NXB Marian Press). Nếu thắc mắc gì, bạn có thể hỏi ngài qua email:questions@thedivinemercy.org.