Người ly dị tái hôn có thể xin Đấng Bản Quyền được rước lễ, chiếu theo Giáo Luật

Đấng Bản Quyền địa phương (Giám Mục giáo phận, linh mục Tổng Đại Diện, linh mục Đại Diện Giám Mục) có thẩm quyền tha giảm hình phạt cấm rước lễ.

Điều này được dựa trên hai điểm: 1- Việc không được rước lễ trong nhiều trường hợp chỉ là một hình phạt do kỷ luật của Giáo Hội (đ. 915); 2- Đấng Bản Quyền địa phương có quyền tha hay giảm chế tài, hình phạt (đ. 1355).
Để minh giải xin đặt các vấn đề

  1. Trong bộ Giáo Luật có điều nào cấm rước lễ không?

Có hai điều 915 và 916 về cấm rước lễ (được quy định trong quyển 4, đề mục 3, về Bí Tích Thánh Thể) và hai điều 1331 và 1332 về vạ tuyệt thông và cấm chế.
Điều 915
Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường (in manifesto gravi peccato obstinate perseverantes), không được rước lễ.
Điều 916
 Người nào ý thức mình đang mắc tội trọng (conscius est peccati gravis) thì không được cử hành Thánh lễ và cũng không được rước Mình Thánh Chúa, nếu không nhận lãnh bí tích sám hối trước, trừ khi có lý do nghiêm trọng và không có dịp để xưng tội, trong trường hợp này, người ấy phải nhớ rằng mình phải ăn năng tội cách trọn, trong đó bao gồm việc quyết tâm xưng tội hết sức.

Điều 1331 và 1332
Ngoài hai điều 915 và 916 nói riêng về bị vạ cấm rước lễ, còn có hai điều 1331 và 1332 quy định vạ tuyệt thông (đ. 1331) và cấm chế (đ. 1332). Hai điều này có ấn định hình phạt cấm cử hành hay lãnh nhận các bí tích và một số hình phạt khác.

  1. Người ly dị tái hôn Công Giáo bị cấm rước lễ là căn cứ theo điều luật nào?

Họ bị cấm căn cứ vào điều 915 và 916, không căn cứ vào điều 1331 hoặc điều 1332 về vạ tuyệt thông hay cấm chế. Lý do đơn giản là luật không quy định họ bị phạt và theo nguyên tắc chung thì luật hình sự phải được giải thích theo nghĩa hẹp (đ. 18). Vì vậy không được nới rộng vạ tuyệt thông hay cấm chế để phạt người ly dị tái hôn.
Chỉ có một số trường hợp luật minh nhiên gán vạ tuyệt thông tiền kết, như tội phá thai (đ. 1398), tội lạc giáo, ly giáo, bội giáo (đ. 751, 1364#1); hay vạ cấm chế tiền kết, như trường hợp người không có chức tư tế mà dám cử hành phụng vụ Hiến Tế Thánh Thể (đ. 1378#2,10), tu sĩ đã có lời khấn vĩnh viễn mà không phải là giáo sĩ nếu mưu toan kết hôn, dù chỉ hôn nhân dân sự (đ. 1394#2).
Người ly dị tái hôn, thật sự ra, không có khoản luật nào minh nhiên cấm họ rước lễ. Họ bị coi như là người “ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường” (in manifesto gravi peccato obstinate perseverantes). Vì vậy, họ bị cấm rước lễ theo quy định của điều 915.
Chúng ta thử xem xét:
a – Bị cấm rước lễ theo điều 916, vì “ý thức mình đang mắc tội trọng”.
b- Bị cấm rước lễ theo điều 915, vì là “người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường”.
Nếu phạm nhân không bị điều 916 chi phối, vì không thấy  hay không ý thức mình có tội trọng thì người này chỉ còn bị điều 915 chi phối, với lý do là “người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường”.
Theo thực tế thì thấy rằng có nhiều người rơi vào trường hợp (a) không thấy mình hay không ý thức mình có tội trọng vì hoàn cảnh riêng của họ.
Bản Tường Trình Sau Cùng, số 85, của Thượng Hội Đồng năm 2015 nhận thấy là không phải tất cả những người li dị tái hôn đều là những người phạm tội trọng. Thượng Hội Đông đã nhắc lại giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Các mục tử phải biết rằng, vì lợi ích của sự thật, các ngài buộc phải thi hành việc biện phân các hoàn cảnh một cách thận trọng. Thực vậy, có sự khác nhau giữa những người thành thực cố gắng muốn cứu cuộc hôn nhân thứ nhất của họ và bị bỏ rơi một cách bất công, và những người, qua lỗi lầm nặng nề của mình, đã hủy diệt một cuộc hôn nhân thành sự theo giáo luật. Sau cùng, có những người bước vào cuộc kết hợp thứ hai vì lợi ích dưỡng dục con cái, và những người, về phương diện chủ quan, đôi khi chắc chắn trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân trước và đã bị huỷ diệt một cách vô phương cứu chữa chưa bao giờ thành sự cả” [Familiaris Consortio 84].
Bản tương trình sau cùng số 85 này còn dẫn chứng từ sách Giáo Lý Công Giáo về trách nhiệm về tội phạm của mình có thể được giảm nhẹ hay xóa bỏ, vì áp lực của hoàn cảnh: “Ngoài ra, điều không thể chối cãi được là: trong một số hoàn cảnh, “Việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ” [Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1735] do nhiều điều kiện khác nhau. Thành thử, phán kết về một hoàn cảnh khách quan không nhất thiết dẫn tới một phán kết để “qui lỗi chủ quan” [Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Bản Văn Luật Pháp, Tuyên Bố ngày 24 tháng Sáu, năm 2000, số 2a].
Đối với những người trong tình trạng mà tội họ được giảm hay được xóa bỏ trên thì  khi rước lễ họ không vi phạm điều 916, do không thấy mình phạm tội trọng và thấy mình không xúc phạm đến Mình Thánh Chúa.
Nếu họ đã được rước lễ theo điều 916 do họ không có tội nặng trong lương tâm thì họ chỉ còn bị cấm rước lễ theo điều 915, nghĩa là họ bị cấm theo kỷ luật Giáo Hội.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sau khi nhìn nhận những hoàn cảnh đáng thương của họ, ngài kêu gọi:  “Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh”. Khi ngài nói họ “có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh” thì cũng có nghĩa là ngài công nhận họ không hoàn toàn mang trọng tội, và còn có đời sống ân sủng, họ có thể được rước lễ. Ngài nói tiếp: “Tuy nhiên, Hội Thánh vẫn xác nhận lại kỷ luật của mình, kỷ luật xây dựng trên Thánh Kinh, theo đó Hội Thánh không thể chấp nhận cho những người ly dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể”(Familiaris Consortio, số 84).
Như vậy, những người ly dị tái hôn bị Giáo Hội cấm rước lễ, có thể chỉ vì kỷ luật của Giáo Hội, được quy định ở điều 915.

  1. Điều 915 là một luật kỷ luật hoặc là một luật hình sự

 Do áp đặt một hình phạt (cấm rước lễ) cho người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường nên có thể nói điều 915 là một luật kỷ luật hoặc là một có kèm theo hình phạt (luật hình sự). Trong cả hai trường hợp, Đức Giám Mục đều có thể: miễn chuẩn cho luật kỷ luật hoặc tha giảm hình phạt cho luật hình sự.
Nếu coi điều 915 là luật có tính kỷ luật thì áp dụng điều 87#1: Giám Mục có quyền miễn chuẩn luật có tính kỷ luật, như điều 87#1 quy định: “Mỗi khi xét thấy có lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu. Giám Mục giáo phận có quyền miễn chuẩn cho họ khỏi phải giữ những luật có tính cách kỷ luật, dù phổ quát hay địa phương, …”.
Nếu coi điều 915 là luật hình sự (có kèm hình phạt cấm rước lễ) thì Đức Giám Mục không có quyền miễn chuẩn luật này, như điều đ. 87#1 quy định tiếp sau đó: “nhưng không được miễn chuẩn luật hình sự hay tố tụng”. Tuy nhiên khi xem điều 915 là luật hình sự thì Đấng Bản Quyền địa phương lại có thẩm quyền tha hay giảm hình phạt, miễn là hình phạt đó không dành riêng cho Tòa Thánh. Điều 1355 quy định về thẩm quyền tha phạt như sau:
#1. Các vị sau đây có thể tha hình phạt do luật thiết lập, nếu hình phạt đã được tuyên kết hay đã được tuyên bố, miễn là hình phạt không dành riêng cho Tông Toà:
10 Đấng bản quyền đã khởi tố trước toà để tuyên kết hay tuyên bố hình phạt, hoặc Đấng Bản Quyền đã đích thân hay nhờ người khác tuyên kết hay tuyên bố hình phạt bằng sắc lệnh;

20 Đấng Bản Quyền địa phương tại nơi phạm nhân đang cư ngụ, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của Đấng Bản Quyền được nói đến ở 10, trừ khi không thể tham khảo được do những hoàn cảnh bất thường.
#2. Hình phạt tiền kết do luật thiết lập nhung chưa được tuyên bố, và nếu hình phạt ấy đã không được dành riêng cho Tông Toà, thì có thể được Đấng Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và những người đang ở trong địa hạt mình hay những người đã phạm tội tại đó; bất cứ Giám Mục nào cũng có quyền tha hình phạt ấy, nhưng chỉ trong khi ban bí tích Giải Tội.
Căn cứ theo điều 1355#2 thì Đấng Bản Quyền có quyền tha cho những người thuộc quyền mình và những người đang ở trong địa hạt mình về một hình phạt tiền kết do luật thiết lập. Vì vậy, Đấng Bản Quyền có quyền tha hình phạt tiền kết cấm rước lễ theo điều 915.

  1. Về sự tha hay miễn giảm hình phạt đối với người ly dị tái hôn

Điều cấm ở 916 thì không thể miễn giảm vì khi ý thức có tội trọng nghịch cùng Chúa mà rước Mình Thánh Chúa là xúc phạm đến Chúa. Tuy nhiên nó là luật thuộc tòa trong.  Nếu như một người không  thấy mình có tội trọng thì người ấy có thể được rước lễ. Vì là việc của tòa trong nên Đấng Bản Quyền để tùy phạm nhân tự suy xét.
Sự tha giảm lệnh cấm rước lễ nơi người ly dị tái hôn là quy chiếu đến điều 915 và quyền tha hay giảm phạt của Đấng Bản Quyền địa phương. Tuy nhiên trong trường hợp của người ly dị tái hôn hay người sống hôn nhân ngoại Giáo Luật thì có những điều trở ngại, vì tình trạng sống trái luật rõ ràng bên ngoài xã hội của phạm nhân vẫn tiếp diễn chứ không chấm dứt.
Vấn đề cũng phải cân nhắc việc tha giảm hình phạt như vậy:
– có gây ra những tai hại khác không, như gây gương mù gương xấu, coi thường sự bất khả phân ly của hôn nhân…?
– nếu không tha giảm thì lợi bất cập hại không, vì những tai hại khác lớn hơn, như dễ gây ra tình trạng sống xa Giáo Hội, tách biệt khỏi Giáo Hội?
– có làm cho hình ảnh Giáo Hội là người Mẹ nhân từ được sáng tỏ không?

  1. Cách thức pháp lý tha giảm vạ

Việc tha phạt phải được thực hiện bằng một hành vi hành chính riêng biệt (actus administrativus singularis), cho từng cá nhân một. Cụ thể là, mỗi người xin ân xá phải làm đơn xin và  được Đấng Bản Quyền chấp thuận một cách riêng rẽ. Đấng Bản Quyền không ra một sắc lệnh chung (decretum generale), như ra một luật riêng trong giáo phận, áp dụng chung cho tất cả mọi phạm nhân trong giáo phận.  

  1. Đề nghị một sự miễn giảm vạ cấm rước lễ có giới hạn

Không nên miễn vạ cấm rước lễ hoàn toàn đối với người ly dị tái hôn hay những người đang sống hôn phối ngoài luật Giáo Hội.Vẫn cần phải duy trì một sự khác biệt nào đó giữa họ với người tín hữu bình thường. Điều này cần thiết để sự thánh thiêng của Bí Tích Hôn phối và tính bất khả phân ly vẫn được tôn trọng.
Nên miễn giảm lệnh cấm rước lễ cho người ly dị tái hôn hay người rối hôn phối một cách có giới hạn. Đề nghị chỉ cho được rước lễ 3 lần trong một năm trong dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, ngày con cái được rước lễ lần đầu …, hoặc cho nhiều hơn là được rước lễ vào các ngày lễ trọng của Chúa hay Đức Mẹ…

Miễn giảm nhiều hơn đối với những người đã già yếu, ít hơn đối với những người mới tái hôn không lâu.
Lm JB. Lê Ngọc Dũng