MÙA THƯỜNG NIÊN
TUẦN I THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 1,14-20
“Thời kỳ đã mãn,
và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
(Mc 1,15)
1. Bài Tin Mừng này gồm 2 đoạn:
a. Đoạn một: Tóm lược nội dung lời rao giảng của Chúa Giêsu: Ngài nói “Nước Thiên Chúa đã đến gần”(Mc 1,15); Ngài cho biết điều kiện để được vào Nước ấy là “Hãysám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15).
b. Đoạn 2: Ơn gọi của những môn đệ đầu tiên.
2. Sứ điệp Chúa muốn rao giảng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Vâng, đó là sứ điệp của Chúa Giêsu. Nước Trời hay Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng không phải là cuộc cách mạng chính trị như phần lớn người Do Thái bấy giờ nghĩ đến, nhưng đó là sự ngự trị của Ngài trong đời sống của những ai tin nhận Ngài. Sứ điệp của Chúa nhằm kêu gọi mọi người ăn năn, đặt niềm tin nơi Ngài, vàbước đi theo Ngài.
Sứ điệp ấy ngày nay vẫn còn phải được tiếp tục rao truyền cho mỗi người chúng ta, cho đến khi chúng ta để cho Ngài chiếm hữu trọn vẹn mọi khía cạnh của đời sống, hầu chúng ta có thể thấy, có thể cảm nghiệm được Nước Trời ngay trên trần thế này.
Để cho Ngài chiếm hữu trọn vẹn mọi khía cạnh của đời sống điều đó không phải dễ.
Có hai người giáo dân đứng ngoài chợ nói chuyện với nhau:
– Anh nghĩ xem, chúng ta có cần tiếp tay với cha xứ để lo việc họ đạo không? Người thứ nhất hỏi.
– Tôi cũng thường nghĩ đến điều đó. Nhưng khi tôi thấy chung quanh cha chỉ có một nhóm nhỏ những người thân tín thì tôi không muốn gia nhập nhóm nhỏ ấy nữa.
Một người thứ ba từ nãy đến giờ đứng bên cạnh đã nghe được câu chuyện giữa hai người, anh chen vào:
– Đúng thế, chung quanh cha xứ chỉ có một nhóm nhỏ thôi. Nhưng các anh có biết tại sao không?
– Tại sao? Tại sao? Xin cho chúng tôi biết với.
– Hồi cha mới đến xứ đạo, cha đã kêu mời mọi người cộng tác. Nhưng sau đó chỉ có một ít người đáp lời thôi. Đó là những người biết nói “VÂNG”. (Góp nhặt)
Để Ngài chiếm hữu trọn vẹn mọi khía cạnh của đời sống và làm cho chúng ta cảm nghiệm được Nước Trời đang hiện diện ngay trên trần thế này, chúng ta cũng phải biết nói tiếng “Vâng” như Mẹ Maria.
3. Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên trong những tình huống khác nhau. Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy ơn gọi xem ra thậtbất ngờ.
Marcô cho thấy họ đang sinh hoạt bình thường (thả lưới), bỗng Chúa đến bất ngờ và gọi các ông, và điều làm cho ta ngạc nhiên là phản ứng của họ: Họ cũng theo Chúa một cách mau mắn, cũng là một bất ngờ không kém: “Họ liền bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18). Nghe kêu là đi liền, làm như hai bên đã hẹn hò với nhau trước. Đối với loài người thì thật là bất ngờ, nhưng đối với Thiên Chúa thì không, và người ta gọi đó là việc Chúa quan phòng.
* Cái bất ngờ thứ hai là Thiên Chúa thường chọn những con người mà người đời cho là không mấy hứa hẹn hay không còn hy vọng gì (Abraham già nua tuổi tác), không mấy khả năng (những môn đệ đầu tiên hôm nay chỉ là những người chài lưới), không mấy tốt lành (Matthêô là người thu thuế).Hình như Thiên Chúa không theo tiêu chuẩn của loài người, chọn những người có tài có đức, có triển vọng tương lai.
Trong tập lễ nhậm chức của Đức Tổng Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn người ta đọc được bài thơ này.
Khi Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình,
Người đã chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên.
Thiên Chúa cần một người phát ngôn,
Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng. Thế là Môisen đứng lên.
Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình,
Người lại chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đavid đứng lên.
Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội
Người đã chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên.
Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế.
Người lại chọn một cô gái điếm. Đó là Maria Mađalêna.
Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình.
Người lại chọn một kẻ bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tarsô.
Thiên Chúa cần một ai đó để dân Người được quy tụ và đi đến với những người khác.
Người đã chọn ngươi. Cho dù run sợ, lẽ nào ngươi không đứng lên đáp lại lời Người.
Vâng, các môn đệ đầu tiên đã mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa lẽ nào chúng ta lại không đứng lên đáp lại lời Người.
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa,
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen
THỨ BA TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 1,21b-28
“Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền,
chứ không như các luật sĩ.” (Mc 1.22)
1. Vâng, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa bằng việc giảng dạy. Và Tin Mừng bảo, Chúa giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ. Tại sao lại có sự khác biệt như thế?
Thưa, vì khi giảng dạy, các Rabbit Do Thái phải dựa theo truyền thống cha ông chứ không dám có ý kiến riêng; còn Chúa Giêsu thì Ngài lấy chính sứ điệp của mình ra để giảng dạy. Lời của Ngài chính là cuộc sống. Ngài dạy những gì Ngài sống. Ngài dạy một cách xác tín vì Ngài đang sống như thế, chính vì vậy mà Lời dạy của Ngài có hấp lực mạnh mẽ và đầy uy quyền.
Tôi tưởng cũng nên nhắc lại ở đây một câu chuyện có thật mà tôi rất thích
Mahatma Gandhi là một vị lãnh tụ chính trị chủ trương bất bạo động, do vậy ông được mọi người dân Ấn Độ tin cậy quí mến trong mọi việc lớn nhỏ. Một hôm, có một bà mẹ dắt một bé gái đến, khẩn nài Gandhi thuyết phục con bà chừa bỏ tật xấu ăn quá nhiều kẹo. Gandhi trầm ngâm hồi lâu rồi bảo:
– Thế này nhé, tôi xin hẹn ba tuần nữa bà đưa cháu bé trở lại đây, tôi sẽ nói chuyện với cháu.
Ba tuần sau, người mẹ đưa con trở lại. Lần này Gandhi gọi bé gái đến bên cạnh và ôn tồn giải thích cho em nghe về những tai hại của thói quen ăn quá nhiều chất ngọt như kẹo bánh. Em bé gật đầu hiểu ra và hứa sẽ chừa bỏ. Bà mẹ mừng rỡ, rối rít cám ơn Gandhi, nhưng bà cũng không quên thắc mắc:
– Thưa ngài, sao ngài không bảo ngay cho cháu cũng những lời khuyên quí báu ấy cách đây ba tuần?
Gandhi khiêm tốn thú nhận:
– Cách đây 3 tuần, lúc ấy chính tôi cũng còn đang mắc phải tật xấu ăn quá nhiều đồ ngọt.
Vâng! Muốn cho lời nói có uy, nghĩa là có sức thuyết phục, thì ta phải sống trước.
Người Rôma có câu châm ngôn: Không ai có thể cho cái mình không có.
2. Ngoài việc giảng dạy như một Đấng có uy quyền chúng ta còn thấy Chúa mang trong mình một sức mạnh lạ lùng. Dân chúng khi thấy uy quyền của Chúa như vậy đã phải kinh ngạc thốt lên: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1,27).
Ngày xưa, ở Nam Mỹ có nhiều sắc tộc chưa được nghe Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giêsu. Ông bà Whittington, đã tự nguyện đến Martha Grosso, xứ Brasil để truyền bá danh Chúa cho họ. Hai ông bà đã lập được nhiều cộng đoàn ở đây. Cuộc sống đã được cải thiện cách rõ rệt. Rồi khi nghe còn có một sắc tộc khác nữa chưa biết đến Chúa. Không những chưa biết Chúa mà trái lại họ còn tin theo phù phép, đồng bóng. Hai ông bà quyết định dọn nhà đi đến đó ở.
Ông bà tự túc xây lấy nhà ở của mình và vì cả sắc tộc đều theo đồng bóng nên rất ghét ông bà. Hai ông bà phải tự túc trồng trọt và săn bắn mới đủ mà ăn.
Rồi thình lình một hôm kia, người ta thấy ông lý trưởng và ông trưởng ban pháp sư của sắc tộc cùng với một số người kéo đến nhà của hai ông bà. Họ khẩn khoản:
– Xin ông bà nói cho chúng tôi biết về Chúa của ông bà. Chúng tôi muốn biết rõ để cả làng chúng tôi tôn thờ Ngài.
Ông Whittington lấy làm lạ, vì trước đây họ coi mình như kẻ thù muốn trừ diệt, không biết vì lý do gì mà hôm nay họ mau đổi thái độ như vậy. Ông liền trình bày tình yêu và ơn cứu rỗi bởi Chúa Giêsu cho họ nghe. Nghe xong, tất cả đều quì mọp xuống xin giáo sĩ cầu nguyện cho họ tin Chúa.
Trong mấy tuần lễ tiếp theo, họ hăng hái đốn cây dựng ngay một nhà thờ để làm nơi thờ phượng Chúa.
Một lần kia, ông Whittington hỏi người trước là trưởng ban pháp sư nay đã tin Chúa:
– Tại sao các ông thình lình kéo đến để xin tin Chúa vậy?
Ông chủ bọn đồng bóng trả lời:
– Thưa ông bà, từ đời tổ phụ chúng tôi đến bây giờ. Tất cả chúng tôi đều làm pháp sư, đồng bóng và tà thuật. Chúng tôi nghe ma quỉ cho biết ông bà đến đây trừ diệt chúng nó. Chúng nó tức giận lắm và sai chúng tôi làm ma thuật để giết ông bà. Mỗi lần ma quỉ sai chúng tôi đi như vậy thì không ai thoát chết. Buổi tối nào chúng cũng sai tà thần đến giết ông bà, nhưng lần nào chúng cũng trở về và nói rằng, không làm sao vào nhà được, có hàng rào bọc kín chung quanh vườn, chỉ đi loanh quanh mãi rồi đành trở về. Lúc đó chúng tôi biết rằng, thần của ông bà lớn hơn các quỉ của chúng tôi nên chúng tôi quyết định bỏ tà thuật mà tin theo Đấng Chí Cao.
Lạy Chúa là Chúa toàn năng, mọi sự đều qui phục uy quyền Chúa và không ai có thể chống lại ý Chúa.
Xin Chúa đừng chê chúng con là gia nghiệp Chúa, xin dùng uy quyền của Chúa mà thánh hoá chúng con, để đời đời chúng con ca ngợi danh Chúa. Amen.
THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 1,29-39
“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy,
đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”
(Mc 1,35)
1. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở Hội đường (câu 21) ; giảng xong, chữa một người bị quỷ ám (cc 23-28); rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô (cc 29-32) ; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa (cc 32-34) ; Sáng sớm hôm sau, khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện (c 35), rồi lại bắt đầu một ngày mới cũng hết sức bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.Tại sao Chúa làm thế? Thưa, vì cầu nguyện là việc hết sức cần thiết.
Hôm ấy chàng sinh viên Ozanam, bước vào một nhà thờ cổ ở thủ đô Paris để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn. Đứng ở cuối nhà thờ nhìn lên, anh thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện nơi hàng ghế đầu.
Đến gần, Ozanam mới nhận ra đó chính là nhà bác học André Marie Ampère (1775-1836). Chàng sinh viên không ngừng theo dõi cử chỉ cầu nguyện của vị giáo sư vật lý và hóa học nói trên. Khi ông đứng dậy ra về, chàng liền đi theo cho tới phòng làm việc của ông. Thấy chàng thanh niên đứng trước cửa phòng dáng vẻ rụt rè, giáo sư Ampère liền cất tiếng hỏi
– Này, người bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải bài toán vật lý nào không?
Chàng sinh viên nhỏ nhẹ trả lời:
– Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin giáo sư cho phép con được hỏi một chút về vấn đề đức tin mà thôi.
Giáo sư Ampère khiêm tốn đáp lại:
– Đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp ích cho anh về điều gì, tôi sẽ lấy làm hân hạnh.
Chàng sinh viên lại hỏi:
– Thưa giáo sư, người ta có thể vừa là nhà bác học vĩ đại vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường được chăng?
Giáo sư Ampère ngỡ ngàng trước câu hỏi vừa nêu. Với cặp môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:
– Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi!
2. Tác giả cuốn “Đường Hy Vọng” viết: “Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa” (ĐHV 118).
Có lẽ chúng ta sẽ không tìm ra được mẫu gương nào, về việc liên kết giữa cầu nguyện và hoạt động hoàn hảo hơn là mẫu gương Giêsu.
Thánh sử Marcô đã cho biết: “Chiều đến, lúc mặt trời lặn, người ta dẫn đến cho Người, tất cả những bệnh nhân, những người bị quỉ ám... Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều ma quỉ”(Mc 1,32-35). Chúa rất bận rộn. Chính Chúa đã quả quyết: “Cha Ta và Ta hằng làm việc luôn”(Ga5,17).Thế nhưng, không bao giờ vì công việc mà Chúa Giêsu đã bỏ qua việc cầu nguyện.
“Từ sáng sớm tinh sương, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, ra khỏi nhà, tìm đến nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó”(Mc 1,35).
Chúa Giêsu đã thực sự hoà nhập hai việc cầu nguyện và hoạt động trong đời sống của Ngài. Với hồn tông đồ đầy nhiệt huyết này, Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh và hoạt động cho Nước Trời Chúa Cha trao phó cho Ngài.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã dành bao nhiêu thời giờ trong ngày cho việc cầu nguyện? Đời sống hạnh phúc thực sự của chúng ta ở đâu? Nhờ Lời Chúa, nhờ sự khát khao đời sống tâm linh, hay nhờ sự cuốn hút của tiền bạc và danh lợi?
Một linh mục kia muốn làm một cuộc thống kê về tình hình của xứ đạo, ngài hỏi gia đình kia một câu hỏi thường lệ:
– Các con có thường cầu nguyện chung cả gia đình không?
Ông gia trưởng trả lời:
– Thưa cha, chúng con không có thời giờ.
– Giả như con biết một đứa con sẽ bị bệnh nếu không cầu nguyện, gia đình con có cầu nguyện không?
– Ồ con đoán chúng con sẽ cầu nguyện.
– Giả sử con biết ngày nào đó khi gia đình lơ là việc cầu nguyện, một đứa con sẽ gặptai nạn. Con có cùng cầu nguyện không?
– Tất nhiên chúng con sẽ cầu nguyện.
– Giả sử mỗi ngày con quên cầu nguyện, giáo luật phạt 5 dollars. Con có dám sao lãng việc cầu nguyện không?
– Chắc chúng con sẽ cầu nguyện. Nhưng cha hỏi như thế để làm gì?
– Vấn đề của con là không có thời giờ. Con có thể tìm được thời giờ. Con không nghĩ cầu nguyện chung gia đình là quan trọng như nộp phạt hay giữ sức khỏe cho con. Ơn Chúa ban qua lời cầu nguyện quan trọng hơn bất cứ những gì con có thể nghĩ tới.
Bao nhiêu tấm gương của biết bao nhiêu người vẫn còn đó. Bỏ đạo, bỏ Chúa! Người ta nại ra đủ mọi thứ lý do để lý giải cho những hành vi xuống dốc về đời sống tâm linh đạo đức của mình. Nào là bận công ăn việc làm, nào là không có giờ v.v và v.v. Thế nhưng, thử hỏi, kết cục cuộc đời rồi sẽ đi về đâu?
THỨ NĂM TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 1,40-45
Người chạnh lòng thương
giơ tay đụng vào anh và bảo:
“Tôi muốn, anh sạch đi!”
(Mc 1,41)
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa chữa một người mắc bệnh phong cùi.
1. Ngày xưa cũng như ngày nay, số phận của những người mắc căn bệnh này rất đáng thương.
Ông Raoul Folereau, vị đại ân nhân của người phong cùi trên thế giới có kể lại mẩu chuyện thương tâm như sau:
“Trong một thị trấn nhỏ nọ, một người đàn ông lâm bệnh nặng. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ nghi ngờ anh ta đã mắc bệnh phong hủi. Tuy chưa phải là một phán quyết dứt khoát, nhưng kể từ đó người ta không còn thấy anh ra khỏi nhà nữa. Gia đình anh mỗi lúc mỗi xác tín hơn về bệnh tình của anh. Thế là để che giấu con người mà họ coi như là một sự xấu hổ chung, những người thân của anh đã giam anh trong một cái mùng lớn. Người đàn ông đáng thương chỉ còn sống vất vưởng nhờ lương thực tiếp tế mỗi ngày. Ngậm đắng nuốt cay từng giờ từng phút, người đàn ông chỉ còn nuôi một hy vọng: đó là bỏ trốn khỏi nhà giam của anh… Ngày nọ, anh đã làm như anh nghĩ nhưng chẳng may, anh đã bị bắt lại. Thế là mọi hy vọng đã hết. Và anh nghĩ chỉ có cái chết mới giải phóng được anh. Nghĩ là làm. Anh đã mua thuốc ngủ và tự vận. Cái chết của anh đã gây chấn động trong dư luận. Người ta yêu cầu cho khám nghiệm tử thi.
Kết quả đã làm cho mọi người sửng sốt: anh đã không bao giờ mắc bệnh phong cùi.
2. Bài học.
+ Bài học thứ nhất là bài học về niềm tin.
Người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay sống nhưng kể như đã chết. Rất may anh đã gặp được Chúa. Và anh đã tin chỉ có Chúa mới có thể cứu anh. Anh tin thật mãnh liệt nên anh đã nói lên lời van xin của anh với Chúa một cách rất mạnh mẽ. “Lạy Thầy, nếu thấy muốn, thầy có thể chữa tôi nên sạch”(Mc 1,40). Chỉ cần Chúa muốn là được tất cả. Và Chúa đã trả lời. Chúa muốn và lập tức bệnh cùi biến mất. Một kết quả hết sức tuyệt vời.
Vâng, đức tin là như thế. Đức tin đem lại những thành tựu thật lớn cho con người tin.
Một bà già kia đã có tuổi đi từ Buffalo đến thăm con gái tại Cleveland trên một chiếc tàu chở khách.
Khi tàu đang chạy giữa biển thì bão tố xảy đến. Ai nấy đều hốt hoảng, lo sợ. Chỉ duy có bà vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Bà vẫn ngồi, cúi đầu cầu nguyện.
Lúc trận bão qua rồi, nhiều người đến hỏi vì sao bà giữ được sự bình tĩnh trong cơn nguy biến như vậy. Bà đáp:
– Tôi có hai người con gái. Một đứa đã qua đời đang ở với Chúa trên Thiên Đàng, còn một đứa ở Cleveland. Trong cơn bão tố, tôi không biết mình sắp gặp đứa nào, nếu phải qua đời, tôi sẽ gặp đứa ở thiên thượng, còn nếu bình yên vô sự, tôi sẽ gặp đứa đang ở đó. Cả hai đều là con yêu dấu của tôi, dù gặp con nào tôi cũng vui mừng sung sướng cả. Vì vậy, trong cơn nguy biến, tôi chỉ chờ đợi mà không lo sợ chút nào.
+ Bài học thứ hai là bài học về lòng biết ơn.
Chúng ta còn nhớ đã có lần Chúa chữa cho 10 người mắc bệnh cùi. Chúa bảo họ đi trình diện với thầy tư tế. Đang khi đi dọc đường thì họ được sạch. Trong 10 người đó chỉ có một người trở lại tạ ơn Chúa. Người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy. Mặc dầu đã bị Chúa nghiêm cấm, thế nhưng, anh ta cảm thấy mình không thể không nói lên lời cám ơn. Thế là anh đã cất cao lời tôn vinh Chúa và loan báo về Chúa cho mọi người.
Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý về Mỹ, mang theo một số Giám Mục mới đi dự Công đồng Vaticanô II về, có một nữ chiêu đãi viên rất xinh đẹp. Suốt chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó không phải của ai khác hơn là Đức Cha Fulton Sheen, vị tông đồ lừng danh nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, và đợi cho hành khách xuống hết, vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa:
– Cô đẹp lắm! Cô hãy cám ơn Chúa vì đã cho cô đẹp.
Câu chuyện tưởng như vậy là xong. Có ai dè đâu là mấy hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng làm việc của Đức Cha Fulton Sheen. Cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện một cách đầy tự tin. Cô vào thẳng đề tài:
– Câu nói của Đức Cha mấy bữa trước làm cho con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào đây?
– Cô biết trại phong cùi Di linh ở Việt Nam chứ?
– Vâng, con đọc báo có nghe nói đến!
– Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người ở đó mà ban cho cô. Cô hãy qua bên đó an ủi họ.
Vâng! Chỉ từng ấy! Cô chiêu đãi viên trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu và sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ những người cùi ở Di Linh, để cảm ơn Chúa đã ban cho mình sắc đẹp.
THỨ SÁU TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 2,1-12
“Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy,
vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”
(Mc 2,11)
1. Nghe câu chuyện Tin Mừng kể hôm nay, hầu hết chúng ta chỉ để ý đến người bất toại, mà ít người nghĩ đến 4 người đã khênh người bất toại đến với Chúa Giêsu.
Bốn người này, tuy là những nhân vật phụ, nhưng lại là những nhân vật không kém phần quan trọng. Vì nếu thiếu họ, chắc chắn người bất toại đã không có cách nào để đến được với Chúa.
Qua việc khiêng người bất toại, ta thấy những người này, vừa bày tỏ một niềm tinsáng chói vừa biểu lộ một đức ái nhiệt thành. Thực vậy, nếu không tin vào quyền năng của Chúa, thì những người này đâu có phải vất vả khiêng người bất toại đến với Chúa như thế. Hơn nữa, họ lại phải làm một việc xem ra không được lịch sự cho lắm. Đó là khi thấy đám đông cản lối của họ, họ đã phải khiêng người bất toại lên mái nhà. Những ngôi nhà tại Do Thái thời đó đều có mái bằng có thể leo lên được bằng một cầu thang ở phía ngoài. Việc dời ngói, gỗ, và lá lợp trên mái để tạo một khoảng đủ rộng để thả người bất toại xuống không khó khăn gì lắm. Ở đây, chúng ta phải khâm phục những người này. Họ đã quan tâm sâu sắc đến bạn mình và mong muốn nhìn thấy người ấy được cứu giúp. Họ không chỉ “cầu nguyện về điều này”, nhưng còn hành động song song với những lời cầu nguyện đó.
Khi ghi lại sự việc này, thánh sử Marcô còn ghi chú thêm: “Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu bảo người bất toại…”(Mc 2,5). Vâng, khi thấy những việc làm đầy lòng bác ái yêu thương với một đức tin sáng ngời như vậy, thì trái tim của Chúa cũng phải rung động. Đây chính là bài học rất cụ thể cho chúng ta.
2. “Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5).
Theo Thánh Marcô thì việc Chúa chữa lành người bất toại hôm nay, đánh dấu một khúc quanh trong cuộc đời công khai của Chúa ở trần gian. Chúa muốn xác định với mọi người rằng: Chúa có quyền tha tội.
Mặc dầu, khi Chúa tuyên bố như thế, Chúa biết mình đã đụng phải một điểm rất nhạy cảm của Do Thái giáo, một tôn giáo độc tôn. Dưới mắt của những người Do Thái thì chỉ có Giavê mới là Chúa. Ngoài Giavê Thiên Chúa ra thì không có một Chúa, một thần nào khác. Vì thế, khi Chúa nói là mình có quyền tha tội thì lập tức Chúa bị họ kết án phạm thượng ngay. Sau này, vào cuối cuộc đời công khai người ta lại một lần nữa làm như thế. Và kết quả là Thập Giá được dành cho Ngài.
Cám ơn Chúa đã dạy cho chúng ta biết bài học về lòng can đảm và cho dù có phải mất mạng Chúa cũng không bao giờ phản bội sự thật. Và chúng ta cũng phải cám ơn Chúa vì Chúa đã quá yêu thương chúng ta. Bằng sự tha thứ lạ lùng qua Bí tích hòa giải chúng ta hiểu được tình thương của Chúa như thế nào.
Ngày kia, thánh Phanxicô Salêsiô cho một người xưng tội. Người này xưng rất thành thật, khiêm nhượng và hết lòng ăn năn. Thánh nhân cảm động lắm. Sau khi xưng tội xong, người ấy hỏi:
– Bây giờ cha biết tất cả những sự xấu xa của con rồi. Cha nghĩ thế nào về con?
– Bây giờ cha nhìn con như một đấng thánh.
– Chắc cha phải nói ngược lại, mới được.
– Không. Cha nói theo lương tâm của cha. Con bây giờ hoàn toàn khác trước rồi.
– Nhưng tội lỗi con đã phạm thì luôn luôn ở với con mà.
– Không phải thế đâu con ạ. Khi bà Mađalêna đã ăn năn trở lại, Chúa xem bà như một đấng thánh. Chỉ có bọn Pharisêu giả hình cứ coi bà là kẻ tội lỗi.
– Nhưng đối với cha, con muốn biết cha nghĩ thế nào về quá khứ của con?
– Cha không nghĩ thế nào cả. Điều gì không có trước mặt Chúa thì cha không nghĩ đến. Cha chỉ biết ngợi khen Chúa và vui mừng vì con đã trở lại với Chúa. Cha muốn cùng các thánh trên trời vui mừng với con.
Nói xong, thánh nhân khóc. Người kia bỡ ngỡ hỏi:
– Cha khóc à? Chắc cha khóc vì thấy con phạm nhiều tội quá?
– Cha khóc vì thấy con đã sống lại với Chúa.
Thánh nhân biết rõ phép Giải tội không phải là che dấu tội ta đã phạm, nhưng là rửa sạch hết mọi tội ta đã khiêm nhường xưng ra. (Trích “Phúc”)
Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu sự bình an, sự thật,
công bằng và tình thương; những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác, nhưng cả trong tinh thần, bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều các con làm cho
người bé mọn nhất trong anh em
là các con làm cho chính Ta.”
(Mẹ Têrêsa)
THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 2,13-17
Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!”
Ông đứng dậy đi theo Người.”
(Mc 2,14)
1. Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi làm môn đệ Ngài:
– Chúa kêu gọi ông đang lúc ông ngồi ở bàn thu thuế. Tất cả những người thu thuế như ông đều bị liệt vào hạng những người tội lỗi công khai. Lêvi biết rất rõ điều đó. Ông bị mọi người khinh dể, khai trừ và tránh xa.
Với mọi người thì là như thế nhưng với Chúa Giêsu thì khác. Chúa đã không chê ông mà còn chọn ông làm môn đệ Ngài. Tin mừng cho chúng ta thấy:
– Chính Chúa Giêsu đến với ông để chọn ông, chứ không phải ông đến với Chúa. Ngài gọi ông “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Ngài.
Việc Chúa Giêsu chọn một người thu thuế như Lêvi làm môn đệ đã đem lại sự vui mừng sung sướng chẳng những cho chính Lêvi mà còn cho cả những người thu thuế khác. Chính vì thế mà họ đã dọn một bữa tiệc để ăn mừng.
Đứng trước sự việc đó, một số luật sĩ và biệt phái đã chỉ trích Chúa,nhân dịp này Chúa đã cho mọi người biết Ngài chính là “Thầy thuốc” đến trần gian để cứu chữa những người tội lỗi.
2. Thử hỏi qua câu chuyện này chúng ta rút ra được bài học gì cho chúng ta?
– Trước hết, câu chuyện cho chúng ta thấy, cái nhìn của Chúa Giêsu đối với một con người, khác với cái nhìn của con người với nhau.
Hai người bạn vào trong một tiệm nữ trang. Sau khi nhìn và chiêm ngưỡng nhiều viên đá quí, họ để ý đến một viên ngọc sầnsùi không được bóng láng cho lắm.
– Viên đá này không có gì đáng lưu ý cả – một người nói, làm sao lại để nó ở đây?
Người chủ tiệm kim hoàn bèn cầm nó lên và nắm chặt trong lòng bàn tay. Vài phút sau, viên đá mờ đục không bóng láng đó trở nên lóng lánh muôn màu cách diệu kỳ.
– Làm sao có thể như vậy – hai người bạn hỏi.
– Đây là một viên đá mắt mèo, được gọi là viên đá thiện cảm. Nó cần có sự đụng chạm với một bàn tay nóng ấm để các tia sáng của nó hiện lộ ra! – người chủ tiệm trả lời.
Chúa Giêsu cũng thế! Ngài có một cái nhìn đặc biệt về Lêvi mà những người khác không có. Chúa đã nhìn thấy trong Lêvi có một thiện chí. Ngài đã gọi ông và quả thực Ngài đã không lầm. Cuộc đời sau này của Lêvi – Mathêo cho chúng ta thấy điều đó.
Thứ đến, là lòng quảng đại của Chúa.
Rõ ràng là Chúa biết rất rõ về con người của Lêvi, nhưng Chúa không chấp.
Tại một thiền viện kia có nhiều đệ tử đang theo học thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thỏa thích.
Một đêm kia, Sengai đi giám sát phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường đùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Khi khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ nhưng Sengai nhỏ nhẹ bảo anh:
– Sáng sớm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị lạnh đấy!
Từ đó, người đệ tử không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa.
Sau cùng là nỗ lực của chính bản thân.
Một chàng trai trẻ luôn tự cho mình là giỏi giang. Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai tìm mãi mà vẫn không có được một công việc lý tưởng và chàng thất vọng.
Rồi một hôm, vì không chịu nổi được sự giày vò của lương tâm, chàng đi ra bờ biển, định kết thúc cuộc đời của mình. Đúng lúc đó, thì có một ông lão nhìn thấy và đã cứu chàng. Ông lão hỏi:
– Tại sao mà con lại đi vào con đường tuyệt vọng này vậy?
Chàng trai trả lời:
– Vì không có ai thừa nhận, yêu thương và trọng dụng con cả.
Ông lão cúi xuống nhặt một hạt cát lên, đưa cho chàng trai nhìn, rồi vứt nó xuống bãi cát và nói với chàng trai:
– Cháu hãy nhặt hạt cát ta vừa vứt xuống cho ta!
Chàng trai nói:
– Con không thể làm được.
Ông lão không nói câu nào, mà chỉ lẳng lặng móc từ trong túi ra một hạt ngọc trai sáng lóng lánh, rồi vứt nó xuống bãi cát. Sau đó, ông hỏi chàng trai:
– Con có thể tìm lại được hạt ngọc trai đó không?
– Đương nhiên là cháu có thể. Chàng trai trả lời.
Ông lão bèn nói:
– Cháu phải hiểu, hiện nay bản thân cháu chưa phải là một viên ngọc trai, vì thế cháu không nên đòi hỏi người khác thừa nhận cháu ngay lập tức. Nếu không được người khác thừa nhận, cháu phải nghĩ đến cách làm cho bản thân mình trở thành một viên ngọc trai đã chứ.
Chàng trai im lặng, cúi đầu.
Vâng! Có những lúc, bạn cần phải biết rằng mình chỉ là một hạt cát bình thường, chứ chưa phải là một viên ngọc trai quý hiếm. Nếu bạn muốn trở nên xuất sắc và nổi trội, thì cần phải nỗ lực làm cho bản thân biến thành viên ngọc trai đã.