Thuật ngữ “dormition” nghĩa là “ngủ”, tức là “chết mà như ngủ”. Đó là ý nghĩa của lễ Đức Mẹ Mông Triệu, hoặc lễ Đức Mẹ Lên Trời. Việt ngữ không diễn tả hết ý nghĩa của thuật ngữ “dormition”. Ngày nay, các Kitô giáo Đông phương, Công giáo và Chính thống giáo, vẫn tiếp tục mừng kính lễ này.
Đức Mẹ Mông Triệu
Thuật ngữ “dormition” nghĩa là “ngủ”, tức là “chết mà như ngủ”. Đó là ý nghĩa của lễ Đức Mẹ Mông Triệu, hoặc lễ Đức Mẹ Lên Trời. Việt ngữ không diễn tả hết ý nghĩa của thuật ngữ “dormition”. Ngày nay, các Kitô giáo Đông phương, Công giáo và Chính thống giáo, vẫn tiếp tục mừng kính lễ này.
Công giáo Đông phương và Chính thống giáo Đông phương đều mừng kính lễ “Đức Mẹ ngủ” vào ngày 15-8 hàng năm.
Đức Mẹ lên trời vào cuối hành trình trần thế là một tín điều đã được xác quyết của Giáo hội Công giáo. Lễ Đức Mẹ lên trời, được cử hành vào ngày 15-8 hàng năm, là lễ rất cổ xưa của Giáo hội Công giáo, được mừng kính toàn cầu từ thế kỷ VI. Lễ này tưởng niệm cái chết của Đức Maria và thân xác Đức Mẹ về trời trước khi thi thể Mẹ bị hư hại – hưởng trước sự phục sinh của thân xác nhân loại vào thời sau cùng. Điều này có nghĩa là việc Đức Mẹ bước vào đời sống vĩnh hằng là điều quan trọng nhất của lễ Đức Mẹ mông triệu và là ngày lễ buộc.
Lễ này có nguồn gốc được cử hành ở Đông phương, nơi được coi là lễ Đức Mẹ Ngủ (Feast of the Dormition). Tài liệu nói về việc thân xác Đức Mẹ lên trời có từ thế kỷ IV, đó là tài liệu “Falling Asleep of the Holy Mother of God” (việc ngủ của Thánh Mẫu Thiên Chúa). Tài liệu này thuật lại bằng lời của Tông đồ Gioan, người được Đức Kitô trao phó Mẹ Ngài, thuật lại về cái chết, việc nằm trong mộ, và việc lên trời của Đức Mẹ. Truyền thống cho biết cái chết của Đức Mẹ xảy ra tại Giêrusalem hoặc Êphêsô, nơi Thánh sử Gioan đã sinh sống.
Ngày 1-11-1950, ĐGH Piô XII, với ơn bất khả ngộ (papal infallibility), đã công bố “Munificentissimus Deus” (*) rằng đây là tín điều của Giáo hội: “Đức Mẹ Vô nhiễm của Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, đã hoàn tất hành trình trần thế, nên hồn xác Mẹ được vinh quang trên trời. Là tín điều, buộc mọi người Công giáo phải tin Đức Mẹ hồn xác lên trời, ai công khai không tin tín điều này là hoàn toàn xa rời Đức tin Công giáo”.
Khi Chính thống giáo Đông phương tin Đức Mẹ “ngủ” (dormition), họ phản đối việc Đức giáo hoàng xác quyết là tín điều, coi đó là không cần thiết, vì tin xác Đức Mẹ lên trời là giữ truyền thống có từ thời các thánh tông đồ – gọi là tông truyền (1 trong 4 điểm chính của Công giáo).
Thiên Chúa đã “cho Đức Mẹ lên trời” (Mầu nhiệm Mân côi thứ tư) và “thưởng Đức Mẹ trên trời” (Mầu nhiệm Mân côi thứ năm) là điều rất lô-gích, là niềm hãnh diện và niềm hạnh phúc vô tận đối với các Kitô hữu, đồng thời củng cố niềm tin của các Kitô hữu về cuộc sống đời sau: Được về trời với Đức Mẹ và hưởng vĩnh phúc trường sinh với Đức Kitô phục sinh.
Lạy Mẹ Maria, con xin kính dâng Đức Mẹ lời thơ hèn mọn như chút tình mến và tuyên xưng tín điều Mông Triệu mà Giáo hội Công giáo đã dạy:
Mẹ về trời một ngày vui sáng tươi
Các cơ binh thiên thần vang khúc hát
Mừng kính Mẹ ngày nay muôn vinh phúc
Chúa rủ thương xác hồn Mẹ trắng tinh
Con dâng lời ngợi ca Mẹ chân thành
Ánh quang vinh nơi Mẹ luôn chói sáng
Phúc miên trường Mẹ được về tận hưởng
Mẹ Thiên Chúa tuyệt mỹ và tuyệt luân
Xin Mẹ thương đoàn con chốn trần gian
Giữa khổ đau phải ngày đêm chiến đấu
Xin chở che để ngoan cường hùng hậu
Mong mai này cùng Mẹ được trường sinh
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)
(*) Munificentissimus Deus (Thiên Chúa Đại Lượng) là Hiến chế của ĐGH Piô XII (1876-1958). Hiến chế này xác định “ex cathedra” (nghĩa đen là “từ ngai tòa”) về tín điều Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác. Đó là phán quyết do ơn bất khả ngộ đầu tiên từ Công đồng Vatican I (1869–1870). Năm 1854, ĐGH Piô IX (1792-1878) có phán quyết bất khả ngộ với Hiến chế Ineffabilis Deus (Thiên Chúa bất khả ngộ) về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đó là nền tảng của tín điều Đức Mẹ Mông Triệu.