Đổi mới là một cụm từ khá quen thuộc. Chúng ta có thể gặp thấy trên đài, báo và truyền hình. Đổi mới bao hàm nhiều ý nghĩa và được thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta sống trong một đất nước mới theo nền kinh tế thị trường từ năm 1986, thì đổi mới thường được gắn với nội dung kinh tế nhiều hơn. Nói tới đổi mới là người Việt Nam thường nghĩ ngay đến đổi mới đường lối kinh tế. Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần cạnh tranh. Từ những đổi mới về đường lối kinh tế này mà cuộc sống của người dân ngày một khá hơn.
Không chỉ đổi mới về đường lối kinh tế, mà đổi mới còn bao hàm ý nghĩa thay đổi các mối tương quan nội tại của đất nước và trong mối tương quan quốc tế. Dân chủ có phần nào được nới rộng, các quyền con người được tôn trọng nhiều hơn. Đất nước không chỉ gói gọn trong các quan hệ với các nước chủ nghĩa xã hội như trước đây, nhưng còn được mở rộng trong các quan hệ với các nước tư bản phương Tây. Giao lưu quốc tế cũng được mở mang nhiều hơn. Vì thế mà cái hay, cái dở từ bên ngoài tuôn vào như thác đổ. Trước những đổi thay ấy, điều quan trọng là mỗi người cần tỉnh táo chọn lọc cho mình những gì tốt đẹp, phù hợp với luân thường đạo lý và truyền thống văn hoá của dân tộc.
Thế nhưng, dù có hay và tốt đến đâu đi nữa, thì đó vẫn chỉ là những đổi thay của nhân loại dựa trên những chuẩn mực nhất thời, không ổn định của con người. Những đổi thay ấy cần không ngừng được tiếp tục trong các thời điểm sao cho phù hợp với lịch sử phát triển của dân tộc, đất nước và nhân loại. Có một sự đổi mới tận căn, tận gốc rễ dựa trên những chuẩn mực hoàn toàn vượt ra ngoài con người mà mỗi kitô hữu không ngừng phải thực hiện, đó là đổi mới tâm hồn theo chuẩn mực Giêsu. Giêsu là chuẩn mực, là đích điểm cho cuộc đổi mới này. Giêsu cũng là sức mạnh và nguồn gợi hứng để con người tha thiết trong sự đổi mới. Chính Giêsu là hấp lực cho sự đổi thay toàn vẹn bởi Ngài đã phục sinh. Giả như Ngài không sống lại thì đổi thay theo Ngài nào có ý nghĩa chi? Chỉ có đổi mới theo cách này, chúng ta mới thực sự thuộc về Ngài và trở thành môn đệ của Ngài. Có thể chúng ta sẽ băn khoăn và tự hỏi đổi mới theo Giêsu nghĩa là gì, có chuẩn mực cụ thể hay chung chung?
Đổi mới theo Giêsu là một đổi mới toàn diện và trọn vẹn với những chuẩn mực rất rõ ràng và cụ thể. Một Giêsu đã không bao giờ kết án người khác, cho dù đó là người phạm tội bị bắt quả tang. Thay vì kết án, đẩy đưa vào chỗ chết, Giêsu luôn mở ra cho tội nhân con đường sống: “Tôi không kết án chị đâu! Chị hãy ra về và đừng bao giờ phạm tội nữa” (Ga 8,11). Thay vì chạy trốn, phàn nàn trước khổ đau, Giêsu đã vui nhận để cho kế hoạch của Thiên Chúa được hoàn tất, ơn cứu độ sung mãn được trao ban cho con người. Nói như cha J. Galot, Đức Giêsu đã chiến thắng nhờ đau khổ. Nhờ Đức Giêsu mà “đau khổ đã trở thành phương tiện cứu độ”[1]. Nhờ đau khổ mà Ngài được vinh quang và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Ngài: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh… Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh danh Ta nữa!” (Ga 12,23; 28). Một Giêsu chết nhục nhã trên Thập giá mà vẫn một mực yêu thương, tha thứ cho kẻ giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Một Giêsu bị cô đơn đến tột cùng vì như bị Thiên Chúa và bạn hữu bỏ rơi: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46), vậy mà vẫn một mực tin tưởng phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Không những thế, sau khi phục sinh, Giêsu đã không ngừng khơi lên niềm hy vọng sống động cho các môn đệ. Từ chán nản thất vọng như hai môn đệ trên đường Emau đã trở nên hăng hái. Họ vội vã trở lại Giêrusalem, lòng đầy lạc quan với mong ước khơi lên niềm vui sống cho những anh em khác vì họ đã có niềm hy vọng đặt ở nơi Đức Giêsu (x.Lc 24,13-35). Các tông đồ từ nhát đảm đã trở lên mạnh mẽ, can trường trước mọi thử thách. Bị đánh đòn mà không cảm thấy sợ hãi, nhưng lại “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,40-41). Mạng sống của họ giờ đây không quan trọng bằng Tin Mừng Phục Sinh của Đức Giêsu được loan báo cho mọi người: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Mạnh hơn nữa, chính Đức Giêsu Phục Sinh đã làm cho các tông đồ dám sống tròn đầy trong giây phút hiện tại, để rồi cuối cùng sẵn sàng chết cho Tin Mừng Phục Sinh.
Hôm nay, Giêsu đã phục sinh và hưởng vinh phúc thiên đàng. Ngài được siêu tôn làm Đức Chúa và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, để cầu bầu và giải thoát chúng ta. Ngài luôn dang rộng vòng tay chờ đợi mọi người bước vào phục sinh với Ngài. Lời mời gọi thì luôn mang tính dứt khoát và sự đáp trả lại luôn mang tính quyết định. Nếu muốn được thông phần vào sự sống mới của Giêsu, điều tiên quyết là mặc lấy Giêsu trong suy nghĩ, nói năng và hành động. Được như vậy, tâm hồn bạn đã thực sự đổi mới. Sự sống của Giêsu Phục Sinh bắt đầu thấm đượm và sẽ dạt dào chảy đến với những ai đang khao khát. Lúc ấy, sự đóng góp của chúng ta cho sự canh tân thế giới mới thực sự trở nên hữu hiệu. Sự góp phần không còn nhất thời tạm bợ nữa, nhưng mang tính vĩnh viễn. Chỉ có thế, chúng ta mới thực sự trở thành môn đệ chân chính của Thầy Chí Thánh Giêsu và mỗi mùa Chay thánh mới là mùa hồng ân, mùa phúc lộc cho chúng ta.