Lời Chúa: Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên – Ngày 02/11: Lễ cầu cho các Đẳng Linh Hồn

Sự sống đời đời

 
 
Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên – Ngày 02/11: Lễ cầu cho các Đẳng Linh Hồn
Lời Chúa: 

Ga 6,51-58

51 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do Thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. 52 Vậy người Do Thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”

53 Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. 54 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. 55 Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. 56Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. 57 Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. 58 Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời.” (Ga 6,51)

 
Suy niệm: 

* Lịch sử

Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời được cử hành vào ngày 2 tháng 11 hằng năm, được thánh đan viện phụ Odilô của tu viện Cluny (994-1048) khai sáng.

Trong ngày đó, ngài ra lệnh các linh mục thuộc dòng Cluny phải dâng thánh lễ để cầu nguyện cho tất cả những người trong dòng và các ân nhân của dòng đã qua đời. Ngài ra lệnh cho các đan viện trực thuộc Cluny cũng thực hành như thế. Chúng ta còn giữ được văn kiện của thánh Odilô ghi vào năm 998.

Sau đó, lễ cầu cho các linh hồn phát triển rất nhanh và bung ra khỏi dòng tu. Từ thế kỷ XIV chúng ta đã gặp thánh lễ này trong phụng vụ Rôma.

(Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A- Phân tích (Hạt giống…)

1. Cựu Ước mô tả sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người bằng hình ảnh bữa tiệc (Cn 9,1-5). Trong đoạn Tin Mừng này Chúa Giêsu cũng dùng ngôn ngữ của bữa tiệc như “ăn” và “uống”. Tuy nhiên bữa tiệc này rất đặc biệt vì thức ăn thức uống không phải là thực phẩm thông thường cho dù là cao lương mỹ vị đi nữa, mà là chính thịt máu Chúa Giêsu. Bởi đó hiệu quả của bữa tiệc này không phải chỉ là bồi dưỡng sức khoẻ tạm thời cho thể xác mà là cho con người được sống thật, sống muôn đời.

2. Các ngôn sứ Cựu Ước diễn tả ơn gọi của họ bằng hình ảnh “nuốt” lấy Lời Chúa (x. Gr 15,15-21; Êd 3). Nghĩa là các vị ấy rất thèm khát Lời Chúa, muốn tiêu hóa Lời Chúa, cho Lời ấy thấm nhập vào thân thể mình. Hiểu theo bối cảnh ấy, “Ăn” thịt Chúa Giêsu và “uống” máu Ngài nghĩa là khao khát được kết hợp rất thân thiết với Chúa đến nỗi có thể nói là đã trở nên một thịt một máu với Ngài.

3. Khi ghi lại những dòng này, thánh Gioan cũng nghĩ đến Bí tích Thánh Thể. Ðó chính là bữa tiệc thịnh soạn mà Thiên Chúa dọn cho loài người, và đó cũng chính là nguồn sức sống cho loài người.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Hôm qua lễ Các Thánh, chúng ta nhớ đến những tín hữu ở thiên đường. Hôm nay lễ các linh hồn, chúng ta nhớ đến các tín hữu trong luyện ngục. Còn chúng ta là những tín hữu hiện còn tại thế. Bài Tin Mừng Gioan về bữa tiệc sum họp cho chúng ta biết hạnh phúc tuyệt vời và tối hậu sau một đời sống ở trần gian là được kết hợp thân thiết với Chúa trong bữa tiệc vĩnh cửu trên thiên đường. Ngoài thứ hạnh phúc đó ra, không có gì là hạnh phúc thật cả.

2. Thánh lễ là dịp chúng ta nếm trước hạnh phúc sum họp ấy. Trong thánh lễ chúng ta kết hợp với Chúa, chúng ta kết hợp với các thánh trên trời và những tín hữu trong luyện ngục, chúng ta cầu nguyện để cuối cùng chúng ta và tất cả những người thân của chúng ta đều được sum họp với Chúa và các thánh trong bàn tiệc vĩnh cửu.

3. Khi Mẹ Têrêxa Calcutta sang Liên Xô xin lập một chi nhánh của Dòng bà, bà đã kiên trì xin cho bằng được có một Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh lễ cho các nữ tu. Bà giải thích lý do: sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần và nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Thánh Chúa mà họ rước mỗi ngày. “Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống”.

4. “Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống”.

Hằng đêm, mỗi khi thành phố lên đèn, mọi người hối hả trở về công sở, trường học… Những bước chân hối hả qua lại…

Bên vệ đường, một bà lão khô quắt, nằm cong queo như cố thu mình trốn cái không khí se lạnh. Bà kiệt sức vì đói. Những bước chân vẫn đi qua, đi qua…
Và rồi, đôi chân con bước tới, ngập ngừng… rồi lại bước đi
Trên ti vi, người ta nói đến lũ lụt. Cảm động, con dự định… rồi lại thôi!
Con là thế! Từ thuở lọt lòng mẹ, đã biết nắm tay lại.

5. Kết: câu truyện người phú hộ giàu có và kẻ ăn xin nghèo khổ Ladarô khiến tôi phải suy nghĩ. Hai con người, hai cách sống, hai kết cuộc khác nhau: người được ân thưởng, kẻ bị luận phạt. Thiên Chúa đã tách biệt họ ra như tách biệt người lành khỏi kẻ dữ, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Là chiên hay dê, tôi có quyền chọn lựa. Hôm nay tôi sống thế nào thì ngày đó tôi sẽ bị xét xử như vậy. Thiên Chúa là vị thẩm phán uy quyền nhưng cũng đầy tình thương. Ngài cho tôi thời gian để sống, để chọn lựa, để thực hiện vận mệnh đời mình. Ðể khỏi bị kết án như người phú hộ, tôi phải sống cho Chúa và cho anh em tôi.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Giờ phút này, con nhớ đến: Những người thân yêu ruột thịt trong gia đình đã ra đi về với Chúa; các linh mục, nam nữ tu sĩ; các ân nhân, bạn bè, thân quen đã được Chúa gọi về; Những nạn nhân thiên tai, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, bạo lực, khủng bố, những kẻ côi cút bơ vơ và cả các hài nhi, thai nhi đã bị phá hủy sự sống ngay khi còn trong dạ mẹ…

Những người đã ra đi nói với con rằng: Những gì xưa tôi tích góp, làm ra, giờ đã phải bỏ lại, không mang theo được. Nhưng những gì xưa tôi cho đi, giờ tôi nhận lãnh trở lại. Dù xác thân đã trở về bụi đất, nhưng tôi vẫn hằng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ linh hồn tôi và sẽ cho tôi sống lại bất diệt, như Ngài đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

Lạy Chúa, trên thánh giá Ngài đã giang rộng đôi tay và khi phục sinh, Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại được sống. Xin cho con luôn biết cho đi, cho đi mãi không chỉ vật chất, nhưng cho cả bản thân.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống mỗi ngày như là ngày cuối đời con, để con luôn biết yêu thương giúp đỡ mọi người với những gì con có thể.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời,
và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.