Sự mê hoặc của tôn giáo

VẤN ĐỀ 17: Tôn giáo chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối, mị dân và mê tín dị đoan. Ai theo đạo là người ngu.


Sự mê hoặc của tôn giáo 

GIẢI ĐÁP :

 

A. TRÌNH BÀY:

 

KARL MARX, một triết gia người Đức thuộc thế kỷ thứ 19 (1818-1883), đã tỏ ra bức súc bất mãn khi chứng kiến cảnh giai cấp tư bản Âu Châu bóc lột sức lao động của giới thợ thuyền thời bấy giờ. Ông quyết định phải làm cách mạng để giành lại quyền làm chủ cho giai cấp công nhân, chấm dứt cảnh “người bóc lột người”. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh giai cấp ấy, K. Marx thấy những trở ngại lớn lao từ tôn giáo. Theo K. Marx: những giáo lý của đạo Ki-tô dạy về cách ứng xử từ bi bác ái, nhẫn nại tha thứ, vâng phục quyền bính… sẽ làm nhụt nhuệ khí đấu tranh của giai cấp công nhân. Do đó, ông chủ trương: muốn tiêu diệt chế độ phong kiến thối nát và bất công thì trước hết phải tiêu diệt tôn giáo. Từ đó, ông mở ra một chiến dịch tuyên truyền chống lại tôn giáo, coi tôn giáo như thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối, mị dân và mê tín dị đoan. Ông phi bác các mầu nhiệm của tôn giáo vì xem ra vô lý không thể chấp nhận được …

 

Vậy sự thật thế nào ? Tôn giáo có phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối mị dân và mê tín dị đoan hay không ? Những mầu nhiệm của Ki-tô giáo có đáng tin hay không ?

 

1. Tôn giáo phải chăng là thuốc phiện ru ngủ quần chúng ? :

 

– Lập luận để chống đối tôn giáo của K. Marx không dựa trên cơ sở lý luận vững chắc, mà chỉ là một phương thế để đấu tranh, giúp cuộc cách mạng của giai cấp công nhân thành công mà thôi. Chính thái độ của một số giáo phẩm thời đó không chịu dấn thân vào thực tế đời sống, không chú trọng tới việc cải thiện xã hội theo tinh thần Tin Mừng … là nguyên nhân khiến K. Marx lên án Giáo Hội, coi tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc quần chúng. Tổng giám mục HELDER CAMARA đã lý giải về vấn đề này như sau: “Nếu Marx đã thấy chung quanh mình một Giáo Hội nhập thể và tiếp tục công trình nhập thế của Chúa Ki-tô. Nếu ông đã sống với những giáo dân biết sống giới răn yêu thương bằng lời nói và hành động như Chúa mời gọi. Nếu ông đã sống vào thời Công Đồng Va-ti-ca-nô II, theo đó giáo lý về những thực tại trần gian được chính thức công nhận, thì chắc ông đã không coi tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng và đã không lên án Giáo Hội là phản động mê hoặc dân đen” (Révolution dans la paix, Tr. 31).

 

– Thực vậy đức tin chân chính không phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, mà trái lại, chính nhờ tin có Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, là Đấng công minh vô cùng, thưởng kẻ lành trên thiên đàng và phạt kẻ dữ xuống hỏa ngục sau khi chết… mà người tín hữu sẽ cố gắng sống lương thiện ngay từ đời này, sẽ thương yêu giúp đỡ và quên mình phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những kẻ nghèo hèn bất hạnh và bị bỏ rơi… Họ làm những việc ấy không do ai ép buộc, nhưnghoàn toàn tự giác tự nguyện … Cũng chính vì có đức tin mà người tín hữu nhìn thấy Chúa Giê-su hiện thân trong những người nghèo, để phục vụ họ như phục vụ chính Chúa (x. Mt 25,40). Cũng vì có đức tin mà rất nhiều người đã chọn nếp sống tu trì khổ hạnh, để dành trọn thời giờ sức lực phục vụ cho người bất hạnh trong các trại mồ côi, dưỡng lão, trại cùi, trại nuôi người bị nhiễm HIV-AIDS… Như vậy thì tôn giáo ru ngủ quần chúng ở chỗ nào ?

 

2. Đức Tin phải chăng đồng nghĩa với mê tín ? :

 

– Mê tín là tin cách mù quáng và vô lý: Còn đức tin là tin có cơ sở và hữu lý. Thực vậy, một viên chức điều tra vụ án, phải dựa vào các bằng chứng tìm thấy ở hiện trường rồi tìm hiểu suy luận mới hy vọng tìm ra thủ phạm còn giấu mặt. Cũng vậy, người tín hữu cũng áp dụng  nguyên tắc nhân quả: dựa vào các bằng chứng xác thực, để tin có Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật và an bài cho chúng tồn tại và ngày càng tiến hóa nên tốt hơn. Tin như thế đâu phải mê tín, nhưng chứng tỏ là người khôn ngoan sáng suốt, từ cái đã biết có thể khám phá ra điều chưa biết.

 

– Trái lại những ai cố chấp khi bịt tai nhắm mắt trước thực tế hiển nhiên, tiên thiên phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa mới là người mê tín thực sự. Mê tín vì tin theo một lý thuyết không hợp lý chút nào !

 

3. Về những mầu nhiệm trong tôn giáo: phải chăng các chân lý mầu nhiệm đức tin đều khó hiểu và khó chấp nhận, là sự dối trá nhằm lừa gạt những người nhẹ dạ dễ tin ?

 

– Phải thừa nhận rằng: trong tôn giáo có những mầu nhiệm đức tin: Đây là những chân lý do Thiên Chúa vì tình yêu thương đã mặc khải cho loài người để họ tin và sống phù hợp  hầu được hưởng ơn cứu độ của Ngài. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã viết như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2). Đức Giê-su Ki-tô chính là Thánh Tử của Thiên Chúa, từ trời đến dạy loài người con đường lên trời. Người cũng mặc khải các điều mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, và đến khi Thần Khí Sự Thật đến, các môn đề mới có thể lãnh hội được các chân lý mầu nhiệm ấy, như Đức Giê-su đã nói với các ông trước cuộc khổ nạn như sau: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-13a). Sau đây là một số mầu nhiệm mà con người thời nay khó lòng lãnh hội và khó chấp nhận tin theo như: Một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm biến thể trong bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh…(xem phụ chú).

 

– Tuy nhiên, cũng như một em nhỏ trình độ tiểu học sẽ đánh giá các định lý toán học, công thức lý hóa của bậc trung học đại học là những mầu nhiệm khó hiểu, nhưng không vì thế mà các em có thể kết luận các định lý công thức ấy không có giá trị. Về sau, khi học lên cao em sẽ có thể lãnh hội được những điều khó hiểu ấy. Cũng vậy, những điều mầu nhiệm trong giáo lý Công giáo tuy vượt quá tầm hiểu biết của con người chúng ta, nhưng vẫn đáng tin vì do chính Thiên Chúa mặc khải để ban ơn cứu độ cho loài người. Một khi được ơn Thánh Thần tác động, chắc chắn chúng ta cũng sẽ lĩnh hội được những điều mầu nhiệm ấy và sống theo để được hưởng ơn cứu độ.

 

– Sở dĩ những mầu nhiệm đức tin có giá trị và đáng tin vì những lý do như sau:

 

+ Khác với những chân lý khoa học không có sự bền vững: Hôm qua được mọi người công nhận, đến nay có thể bị phủ nhận nếu những khám phá khác có cơ sở hơn xuất hiện… Còn các chân lý đức tin do Thiên Chúa mặc khải sẽ luôn có giá trị bền vững mãi mãi.

 

+ Hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng nên sẽ không lừa dối chúng ta. Do đó, các chân lý đức tin mặc khải, tuy vượt quá tầm hiểu biết của con người, vẫn đáng tin và có giá trị cứu độ cho những ai tin nhận và sống theo các mầu nhiệm ấy.

 

+ Đàng khác, chính nhờ có những mầu nhiệm này, mà Thiên Chúa giáo được các triết gia đánh giá là một tôn giáo bắt nguồn từ trời, chứ không phải chỉ là sản phẩm của con người. SÁC-LƠ NI-CÔN (Charles Nicolle) đã phát biểu như sau: “May mắn thay trong Thiên Chúa giáo có những điều mầu nhiệm, nếu không thì tôi sẽ hoài nghi tôn giáo ấy là do trí óc loài người tạo ra. Chính các chân lý mầu nhiệm đã làm cho tôi vững tâm vì mầu nhiệm là dấu hiệu của Thiên Chúa”.

 

TÓM LẠI: Do quan niệm sai lạc về tôn giáo: tưởng rằng tôn giáo chỉ bao gồm một số mục tử còn nhiều bất toàn, hoặc đánh giá thấp về đức tin tôn giáo: coi tôn giáo chỉ là một mớ lý thuyết mang tính giáo điều, là phương cách để các người hành nghề tôn giáo lợi dụng trục lợi từ các tín hữu mê tín… Hoặc do nhìn tôn giáo ở dạng thấp kém… cản trở con đường cách mạng đi lên của mình, nên K. Marx đã quyết liệt chống đối tôn giáo. Nhưng tất cả những điều Marx đả kích đều không chính xác. Tôn giáo chân chính hay Ki-tô giáo không phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng nhưng là động lực giúp các tín hữu quên mình phục vụ tha nhân. Đức Tin tôn giáo gồm những điều cao siêu nhưng hợp lý chứ không mê tín cần phải dẹp bỏ; Mầu nhiệm đức tin là những chân lý mặc khải có cơ sở vững chắc chứ không phải là những điều huyền hoặc mê tín…Từ đó chúng ta có thể quả quyết như sau: Những lời đả kích tôn giáo của Karl Marx thực sự không phương hại đến Ki-tô giáo, là một tôn giáo chân chính nhằm phục vụ hạnh phúc con người.

 

B. PHÚT HỒI TÂM:

 

1) LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-13a).

 

2) LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi trong những con người bất hạnh, nhờ đó con sẽ năng đến viếng thăm và quảng đại chia sẻ tình thương cho họ, tận tình giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần đến đổi mới tâm hồn con và động viên con chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa và giúp nhiều anh em về làm con cái Chúa.- AMEN.

 

Gx Sao Mai Xuân Ất Mùi 2015

 

LM ĐAN VINH 

Giám Huấn HHTM Trung Ương