Gần bước qua năm 2016, nhiều tác giả Công Giáo muốn nhìn lại năm 2015 của riêng Đức Phanxicô. Ít nhất có 2 tác giả nêu ra đủ 10 điều đáng nói về ngài trong năm 2015.
- Mười lý do khiến người bảo thủ không tín nhiệm Đức Phanxicô
Trong một bài báo đăng ngày 2 tháng 12, 2015, linh mục cựu mục sư Anh Giáo, Dwight Longenecker, quan tâm tới thái độ của người bảo thủ đối với Đức Đương Kim Giáo Hoàng, với một nhận định tổng quát là “Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục gây tranh cãi và tạo bối rối với những nhận xét ứng khẩu của ngài. Ngài làm những người bảo thủ lo lắng”. Mười lý do khiến người bảo thủ lo lắng là:
1. Người bảo thủ thích cơ cấu và trật tự: Giáo Hội Công Giáo có giáo luật, sách giáo lý, sách nguyện, tín điều… đâu ra đó. Với những thứ này, người Công Giáo bảo thủ cảm thấy an tâm. Trong một thế giới mỗi ngày mỗi bất trắc và duy tương đối hơn, tín điều và kỷ luật giúp giữ cho sự hỗn mang “nằm im một chỗ”. Đức Phanxicô hình như không coi trọng các khía cạnh này. Ngài nhấn mạnh tới tinh thần của luật, chứ không phải chữ nghĩa của luật. Ngài cởi mở và muốn có cách tiếp cận với đức tin một cách đầy yêu thương và từ bi…
2. Người bảo thủ thích sự rõ ràng chứ không chỉ bác ái: Người Công Giáo bảo thủ thích thấy các tín điều, tín lý và kỷ luật được phát biểu một cách rõ ràng và chính xác. Họ cũng muốn chúng được biểu lộ với sự hiểu biết, thương cảm và bác ái. Họ có được cả hai thứ này với nhà triết học sáng chói là Đức Gioan Phaolô II và nhà thần học là Đức Bênêđíctô XVI. Phong thái của Đức Phanxicô có khác. Ngài thoải mái (freewheeling) và cởi mở hơn. Ngài rất vững vàng trong đức tin, nhưng các nhận định của ngài đôi khi lan man (wandering) và bộc phát. Ngài ít quan tâm với việc trình bầy ngôi vị giáo hoàng như khối đá vững chắc mà lưu tâm hơn tới việc tự trình bầy ngài như một con người nhân bản đầy suy tư và nghi vấn. Một số thích ngài như thế. Người bảo thủ thì không thích.
3. Người Công Giáo bảo thủ có khuynh hướng nghi ngại: Nhiều người Công Giáo bảo thủ, suốt trong 50 năm qua, luôn cảm thấy bị thương tổn bởi các biến cố xẩy ra trong Giáo Hội. Họ nghi ngại các xu hướng duy hiện đại (modernism) và duy tương đối trong Giáo Hội, nhất là ở Tây Phương. Họ sợ thứ thuốc độc thần học này được nuôi dưỡng ở các bình diện cao nhất của Giáo Hội. Họ cũng nghi ngại việc phe duy hiện đại dùng các xảo thuật hậu trường, các hiệp hội đen tối, cả chuyện hăm dọa lẫn lừa đảo để đạt mục đích. Thành thử khi họ nghe nói “các tay mafia” của Đức Hồng Y Danneel tìm cách ảnh hưởng tới mật nghị bầu giáo hoàng kỳ vừa qua, họ thấy không vui. Khi họ nghe nói vị Hồng Y này và phe nhóm của ngài muốn Đức Hồng Y Bergoglio hơn Đức Hồng Y Ratzinger, rồi chứng kiến việc Đức Bênêđíctô XVI từ chức và Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm giáo hoàng, họ ngửi thấy mùi chuột. Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô lôi Đức Hồng Y Danneels ra khỏi cảnh hưu trí để phục vụ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, thì mùi chuột của họ lại càng nặng nề hơn.
4. Người bảo thủ thường hoài nghi đối với việc hâm nóng địa cầu: Họ tin rằng cái thứ hâm nóng địa cầu bị khuyếch đại kia chỉ là cái cớ để các lãnh tụ thế giới đưa ra các hiệp ước cũng như các vụ thương lượng khác để tạo ra một hệ thống kinh tế hoàn cầu nhằm thành lập một chính phủ hoàn vũ. Sự kiện Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành hẳn một thông điệp cho chủ đề này làm họ bồn chồn lo lắng. Giống mọi người khác, họ tin rằng ô nhiễm là một điều xấu xa và việc cưỡng hiếp trật tự thiên nhiên một cách bừa bãi là một điều ngu xuẩn. Họ vui khi vị giáo hoàng lên tiếng về các chủ đề này, nhưng họ sợ rằng Đức Phanxicô tự để cho ngôi vị giáo hoàng bị lèo lái bởi các tác giả của nghị trình cấp tiến, thế tục và duy hoàn cầu hóa.
5. Người bảo thủ cực lực phò sự sống và gia đình: Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng không nên nói quá nhiều tới các vấn đề hôn nhân đồng tính, phá thai và luân lý tính dục, người bảo thủ hồ nghi ngài không dấn thân đối với các chính nghĩa thiết thân của họ. Khi ngài cử hành Thánh Lễ ở Uganda tại đền thờ những anh hùng tử đạo từng hy sinh mạng sống để chống đối đồng tính luyến ái, người bảo thủ thắc mắc tại sao Đức Phanxicô không lợi dụng dịp này để đề cập tới vấn đề ấy. Khi ngài viếng thăm Hoa Kỳ, họ cũng buồn khi không thấy ngài nói chi một cách chuyên biệt tới chủ đề này trước Quốc Hội.
6. Người bảo thủ không thích Hồi Giáo: Có lẽ họ không được thông tri hay do cuồng tín, nhưng sự thật là phần lớn những người bảo thủ không ưa Hồi Giáo mà họ cũng không có khuynh hướng muốn học hỏi hay có tinh thần cởi mở. Đối với họ, Hồi Giáo là tôn giáo của những kẻ cuồng tín điên dại chỉ những muốn chinh phạt thế giới bằng Luật Sharia và bất cứ những ai không thừa nhận mối nguy này mà sử dụng tới vũ khí đều là những kẻ ngây thơ cùng cực. Do đó, khi Đức Phanxicô thăm viếng các đền thờ Hồi Giáo và thân thiện với các giáo sĩ của tôn giáo này, họ lắc đầu chán nản.
7. Người bảo thủ không thích Cộng Sản: Người bảo thủ thích việc Giáo Hội “ưu tiên chọn người nghèo” và hiểu rằng giúp đỡ người thiếu thốn là một việc thương người quan trọng. Tuy nhiên, họ không thích thần học giải phóng hay bất cứ điều gì có mùi tương tự. Họ lo lắng khi thấy tình bạn và thiện cảm của Đức Phanxicô quá gần với những thần học gia giải phóng. Khi ngài không ngừng nói tới người nghèo và các hệ thống kinh tế bất công, khi ngài ra các tuyên bố về nền kinh tế và các hệ thống chính trị thế giới, họ sợ ngài lên tiếng cho chủ nghĩa Mác hơn là cho Tin Mừng.
8. Người bảo thủ nhấn mạnh tới trách nhiệm cá nhân: Khi Đức Phanxicô chỉ trích thế giới về nền kinh tế hoàn cầu, về các hệ thống sinh thái và chính trị đang sa đọa và phá hoại, người bảo thủ co rúm lại. Họ thấy vấn đề là vấn đề đạo đức bản thân và trách nhiệm cá nhân. Họ thắc mắc tại sao Đức Giáo Hoàng không tập chú nhiều hơn vào việc phúc âm hóa các cá nhân và việc hồi tâm các linh hồn nhằm đem lại sự thay đổi. Họ lo ngài quá quan tâm đến việc thay đổi thế giới hơn là chuẩn bị các linh hồn cho thế giới sắp tới. Họ ngạc nhiên tại sao ngài không nói nhiều hơn tới Chúa Giêsu Kitô và nhu cầu cứu chuộc và cứu rỗi bản thân.
9. Người bảo thủ nghĩ đại kết mất thì giờ: Người bảo thủ rất hiểu: vị giáo hoàng phải là một nhà ngoại giao có hạng và phải mỉm cười với bất cứ ai ngài gặp, nhưng họ không có nhiều thì giờ dành cho cuộc đối thoại đại kết với người Thệ Phản từng châm chọc Đạo Công Giáo. Khi Đức Phanxicô cảm kích trả lời một người đàn bà thuộc giáo phái Luthêrô vốn kết hôn với người chồng Công Giáo về việc rước lễ qua lại, họ không thấy một vị mục tử hiền hậu tỏ thiện cảm với một người đang trong tình huống khó khăn. Họ chỉ thấy một vị giáo hoàng không biết mình đang nói gì khi cho một lời khuyên có tính xúc cảm nông cạn hơn là một câu trả lời rõ ràng, dứt khoát và có tính thách đố.
10. Người bảo thủ thích việc thờ phượng và sùng kính truyền thống: Họ tin rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một người tốt lành, nhưng khi ngài công khai châm chọc việc lần chuỗi mân côi, lên án người duy truyền thống là “cực đoan” và cảnh cáo các nữ tu là các cô gái già cáu kỉnh, họ không thể không cảm thấy ngài không đứng về phía họ. Đã đành, Đức Phanxicô muốn người ta cầu nguyện nhiều hơn và thờ lạy Thiên Chúa cách cung kính hơn. Nếu thế, tại sao ngài lại không chịu hỗ trợ những người yêu mến các điều ấy ngay trong nhà thờ của họ?
Theo Cha Longenecker, những người phê bình người bảo thủ vì đã phê phán Đức Phanxicô nên cố gắng hiểu tại sao họ lại tỏ ra lo lắng như thế. Ta nên dành cho họ điều người Anh gọi là “benefit of doubt” (tin cho tới khi chứng minh khác đi).
Ngược lại, người bảo thủ nên nín hơi, tránh các ngôn từ quá khích và bất trung đối với vị kế nhiệm Thánh Phêrô. Thay vào đó, họ nên gần gũi Chúa Giêsu và Đức Mẹ nhiều hơn, phát triển sâu sắc hơn đức tin của mình và sống thực đức tin ấy một cách hân hoan hơn giữa lòng thế giới.
- Mười sự kiện hàng đầu của Đức Phanxicô trong năm 2015Tác giả John L. Allen Jr., ngày 26 tháng 12, liệt kê 10 sự kiện hàng đầu của Đức Phanxicô trong năm 2015. Ông khởi đầu bảng liệt kê của mình bằng nhận định cho rằng: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô là câu định nghĩa của từ điển về một vị giáo hoàng tranh đấu, không ngừng nói và làm những điều khuấy động các trái tim, làm người ta nhíu lông mày, và nói chung khiến quần chúng lưu ý”.
Tác giả này liệt kê từ số nhỏ tới số lớn 10 điều đáng lưu ý về Đức Phanxicô:
10. Mỹ Châu La Tinh
Cuộc tông du Ecuador, Bolivia, và Paraguay gần như là cuộc vinh qui bái tổ đầy chiến thắng của vị giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Châu La Tinh. Cao điểm là bài diễn văn ngày 10 tháng 7 với các phong trào bình dân ở Bolivia, trong đó, Đức Phanxicô tố cáo “chủ nghĩa tân thực dân” và kêu gọi dành cho người nghèo “những quyền thánh thiêng” có việc làm, nhà ở và đất đai.
9. Đức Tổng Giám Mục Romero
Dù Đức Phanxicô không đích thân chủ tọa lễ phong Á Thánh vào ngày 23 tháng 5 cho Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero của El Salvador, nhưng lễ này không thể có nếu không có ngài. Việc này không những đánh dấu một thứ hòa giải nào đó với thần học giải phóng, mà còn đem lại cho các vị tử đạo đương thời của Kitô Giáo một vị thánh quan thầy.
8. Các vụ rì rỏ Vatican 2.0
Tháng 11, 2 cuốn sách về các tai tiếng tài chánh của Vatican xuất hiện, dựa trên việc rì rỏ các tài liệu của một ủy ban Giáo Hoàng. Vatican kết án 3 người “nội gián” vì tội rì rỏ này, cũng như hai nhà báo đã cho công bố các cuốn sách, bằng hình luật. Chưa biết kết thúc sẽ ra sao, nhưng vụ án rì rỏ này đã đặt ra nhiều nghi vấn về tự do phát biểu, tương lai của sự tin cẩn trong nội bộ Vatican, và hướng đi của cuộc cải tổ tài chánh của Đức Giáo Hoàng.
7. Phán quyết lẫn lộn về lạm dụng tình dục
Trong tháng Tư, rõ ràng Đức Phanxicô đã đưa ra một biện pháp quan trọng hướng tới việc qui trách nhiệm khi chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Robert Finn thuộc Kansas City-St. Joseph. Đây là vị giáo phẩm Hoa Kỳ duy nhất bị kết án là không chịu báo cáo. Ấy thế nhưng, Đức Phanxicô cũng đã cử nhiệm một vị giám mục ở Chile, vốn bị coi là che chở một linh mục khét tiếng trong nước về tội lạm dụng tình dục, sau đó còn phản bác các lời phê phán cho việc cử nhiệm này là “duy tả”. Cho tới nay, phần lớn những người có đầu óc cải tiến cho rằng Đức Phanxicô đã có những phán quyết không nhất quán.
6. Sri Lanka và Phi Luật Tân
Tháng Giêng, ngay trước khi ngài tới, một số người Sri Lanka gán cho Đức Phanxicô công trạng đã làm họ mạnh dạn bầu một vị tổng thống có đầu óc cải tiến vừa phải. Tại Phi Luật Tân, Đức Phanxicô đã phá mọi kỷ lục trước đây về số người tham dự Thánh Lễ Đại Trào, lôi cuốn tới hơn 6 triệu người tham dự. Hình ảnh Đức Giáo Hoàng tại hòn đảo Tacloban đang bị bão tố tàn phá ngày 17 tháng Giêng, mình mặc chiếc poncho che mưa mầu vàng, ngay tức khắc trở thành “thần tượng”.
5. Cộng Hòa Trung Phi
Trong khi người Hoa Kỳ mừng Lễ Tạ Ơn, thì Đức Phanxicô viếng thăm Kenya, Uganda và Cộng Hòa Trung Phi. Cuộc viếng thăm Cộng Hòa Trung Phi đánh dấu lần đầu một vị giáo hoàng hiện đại đặt chân lên một vùng chiến sự thực sự đang diễn ra. Liệu chuyến viếng thăm này có đem lại hòa bình lâu dài hay không là chuyện chưa ai rõ nhưng quyết tâm của Đức Giáo Hoàng đã để lại một ấn tượng thật sâu sắc. Ngài từng nửa đùa nửa thật nói với viên phi công rằng nếu máy bay không an toàn đáp xuống, thì xin cho ngài chiếc dù, vì dù gì, ngài cũng phải tới đó.
4. Laudato Si’/Thay đổi khí hậu
Lần đầu tiên, một vị giáo hoàng đã dành hẳn một thông điệp cho môi trường, nhấn mạnh rằng hạn chế tác động của việc thay đổi khí hậu là một vấn đề luân lý và tâm linh. Trong cuộc thăm viếng Chương Trình Môi Trường của Liên Hiệp Quốc tại Kenya, Đức Phanxicô nhắc đi nhắc lại lời kêu gọi phải có hành động mạnh mẽ tại cuộc họp thượng đỉnh Cop21 của Liên Hiệp Quốc, cảnh cáo rằng không làm như thế sẽ là một “thảm họa”; nhiều quan sát viên cho rằng ngài đã góp phần vào kết quả vừa qua tại thượng đỉnh Paris. Dư luận Công Giáo thì có hơi pha trộn, nhưng không ai hiểu lầm được quan điểm của ngài.
3. Cuba và Hiệp Chúng Quốc
Năm 2014, Đức Phanxicô giúp Cuba và Hiệp Chúng Quốc hòa giải với nhau; năm nay, ngài thực hiện vòng chiến thắng bằng cách tổng hợp chuyến viếng thăm cả hai nước cùng một thời điểm. Chuyến viếng thăm lần đầu tiên của ngài tại Hoa Kỳ là một thành công rực rỡ, tạo ra hàng loạt những giây phút đáng ghi nhớ: “Thánh Lễ Trên Cỏ” bên ngoài Đền Thờ Vô Nhiễm Thai ở Washington D.C., một vòng náo nhiệt xuyên qua Central Park ở New York, và bài diễn văn tại Cung Độc Lập ở Philadelphia, đọc tại cùng một bục đọc mà Tổng Thống Abraham Lincoln vốn dùng để đọc bài Gettysburg Address nổi tiếng. Các cuộc thăm dò dư luận dành cho Đức Phanxicô nhiều lời ca ngợi tuyệt diệu, cho rằng chuyến viếng thăm này đã cải thiện quan điểm của người Hoa Kỳ đối với Giáo Hội.
2. Năm Thương Xót
Đức Phanxicô công bố rằng ngày 8 tháng 12 năm 2015 tới ngày 20 tháng 11 năm 2016 sẽ được tuân giữ như Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót; các giới chức Tòa Thánh cho rằng ít nhất sẽ có 10 triệu khách hành hương tới thăm thành phố Rôma. Hơn bất cứ điều gì khác, việc công bố nhấn mạnh đến sự thông sáng này: lòng thương xót là dấu ấn tâm linh chủ yếu của triều giáo hoàng của ngài, là máy lọc qua đó, Đức Phanxicô hiểu chính ngài và nghị trình của ngài.
1. Thượng Hội Đồng Giám Mục
Nếu chỉ xét tới khía cạnh kịch tính, thì không gì qua mặt được Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình từ ngày 4 tới ngày 25 tháng 10; vì cuộc họp này cho thấy nhiều vị Hồng Y “cỡi ngựa đấu thương” cách công khai, nhiều người hoài nghi có chuyện lừa đảo (rigging) và sắp đặt phe phái (deck-stacking) và nhiều nhóm đấu tranh kéo nhau tới Rôma. Xét về thực chất, Thượng Hội Đồng cung cấp một hình quang tuyến X cho thấy một Giáo Hội phân rẽ trong các vấn đề như ly dị, đồng tính luyến ái, và những người sống chung bên ngoài hôn nhân, và “bồi thẩm đoàn” vẫn đang phải chờ xem Đức Phanxicô sẽ giải quyết các lưỡng nan này ra sao. Xét về thủ tục, Thượng Hội Đồng dường như đang sử dụng một lối mới để xử lý các bất đồng, cho phép chúng tự do xuất hiện vì tin rằng Giáo Hội không có gì phải sợ một cuộc tranh luận lành mạnh cả. Khi các sử gia nói tới di sản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hai thượng hội đồng về gia đình có thể là khởi điểm.
Vũ Văn An