Người đồng tính đã công khai đi vào nghị trình thảo luận của Giáo hội Công giáo, khi Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình năm 2014 chính thức mời ông Romano và bà Mavis Pirola của Úc Đại Lợi phát biểu ngay từ những ngày đầu tiên. Nói một cách tổng quát, ông bà đồng cảm và đề cao câu nói bất hủ của Đức Phanxicô khi đề cập tới những người đồng tính có thiện chí, luôn tìm kiếm Thiên Chúa: tôi là ai mà dám phê phán họ!
Chiều hướng của Đức Phanxicô rõ ràng là cần một thái độ tích cực hơn để chào đón người đồng tính. Nhưng trên thực tế, việc chào đón này có nhiều giới hạn. Mấy ngày gần đây, có cuộc tranh luận lý thú về vấn đề này.
Cứ việc nướng bánh và cung cấp hoa cưới cho các cặp đồng tính
Donna Carol Voss, thuộc Religion News Service, có bài “Just bake the cake and arrange the flowers” (cứ việc nướng bánh và sắp xếp những bó hoa). Cô có ý nói tới hai sự kiện đã xảy ra cách nay lâu rồi: chủ tiệm bánh Công giáo từ khước không nướng bánh cưới cho một cặp đồng tính; và chủ tiệm hoa Công giáo từ khước không cung cấp hoa cưới cho một cặp đồng tính khác. Cả hai đều bị tòa kết án là kỳ thị.
Donna khẳng định: cô không ủng hộ các cuộc hôn nhân đồng tính. Lý do của cô không hẳn có tính tôn giáo, vì theo cô, đặt bất cứ cuộc ghép đôi nào ngang hàng với cuộc ghép đôi có khả năng phát sinh ra sự sống con người đều không hợp luận lý. Ấy là chưa kể đến cuộc tự sát có tính xã hội…
Nhưng những người buôn bán từ khước cung cấp dịch vụ cho các đám cưới đồng tính lại là chuyện khác. Barronelle Stutzman, người bán hoa, trong hơn 20 dịp trước đây, vốn phục vụ khách hàng đồng tính của mình, nhưng lần này từ khước không phục vụ nữa. Cô cho hay: “tôi đặt tay tôi lên tay anh ta và nói với anh ta rằng vì mối liên hệ của tôi với Chúa Giêsu Kitô, tôi không thể làm việc này, không thể phục vụ đám cưới của anh ta”.
Donna cho rằng cô cũng thực thi mối liên hệ của cô với Chúa Giêsu hàng ngày nhưng việc này không cho cô cái quyền được lựa được chọn giáo huấn Thánh Kinh nào để theo nếu giáo huấn này đi ngược lại luật dân sự (!) như lời viên chánh án ở Hoa Thịnh Đốn, người vốn kết án người bán hoa, nói: “động lực tôn giáo không miễn chuẩn việc tuân thủ luật pháp”.
Luận lý học cũng khiến Donna tự hỏi: Ở đâu có chuyện từ khước việc cung cấp hoa hay bánh cưới cho những cặp liên sắc tộc? Hay những cặp không kết hôn (nghĩa là gian dâm) muốn cử hành mối liên hệ của họ? Nhiều phần trong Thánh Kinh cũng từng lên án những việc này.
Cuối cùng, luận lý học đòi phải nhìn nhận rằng Thánh Kinh tự mâu thuẫn ở rất nhiều chỗ. Ta phải theo những chỗ nào? Những người bán hoa hay làm bánh này có vay nợ không? (Vì Thánh Kinh cấm việc cho vay nặng lãi). Họ có giữ ngày Sabát không? Họ có dâng cúng 1 phần 10 hay không? (Thánh Kinh rất rõ ràng đối với sự quan trọng của cả hai việc này).
Đề cao các quan điểm tôn giáo được mình tin một cách sâu sắc khi chúng có tính cách tư riêng là một chuyện. Các quan điểm riêng tư không cần phải nhất quán, công bình hay hợp luận lý. Nhưng tác phong công cộng, được luật pháp qui định, thì buộc phải nhất quán, công bình và hợp luận lý.
Những người đàn ông Do Thái cực chính thống làm xáo trộn chuyến bay vì không chịu ngồi bên cạnh các phụ nữ dĩ nhiên là sai. Đáp máy bay là một chọn lựa tự ý, và bạn thuận theo các điều kiện khi mua vé. Điều hành hay quản lý một doanh nghiệp thương mại là một quyết định tự ý, và bạn thỏa thuận các điều kiện khi bạn nạp đơn xin phép mở kinh doanh hay tiếp tục kinh doanh đó.
Đối với các nhân viên chính phủ: quan tòa, thư ký tòa, thẩm phán hòa giải cũng thế không thể viện cớ tôn giáo để miễn chuẩn thi hành nhiệm vụ, trong trường hợp này là cấp chứng chỉ hôn thú dân sự cho các cặp đồng tính. Họ được trả tiền để làm việc đó, chứ không phải để theo đuổi một chiến dịch truyền giáo.
Ngay cả việc tham dự một đám cưới đồng tính cũng không hẳn là ủng hộ hôn nhân đồng tính. Donna cho hay cô từng dự hai đám cưới đồng tính nữ, không phải vì cô ủng hộ định chế hôn nhân đồng tính cho bằng hỗ trợ những người quyết định cưới nhau.
Không tham dự cuộc cử hành của họ cũng không mang thắng lợi gì cho hôn nhân truyền thống; nó chỉ phá hoại các mối liên hệ của ta. Tôi rất có thể không đồng ý với cách nhìn của họ, nhưng tại sao lại làm thương tổn họ ở cái điều họ coi là quan trọng nhất trong đời họ?
Quan điểm của Donna Carol Voss, một tác giả, một blogger và là một diễn giả, không hẳn sai, nhưng cô xếp nhiều điều khác nhau vào các lý lẽ bênh vực quan điểm của mình. Có điều chỉ đụng tới tác phong, nhưng có những điều đụng tới nguyên tắc. Nói rằng không được dựa vào bất cứ giáo huấn Thánh Kinh nào để bất tuân luật dân sự là chối bỏ chứng tá của biết bao anh hùng chết cho tự do lương tâm, tự do tôn giáo khắp trong lịch sử loài người. Luận điệu ấy chỉ đúng đối với quan tòa, nhất là những quan tòa không tôn trọng tự do lương tâm và tự do tôn giáo, mà hiện nay, nhan nhản khắp mọi xã hội, kể cả xã hội Hoa Kỳ. Nó không đúng đối với lương tâm con người phổ quát.
Tôn trọng các xác tín tôn giáo
Xin mời quý độc giả đọc các luận điểm của Linh Mục Dwight Longernecker trong bài “Respect religious convictions” (tôn trọng các xác tín tôn giáo).
Trước nhất, linh mục Longernecker muốn minh xác ngay từ đầu rằng: các luận điểm của ngài không đề cập tới tính hợp luân hay vô luân của các hành vi đồng tính. Ngài chỉ muốn nói tới sự căng thẳng giữa tự do tôn giáo và việc kỳ thị mà thôi. Và vì ngài là một linh mục Công giáo, chứ không phải một chuyên gia luật pháp, nên ngài không đề cập tới vấn đề như một luật gia mà như một mục tử quan tâm tới sự triển nở nhân bản và như một công dân ưu tư đối với ích chung.
Ngài hy vọng đại đa số người Mỹ đồng ý rằng không được kỳ thị bất cứ ai trên căn bản nòi giống, tín ngưỡng, phái tính hay khuynh hướng tính dục. Mọi người phải được hưởng cơ hội bình đẳng và được tôn trọng. Ngài cũng hy vọng đại đa số người Mỹ tin tự do tôn giáo. Xét theo lịch sử, điều này không những có nghĩa tự do thờ phượng theo ý muốn, mà còn tự do theo một lối sống tôn giáo và chọn lựa theo các xác tín tôn giáo của mình. Tự do thực hiện các chọn lựa như thế vốn được luật pháp bảo vệ và chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp hạn hữu như song hôn, loạn luân, phân biệt chủng tộc và con nít kết hôn, tức các trường hợp trong đó, người ta cho rằng các chọn lựa do tôn giáo thúc đẩy có thể gây hại cho một người khác.
Một nguyên tắc khác của tự do tôn giáo là không ai bị buộc phải vi phạm lương tâm và các xác tín tôn giáo của mình. Nhân viên y tế theo Kitô giáo có thể chọn không thực hiện các thủ tục phá thai dù các thủ tục này hợp pháp. Các bác sĩ Công giáo được tự do cố vấn các bệnh nhân của mình sử dụng việc kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên, tránh ngừa thai theo lối nhân tạo. Các định chế tôn giáo được miễn chuẩn một số khía cạnh của luật nhân dụng có thể đi ngược các xác tín tôn giáo của họ, và các chủ nhân Kitô giáo không buộc phải chi trả cho các thủ tục và kỹ thuật y khoa xâm hại tới lương tâm họ.
Nhưng trong khi các tín hữu có thể chọn lựa vì các lý do tôn giáo, họ không được ép người khác chấp nhận cùng các xác tín như họ. Một y tá Công giáo có thể quyết định không phụ giúp một cuộc phá thai, nhưng cô không được ngăn cản một thủ tục hợp pháp do những người không có cùng một xác tín tôn giáo như cô thực hiện. Một mục sư Baptist có thể từ chối không chủ tọa một đám cưới đồng tính, nhưng ông không thể ngăn cấm một người Episcopalian làm thế.
Nếu ta chấp nhận các nguyên tắc hiện hữu, thì tất nhiên, các công dân có quyền từ khước không cung cấp một dịch vụ nào đó vốn có khả năng vi phạm lương tâm của họ, hay họ có thể nghĩ ra cách thế thực hiện công việc của mình mà không vi phạm các nguyên tắc của mình. Như thế, một người Hồi giáo được phép một là không làm bánh san-duýt thịt heo hai là nghĩ ra cách làm một bánh sanduýt giả thịt heo để không vi phạm tôn giáo của mình. Chủ nhân của anh ta nên nhạy cảm và thông cảm, còn nhân viên thì nên quân bình hóa và sẵn sàng thoả hiệp trong khi không vi phạm các xác tín riêng của mình…
Liên quan tới vấn đề đồng tính luyến ái, các xác tín của một người phải được tôn trọng trong khi người thành thực phản đối về tôn giáo nên có những thỏa hiệp hợp theo lương tri. Nếu tôi là chủ tiệm bánh và được yêu cầu cung cấp bánh cưới cho một đám cưới đồng tính, tôi có thể đồng ý nướng bánh cho các khách hàng đồng tính, nhưng yêu cầu họ kiếm một tiệm bánh khác cung cấp đường cô (icing) màu hồng và tượng nhỏ hai người đàn ông hôn nhau trên chiếc bánh. Nếu người có xác tín tôn giáo không tìm ra được giải pháp thỏa hiệp, họ nên được phép rút lui. Vì dù sao, cũng có nhiều tiệm bánh khác. Một thẩm phán hòa giải có thể từ khước cử hành một đám cưới đồng tính không? Ông có thể trao nhiệm vụ cho một đồng nghiệp giống một bác sĩ có thể từ chối tiến hành một vụ phá thai để một bác sĩ khác cung cấp dịch vụ này.
Người ta có thể lý luận rằng chủ tiệm bánh từ khước việc cung cấp bánh cưới cho người đồng tính là kỳ thị họ. Điều này có thể đúng, nếu ông từ khước không cung cấp bất cứ chiếc bánh nào cho họ. Ông không ngại cung cấp bánh cho họ, nhưng vì các xác tín tôn giáo, ông không muốn tham dự “sâu” vào một đám cưới đồng tính. Ông đáng được hưởng quyền không tham dự như thế.
Cha Longernecker cho rằng trong tư cách một linh mục Công giáo, ngài ưu tư trước việc các cuộc kết hợp đồng tính được coi như tương đương với hôn nhân. Nhưng ngài còn ưu tư hơn nữa khi một số người muốn buộc người có tôn giáo phải thỏa hiệp các xác tín tôn giáo của họ để hành động ngược với lương tâm họ. Lý do không những là vấn đề kết hợp đồng tính đúng nghĩa mà thôi, mà là vấn đề rộng lớn hơn đó là sự va chạm của lương tâm cá nhân trước sức mạnh của giới quyền uy (establishment).
Tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ không được khai phá một cách đơn độc, nhưng là một phản ứng đối với các tôn giáo “nhà nước” tại Âu Châu. Các nhà sáng lập ra Hiệp Chủng Quốc chống lại ý niệm tôn giáo nhà nước vì nó là một hình thức của ý thức hệ cưỡng bức, và do đó, tự do cá nhân được phép bất đồng đã trở thành đối cực. Mọi người được tự do theo tôn giáo của mình hơn là thứ tôn giáo từ trên áp đặt xuống, cưỡng chế bằng thuế khóa, trưng thu, tù đày, thậm chí tra tấn và xử tử.
Tự do tôn giáo là thuẫn che không những chống lại tôn giáo nhà nước, mà chống lại bất cứ ý thức hệ nào do nhà nước cưỡng chế, và do đó, nó là một giá trị độc đáo, quý giá và mỏng dòn. Tự do tôn giáo bị chà đạp, là lương tâm cá nhân bị chà đạp, và khi một người đàn ông hay một người đàn bà cá thể không được quyền tranh đấu cho điều họ nghĩ là đúng và chống lại điều họ nghĩ là sai, thì toàn bộ xã hội sẽ lâm nguy. Lâm nguy là vì luôn lấp ló đâu đó anh chàng duy ý thức hệ không cho phép ai được bất đồng, tự tung tự tác như một bạo chúa sẵn sàng dập tắt bất cứ bất đồng nào trước khi triệt hạ người bất đồng.
Cha Longernecker, vì thế, cho rằng ngài ủng hộ những con người bình thường dám can đảm nói lên các xác tín tôn giáo của mình, dù bị coi là kẻ cuồng tín điên rồ. Ngài ủng hộ người đàn bà từ khước không cho một cặp không cưới nhau thuê phòng trong nhà trọ của bà. Đây là nhà trọ của bà và là tôn giáo của bà. Bà không nên bị những kẻ lăng nhăng bắt nạt hù dọa. Còn có những khách sạn khác. Ngài ủng hộ người Hồi giáo không chịu phân phối xúc xích thịt heo và người Ấn giáo không chịu ăn thịt bò. Ngài ủng hộ người Amish lái xe độc mã và người Mormon không uống trà. Ngài bênh vực em học sinh trung học sẵn sàng nói với ông chủ rằng em không thể làm việc vào Chúa Nhật, người Baptist không vào quán bar và bác sĩ Công giáo nhất định không hoài thai một em bé chưa sinh.
Chúng ta nên coi những cá nhân trên là người can đảm và ủng hộ quyền bất đồng của họ vì nếu không làm như thế, khi phải quyết định đứng lên chống những tên bắt nạt và những bạo chúa trong các vấn đề quan trọng hơn chiếc bánh cưới, thì đã quá muộn.
Hai người đồng tính nổi tiếng lên tiếng ủng hộ hôn nhân truyền thống
Elise Harris và Ann Schneible, của hãng tin CNA, tường thuật về hai nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Ý, đó là Domenico Dolce và Stefano Gabbana. Hai người này đồng sáng lập ra “đế quốc” thời trang Dolce & Gabbana năm 1985 và trong tuần qua, đã gây xôn xao dư luận hoàn cầu khi lên tiếng bênh vực hôn nhân truyền thống.
Stefano cho rằng “Gia đình không phải là một mốt nhất thời. Trong đó, có một cảm thức siêu nhiên được thuộc về”. Domenico thì cho rằng “chúng ta không sáng chế ra gia đình”.
Điều đáng lưu ý: hai nhân vật này công khai đồng tính luyến ái. Nhưng họ cho hay: con cái có quyền được dưỡng dục bởi một người cha và một người mẹ, và họ lên án việc ngừa thai nhân tạo cũng như việc sử dụng các bà mẹ đẻ giùm (surrogate mothers) của các cặp đồng tính, gọi việc này là “tử cung cho thuê”.
Vì theo họ, sinh con phải là một “hành vi của tình yêu”. Họ cho biết thêm: cho tới nay, các nhà tâm lý học vẫn chưa sẵn sàng đối diện với các hậu quả của “các thử nghiệm này”.
Họ cho biết: “Chúng tôi, trong tư cách một cặp, phản đối việc người đồng tính nhận con nuôi. Đã đủ các con cái hóa chất và tử cung cho thuê rồi. Con cái phải có một bà mẹ và một ông bố”.
Họ tuyên bố như trên ngày 12 tháng Ba và lời tuyên bố trên khiến cộng đồng đồng tính phẫn nộ. Ca nhạc sĩ Elton John và nhiều nhân vật nổi tiếng khác cho rằng họ tẩy chay các nhà thiết kế thời trang này. Chúa Nhật qua, Dolce-Gabbana ra tuyên bố cho rằng họ không muốn xúc phạm ai.
Đây không phải là lần đầu cặp đồng tính này bày tỏ việc họ chống đối hôn nhân đồng tính. Năm 2013, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Telegraph, Dolce từng nói rằng “tôi không tin hôn nhân đồng tính” và anh cho biết anh là một người Công giáo ngoan đạo.
Họ cũng không phải là những người đồng tính đầu tiên phản đối hôn nhân đồng tính. Năm 2012, trong cuộc phỏng vấn của tờ Sunday Times, tài tử Anh Rupert Everett từng nói rằng anh “không nghĩ được điều gì tệ hại hơn việc được hai ông bố dưỡng dục”.
Luật lệ mới đây của Pháp đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và việc này làm dấy lên cả một phong trào chống đối khắp nước, trong đó, nhiều người nam nữ tham gia việc bảo vệ hôn nhân truyền thống.
Nhân dịp này, Dolce cho biết: “bạn không thể có hết mọi chuyện ở trên đời. Thiếu một điều gì đó vẫn là điều tốt đẹp. Đời sống có đường đi tự nhiên của nó; có những điều không thể nào sửa đổi được. Gia đình là một trong số đó… Nó không phải là một vấn đề tôn giáo hay địa vị xã hội, không hề có hai lối về nó: sinh ra, bạn đã có một người cha và một người mẹ”.
Vũ Văn An
(Nguồn: vietcatholic.net)