CÁC THÁNH NAM NỮ
Kính thưa anh chị em,
Có lẽ trong suốt cả năm Phụng vụ không có thời điểm nào mà mầu nhiệm hiệp thôngđược Giáo Hội đề cao một cách sống động khác thường như là thời gian đầu tháng 11 này. Hôm nay Giáo hội cho chúng ta hướng nhìn về các thánh – tức là nhìn vào Giáo Hội chiến thắng. Ngày mai Giáo Hội hướng chúng ta về các đẳng linh hồn – hay là Giáo Hội đang đau khổ. Nhìn vào như thế để cho chúng ta đang sống trong Giáo hội tại thế mà tức là đang sống trong Giáo Hội chiến đấu biết tìm ra cho mình một hướng đi, đi thế nào để cho mai sau chúng ta cũng đạt được vinh quang như các thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay.
A. Các thánh là những người đã sống cuộc sống như thế nào?
Nhìn vào cuộc sống của các ngài, những con người – nói theo kiểu của Chúa Giêsu – đã “cướp được Nước trời” chúng ta thấy có các Ngài là những người có những nét đặc trưng sau đây:
1. Trước hết: Các Ngài là những người đã biết đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Lời mời gọi này được nói lên một cách đơn sơ qua tiếng nói của lương tâm ngay lành – được biểu lộ một cách cụ thể qua 10 giới luật của Chúa trong Cựu Ước và nhất là được thúc bách cách triệt để hơn qua con đường Tám mối Phúc thật của Tin Mừng.
Một thí dụ trong muôn ngàn thí dụ.
Vào khoảng năm 271 một thanh niên giầu có tới nhà thờ vào một buổi sáng Chúa nhật. Hôm đó vị Bài Tin Mừng được trích trong Mathêô 19,16-22: “Xảy ra là có một người thanh niên đến thưa với Chúa rằng: Lạy Thầy, tôi phải làm gì tốt để được sống đời đời?- Chúa đáp: “Nếu ngươi muốn vào cõi hằng sống, hãy giữ các giới răn” Người đó thưa: “Những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ, tôi còn thiếu xót gì nữa chăng?” Chúa nói tiếp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”
Đó là một trong những lời mời gọi của Chúa. Người thanh niên đó bắt đầu suy nghĩ nhưng anh chưa thấy được con đường mà Chúa muốn cho anh đi là con đường nào.
Chúa nhật sau cũng trong khung cảnh của ngôi thánh đường quen thuộc đó, Lời Chúa lại vang lên: “Các người đừng lo cho ngày mai. Việc ngày mai để cho ngày mai lo. Khó khăn ngày nào có đủ cho ngày đó” (Mt 6,34)
Thế là con đường đã rõ, anh về bán tất cả tài sản do bố mẹ để lại, chia phần của cô em nhờ ông bác quản lý để lo cho em, còn của anh, anh bán tất cả và làm như lời Chúa dạy rồi anh vào trong rừng vắng sống cuộc đời tu trì ở trong đó. Đó là Thánh Antôn tu rừng, ông tổ của dòng tu chiêm niệm.
2. Đặc trưng thứ hai: Đó là những người đã cố gắng đem Lời Chúa áp dụng vào đời sống của mình.
– Đáp lại Lời Chúa mới chỉ là bước đầu. Việc quan trọng là phải sống Lời của Chúa một một cách đơn sơ, chân thành, không cầu kỳ, không gò bó.
Đức Cha Arthur Tone kể lại một câu truyện rất cụ thể như sau. Một gia đình ngài quen biết có hai vợ chồng và một đứa con. Một ngày kia không hiểu vì truyện gì mà hai vợ chồng to tiếng với nhau. Hai người tìm đủ mọi lý lẽ để biện minh cho sự phải lý của mình. Vì quá hung hăng trong việc lời qua tiếng lại mà hai vợ chồng không để ý đến cậu con trai tên là Bobbie con của hai người mới đi học về.
Bobbie thấy vậy liền nhảy lên bàn giơ hai tay lên và nói thật lớn: “Bình an – Hãy im lặng”
Cả hai vợ chồng nhìn con rồi phá lên cười. Sau đó người mẹ ôm con vào lòng vào âu yếm hỏi: “Con học được cái đó ở đâu thế?”
Cậu thưa: “Thưa con học ở trong sách Giáo lý – Chúng con đã học câu truyện Chúa Giêsu dẹp yên bão tố – Chúa đã đưa tay ra và truyền cho sóng gió phải yên lặng”
Câu truyện nhỏ nhưng nó cũng cho chúng ta thấy một trong những cách vận dụng đem lời Chúa vào cuộc sống.
3. Cuối cùng đó là những người biết kiện trì, trung thành với sự chọn lựa của mình một cách đáng khâm phục.
Chúa đã từng khẳng định: Con đường của Chúa là con đường hẹp, nhiều khi hẹp kinh khủng. Nó đòi hỏi những ai đi trên con đường đó một sự cố gắng hầu như là liên lỉ và nhiều khi rất anh hùng. Chỉ có những ai kiên trì và can đảm mới có thể đi trên con đường đó.
Một Antôn tu rừng mà tôi vừa mới nói ở trên chẳng hạn. Đọc tiểu sử của Ngài chúng ta mới thấy. Bán hết mọi sự để theo tiếng Chúa gọi đó đã là khó. Nhưng sống theo Chúa còn khó hơn. Sau khi đã bán mọi sự, Antôn đi vào trong rừng vắng. Ma quỉ đã không để anh được yên. Chúng thi nhau tấn công anh, tấn công bằng mọi thủ đoạn kể cả những thủ đoạn tầm thường nhất. Chúng dùng đến cả những hình ảnh bẩn thỉu nhất để cám dỗ anh. Suốt cả cuộc đời là một cuộc chiến đấu. Nhờ kiên trì mà Antôn đã đã chiến thắng.
Một trong những bà thánh mà chúng ta hay nhắc tới như bà thánh Monica chẳng hạn. Chúng ta tưởng là bà đã nên thánh một cách đễ dàng sao? Không, hoàn toàn không! Không dễ dàng chút nào cả mà là đầy những cố gắng. Hơn 30 năm trời cầu nguyện hãm mình hi sinh mà mới thành công đem được người con của bà về với Chúa. Hơn 30 năm trời kiên trì trong âm thầm lặng lẽ mới đạt tới vinh quang. Đó không phải là một cái giá đã cao. Còn nhiều sự trả giá còn cao hơn nữa. Chỉ có những ai biết nhẫn nại kiên trì, những người ấy mới xứng đáng với vinh quang Nước Trời. Chúa Giêsu đã nói: “Nước trời phải dùng sức mạnh mà cướp lấy” (Mt 11,12).
B. Bây giờ về phần chúng ta. Đứng trước những tấm gương của các Ngài chúng ta phải có thái độ như thế nào?
Có lẽ chẳng ai trong chúng ta mà lại không muốn làm thánh. Nên thánh là mục đích mà mọi người chúng ta nhắm tới. Thế nhưng con người của chúng ta thường yếu đuối. Nói như lời thánh Phaolô: “Điều tôi muốn tôi lại không làm, còn điều tôi không muốn tôi lại cứ làm” (Rm 7,19) Thân phận con người của chúng ta là thế. Chính vì vậy mà chúng ta phải xin với Chúa ơn can đảm.
* Một chàng thanh niên thuở xưa có tên là Salésio. Anh có tên thánh là Phanxicô. Một lần kia anh đọc lịch sử Giáo Hội, anh thấy trong Giáo Hội đã có 3 người mang tên Phanxicô đã làm thánh: Đó là thánh Phanxicô khó khăn, thánh Phanxicô đệ Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê, tự nhiên anh cảm thấy mình cũng phải làm gì để được nên thánh. Thế là anh đi tới một quyết định: Tôi sẽ là Phanxicô thứ 4. Anh đã giữ được quyết định đó và anh đã làm thánh. Đó là thánh Phanxicô Salésio.
* Gần đây chúng ta hay nhắc đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Tôi chắc chắn Mẹ đã biết trong lịch sử của Giáo Hội đã có hai vị thánh mang tên Têrêsa: Đó là thánh Têrêsa Avila, Têrêsa Hài đồng Giêsu. Tuy không nói ra nhưng tôi tin Mẹ cũng đã nguyện ước Mẹ cũng là một thánh Têrêsa khác. Và hôm nay, mẹ đã thành công. Giáo Hội đã tôn phong mẹ lên hàng chân phước. Chẳng bao lâu nữa mẹ sẽ lên đến đỉnh vinh quang!
Xin Chúa giúp cho chúng ta biết can đảm. Trên con đường nên thánh, Thánh Augustinô đã gặp rất nhiều thử thách. Ngài đã dùng câu nói này như câu châm ngôn để vươn lên: “Ông kia bà nọ làm được tại sao tôi lại không?” Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi ơn chúng ta cần. Người nọ kia nên thánh được tại sao tôi lại không? Hãy cố gắng. Chúa sẽ phù trợ cho chúng ta. Amen.
THỨ HAI TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
Lc 14,12-14
“Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người
nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.”
(Lc 14,13)
Qua việc mời khách dự tiệc, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta bài học về việc phục vụ vô vị lợi:
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc”. (Lc 14,13-14)
Mời dự tiệc tượng trưng cho sự cho. Nhưng giá trị của sự cho tùy vào cho ai và tại sao cho. Người đời thường chỉ cho những ai có thể cho lại mình. Như thế, động cơ của sự cho là để được cho lại (do ut das). Việc cho như thế không có giá trị bao nhiêu, vì thực chất là cho mình chứ không phải cho người. Vả lại, dù người ta có cho lại mình thì họ cũng chỉ cho theo sự tính toán của người ta (cũng như mình đã tính toán đối với họ), và chỉ cho những cái trong khả năng hạn chế của loài người.
Chúa Giêsu dạy môn đệ Ngài một cách cho có giá trị cao hơn nhiều: cho những kẻ không có khả năng cho lại, và động cơ chỉ là vì thương nên muốn chia sẻ. Đó mới làcho thực nên mới có giá trị. Vả lại, vì người nhận không có khả năng cho lại nênThiên Chúa sẽ thay họ cho lại ta, và cái Chúa cho thì dĩ nhiên quý hơn cái ta đã cho gấp bội.
Có một người nông phu Trung Quốc tên là Wong Ly, một người tuy nghèo nhưng vốn có lòng quảng đại và nhân hiền. Một hôm, ông từ trên đồi xuống, vác trên vai một bó lá đem về lợp lại mái nhà. Đi đường mỏi mệt ông ngồi nghỉ chân dưới bóng một cây cổ thụ bên đường. Một con bướm thật đẹp đủ màu sắc bay tới đậu trên bó lá, ông vừa đưa tay đuổi đi vừa nói:
– Bướm đẹp quá, hãy bay đi hưởng tự do mà Chúa đã ban cho mi.
Nhưng con bướm vẫn không chịu bay đi, rồi ông lấy dây, nhẹ tay buộc con bướm vào cành lá với ý định đem về cho các con ông chơi. Vừa xuống dưới chân đồi, ông gặp một phụ nữ, vai mang gánh lúa, tay dắt đứa con gái nhỏ. Trông thấy con bướm trên bó lá, cô bé gọi mẹ:
– Mẹ ơi, bướm đẹp quá mẹ xin cho con đi.
Nghe vậy, ông Wong Ly dừng chân, đặt bó lá xuống đất, tháo dây cột con bướm, đưa cho cô bé và nói:
– Đây cháu hãy cầm lấy con bướm này, nhưng đừng làm hại nó nhé.
Bà mẹ đứa trẻ cũng dừng chân, đặt gánh xuống và nói với ông Wong Ly:
– Ông thật là người tốt bụng, tôi không có gì đền ơn ông, chỉ xin ông nhận mấy trái cam sành này… trái cam tôi mới hái đây.
Ông nhận quà, ra về, cám ơn và nói:
– Tôi sẽ đem về cho vợ con tôi, vì cả nhà tôi chưa bao giờ được thấy những trái cam to và mọng nước như thế này.
Đi được một quãng, ông gặp một người lái buôn ngồi nghỉ dưới bóng cây bên đường với những gói tơ lụa đủ màu. Người lái buôn đứng dậy nói với Wong Ly:
– Tôi đi đường từ sáng đến giờ sắp kiệt sức vì trời nóng bức, không một miếng cơm cũng không một ngụm nước, ông có gì cho tôi uống giải khát để lấy lại sức không?
Ông Wong Ly động lòng thương, rút mấy trái cam sành trong túi ra và nói:
– Ông hãy nhận lấy mấy trái cam ngon ngọt này, nó sẽ giúp ông giải khát và chúc ông lên đường bình an.
Người lái buôn vui mừng nhận ba trái cam, rồi rút trong bao ra một tấm lụa và nói:
– Xin cám ơn lòng tốt của ông, và xin ông nhận cho tấm lụa này để nói lên lòng biết ơn của tôi.
Wong Ly tiếp tục lên đường về nhà, vai mang bó lá, tay cầm tấm lụa. Về tới đầu làng, ông nghe tiếng chân ngựa và tiếng cười xôn xao, như có ai quan trọng sắp đi qua đây, ông vội đứng sang một bên, chờ ngóng xem có chuyện gì xảy ra.
Một lúc sau, có xe của công Chúa và lính hầu cận tiến tới, đang lúc lúng túng Wong Ly nghe tiếng công Chúa gọi lại, vì muốn xem tấm lụa đẹp ông cầm trên tay. Ông đến gần và lễ phép thưa:
– Thưa bà, nếu bà thích, kẻ hèn này xin kính tặng bà.
Công Chúa cầm lấy tấm lụa ngắm nghía tỏ vẻ hài lòng và nói:
– Ngươi thật là tốt bụng, ta cũng muốn tặng cho ngươi một món quà.
Vừa nói công Chúa vừa đặt vào tay ông một cái túi nhỏ rồi ra đi. Ông cầm chặt túi nhỏ trên tay, vác bó lá trên vai, bước mau về nhà. Vào tới nhà, ông gọi vợ con tới gần và mở túi nhỏ của công Chúa ra xem. Mắt ông sáng lên khi thấy trong túi đầy những đồng tiền vàng.
Ông ngạc nhiên tự hỏi, tôi sẽ làm gì với sự giàu có này, rồi ông tự trả lời:
– Được rồi, tôi sẽ làm cho những người nghèo khổ nhất trong làng này được hạnh phúc.
Rồi ông phân phát, chia sẻ cho những người nghèo khổ trong làng. Và dĩ nhiên, người hạnh phúc nhất trong làng chính là ông Wong Ly. Từ đó, ông được đặt tên là“Người hạnh phúc”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống quảng đại hơn. Amen.
THỨ BA TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
Lc 14,15-24
Ông chủ bảo người đầy tớ: “Ra các đường làng,
đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta.”
(Lc 14,23)
1. Hình ảnh đặc biệt của đoạn Tin Mừng hôm nay là một bữa tiệc. Trong Thánh Kinh, bữa tiệc thường được qui hướng về hạnh phúc do Thiên Chúa ban cho. (Is 25,6).
Tin Mừng hôm nay thuật lại: Hôm ấy, Chúa Giêsu đang ngồi ăn chung với nhiều người khác trong một bữa tiệc do một thủ lãnh Pharisêu khoản đãi (Lc 14,1-14). Bữa tiệc này làm cho một trong những thực khách được mời liên tưởng đến bữa tiệc thiên quốc, nên đã buột miệng nói ra “Phúc cho ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15).
Nghe thấy vậy, Chúa Giêsu dùng ngay một dụ ngôn để trả lời cho người ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó cho rằng, được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc thật lớn. Nhưng rồi Ngài đặt vấn đề. Vấn đề là người ta có sẵn lòng nhận lời mời vào Nước ấy hay không?
Trong dụ ngôn, ông chủ đã mời rất nhiều người đến dự tiệc, nhưng tất cả đều nhất loạt xin kiếu. Hai người đầu còn nói lời cáo lỗi (“cho tôi xin kiếu”), người thứ ba chẳng buồn nói một lời nào. Thật rất là bất lịch sự. Tóm lại là tất cả những người được mời đều không tha thiết gì với hạnh phúc Nước Thiên Chúa.
Vì loạt người được mời đã từ chối dự tiệc, ông chủ cho mời một loạt người khác. Đó là những người “nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt“. Họ tượng trưng cho lương dân. Như thế, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không những không bị cản trở mà trái lại, nó còn được thúc đẩy để Thiên Chúa thành lập Nước Thiên Chúa nhanh hơn.
2. “Mọi sự đã sẵn sàng” (Omnia parata sunt): Hạnh phúc Nước Trời luôn được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn tất cả cho ta, cũng như cỗ bàn được ông chủ trong dụ ngôn này chuẩn bị chu đáo (giáo huấn Tin Mừng, Giáo Hội, bí tích, ơn Chúa v.v.). Thế nhưng, tại sao lại có nhiều người không đến dự tiệc? Thưa, vì họ không muốn từ bỏ những thứ đang quyến rũ họ: một thửa đất mới mua (tài sản), năm cặp bò mới tậu (việc làm ăn), một người vợ mới cưới (hạnh phúc nhân loại). Những người đó đã không sai khi coi trọng những thứ vừa kể, nhưng họ sai vì coi chúng trọng hơn Nước Trời.Chúa Giêsu đã dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Còn lý do khiến loạt khách thứ hai đáp lời một cách mau mắn (“phòng tiệc cưới đã đầy thực khách”) là vì họ đang là những người không có gì cả, nói một cách cụ thể hơn là họ nghèo. Cái nghèo đã là điều kiện rất thích hợp để họ đón nhận Nước Trời.
Đời là một bữa tiệc lớn. Tất cả những niềm vui – nỗi buồn, cái thật – cái giả, ánh sáng – bóng tối… đều cống hiến cho bữa tiệc ấy. Nhưng con người như bị thôi miên, cứ chọn cái buồn, cái giả, cứ chạy theo bóng tối… nên rất nhiều người đang chết đói trên bàn tiệc, trong đó có thể có cả chúng ta.
10 giờ đêm ngày 14-04-1912, chiếc tàu du lịch vĩ đại nhất của Anh Quốc đã đâm phải tảng băng giữa Tây Đại Dương. 4 giờ sau đó, cả chiếc tàu, thủy thủ đoàn và nhiều hành khách đã bị chôn vùi trong lòng Đại Dương. Cuộc đắm tàu đầy bi thảm này đã là nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu áng văn chương. Những người có may mắn sống sót đã thuật lại lòng can đảm phi thường của viên thuyền trưởng, các sĩ quan và thủy thủ đoàn. Họ kể rằng, nhiều người đã khước từ sự cứu vớt để ở lại cùng chết với chồng.
Giữa biết bao nhiêu gương hy sinh ấy, những người sống sót còn kể lại câu chuyện, xem ra người ta chỉ muốn biết vì tò mò hơn thán phục.
Đó là câu chuyện của một người đàn bà. Sau khi đã được đưa lên boong tàu để chuẩn bị cho việc cứu vớt, thì bà ta xin phép được trở lại phòng ngủ lần cuối cùng, để có thể thu nhặt một ít đồ quý giá. Người ta cho bà ba phút để làm công việc này. Người đàn bà liền vội vàng chạy đi. Dọc theo hành lang, bà ta thấy ngổn ngang không biết bao nhiêu là nữ trang vàng bạc quý giá. Vào đến phòng ngủ bà ta đưa mắt nhìn hết các đồ nữ trang và báu vật, nhưng cuối cùng, bà ta chỉ đưa tay nhặt lấy 03 quả cam và chạy lên boong tàu.
Vài tiếng đồng hồ trước đó, giữa các đồ vật trong phòng, có lẽ người đàn bà kia đã chẳng lúc nào nghĩ đến 03 quả cam. Nhưng trong giây phút nguy ngập nhất của cuộc sống thì giá trị của sự sống bỗng bị đảo lộn. Ba quả cam bỗng trở nên quý giá hơn vàng, kim cương và hột xoàn bởi vì nước của chúng có thể cứu sống được bà giữa biển khơi.
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
THỨ TƯ TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
Lc 14,25-33
“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có,
thì không thể làm môn đệ Tôi được.” (Lc 14,33)
1. Khung cảnh: Khi ấy “Có rất nhiều người đi đường với Chúa Giêsu” (Lc 14,25). Họ đang cùng với Chúa Giêsu “tiến lên Giêrusalem”. Có lẽ họ nghĩ rằng, đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Chúa Giêsu nói rõ ra: “Những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (“đi theo”) thì phải yêu mến Ngài hơn (diễn tả theo kiểu đặc biệt sêmít là “ghét”) tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa và phảichấp nhận từ bỏ tất cả, thì mới xứng đáng với Chúa.
Đây là những lời rất thẳng thắn và chân thành.
Thế nhưng, trong thực tế, có nhiều người muốn theo Chúa nhưng không muốn từ bỏ và không muốn vác Thập Giá.
Ngược lại nếu biết từ bỏ, phần thưởng sẽ thật lớn:
Bob Ernst kể lại cuộc đời của ông: Tôi sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, cùng với sáu anh trai, ba chị em gái. Dù gia đình tôi không có bất cứ tài sản quý giá gì, nhưng lúc nào cũng tràn ngập tình yêu thương và sự quan tâm. Tôi sống hòa đồng với mọi người, năng động trong mọi việc. Tôi luôn nuôi dưỡng cho mình một ước mơ và cố gắng để thực hiện.
Tôi mong muốn được trở thành vận động viên bóng chày. Khi 16 tuổi, tôi đã có thể ném trái bóng chày trúng bất cứ vật gì đang di chuyển trong sân banh với tốc độ 90 dặm giờ. Tôi thật sự may mắn khi thấy huấn luyện viên không chỉ tin tưởng tôi mà còn dạy tôi biết tin vào chính mình. Thầy chỉ cho tôi thấy sự khác nhau giữa việc có một ước mơ và việc tin vào ước mơ ấy. Và một chuyện xảy ra đã thay đổi hẳn cuộc đời tôi.
Đó là vào mùa hè giữa năm học thứ ba, một người bạn giới thiệu cho tôi công việc làm thêm. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ có cơ hội kiếm tiền – cho những cuộc hẹn hò với bạn gái, mua xe đạp, mua quần áo mới và bắt đầu tiết kiệm để mua nhà cho mẹ tôi. Viễn cảnh thú vị thôi thúc tôi giành lấy ngay cơ hội ấy.
Song, tôi cũng nhận ra rằng mình phải từ bỏ các buổi tập bóng chày để làm việc. Điều này làm tôi hơi lo ngại. Tôi tự trấn an mình bằng lời khuyên của mẹ: “Nếu các con đã làm việc gì, các con phải chịu trách nhiệm về điều đó”.
Khi nghe tôi xin phép sẽ thôi không chơi bóng nữa, thầy giận dữ:
– Em còn cả cuộc đời phía trước để làm việc trong khi chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi để chơi bóng. Đừng hoài phí nó.
Tôi cúi gầm mặt, cố tìm lời giải thích về ước mơ mua xe đạp, mua căn nhà mới cho mẹ.
– Em kiếm được bao nhiêu tiền với công việc này? – Thầy hỏi.
– 5 đô la một giờ, thưa thầy. – Tôi đáp.
– Thế thì 5 đô la là cái giá cho ước mơ của em phải không?
Câu hỏi bất ngờ và thắng thắn đó của thầy đã vạch cho tôi thấy rõ sự khác biệt giữa việc đạt một điều trước mắt và việc hướng đến mục tiêu lâu dài. Tôi bừng tỉnh và quyết tâm dốc hết toàn bộ sức lực, ý chí vào các trận đấu bóng chày mùa hè năm đó và tôi đã được câu lạc bộ Pittsburgh Pirates mời chơi bóng với hợp đồng trị giá 20 ngàn đô-la. Tôi cũng góp phần giành cúp vô địch cho trường đại học Arizona. Sau đó, tôi ký hợp đồng trị giá 1,7 triệu đô la với câu lạc bộ nổi tiếng Denver Broncos và mua cho mẹ tôi căn nhà như tôi hằng mơ ứớc.
2. Chúa bảo: “Hãy vác Thập Giá hằng ngày” (Lc 14,27).
Newton nói: “Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng, ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi!” (Newton).
Người ta kể rằng, có một đoàn người kia vác Thập Giá của mình, bước đi cực nhọc dưới sức nặng của cây Thập Giá đè trên vai, trong đó có một người vác một cây Thập Giá khá dài, không chịu được, ông cưa bớt đi một khúc.
Sau cuộc hành trình gian truân, đoàn người đi đến bên bờ một vực thẳm: Bên bờ bên kia Chúa đang đợi sẵn, nhưng ngặt một nỗi là không có một cây cầu nào bắc qua để sang bên đó.
Sau một lúc do dự, không ai bảo ai, mỗi người đều đặt cây Thập Giá của mình bắc qua vực thẳm. Lạ lùng thay chúng vừa khít với bề ngang của vực thẳm, chỉ riêng cây Thập Giá bị cưa bớt cho đỡ nặng là hụt, và người vác nó phải đứng lại bên này với sự tuyệt vọng.
Lạy Chúa, xin cho chúng con vác Thập giá mỗi ngày để theo Chúa. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
Lc 15,1-10
“Cũng thế, tôi nói cho các ông hay:
giữa triều thần Thiên Chúa,
ai nấy sẽ vui mừng
vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
(Lc 15,10)
1. Thật là cảm động trước thái độ ân cần của người chăn chiên đối với con chiên đi lạc: chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con, mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó trên vai, mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui.
Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế: chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng: thắp đèn, quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy.
Một con chiên không có giá trị là bao so với cả đàn chiên. Một đồng bạc cũng thế so với số còn lại, thế nhưng, đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Chính vì giá trị đặc biệt đó mà người chăn chiên không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, đã lặn lội đi tìm con chiên lạc và người phụ nữ cũng thế, bà đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất.
Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Một cha sở kia nằm mơ thấy Chúa Giêsu đến thăm giáo dân đang tụ họp nhau trong nhà thờ, rồi khi Chúa Giêsu từ giã họ ra đi, vẻ mặt Chúa thật hớn hở sung sướng. Tò mò, cha chạy theo hỏi Chúa:
– Lạy Chúa, tại sao Chúa ra đi sung sướng như vậy.
Chúa đáp:
– Vì có nhiều người nói những lời hết sức đẹp ý Ta.
– Thưa Chúa, những lời nào vậy? Những lời chúc tụng ngợi khen Chúa ư?
Chúa lắc đầu. Cha sở vội nói tiếp:
– À con biết rồi, họ nói những lời cảm tạ tri ân Chúa phải không?
– Cũng không đúng nữa.
Không chịu thua, cha sở hỏi tiếp:
– Hay là những lời cầu xin Chúa ban ơn này ơn nọ cho họ.
Chúa Giêsu lắc đầu:
– Con đoán sai cả rồi. Ta nghĩ là con dư sức biết họ nói gì với Ta chớ.
Bấy giờ cha sở với dịu giọng:
– Thưa Chúa, con đành chịu thua thôi. Xin Chúa vui lòng cho con biết, giáo dân của con đã nói gì với Chúa mà làm cho Chúa vui lòng sung sướng như vậy.
Chúa Giêsu nhìn cha sở mỉm cười và nói:
– Họ đã nói với Ta: “Lạy Chúa, xin thương tha thứ tội lỗi chúng con.”
Vâng! Nếu người chăn chiên vui vì đã tìm được con chiên lạc. Người đàn bà vui vì đã tìm thấy đồng bạc bị mất thì cũng thế,cả Thiên Đàng cũng sẽ vui vì một người tội lỗi ăn năn trở lại: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10). Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ thêm nữa, im lặng để chiêm ngưỡng, biết ơn và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân.
2. Hãy chiêm ngưỡng tình thương của Chúa và điều này mới thật là điều quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta không bao giờ được thất vọng trước những yếu đuối và lầm lỗi của mình.
Trong quyển tiểu thuyết có tựa đề: “Mạo hiểm”, tác giả người Mỹ là Relly đã kể lại cuộc đời đầy sóng gió của một Linh Mục Công giáo.
Sau 12 năm thi hành chức vụ, linh mục đã xin hồi tục để cưới một người đàn bà mà ông tưởng mình đã yêu thương thực sự và sẽ là người mang lại hạnh phúc cho ông. Về phần mình, người đàn bà cũng đã từng sống lâu năm trong đời tu trì.
Nhưng rồi hạnh phúc đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy toàn là bất hạnh. Cuộc sống mỗi người một tính khí, mỗi người một quan điểm, mỗi người một thói quen, miết rồi đâm ra xung khắc nhau đến độ không thể dung hoà. Cuối cùng sau khi đã có với nhau được hai mặt con, họ đã ly dị nhau.
Sau một thời gian lăn lộn giữa đời, với biết bao thăng trầm trong việc làm ăn cũng như trong sinh hoạt tình cảm, vị linh mục hồi tục đã xin trở lại với chức vụ.
Tác giả kết thúc câu chuyện một cách hết sức cảm động:
Vị linh mục vừa trở lại chức vụ của mình thì liền có dịp cử hành bí tích xức dầu cho một người đàn bà trên 80 tuổi đang hấp hối. Trên giường bệnh, người đàn bà đã khước từ mọi lời cầu nguyện vì nghĩ rằng, Chúa sẽ trừng phạt và không bao giờ tha lỗi cho biết bao tội lỗi của bà.
Vị Linh mục đã dùng tất cả sự chân thành và nhiệt tâm của mình để an ủi người đàn bà và đã thuyết phục được bà tin vào lòng nhân từ và tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Người đàn bà đã thực sự an giấc trong tình yêu của Thiên Chúa.
Kết thúc câu chuyện với hình ảnh ấy, có lẽ tác giả muốn nhắn gửi độc giả thông điệp của tình yêu Thiên Chúa: Dù con người có yếu hèn bội bạc đến đâu, Thiên Chúa vẫn không ngừng theo đuổi và tha thứ cho con người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu hèn của mình mà chạy đến với ân sủng và sự tha thứ của Chúa.
Lạy Chúa, xin thương tha thứ tội lỗi của chúng con. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
Lc 16,1-8
“Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn
con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”
(Lc 16,8)
1. Mặc dù người quản gia trong dụ ngôn này không tốt lắm, nhưng Chúa Giêsu đã rất khéo khi lấy hình ảnh người quản gia này để làm nên một dụ ngôn dạy đời. Chúa muốn nhắc rằng, đối với tiền bạc của cải mà chúng ta đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, còn chính Thiên Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải sử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình nên họ đã sử dụng chúng không theo đúng ý Chúa.
Hãy biết noi gương người quản gia này về việc sử dụng tiền của một cách khôn khéo, bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai.
Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi vào cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:
– Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu?
– Chỉ một đồng thôi.
– Còn tô lớn kia?
– Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:
– Ở đây chúng tôi chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không?
Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói:
– Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.
– Thế tiền-cho-đi là tiền gì?
– Thế tiền-cho-đi là tiền khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi ấy ở đây.
Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.
Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.
2. Chúa nói: “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng khi xử sự với đồng loại.” (Lc 16, 8b)
Vua Ai Công nước Lỗ hỏi Khổng Tử:
– Người khôn có sống lâu không?
Khổng Tử đáp:
– Khôn thì sống lâu, chớ dại thì sống lâu sao được!
Người ta có ba thứ chết, tự mình làm cho mình chết, chứ không phải số mạng đáng chết mà chết.
+ Ăn uống không có chừng mực, thức ngủ không có điều độ, làm lụng khó nhọc quá, lười biếng chơi bời quá, người như thế, thì phải chết về bệnh tật.
+ Phận là người dưới, mà xúc phạm người trên, lòng tham muốn không ngừng, tính yêu cầu không chán, người như thế thì chết về hình pháp.
+ Mình ngu, mà mình kịch người khôn, mình yếu mà khinh bỉ người mạnh; không biết lượng sức mạnh, mà cứ giận dữ làm liều, người như thế thì chết vì binh đao.
Ba thứ chết ấy thực không phải là số mệnh, chỉ tự mình giết mình mà thôi.
Phần chúng ta, chắc chắn là chúng ta đều muốn sống và sống lâu, nhất là sống đời đời. Muốn thế chúng ta biết sống cho thật khôn ngoan.
Đức Giáo Hoàng Innocentê II có một chiếc hộp, Ngài thường mở ra coi; người thì cho là trong đó để một di vật quý của gia đình Ngài, người thì cho là tượng Chúa hoặc ảnh một vị thánh, người thì cho là hài cốt của vị thánh Ngài tôn sùng.
Một hôm, cha Claudius Aquavina Bề Trên dòng Tên, bạn thân của Đức Giáo Hoàng, vào yết kiến, gặp lúc Đức Giáo Hoàng đang mở hộp xem, Ngài bảo cha Claudius đoán xem, hộp đó đựng gì? Cha Claudius không đoán được.
Lúc đó, Đức Giáo Hoàng mới mở hộp ra, trong hộp này có một quan tài nhỏ, và trong quan tài có để chân dung chính Đức Giáo Hoàng. Rồi Đức Giáo Hoàng nói: “Vào lúc khởi đầu điểu khiển Giáo Hội, ta phải quyết định nhiều việc quan trọng. Thường thì dân chúng cố áp lực với ta, không chỉ bằng tranh luận, mà cả bằng tiền tài và danh dự nữa. Nhưng trước khi quyết định bất cứ vấn đề trọng đại nào, ta cũng mở hộp này ra, nhìn vào quan tài đựng chân dung của ta, và tự nhủ: ‘Hỡi Innocentê, ngày kia ngươi sẽ chết, khi ngươi nằm vào quan tài, thì ngươi liệu còn làm được gì nữa không? Lúc ấy ngươi nghĩ phải làm sao, thì bây giờ ngươi hãy làm đi!’”
Vì thế ta đã hành động theo đúng những quyết toán được định đoạt ở đây, bên chiếc hộp đựng quan tài này.”
Vâng! Phải chọn cho mình một con đường để thể hiện cuộc sống của mình. Thành công hay thất bại đều lệ thuộc vào sự chọn lựa căn bản này.
Đây là những lời được viết trên tường của căn nhà dành cho các trẻ em ở Calcutta:
Hãy dành thì giờ suy nghĩ
Ðó là nguồn sức mạnhHãy dành thì giờ để cầu nguyện
Ðó là sức mạnh toàn năngHãy dành thì giờ cất tiếng cười
Ðó là tiếng nhạc của tâm hồnHãy dành thì giờ chơi đùa
Ðó là bí mật để trẻ mãi không giàHãy dành thì giờ để yêu và được yêu
Ðó là ưu tiên Thiên Chúa ban choHãy dành thì giờ để cho đi
Vì một ngày quá ngắn để ích kỷHãy dành thì giờ cho bác ái
Ðó là chìa khóa cửa thiên đàng. Amen.
THỨ BẢY TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
Lc 16,9-15
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16,13)
1. Chẳng cần phải dài dòng chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu muốn ta phải có mộtthái độ đối với tiền bạc. “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16,13): Qua câu này, chính Chúa Giêsu cho biết:
Tiền bạc là con dao hai lưỡi nên rất nguy hiểm.
Đây là những tư tưởng được loan truyền đó đây trong xã hội hôm nay.
Tiền trước tiên, tôn ta thành thần thánh, thành tiên, thành thánh thượng.
Tiền tạo thành tích, thành tiên tiến, thành. . . tài, thành thân thế – tất thảy trân trọng.
Tay thủ tập tiền, trên tất thảy- tôn ti trật tự tiêu tán – tòa tù tội thảy tiêu tan – tội thành trong trắng, thất thu thành thành tựu – thấy tiền tựa thấy tiên – thấy trước tất thảy, thua thành thắng, tiền trợ thủ ta trên tất tật!
Túng tiền, tư tưởng, tinh thần tiêu tán, trên thiếu tin, thắng thành thua, tài tình thành tai tiếng. Thiếu tiền tất thua thiệt, tình tan tác, trong trắng thành tối tăm .
Thiếu tiền, thâm thủng, tủi thân, thành tham tàn, tù tội, thân thế tựa tre tàn, tất thảy thiếu tôn trọng, tư tưởng thiếu tự tin, tìm thang thuốc tự tử…! (Tầm Vông, Gò Dầu-Tây Ninh )
Đồng tiền mạnh mẽ xiết bao.
Bẻ cong chân lý lật nhào công minh
“Vàng”, “Lầu”, “Đô”, “Xế” hiển linh
Có bây, “pháp luật nghiêm minh” trò đùa
Buồn thay! “Vật chất” làm vua
“Đức” “Trí” “Lễ” “Nghĩa” phải thua đồng tiền! (NT2 – Vũng Tàu )
Ông Tiền, ông Phật, ông Tiên,
Ba ông đứng lại, ông Tiền cao hơn!
Tiền nhiều: mặc kệ… vẫn hơn
Dẫu cho nhân sự ngã nghiêng tứ bề
Tiền nhiều chẳng ngán chẳng lo,
Phất tay một cái nhằm nhè gì ông?
(Tuổi trẻ cười – Xuân Canh Ngọ)
Tiền bạc có thể làm cho người ta ra mù quáng, không còn phân biệt được thật giả.
Xưa kia, có người nước Tề thích vàng. Sáng sớm, thay xiêm y đi ra chợ, đến hàng người đổi tiền, chộp một khối vàng, rồi đi.
Người ta bắt anh và hỏi:
– Tại sao giữa đám đông người, mà anh dám đoạt vàng của người ta như thế?
Anh ta đáp lại:
– Lúc tôi thấy vàng, đâu còn thấy thiên hạ chung quanh nữa đâu, tôi chỉ thấy vàng thôi.
Vì tiền bạc, nhiều người đã đánh mất cả lương tâm, cả tình người.
Như vậy, có phải có tiền là có tất cả hay không? Một con người bình thường với một bộ óc lành mạnh, không bệnh tất cũng có thể trả lời là không mà không sợ sai lầm.
2. “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (Lc 16,9)
Đây là những lời khuyên của một người mẹ giành cho đứa con bé nhỏ yêu quí của mình:
Thứ ba, ngày 29
Enricô của mẹ,
Sáng nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con. Con nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng, con chẳng cho gì cả mà chính lúc ấy túi con có tiền. Nghe mẹ, con ơi!
Con đừng tập thói làm ngơ trước cái nghèo khó nó ngửa tay xin con; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho con. Con hãy nghĩ đến bụng đói của đứa trẻ thơ, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.
Mỗi khi mẹ bố thí cho kẻ nghèo thì bao giờ họ cũng cảm ơn và chúc cho mẹ, cho cả nhà ta được mọi sự lành. Những lời chúc tụng ấy nghe êm ái biết là dường nào! Và lòng tạ ơn họ không biết bao nhiêu.
Những lời cầu nguyện ấy sẽ thấu đến đấng Thượng đế để ngài phù hộ cho tất cả những người thân yêu của ta. Vì thế, mẹ trở về rất hài lòng và tự nhủ :
– Người ấy đã cho ta nhiều hơn là ta đãi họ!
Enricô ơi! Con hãy nghe mẹ: thỉnh thoảng nên bớt một vài xu trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không gạo, đứa trẻ không mẹ không cha. Những kẻ khó thích xin trẻ con vì như thế họ không nhục, vì trẻ con cũng như họ phải cần đến mọi người. Con có nhận thấy ở quanh trường thường có nhiều kẻ ăn xin không? Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phúc mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền kèm với bông hoa ở trong tay nó rơi ra.
Con ơi! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một đám có bao nhiêu là nhà giàu, trong một phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới! Thực đáng buồn thay!
Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó nào mà không cho gì”.
Mẹ con.
(Edmond de Amicis trong Tâm Hồn Cao Thượng).
Lm. Giuse Đinh Tất Quý