Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật 29 thường niên năm B – Chúa Nhật truyền giáo

Chúa nhật 29 thường niên năm B

Chúa Nhật truyền giáo

Lời Chúa: Mt 28, 16-20

 CN Truyen Giao-Các bài suy niệm Chúa Nhật 29 Thường Niên - Năm B - Chúa nhật lễ truyền giáo

Lệnh truyền của Chúa vẫn còn vang dội cho đến tận thế: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Giáo Hội vẫn tiếp tục vâng theo và nỗ lực thi hành. Giáo Hội được sai đi, nghĩa là tất cả mọi người con cái Giáo Hội cũng phải ra đi, đem Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Thế giới hôm nay là không gian hoạt động của chúng ta. Chúa không chỉ hạn chế hồng ân cứu độ của Ngài trong dân Itraen mà thôi, mà muôn dân đều phải được hưởng nhờ. “Ý định của Chúa Cha là cứu vớt hết mọi người “. Chúa Giêsu đến trần gian là để thực hiện ý định cứu độ đó của Chúa Cha. Tin Mừng của Chúa không chỉ dành cho dân Do Thái hay một số người nào, mà cho mọi người ở mọi thời. Giáo Hội là công giáo, là dành cho mọi người. Giáo Hội không biết đến ranh giới, không phân biệt màu da chủng tộc, không dừng lại trong một trạng thái nào, cũng không là một pháo đài mà là cánh cửa luôn luôn rộng mở.

Khi ban lệnh truyền ra đi nầy, Chúa Giêsu nói rõ: “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy”. Lệnh truyền nầy không là của một con người mà là của một Thiên Chúa nắm quyền trên trời dưới đất. Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết mở ra con đường sự sống cho mọi người. Ngài chính là Con Một Chúa Cha hằng sống, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình,là ánh sáng thế gian, là đường, là sự thật và là sự sống”. “Ngài là Tình Yêu”.

Lệnh truyền của Ngài là lệnh truyền của tình yêu. Con người luôn đói khát tình yêu. Truyền giáo chính là mang tình yêu đến cho mọi người, chính là mang Thiên Chúa Tình Yêu cho con người đang đói khát tình yêu, đang sống trong hận thù tranh chấp. Vì thế yêu thương là truyền giáo và truyền giáo là yêu thương. Không biết yêu thương là không thể truyền giáo. Không thể truyền giáo mà không yêu thương. Muốn thế, phải gắn bó với Thánh Thần Tình Yêu, không có Ngài chúng ta chỉ là những cây khô không trái. Truyền giáo không phải là dạy một lý thuyết mà là mang tình yêu đến người mình yêu. Chúng ta hãy đọc lại bài ca bác ái của thánh Phaolô: “Không có bác ái, chúng ta chỉ là những não bạt phèn la inh ỏi” mà chẳng lợi ích gì cho ai.

Chúa Giêsu là nhà truyền giáo đầu tiên, vì Ngài là Tình Yêu. Ngài chính là Tin Mừng Cứu độ. Ngài đến trần gian vì Ngài yêu thương trần gian, thi hành đến cuối cùng ý định của Chúa Cha.

Ngài biết, khi mặc lấy xác phàm, Ngài chỉ sống trong một thời gian, vì thế Ngài đã kêu gọi các môn đệ để tiếp tục công trình của Ngài. Ngài đã sai họ ra đi, mặc dù giữa sói dữ. Nhưng Ngài đã bảo đảm: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Công việc Ngài giao sẽ phải tiếp tục đến tận thế. Giáo Hội không ngừng hoạt động cho danh Cha cả sáng.

Sau khi lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ đã không ngừng đi ra rao giảng. Tin Mừng bắt đầu cuộc hành trình dài đi vào thế giới. Mặc dù bị bách hại triền miên, các ngài vẫn tiếp tục vâng theo lệnh truyền của Chúa, và đã chết cho Chúa. Thánh Phaolô, nhà truyền giáo không mõi mệt đã bôn ba khắp nơi, làm tôi tớ của Tin Mừng,phục vụ Tin Mừng , và cũng đã nhận lấy triều thiên tử đạo như Ngài mong ước.

Qua hơn hai mươi thế kỷ, biết bao công khó đã đổ ra vì Tin Mừng. Biết bao nhiêu máu đào đã đổ ra vì Tin Mừng, vì yêu thương những người anh em chưa biết được hạnh phúc của mình, chưa nhìn thấy được ánh sáng mang lại sự sống. Ma quỷ đã tự xưng là đạo binh, gieo rắt sự chết, chúng ta cũng là đạo binh mang lại sự sống.

Nhưng chúng ta thấy rằng, thời Giáo Hội sơ khai, tất cả mọi người theo Chúa đều những nhà truyền giáo, và họ đã truyền giáo bằng cả cuộc sống yêu thương của họ, yêu thương nhau và yêu thương mọi người. Họ cảm thấy phải loan truyền Tin Mừng vì họ cảm thấy được hạnh phúc khi lãnh nhận Tin Mừng, họ không thể giữ cho riêng mình hạnh phúc mà họ đã lãnh nhận. Chúng ta cũng theo gương lành đó để tự biến thành những người rao giảng Tin Mừng dù chúng ta chỉ là những con người tầm thường, không có trình độ cao, nhưng có lòng mến cao độ.

Trong Giáo Hội, qua hai ngàn năm, vẫn có biết bao nhiêu chiến sĩ truyền giáo khắp nơi như thánh Phanxicô Saviê đăng trình rao giảng Tin Mừng. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, dù ở trong bốn bức tường tu viện, ngài vẫn luôn truyền giáo bằng lời cầu nguyện và những hi sinh hằng ngày, và biết bao nhiêu đấng thánh khác.

Các Đức Giáo Hoàng vẫn không bao giờ ngơi nghỉ thúc giục việc truyền giáo. Những Giáo Hoàng gần đây là những vị Giáo Hoàng truyền giáo. Các Ngài không những thúc giục bằng những thông điệp mà bằng cả việc làm. Đức chân phước Phaolô VI, Thánh Gioan-Phaolô II, Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đã đi khắp năm châu rao giảng Tin Mừng. Công Đồng Vatican II là một Công Đồng truyền giáo. Chúng ta có thể đọc lại những Sắc lệnh của Công Đồng về truyền giáo để thấy được đường hướng của Công Đồng. Chính Công Đồng đã thúc đẩy giáo dân đi ra khỏi pháo đài của mình để dấn thân vào thế giới, mang Tin Mừng cho mọi ngưởi anh em chưa được diễm phúc biết Chúa.

Giáo Hội không mỏi mệt thúc đẩy việc truyền giáo khắp nơi. Gần đây nhất, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban Tông huấn Niềm vui Tin Mừng là một tài liệu truyền giáo mà chúng ta phải thấm nhuần và thi hành. Ngài đòi buộc Giáo Hội phải là một Giáo Hội “đi ra”. Ngài nhắc lại những lời của những Giáo Hoàng đi trước và đưa ra một lối truyền giáo sống động và là niềm vui của Giáo Hội: “Chúng ta không được giảm bớt nỗ lực rao giảng Tin Mừng… vì đây là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội”. “Chúng ta không thể thụ động và thản nhiên ngồi đợi trong các nhà thờ của chúng ta”. Phải cương quyết đi ra, hòa mình vào cuộc sống của mọi người với tư cách là kitô hữu.

Truyền giáo không phải là tuyên truyền. Chúng ta không thể là những chiếc loa phóng thanh, dù cực mạnh, chỉ làm bực bội người nghe mà không mang lại kết quả gì. Chúng ta là nhân chứng. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta phải chứng minh cho mọi người thấy Thiên Chúa là Tình Yêu và là tình yêu đích thực, sống động. Chúng ta không giảng một lý thuyết mà là giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương con người và muốn cho họ hạnh phúc. Tình yêu sống động mới có sức mạnh thuyết phục.

Nhưng nhìn lại chúng ta phải chân nhận rằng, việc truyền giáo hôm nay vẫn không mang lại nhiều kết quả? Gần như nhiều nơi vẫn giẫm chân tại chỗ ?

Vì không có người truyền giáo, chưa có nhiều người dấn thân rõ rệt, sống cuộc đời truyền giáo. Nhiều người chỉ nghĩ rằng tôi chẳng làm được gì. Việc truyền giáo không phải là việc của tôi. Đó là công việc của Giám mục, linh mục hay các hội đoàn. Đó là một sai lầm của rất nhiều tín hữu. Họ chỉ biết giữ đạo cho bản thân, lo rỗi linh hồn một mình thôi. Việc giữ đạo như thế cũng không đi đến đâu, vì họ chưa biết giữ đạo là gì. Họ chưa biết rằng việc truyền giáo là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi kitô hữu. Chúa Giêsu không thể bị nhốt trong một nhà tù. Chúng ta lãnh nhận Chúa Giêsu khi chịu phép rửa tội, Ngài phải được lớn lên và được mọi người yêu thương. Ngài phải được “công bố trên mọi mái nhà”, vì Ngài là hạnh phúc của mọi người.

Vì chúng ta chưa yêu Ngài đủ. Chúng ta không yêu Ngài thì làm sao làm cho người khác yếu mến Ngài ? Chúng ta cũng chưa là ánh sáng làm sao soi sáng cho người khác ? Vì thế cần phải gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu mới dám nói về Ngài, mới dám sống cho Ngài, mới trở thành hình ảnh sống động của Ngài giữa anh em. Điều nầy đã được nhắc đi nhắc lại trong mọi văn kiện Công Đồng và những giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng, thiết tưởng không cần phải nhắc lại. Đây là điều kiện tiên quyết. Phải gắn bó với Chúa Giêsu với bất cứ giá nào, sống với Ngài, yêu thương với Ngài, cuộc sống chúng ta trở thành truyền giáo, không cần một kỷ thuật nào, không cần phải chạy tìm những phương cách nào. Tình yêu là khí giới duy nhất của con người truyền giáo, sau đó chúng ta muốn là gì cũng đều có lợi.

Được nuôi dưỡng bằng chính thịt máu Chúa, mỗi kitô hữu phải là một nhà truyền giáo. Chúa Giêsu là sức mạnh huyền diệu thúc đẩy chúng ta từ bên trong. Ngài hành động với những ai luôn thân cận với Ngài, trao phó cả cuộc đời cho Ngài. Như thế mọi hành động của chúng ta, mọi tiếng nói của chúng ta mang lấy chất liệu của Ngài, mới có thể đi sâu vào tâm hồn con người, vì chính Ngài hành động trong ta chứ không phải là ta. Sau mỗi thánh lễ, linh mục sai chúng ta đi vào thế giới: “Anh em ra về bình an” . Ra về nghĩa là mang lấy kho tàng tình yêu Chúa cho mọi người.

“Hãy đi khắp muôn dân rao giảng Tin Mừng”. Không thể nào chối từ khi chúng ta đã ăn lấy Ngài và đã là một với Ngài qua Tấm Bánh Tình Yêu Ngài trao ban. Từ chối là đắc tội. Vì Ngài đã yêu chúng ta trước, và đã yêu chúng ta đến tận cùng. Chúng ta phải đáp lại bằng cách  “làm dịu cơn khát của Ngài trên thập giá”, bằng cách dám sống cho Ngài một cách thành thực mỗi ngày một hơn.

Lm Trầm Phúc