Nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của thánh Gioan Bosco, Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino sẽ được trưng bầy cho tín hữu khắp nơi kính viếng từ ngày 19 tháng 4 cho tới ngày 24 tháng 6 năm 2015. Tính đến giữa tháng 2 vừa qua, đã có 600 ngàn tín hữu ghi danh kính viếng. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ đến Torino kính viếng Khăn Liệm Thánh ngày 21 tháng 6.
Phát biểu về Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino, Đức Thánh Cha đã nói: “Người của Tấm Khăn Liệm mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu thành Nagiarét… và thúc đẩy chúng ta lên Núi Calvariô để đắm chìm trong sự thinh lặng hùng hồn của tình yêu”.
Trong năm nay, có nhiều sáng kiến được đề ra để trình bầy Tấm Khăn Liệm Thánh. Trong các ngày cuối tháng giêng vừa qua, giáo sư Giuseppe Baldacchini, chuyên viên Khăn Liệm Thánh, đã nói chuyện với tín hữu trong nhà thờ giáo xứ thánh Tôma thành Villanova ở Castel Gandolfo.
Tấm Khăn Liệm thành Torino, hay Tấm Khăn Liệm Thánh, là một khăn vải gai, được lưu giữ trong nhà thờ chính tòa Torino, trung bắc Italia, trên đó có hình của một người mang các dấu vết đối xử và tra tấn tàn tệ phù hợp với các dấu vết được miêu tả trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Truyền thống kitô đồng hóa hình người với Đức Giêsu và tấm khăn với tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu.
Từ Sindone bắt nguồn từ tiếng Hy lạp “Sindon”, có nghĩa là một tấm vải rộng như vải giường và có thể là vải gai tốt, hay vải Ấn Độ. Vào thời xa xưa, từ Sindon đã không liên quan tới việc tôn kính người chết hay việc an táng, nhưng ngày nay, nó đã trở thành đồng nghĩa với tấm vải liệm xác người chết trong truyền thống Do Thái.
Năm 1988, việc khảo cứu bằng carbon 14 được thực hiện một cách độc lập bởi các phòng thí nghiệm Oxford bên Anh quốc, Tucson bên Hòa Kỳ và Zurich bên Thụy Sĩ, đã xác định thời gian tấm khăn liệm giữa các năm 1260-1390, là thời gian tương ứng với khởi đầu lịch sử Tấm Khăn Liệm. Tuy nhiên, tính cách xác thực của nó tiếp tục là đối tượng của các tranh luận rất mạnh mẽ. Lý do là vì các mẫu vải dùng để nghiên cứu chắc đã được lấy từ vải thêm vào sau này trong các lần tu sửa tấm khăn liệm. Các cuộc nghiên cứu khác cho biết tấm khăn liệm phát xuất từ Palestina thuộc thế kỷ thứ I và có nhiều vết phấn hoa của các loại thảo mộc mọc bên Thánh Địa.
Trong các thời gian qua, Tấm Khăn Liệm thành Torino đã được trưng bầy cho tín hữu kính viếng vào các năm 1978, 1998, 2000, 2010 và 2013 với video sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Tấm Khăn Liệm dài 4,41 mét, rộng 1,11 mét, dầy 0,34 mm và nặng 2 ký 450 gr, được dệt bằng tay. Hình trên tấm khăn liệm là hình của một người nam trưởng thành trần truồng, có râu và tóc dài, trên trán có vết máu chảy, mũi bị đánh gẫy, thân mình đầy vết roi đánh từ trên xuống dưới chân, phía trước cũng như sau lưng, đàng sau gáy bê bết máu. Tay phải để chéo trên tay trái, cổ tay phải có dấu đinh đóng và máu, chân trái có vết đinh đóng và máu.
Khi đứng xa khoảng 2 mét, có thể nhận ra hình người rất rõ với các chi tiết kể trên.
Các sử gia đều đồng ý cho rằng lịch sử Tấm Khăn Liệm đã có từ giữa thế kỷ XIV, tức với chứng tích lịch sử chính xác năm 1353. Ngày 20 tháng 6 năm 1353, hiệp sĩ Geoffroy de Charny đã cho xây một nhà nguyện trong thành phố Lirey nơi ông ở, rồi trao cho các kinh sĩ nhà nguyện một tấm khăn và nói rằng đó là Tấm Khăn Liệm xác Chúa Giêsu. Nhưng ông không giải thích tại sao ông lại có được nó. Sự kiện ông sở hữu Tấm Khăn Liệm cũng được chứng minh bởi một chiếc mề đai vớt được trong sông Senne hồi thế kỷ XX, và hiện được lưu giữ trong viện bảo tàng Cluny ở Paris, trên đó có hình Tấm Khăn Liệm trong thế chiều ngang với hình mặt phía bên trái. Trên mề đai, cũng có hình các khí giới của nhà Charny và nhà Vergy của bà Jeanne, vợ ông.
Có vài tin tức thời ấy liên quan tới Tấm Khăn Liệm như “Ký ức của Arcis” là một lá thư Đức Cha Pierre d’ Arcis, Giám Mục thành Troyes viết năm 1389 cho Ngụy Giáo Hoàng Clemente VII hồi đó được nước Pháp coi là Giáo Hoàng hợp pháp, để phản đối việc trưng bầy Tấm Khăn Liệm do Geoffroy II, con của Geoffroy tổ chức. Đức Cha D’Arcis viết rằng Tấm Khăn Liệm đã được trưng bầy lần đầu tiên trước đó 34 năm, tức vào năm 1355, nhưng thật ra, nhiều sử gia cho rằng vào năm 1357, tức sau khi Geoffroy qua đời trong trận đánh tại Poitiers ngày 19 tháng 9 năm 1356. Và Đức Cha D’Arcis cho biết vị tiền nhiệm của ngài, là Đức Cha Henry de Poitiers, đã mở án chống lại Kinh sĩ trưởng vì nghi ngờ tính chất xác thực của khăn liệm, do đó tấm khăn mới bị giấu đi để không bị tịch thu và nghiên cứu. Các nhà thần học được Đức Cha Henry de Poitiers tham khảo, bảo đảm là không có Tấm Khăn Liệm với hình của Chúa Giêsu, bởi nếu không thì các Phúc Âm đã nói tới. Ngoài ra, có một họa sĩ đã thú nhận ông đã vẽ tấm khăn, nhưng Đức Cha D’ Arsis không cho biết tên.
Tuy nhiên, có nhiều nghi ngờ đối với Ký ức của ĐC D’Arsis. Đã không có tài liệu nào xác định việc ĐC Henry de Poitiers đã cho mở cuộc điều tra Tấm Khăn Liệm. Trong một thư viết cho Geoffroy de Charny năm 1356, ngài đã không đả động gì tới Khăn Liệm. Có vài sử gia cho rằng Đức Giám Mục D’Arsis muốn tuyên bố Tấm Khăn Liệm là khăn giả, vì thấy nó lôi cuốn quá nhiều tín hữu hành hương tới Lirey, và như thế, gây thiệt hại cho số tiền thu vào ở nhà thờ chính tòa Troyes, vì trong chính năm 1389, mái nhà thờ đã bị sập và đang rất cần tài chánh dể tu sửa.
Công tước Geoffroy cũng gửi cho Đức Clemente VII một bức thư phản kháng, vì thế năm 1390, Đức Clemente VII mới đưa ra một giải pháp dung hòa. Một đàng, ngài ra sắc lệnh cho phép trưng bầy Tấm Khăn Liệm, đàng khác, lại bắt phải tuyên bố rằng nó là một bức vẽ và hình người trên tấm khăn liệm không phải là hình của Chúa Giêsu Kitô, nhưng là một bức vẽ hay bản vẽ bắt chước Tấm Khăn Liệm. Nhưng vài tháng sau đó, có lẽ vì nhận được các tin tức khác, nên Đức Clemente VII thay đổi kiểu diễn tả và nói tấm khăn là một hình ảnh hay một diễn tả không loại trừ tính cách xác thực của nó. Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng cũng cấm Đức Cha D’ Arcis không được nói chống lại Tấm Khăn Liệm, nếu không, sẽ bị vạ tuyệt thông.
Vài năm sau đó, khoảng năm 1415, quận công Humbert de la Roche, chồng của bà Marguerite de Charny, con gái Geoffroy II, nhận Tấm Khăn Liệm và cất kỹ khi xảy ra chiến tranh giữa Bourgogne và nước Pháp. Sau đó, bà Marguerite từ chối không giao Tấm Khăn Liệm cho kinh sĩ đoàn nhà nguyện Lirey nữa. Các kinh sĩ tố cáo bà, nhưng vụ kiện kéo dài nhiều năm, và bà Marguerite bắt đầu tổ chức các cuộc trưng bầy tại nhiều nơi trong Âu châu.
Năm 1449, tại Chimay bên Bỉ, sau một cuộc trưng bầy Tấm Khăn Liệm. ĐGM địa phương ra lệnh điều tra và buộc bà Marguerite trình sắc chỉ của Đức Clemente VII định nghĩa Tấm Khăn là một bức họa, vì thế không được phép trưng bầy cho dân chúng kính viếng nữa, và bà Marguerite bị trục xuất khỏi thành phố.
Trong các năm tiếp theo, bà tiếp tục từ chối trả tấm khăn lại cho các kinh sĩ Lirey, rồi năm 1453, bà bán tấm khăn cho nhà Savoia. Vì cung cách hành xử này, năm 1457, bà bị dứt phép thông công.
Nhà Savoia cất giữ Tấm Khăn Liệm tại Chambéry, và năm 1502, cho xây một nhà nguyện để giữ Tấm Khăn Liệm.
Năm 1506, Đức Giáo Hoàng Giulio II cho phép tín hữu công khai tôn kính Tấm Khăn Liệm.
Đêm mùng 3 rạng ngày mùng 4 tháng 12 năm 1532, nhà nguyện Chambéry bị cháy. Một vị cố vấn của công tước và hai tu sĩ của tu viện gần đó, đã cùng vài bác thợ rèn, phá cổng vào nhà nguyện và vội vàng đem hòm bằng bạc đựng Tấm Khăn Liệm ra ngoài. Vài giọt bạc bị nung chảy ra rơi trên Tấm Khăn Liệm và đốt cháy nhiều chỗ. Sau đó, Tấm Khăn Liệm được giao cho các nữ tu Clara Chambéry giữ. Các chị đã tu sửa Khăn Liệm bằng cách khâu vá các mảnh vải bị cháy lớn nhất và khâu Khăn Liệm vào một tấm vải khác đệm bên dưới.
Trong cùng thời gian đó, tin đồn Tấm Khăn Liệm đã bị cháy hay bị đánh cắp, khiến người ta cho mở cuộc điều tra chính thức và thu thập chứng từ của những người đã trông thấy Tấm Khăn Liệm trước và sau cuộc hỏa hoạn. Kết quả chứng nhận rằng đó là Tấm Khăn Liệm thật, và năm 1534, nó lại được trưng bầy cho tín hữu kính viếng.
(Vatican 10.3.2015)
Linh Tiến Khải