THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA CHAY
Lc 18,9-14
Lời Chúa:
“Tôi nói cho các ông biết, người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không”. (Lc 18,14)
Câu chuyện minh họa:
Ngày kia, Khổng Tử dẫn học trò từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong đám học trò có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai môn sinh được Khổng Tử sủng ái nhất. Thời Đông Chu, loạn lạc khắp nơi khiến dân chúng lâm cảnh lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng có nhiều ngày nhịn đói cầm hơi.
Ngày đầu tiên khi đến đất Tề, Khổng Tử và các môn sinh được một người giàu có biếu cho một ít gạo. Khổng Tử liền phân công: Tử Lộ và một số môn sinh khác vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi đảm nhận việc nấu cơm.
Đang khi nằm đọc sách ở nhà trên, Khổng Tử bỗng nghe tiếng động ở nhà bếp, nhìn xuống, người bắt gặp Nhan Hồi đang mở vung xới cơm cho vào tay nắm lại từng nắm nhỏ rồi từ từ đưa vào miệng. Thấy cảnh học trò đang ăn vụng, Khổng Tử nhìn lên trời than thở: “Người học trò tin cẩn nhất của ta lại là kẻ ăn vụng?” Khi Tử Lộ và các môn sinh khác trở về thì nồi cơm cũng vừa chín. Khổng Tử cho tập họp tất cả lại và nói:
– Bữa cơm đầu tiên này trên đất Tề làm cho thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương. Thầy nhớ đến cha mẹ, cho nên muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, các con nghĩ có nên không? Nhưng liệu nồi cơm này có sạch chăng?
Nhan Hồi liền chắp tay thưa:
– Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch. Khi cơm vừa chín, con mở vung ra xem thử, chẳng may một cơn gió tràn vào, bò hóng bụi trần rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm, con đã nhanh tay đậy nồi cơm lại nhưng không kịp. Sau đó, con định xới lớp cơm bẩn vất đi, nhưng nghĩ rằng cơm ít mà anh em lại đông, nên con đã ăn phần cơm ấy. Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi.
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử lại ngẩng mặt lên trời mà than rằng:
– Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Suýt nữa Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ!
Suy niệm:
Cám dỗ thường gặp nơi những người đạo đức thánh thiện, hay nơi những người làm được những công việc lớn lao thì dễ xem thường người khác, dễ tự mãn và khinh thường người khác. Người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện với mục đích khoe thành tích của mình, và muốn Chúa biết ơn ông hơn là ông tạ ơn Chúa. Xét về lề luật, ông là người giữ luật rất tốt, không chê trách được, nhưng ông chỉ thiếu một điều là không khiêm tốn, ông tự mãn, tự kiêu, cái tôi của ông quá lớn nên ông sẵn sàng khinh miệt người khác.
Người thu thuế cảm thấy mình bất lực, chỉ dựa vào lòng thương xót của Chúa để được Chúa xót thương, ông phó thác hoàn toàn cho Chúa. Chính vì thế, ông đã trở nên công chính trước mặt Chúa.
Xin cho con nhận ra mình tội lỗi để đáng được Chúa xót thương.
Têrêsa Mai An