Thấy và tin (20.3.2015 – Thứ sáu, sau Chúa Nhật IV Mùa Chay)

Thấy và tin
(Kn 2, 1a.12-22; Ga 7, 1-2.10.25-30)

 

1 Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người. 2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới… 10Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.

25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao?26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô?27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.”

28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người.29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”

30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

  1. “Tin” điều không “thấy”

Những người đương thời của Đức Giê-su chờ đợi một Đấng Ki-tô mà họ không biết xuất thân từ đâu, có nghĩa là từ trên trời rơi xuống, không có cha, không có mẹ, không dòng họ, không quê hương dân tộc chi cả. Họ muốn có một Đức Kitô “từ trời xuống”!

 

Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.

(c. 27)

Đúng là Đức Kitô xuất phát từ Thiên Chúa, như Ngài nói: “Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ Người mà đến, và chính Người đã sai tôi”, và như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Ngài đã từ trời xuống thế”. Nhưng không ai “thấy” được Đức Ki-tô từ trời xuống, từ Thiên Chúa mà đến, tất cả mọi người xưa cũng như nay được mời gọi “tin” thôi, chúng ta tin điều chúng ta không thấy, đơn giản là vì là đối tượng của lòng tin, thì không thể thấy được. Như khi chúng ta không thể thấy hết một ngôi vị con người, và mãi mãi không thể thấy hết, nhưng chúng ta vẫn tin, vẫn chọn, vẫn mến, vẫn yêu. Bởi lẽ, một ngôi vị không thể giản lược vào những gì được thể hiện và càng không thể giản lược vào những gì người khác biết.

Như những người đương thời của Đức Giê-su, chúng ta “thấy”, nghĩa là biết một cách khách quan, Đức Giê-su được sinh ra và lớn lên trong một gia đình và một dân tộc, nhưng mọi người được mời gọi tin rằng Người là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa. Và niềm tin này không phải là cả tin hay tin mù quáng, vì niềm tin này đến từ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô như các môn đệ xưa, nhất là môn đệ Gioan: Ngài là Đức Giê-su Nazareth, nhưng chúng ta nghe và cảm nếm Lời của Ngài, ngôi vị của Ngài như là Lương Thực hằng sống, là Sự Sống, là Ánh Sáng, là Sự Thật và là Đường Đi dẫn đưa về Thiên Chúa cội nguồn và cùng đích của mọi sự.

 

  1. Thập Giá dẫn đến lòng tin

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, ở câu đầu và câu cuối, được đánh dấu thật rõ bởi mầu nhiệm Thập Giá:

Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.

(c. 1)

Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

(c. 30)

Vì thế, chúng ta được mời gọi đọc hiểu bài Tin Mừng dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá trong tương quan với lòng tin: “Thập Giá làm cho tin”, như Pascal nói. Thật vậy, những người đương thời, và con người thuộc mọi thời đại, trong đó có chúng ta hôm nay, chỉ thấy “Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá”, bởi vì Người đã thực sự bị bắt, bị kết án và bị hành hình; và thập giá trên đó Người bị đóng đinh, hiện hiện và được giương cao ở khắp nơi và trong mọi thời. Thấy thập giá Đức Kitô, nghĩa là chúng ta sẽ thấy sự sỉ nhục và điên rồ, nhưng chúng ta lại tin, như thánh Phaolô nói, đó là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta tin Đức Giêsu chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa, là Khuôn Mặt đích thật của Thiên Chúa, và là chính Sự Sống của Thiên Chúa. Bởi vì, Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa.

Chính vì thế, trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su dạy, chứ không phải báo trước, các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (x. Mc 8, 31). Vậy, chúng ta hãy nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để nhìn thấy:

  • Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.
  • Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị.
  • Chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính.
  • Và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế. Nghi ngờ Thiên Chúa là nọc độc của Con Rắn đã gieo vào lòng con người ngay từ nguồn gốc sự sống (St 3, 1-7; và Ds 21, 4-9), nhưng được chữa lành tận căn bằng Thập Giá, bởi vì thập giá diễn tả tình yêu đến cùng Thiên Chúa.

 

  1. Đức tin và sự sống

Tin điều không thấy, đó cũng chính là cách sống đức tin hôm nay: thay vì đòi thấy những điều lạ lùng mới chịu tin, thay vì chạy theo những điều ngoại thường, những phép lạ, chúng ta được mời gọi khám phá ra:

  • Những điều lạ lùng ngay trong những điều bình thường của ngày sống.
  • Những ơn huệ nơi những gì chúng ta là và chúng ta nhận được trong cuộc đời và từng ngày sống.
  • Sự hiện diện của Chúa, kín đáo nhưng rất mạnh mẽ, nơi các biến cố trong cuộc đời.
  • Cách Chúa dẫn đưa trong hành trình cuộc đời và ơn gọi của chúng ta, ngang qua những khó khăn, thách đố, mất mát thua thiệt.

Nếu chúng ta không tin Thiên Chúa hằng sống mạnh hơn sự chết, như người Do Thái xưa và như bài đọc 1 trích sách Khôn Ngoan nói, tất yếu chúng ta sẽ bị Sự Dữ gieo nọc độc quên ơn, nghi ngờ, ham muốn, ghen tị và đẩy tới những hành động của bóng tối sự chết.

Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào…
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.

(Kn 2, 17-20)

Lời nhạo báng này còn có một tầm mức nghiêm trọng hơn: dùng ngôn ngữ đức tin: “Thiên Chúa viếng thăm”, nhưng hoàn toàn không có đức tin. Đó là thứ ngôn ngữ trống rỗng, biểu hiện sự trống rỗng chết chóc nơi nội tâm của con người. Như thế, những lời nhạo báng mà chúng ta nghe chất đầy những hiểm họa.

Thực vậy, từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Người nào không tin vào sự sống, thì chẳng mấy chốc người ta sẽ đưa ra những bằng chứng của sự chết, đó là cung cánh sống, những hành động và rốt cục là chính bản thân người đó hướng về sự chết, và thuộc về sự chết (Kn 1, 16 – 2, 24).

 

* * *

Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta sẽ chiêm ngắm trong Tuần Thánh sẽ làm sáng tỏ và giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc