Trợ giúp di dân Syria: nhu cầu khẩn thiết

Bùi Chu, 11/09/2015 (gpbuichu.org) – Mới đây, trên các tuần báo đưa tin về những làn sóng di dân ở Syria, và cũng lưu tâm nhất tới biến cố của một bé trai 3 tuổi tên là Aylan Kurdi nằm chết trên bờ Biển Địa Trung Hải. Các bức hình tưởng niệm em và các nạn nhân chết trên Biển Địa Trung Hải cũng nói lên sự bất lực của các nhà cầm quyền Âu Châu đã không hoạt động tích cực để ngăn chận tình trạng này. Do vậy, Đức Thánh Cha Phanxi cô đã kêu gọi cộng đồng nhân loại hãy đón tiếp những người di dân, tị nạn theo chứng tá của đời sống của Mẹ Têrêsa Calcutta.

 
Giáo hội được khơi dậy từ vai trò và nhiệm vụ của mình là đồng hành với con người trên khắp hành trình dương thế. Giáo hội và con người được mang trong mình những tâm tư của Đức Ki tô, như mục tử với đàn chiên, hay cũng bởi những mối phúc mà Đức Giêsu đã nói: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc…Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”, và “mỗi lần các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.(x.Mt 25,31-46). Bởi thế, trong bối cảnh toàn cầu hoá, chúng ta không thể không biết và lưu tâm đến việc mục vụ cho những hoàn cảnh di dân của nhân loại. Nó cũng là những lý do sâu xa về mặt tự nhiên cũng như tính siêu nhiên mà mỗi người được mời gọi tham gia vào.
 
 
Trước nhất, bản chất tự nhiên của con người sống mang tính xã hội, sống thành một cộng đoàn yêu thương. Bởi vậy, di dân cũng gồm những con người như ai khác, họ cũng có các quyền lợi và phẩm giá được chung sống trong một cộng đoàn yêu thương. Mỗi người di dân là một nhân vị, có những quyền lợi bất khả xâm phạm mà mọi người phải tôn trọng trong mọi hoàn cảnh.[1] Cũng vây, người di dân có quyền được định cư bất cứ nơi nào mà họ xét thấy là có cơ hội tốt nhất để hiện thực hóa hết những khả năng của họ, khát vọng và hoạch định của họ. Xã hội phải đảm bảo công bằng cho người di dân. Đó không những là một đòi hỏi cần thiết, nhưng đó là một phận vụ công bằng của xã hội.
 
Hơn nữa, thực thi vai trò của Giáo hội là quan tâm như tình mẫu tử của mình trong mọi hoàn cảnh sống của con người. [2] Trước những tình trạng khó khăn, nghèo đói của con người, điều này đã thúc đẩy chúng ta thiết lập các chương trình các tổ chức nâng đỡ những người di dân. Vì thế, tiếp đón khách lạ là một đặc điểm của Hội Thánh. Nó phải tồn tại như một yếu tố trường tồn trong Hội thánh của Chúa. Bởi vì dấu ấn cụ thể của Hội thánh Chúa Kitô là đang trong hành trình lưu đày, là xa xứ và là phân tán giữa các nền văn hoá. Hội thánh là một cộng đoàn đón tiếp tất cả mọi con người không phân biệt dân nước.[3] Do đó, tiếp đón khách lạ trở thành cốt lõi trong bản chất của Hội thánh và minh chứng cho lòng trung thành với Tin Mừng. Chính  Thiên Chúa hiện diện trong những anh em bé nhỏ nhất, và khi chúng ta thực hiện hay chối từ những điều làm cho anh em là chúng ta thực hiện hay chối từ chính Thiên Chúa.
 
Ngoài ra, chính vì chiều kích siêu nhiên mà chúng ta được Đức Giêsu uỷ thác để dấn thân, quan tâm đặc biệt đến sứ mạng đón tiếp người di dân. Việc thăng tiến đời sống của con người thường gắn liền với sự hiệp thông về đời sống liêng liêng, đời sống ân sủng. Lời của Chúa Giêsu luôn vang vọng trong con tim của chúng ta giống như lệnh truyền mà Ngài đã để lại: hãy yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức, và hãy liên kết tình yêu này với tình yêu thương đồng loại. Con người lữ hành đang bước theo Đức Kitô, để tìm nơi cư ngụ trong đời sống. Chúng ta là những kitô hữu niềm nở đón nhận anh chị em di dân như chính Đức Kitô. Ngài cũng là một người di dân, cũng mang trong mình thân phận người di chuyển như “con chồn không có hang, chim trời không có tổ, con người không có chỗ gối đầu( x.Mt 8,20). Chúng ta cũng nhận ra rằng, bất kỳ một việc ta làm cũng cần được nuôi dưỡng trước tiên bởi đức tin và đức ái. Điều đó là dấu chỉ của sự sự loan báo Tin Mừng về tình liên đới và hiệp thông. Chính Hội thánh là bí tích hiệp nhất, có vai trò soi sáng và biểu lộ sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Hội thánh là mầu nhiệm diễn tả sự hiệp nhất trọn vẹn của mọi người, hướng tới sự sung mãn của đời sống từng cá nhân.
 
Như vậy, dưới nhãn quan của đức tin giúp con người hiểu được sự kiện di dân dưới ánh sáng của Lời Chúa qua các biến cố trong Kinh Thánh. Trong đức tin, con người nhận ra cuộc hành trình di dân dựa vào lời hứa để đem lại cho một tương lai tốt đẹp cho con người. Hơn nữa, trong đức tin, con người nhìn thấy nơi hiện tượng di dân như một cuộc biến đổi của dân Chúa. Qua hiện tượng di dân, đức tin tái khám phá sứ điệp phổ quát của ơn cứu độ. Ngay giữa các biến cố của lịch sử nhân loại, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài cho tới khi vạn vật được qui về Đức Kitô. Nhờ đó, chúng ta phải từ bỏ não trạng chủ nghĩa dân tộc và tránh đi những phạm trù ý thức hệ hẹp hòi. Điều này nhắc nhớ họ rằng: Tin Mừng phải được thể hiện trong đời sống để trở nên men muối cho đời, và làm cho đời sống Kitô giáo như là một cuộc hành hương vĩ đại về nhà Cha.
 
Thinh Lặng