Trong khi thánh Đa Minh đang rao giảng Kinh Mân Côi ở Carcassone, có một người rối đạo chế diễu các phép lạ và 15 mầu nhiệm Mân Côi, làm cho những kẻ lạc đạo khác không trở về cùng Chúa được. Hình phạt mà thân xác của người đó bị là Thiên Chúa đã để cho 15 ngàn qủi nhập vào.
Cha mẹ của hắn đem hắn đến cho thánh Đa Minh để xin ngài trừ qủi cho. Thánh nhân bắt đầu cầu nguyện và xin mọi người ở đó cùng đọc Kinh Mân Côi lớn tiếng với ngài. Thế rồi, cứ một kinh Kính Mừng đọc lên thì Đức Mẹ trừ cho hắn 100 tên qủi, chúng xuất ra khỏi thân xác người đó, hình thù như những cục than nung đỏ.
Sau khi được giải cứu, người đó thề từ bỏ lỗi lầm trước kia, trở lại và gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Một số bạn hữu của người đó cũng bắt chước theo, vì xúc động trước hình phạt người đó phải chịu và quyền phép của Kinh Mân Côi.
Carthagena, một học giả dòng Phanxicô, cũng như một số tác giả khác, có thuật lại một biến cố phi thường xẩy ra vào năm 1482. Đó là, đấng đáng kính James Sprenger và các tu sĩ khác trong dòng của ngài bấy giờ đang hăng say thiết lập việc tôn sùng Kinh Mân Côi và gầy dựng Hiệp Hội Kinh Mân Côi ở thành Cologne.
Chẳng may gặp hai linh mục có biệt tài giảng tỏ ra ghen tị với các ngài về ảnh hưởng mà các ngài đã chiếm được qua việc rao giảng Kinh Mân Côi. Thế là, hễ có dịp, hai vị linh mục bao giờ cũng nói chống báng việc tôn sùng này. Nhờ tài giảng và thế giá của mình, hai vị đã chinh phục được nhiều người bỏ ý định gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi.
Một trong hai vị, thề quyết đạt cho bằng được ý định đen tối của mình, đã viết một bài giảng đặc biệt chống lại Kinh Mân Côi, tính tung ra vào Chúa Nhật sau đó. Thế nhưng, đến giờ giảng, không ai thấy vị linh mục ấy đâu cả. Chờ đợi một hồi, có người đi tìm vị linh mục ấy thì thấy vị linh mục này đã chết, chết tiu nghỉu một mình, không được ai giúp đỡ, cũng không được gặp linh mục gì cả.
Vị linh mục còn lại, sau khi trấn an mình là cái chết của vị linh mục kia xẩy ra bởi nguyên do tự nhiên mà ra, đã quyết định tiếp tục chương trình của vị linh mục đồng bạn với mình, và sẽ giảng một bài giảng tương tự vào một ngày khác. Vị linh mục này nghĩ là làm như thế mới có thể dứt điểm Hiệp Hội Kinh Mân Côi được. Tuy nhiên, khi đến ngày giảng và đến lúc phải giảng, Chúa đã phạt vị linh mục này bị tê liệt cả tứ chi lẫn khả năng phát biểu bằng miệng lưỡi.
Sau cùng, vị linh mục ấy đã thú nhận tội lỗi của mình cũng như của vị linh mục đồng bạn, rồi, với tất cả tấm lòng, ngài liền âm thầm kêu cầu Đức Mẹ cứu giúp mình. Ngài hứa với Đức Mẹ là nếu Mẹ chữa ngài khỏi, ngài sẽ rao giảng Kinh Mân Côi nhiệt thành, như xưa ngài đã hung hăng chống lại Kinh Mân Côi vậy. Với ý nguyện đó, ngài van nài Đức Mẹ cho ngài hồi phục sức khoẻ và miệng lưỡi, quả nhiên Đức Mẹ đã làm. Trong chốc lát, vị linh mục thấy mình hoàn toàn hồi phục. Như một Saolê khác, ngài đã chỗi dậy, từ một kẻ bắt bớ trở thành người bảo vệ Kinh Mân Côi. Ngài công khai thú nhận lỗi lầm trước kia của mình, và sau đó, với tất cả lòng nhiệt thành và tài lợi khẩu của mình, ngài đã không ngừng rao giảng về những kỳ diệu của Kinh Mân Côi.
Tôi dám chắc là những nhà tư tưởng phóng khoáng và những nhà phê bình chuyên môn ngày nay sẽ đặt vấn nạn về sự thật của những câu truyện trong tập sách nhỏ này, cũng giống hệt như việc họ hằng đặt vấn đề với hết mọi sự khác. Tất cả những gì tôi đã đề cập đều được trích dẫn từ các nhà trước tác nổi tiếng đương thời, và một phần từ cuốn sách mới được viết cách đây ít lâu, đó là cuốn “Hồng Thảo Diệu Huyền” của cha Antonin Thomas, OP.
Ai cũng biết rằng có 3 thứ tin tưởng vào các loại truyện khác nhau:
1 – Những câu truyện trong Thánh Kinh chúng ta phải tin bằng Đức Tin Thần Linh;
2 – Những câu truyện liên quan đến những vấn đề ngoài tôn giáo mà không phản lại với ý nghĩ chung của mọi người, được viết bởi những tác giả đáng tin, chúng ta có thể tin bằng đức tin nhân loại;
3 – Những câu truyện về những điều thánh thiện, được kể bởi các tác giả tốt lành và không lệch lạc tí nào với lý trí, với đức tin và luân lý, (cho dù đôi khi chúng có thể xẩy ra vượt trên mhững hiện tượng tự nhiên), chúng ta có thể tin bằng đức tin đạo đức.
Đồng ý rằng chúng ta không được cả tin hay cả phán, và phải nhớ rằng “nhân đức ở chỗ trung dung”, cần phải nhắm trung điểm của mọi sự để tìm ra vị trí của sự thật và nhân đức. Tuy nhiên, về phương diện khác, đồng thời tôi cũng biết rõ đức ái dễ đưa chúng ta đến sự tin tưởng vào tất cả mọi sự không có gì ngược lại với đức tin và luân lý: “Đức ái… tin mọi sự” (1Cr 13,7). Từ đó suy ra, kiêu ngạo xúi chúng ta hồ nghi ngay cả những truyện đáng tin nhất, lấy lý rằng những truyện đó không có trong Thánh Kinh.
Đây là một trong những cạm bẫy của ma qủi. Những người lạc đạo trong quá khứ từ chối Thánh Truyền đã rơi vào cạm bẫy này, và những người cả phán hiện thời cũng bị bẫy như vậy mà không biết.
Những loại người này từ chối tin điều mà họ không hiểu hay điều mà họ không thích, là do tinh thần ngạo mạn và bất phục tùng của họ.
(Trích từ Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, Bí Mật Kinh Mân Côi – Bông Hồng 10 – Những phép lạ, bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Maria Cao Tấn Tĩnh, BLV)