Ngày 03 Tháng 06
Bất khuất vì chính đạo.
Một trong năm điều gay go trong chiếu chỉ cấm đạo của vua Tự Đức ban hành ngày 05.08.1861, là mỗi tín hữu Kitô giáo chịu thích chữ vào hai bên má, một bên chữ “tả đạo”, còn bên kia là tên xã huyện của người đó. Lối thích tự bằng thanh sắt nung đỏ vào má, để khi vết thương lành vẫn còn lưu lại dấu vết, hầu dễ hành hạ, dễ bắt bớ hoặc dễ phân biệt đối xử, là một sáng kiến, nếu không của vua Tự Đức thì cũng của một quan lớn nào đó trong triều đình Huế bấy giờ. Có thể nói đây là hình khổ có một không hai trong lịch sử bách hại Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.
Nhưng một cụ già khoảng 60 tuổi, đã giám hiên ngang làm trái lại điều quy định ác nghiệt đó. một lần bị khắc hai chữ “Tả Đạo”, cụ đã rạch xóa đi. Lần khác, thay vì bị quân lính khắc chữ Tả Đạo, ông cụ xin quan, để kín đáo nhờ người bạn tù khắc lên má hai chữ “Chính Đạo”, khiến quan trên vô cùng tức giận. Cụ già can trường đó chính là Phaolô Đổng.
Chấp nhận mọi gian khổ.
Phaolô Đổng sinh năm 1802 tại Vực Đường, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc tỉnh Hỉa Hưng). Phaolô Đổng là một giáo dân của xứ Cao Xá, một trong những xứ có truyền thống đạo đức lâi đời trong giáo phận Trung. Ông Đổng từng làm quản lý trông nom sổ sách, tài sản họ đạo trong suốt sáu tháng trời.
Thời đó thi hành chiếu chỉ cấm đạo, các quan đi tới từng làng Công Giáo lấy lý do kiểm tra dân số, nhưng thực ra để bắt các Kitô hữu phải vâng lệnh vua mà bỏ đạo. Quan truyền đặt tượng Thánh Giá xuống đất và ép buộc mọi người phải đạp lên. Ai không chịu đạp Thánh Giá thì bị trói lại, bị đóng gông giải về tỉnh. Ông Phaolô Đổng bị bắt trong trường hợp tương tự vào ngày 25.11.1861, khi ông cam đảm nhận mình là Kitô hữu, và cương quyết không chịu chà đạp Thánh Giá.
Quan truyền quân lính giải ông về huyện Ân Thi. Tại đây, quan hứa sẽ cho nhiều tiền nếu ông bỏ đạo. Nhưng ông nhất mực từ chối và khẳng định với quan về lòng trung thành với Chúc Kitô. Do đó, ông phải chịu hành hạ, mang xiềng xích nặng nề trong tù. Tiếp theo, lính được lệnh giải ông về Hưng Yên. Vừa tới của thành, ông Phaolô Đổng thấy một cây Thánh Giá trên mặt đất, ai muốn qua phải đạp lên. Ông nhất quyết đứng lại và không chịu bước qua. Quân lính đánh đập ông tàn nhẫn, nhưng vẫn không cưỡng bức được vị anh hùng đức tin. Sau cùng họ nhốt ông vào một cái cũi chật hẹp để khiêng qua.
Gần một năm trong tù cực khổ, ông Đổng ban ngày phải mang gông, đêm đến chân chịu xiềng xích. Nhiều lần bị quan tra hỏi, trước sau như một ông cương quyết giữ vững đức tin. Lính dã man đánh đập ông nhiều lần, khiến thân mình vị chứng nhân đầy những vết thương đẫm máu.
Ông Phaolô Đổng khẳng khái không chịu cho quân lính khắc hai chữ “Tả Đạo” vào má, nên bị cấm cốc (bắt nhịn ăn) nhiều ngày. Dần dần ông rũ liệt đuối sức. Có lần người lính canh động lòng thương cho ông chút cơm và chén nước, ông lại nhường cho người bạn tù đồng cảnh ngộ. Ít hôm sau, không chịu nổi cơn đói khát dày vò, ông phải nhai vài miếng vải áo để quên đi. Thế rồi quân lính dùng sức mạnh khắc trên má ông hai chữ “Tả Đạo”, nhưng ông cam đảm rạch xóa đi.
Tám ngày sau, kiệt lực vì đòn vọt và đói khát, ông Phaolô Đổng bất tỉnh mê man, quân lính phải khó khăn lắm mới làm cho ông tỉnh lại được. Quan cho phép ông ăn uống và ra lệnh thích tự trên má ông lần nữa. Ông xin quan để người bạn tù làm việc này, nhưng thay vì khắc hai chữ “Tả Đạo”, ông lại bảo người bạn tù khắc hai chữ “Chính Đạo”, khiến quan xem thấy nổi giận và ra lệnh cấm cốc thêm ít ngày, rồi kết án tử hình ông.
Trước tòa điều tra phong thánh, người cháu gái ông làm chứng rằng: “Khi nghe tin mình bị trảm quyết, ông rất vui mừng, sấp mình xuống đất tạ ơn Thiên Chúa, cầu nguyện sốt sắng và đọc kinh Ăn Năn Tội”.
Trên đường ra pháp trường, ông Đổng dọn mình chết lành và đạo kinh phó dâng linh hồn (kinh Giáo Hội khuyên đọc giúp người hấp hối). Ông đã lớn tiếng kêu tên cực trọng Chúa Giêsu ba lần trước khi đao phủ chém đứt đầu, đưa linh hồn vị tử đạo vể Thiên Quốc.
Hôm đó là ngày 03.06.1862. Ngày 29.04.1951, trong số 19 giáo hữu được suy tôn chân Phước tại Vương Cung Thánh Đường Phêrô do Đức cha Piô XII chủ sự, danh tính và tiểu sử ông Phaolô Đổng đã khiến mọi người phải khâm phục một mẫu gương hiên ngang, can đảm của con dân Việt Nam, tuy nhỏ bé và nghèo nàn, nhưng lại giàu nghĩa khí anh hùng bất khuất. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Lm. Đào Trung Hiệu, OP