Hỏi: xin cha cho biết rước lễ bằng tay có bất kính đối với Chúa Kitô hay không?
>> Rước Lễ Bằng Tay Hay Trên Lưỡi?
>> Đức Hồng Y Tổng trưởng khuyên người Công giáo nên rước lễ bằng lưỡi và qùy gối
Trả lời: Thật ra tất cả chỉ vì thói quen mà sinh ra những khó khăn và bất đồng mà thôi.
Thật vậy, trước hết là vấn đề thay thế tiếng La-tinh bằng mọi ngôn ngữ thế giới trong phụng vụ. Vì tiếng La-tinh đã được dùng quá lâu, nên khi thánh lễ được làm bằng các ngôn ngữ khác sau Công Đồng Vaticanô II (1962-65) thì nhiều người đã không bằng lòng.
Mặt khác, những cải cách của Công Đồng này cũng không được đồng tâm đón nhận trong toàn Giáo Hội. Cụ thể, một Tổng Giám Mục Pháp (Lefevre) đã bất tuân để tiếp tục làm lễ bằng tiếng La-tinh và tự tách mình ra khỏi Giáo Hội cho đến ngày ngài mất năm 1991. Nhóm linh mục đi theo ngài vẫn tiếp tục theo Nghi Thức Tridentine cũ và bác bỏ mọi cải cách của Công Đồng Vaticanô II.
Nhưng cần phải nói rõ là từ đầu Giáo Hội La Mã dùng tiếng La-tinh trong phụng vụ và mọi sinh hoạt khác là vì lý do muốnbảo đảm sự hiệp nhất (unity) trong Giáo Hội chứ không vì lý do tín lý, thần học nào khác. Cũng không phải vì tiếng La-tinh là tiếng Chúa Giê su đã nói xưa kia, nên phải duy trì. Chúa là người Do Thái, nên Ngài đã dùng ngôn ngữ này để giảng dạy các môn đệ và dân chúng thời đó. Cho nên không phải vì tôn trọng Chúa mà phải dùng tiếng La-tinh. Nhưng, vì ngôn ngữ này đã được dùng quá lâu trong Giáo Hội nên người ta trở nên quen đến nỗi khó bỏ được mà thôi.
Chính vì còn có những người thích tiếng La-tinh và Nghi Thức cũ, nên trong năm qua (ngày 7-7-2007) Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI đã ra Tông Thư Summorum Pontificum cho phép sử dụng rộng rãi hơn Nghi Thức bất thường Lễ Tridentine bằng tiếng Latinh, song song với Nghi Thức mới thông thường ban hành năm 1970 cho phép cử hành thánh lễ và các bí tích bằng ngôn ngữ địa phương như hiên nay. Đây chính là một cố gắng hòa giải những bất đồng còn âm ỷ trong Giáo Hội từ sau Công Đồng Vatican II của Đức đương kim Giáo Hoàng. Tóm lại cũng vì tiếng La-tinh và những cải cách của Công Đồng Vaticanô II mà nhóm theo Tổng Giám Mục Lefevre đã ly khai khỏi Giáo Hội La-mã cho đến nay. Về phần giáo dân ở khắp nơi thì cũng còn nhiều người không hài lòng với những thay đồi về phụng vụ. Cụ thể là vấn đề rước lễ bằng tay.
VIỆC NÀY CÓ PHƯƠNG HẠI ĐẾN ĐỨC TIN CÔNG GIÁO HAY KHÔNG?
Trong bài trước, tôi đã nói rõ là Tòa Thánh đã cho phép rước lễ bằng tay kể từ sau Công Đồng Vaticanô II. Nhưng cũng vì có dư luận không tán thành, nhất là vì có những lạm dụng và để tránh nguy cơ tục hóa (profanation) và phạm thánh (sacrilege) nên Đức Hồng Y Francis Arinze, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích, đã ra Huấn Thị Redemptoris Sacramentum để giải thích thêm về Tông Thư Ecclesia de Eucharistia của Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cũng như nhắc lại những gì Toà Thánh đã cho phép về việc rước lễ từ xưa đến nay.
Cụ thể như sau :
1- Tín hữu được phép lựa chọn rước lễ bằng tay hay trên lưỡi, quì xuống hay đứng lên khi rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong Thánh lễ. (no. 91-92)
2- Thánh Bộ cũng khuyến khích việc cho tín hữu rước cả Mình và Máu Thánh Chúa, mặc dù Chúa Kitô hiện diện hoàn toàn trong cả hai hình thức trên. Nghĩa là dù chỉ rước Mình Thánh thôi thì cũng rước trọn vẹn Chúa Kitô rồi (x. SGLGHCG. số 1377). Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục các quốc gia được dành quyền tùy nghi áp dụng việc này ở địa phương. ( no. 100-101)
3- Cũng liên quan đến việc rước Máu Thánh, Thánh Bộ cũng cho phép hình thức chấm Mình Thánh vào chén Máu Thánh (Intinction) nhưng người rước lễ không được phép tự tay chấm mà phải nhận lãnh trên lưỡi từ tay thừa tác viên.
Nghĩa là không được phép lãnh nhận trên tay nếu rước lễ với hình thức chấm này. (no.104)
Sở dĩ có sự cho phép hình thức chấm (intinction) Mình vào Máu Thánh nói trên là vì có mối quan ngại về nguy cơ lây bệnh truyền nhiểm khi nhiều người cùng uống chung một chén. Ngoài ra, còn bất tiện nữa là thừa tác viên phải uống hết Máu Thánh còn dư sau Lễ. Cũng nên biết rằng trong bí tích Thánh Thể, thì chỉ có bản thể (substance) của bánh và rượu trở thành Bản Thể của Chúa Kitô mà thôi, còn chất thể (material) của bánh và rượu không thay đổi, cho nên uống nhiều rượu nho vẫn có thể say như thường!
Trên đây là tóm lược những gì Tòa Thánh – qua Thánh Bộ Phụng Tự – đã cho phép. Nghĩa là chính Đức Thánh Cha đã đồng ý cho thi hành trong toàn Giáo Hội, vì mọi quyết định của các Cơ quan đầu não trong Giáo triều Roma, nhất là của hai Thánh Bộ quan trọng là Phụng Tự (Divine Worship) và Giáo lý đức tin (Doctrine of Faith) thì bắt buộc phải có sự chấp thận (approve) của Đức Thánh Cha trước khi đem thi hành. Như thế, nếu muốn vâng phục Tòa Thánh, thì không ai được phép chống đối những gì đang được cho phép thi hành. Người ta có thể góp ý xây dựng và đề nghị những sửa đổi. Nhưng quyền quyết định tối hậu vẫn thuộc về Đức Thánh Cha, vị Đại Diện duy nhất của Chúa Kitô trên trần gian.
Rước lễ trên lưỡi hay trên tay tự nó không có gì là phạm thánh hay bất kính đối với Chúa Kitô. Căn bản thần học ở đây là Chúa Kitô tự hiến mình làm của ăn của uống để nuôi linh hồn người ta cũng như Ngài đã tự hiến chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.
Vậy nhận lãnh Chúa trên tay hay trên lưỡi không có gì khác biệt về bản chất. Giáo lý của Giáo Hội chỉ đòi hỏi phải sạch tội trọng, có ý ngay lành (good intention) và giữ chay (fasting) một giờ trước khi rước lễ mà thôi. Chỉ có tội lỗi mới làm cho con người bất xứng chứ không phải hình thức bề ngoài. Đó là điều Chúa Giêsu đã khiển trách nhóm biệt phái xưa kia khi họ bắt lỗi các môn đệ của Chúa không rửa tay trước khi ăn. “… Anh em không biết rằng bất cứ cái gì vào miệng thì xuống bụng rồi bị thải ra ngoài sao? Còn những cái gì từ miệng xuất ra là phát xuất từ lòng; chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế…còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế.” ( Mt 15: 17-20). Nói khác đi, nếu rước lễ mà thiếu lòng tin, lòng mến Chúa và nhất là đang có tội trọng thì đó mới là bất xứng, bất kính đối với Chúa Kitô, chứ nhận lãnh Mình Máu Chúa trên tay hay trên lưỡi không có gì khác biệt phải quan tâm.
Thực ra, không có giáo lý, tín lý nào đòi hỏi phải rước Chúa trên lưỡi thì mới tỏ ra kính trọng Chúa cách đúng mức, và rước trên tay là bất kính. Chỉ có điều đáng quan ngại là sợ nguy cơ phạm thánh khi cho rước lễ trên tay mà thôi.
Nghĩa là, lo sợ có kẻ cầm Mình Thánh Chúa đem về nhà để làm việc phạm thánh nào đó (profanation, sacrilege).
Chính vì thế mà Thánh Bộ Phụng Tự đã đặc biệt lưu ý việc này, để nếu cần, thì phải ngưng cho rước lễ trên tay (no. 92). Và để tránh nguy cơ này, mọi người muốn rước lễ trên tay, thì buộc phải bỏ ngay Mình Thánh Chúa vào miệng trước mặt thừa tác viên cho rước lễ.
Ngoài ra, để tỏ lòng cung kính bề ngoài trước khi rước Chúa, thì nếu đứng khi lên rước lễ thì trước khi tiến lên lãnh nhận Mình Thánh, người rước lễ được khuyên nên cúi đầu bái lậy trước khi lãnh nhận Mình Máu Chúa trên lưỡi hay trên tay, (không nên bái quì vì sẽ đụng chân vào người đứng phía sau).
Nói chung, từ xưa đến nay, đã có biết bao ý kiến chống đối Giáo Hội về luật độc thân của hàng giáo sĩ, đòi cho phụ nữ làm linh mục, không đồng ý về những cải cách của Công Đồng Vaticanô II trong đó có việc cho rước lễ trên tay. Trong số những người không đồng ý này, có cả Giám mục, linh mục và giáo dân. Cụ thể, Tổng Giám mục Malingo bên Phi Châu đã lấy vợ và còn truyền chức giám mục bất hợp pháp cho 3 linh mục Mỹ đã hồi tục và đã bị vạ tuyệt thông tiền kết sau vụ này.
Nhưng việc chống đối và những gương xấu này không thể làm mất niềm tin và sự tuân phục của tín hữu đối với sứ mạng, chức năng và uy quyền của Giáo Hội trong việc giảng dạy, thánh hóa và cai trị.
***
Tóm lại, bao lâu Toà Thánh chưa thay đổi gì về bất cứ luật lệ nào đang được áp dụng thi hành trong các lãnh vực luân lý, tín lý, phụng vụ, bí tích, giáo luật… thì mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội – giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân – đều có bổn phận phải vâng phục và thi hành nghiêm chỉnh những luật lệ đó. Những người bất đồng (dù là Hồng Y, Giám mục hay linh mục) và những ai chống đối ở trong và ngoài Giáo Hội không phải là lý do cho tín hữu phải giao động về tinh thần vâng phục Giáo Hội là Mẹ đang thay mặt Chúa là CHA để dạy dỗ, dẫn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô trên trần thế.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn