GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúa nhật 19 thường niên, năm B
Lời Chúa: Ga 6,41-51
Đây là đoạn thứ ba trong chương 6 của Tin Mừng thánh Gioan, nói về Bánh Hằng Sống. Tin Mừng về Bánh Hằng Sống nầy đã được chuẩn bị bằng phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều để cho đoàn dân ăn no trong sa mạc.
Dân chúng hứng thú chạy theo Chúa và muốn tôn Ngài làm vua, vì họ cũng nghĩ rằng Ngài là vị tiên tri đã được nói đến trong Kinh Thánh.
Chúa dùng phép lạ nầy để cho dân chúng thấy, của ăn vật chất chỉ là tạm bợ, có một thứ của ăn mang lại sự sống trường tồn, của ăn quí giá ấy chính là Ngài, là Bánh từ trời xuống: “Tôi là bánh từ trời xuống”.
Đứng trước những lời tuyên bố lạ thường ấy, dân chúng phản đối. Họ không thể chấp nhận được, vì họ biết rõ nguồn gốc, cha mẹ, bà con của Ngài. Và điều nầy cũng dễ hiểu thôi. Trong xóm chúng ta có ai đó nói là họ từ trời xuống, chúng ta có tin được không? Hay chúng ta cho người đó là khùng điên?
Đứng trước sự cứng tin của dân chúng, Chúa Giêsu không nhượng bộ. Ngài tiếp tục nói về nguồn gốc thần linh của Ngài, Ngài khẳng định bằng những lời lẽ minh bạch:“Chẳng ai đến được với tôi nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”.
Có ai dám nói những lời táo bạo như thế? Ngài là ai mà dám mời gọi mọi người đến với Ngài, và hơn nữa, ai đến với Ngài là do Chúa Cha lôi kéo? Chỉ có Thiên Chúa mới dám nói những lời táo bạo như thế? Những tiếng nói của con người bằng xương bằng thịt, mang một nội dung huyền bí vượt hẵn những thời gian và không gian: “Ta là bánh bởi trời xuống… Bánh Cha Ta ban cho thế gian…” Chúa nói những lời bí nhiệm để khơi lên trong chúng ta những thắc mắc, những nghi vấn, để đánh thức chúng ta, vì chúng ta dễ ngủ quên trong những đòi hỏi vật chất làm chúng ta quên đi những gì cần thiết và quan trọng hơn. Con người còn thắc mắc là còn hy vọng. Ngủ yên trong hưởng thụ là chìm vào hư vô.
Qua những lời nói khó hiểu của Ngài, Ngài tỏ lộ càng ngày càng rõ nét khuôn mặt thần linh của Ngài. Ngài nhắc đến Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Như thế, Ngài khẳng định nguồn gốc thần linh của Ngài. Người Do Thái nhắc đến nguồn gốc nhân loại của Ngài, nhưng Ngài vẫn khẳng định: Cha Ngài là Đấng đã sai Ngài, là Đấng lôi kéo mọi người đến với Ngài… chỉ có Ngài thấy Chúa Cha…
Chúng ta thấy Ngài muốn chứng minh cho mọi người nguồn gốc và quyền uy thần linh của Ngài. Ngài là con người thật và là Thiên Chúa thật. Đối với người Do Thái thời bấy giờ, những lời đó thật khó chấp nhận, nhưng đối với chúng ta, những kẻ tin, những lời đó thật minh bạch cứng rắn. Chúng ta có cảm thấy vui mừng khi nghe những lời nầy không?
Những lời nầy chứng minh rằng đức tin của chúng ta thật vững chắc vì chúng ta không chỉ tin vào một con người mà tin vào Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đến với chúng ta, chính Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu Ngài…
Xưa kia tiên tri Êlia, hoàn toàn thất vọng về chính mình, thất vọng về Thiên Chúa, ông chỉ muốn chết đi cho rồi. Nhưng Chúa đã cho ông ăn bánh trong sa mạc và ông đã đi suốt con đường dài bốn mươi đêm ngày để đến núi của Chúa.
Chúng ta ăn thịt Con Thiên Chúa. chúng ta sẽ đủ sức để đi suốt con đường dài trần thế để đến bến trường sinh.
Chúng ta là con người mù ngồi bên vệ đường của cuộc đời, những người què quặt ở bờ hồ Bêdatha, được nuôi dưỡng bằng thịt máu Con Thiên Chúa, chúng ta có thấy được tình yêu của Chúa không? Chúng ta có thấy hạnh phúc không ? Nếu chúng ta biết được hồng ân của Chúa, chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao!
Chúa Giêsu chỉ đòi hỏi một điều: tin vào Ngài, tin vào tình thương của Ngài.
Tình thương đó được biểu lộ qua nhiều dấu hiệu và dấu hiệu rõ rệt nhất, thực tế nhất là tấm bánh bởi trời: “Bánh tôi sẽ ban tặng chính là tôi đây để cho thế gian được sống”.Dân Do Thái xưa chỉ nhận được một lời hứa, chúng ta được ăn bánh trường sinh đó hằng ngày. Lời hứa xưa kia hôm nay đã trở thành hiện thực. Thực tế đó là tình yêu. Chúa Giêsu yêu chúng ta đến nỗi trở thành bánh cho chúng ta ăn.
Không có gì ngăn cản được tình yêu của Chúa. Không phương tiện nào mà Tình Yêu không sử dụng được, không chối từ nào có thể làm nản chí Tình Yêu.
Chúa đòi buộc chúng ta tin vào Ngài, vì những điều Ngài nói và làm vượt xa tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Vì thế Ngài luôn chạm trán với sự cứng tin. Những người thiện chí như Nicôđêmô cũng hoài nghi: “Làm sao người ta có thể trở vào trong bụng mẹ được…?” Người phụ nữ Samari cũng ngạc nhiên: “Làm sao ông múc nước được?”
Niềm tin của chúng ta dễ dàng hơn. Chúng ta thừa hưởng niềm tin của Giáo Hội, nhưng chúng ta có thực sự tin không?
Thánh Thể vẫn là “một thử thách cho niềm tin”, vì mặc dù chúng ta đã tin trong lý trí, Thánh Thể vẫn là một vấn nạn triền miên. Nhìn thấy Mình Thánh Chúa trên bàn thờ, chúng ta có thực sự tin rằng đó là Thiên Chúa, Chủ Tể của vũ trụ, là Thiên Chúa toàn năng không? Nhưng với đức tin trần trụi, chúng ta vẫn có thể tin và nhìn đó là Thiên Chúa Tình Yêu. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã mặc lấy thân phận nhỏ bé như thế đó. Chúng ta làm gì?
Ngài càng nhỏ bé, chúng ta càng dễ gần gũi Ngài hơn. Ăn lấy Ngài là điều Ngài ước mong. Chúng ta hãy làm cho Ngài toại nguyện. Tin vào Ngài, chiếm hữu lấy Ngài để Ngài chiếm hữu chúng ta. Ngài thuộc về chúng ta để chúng ta thuộc về Ngài. “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” !
Lm Trầm Phúc