Năm nay, từ Thứ Tư Lễ Tro ngày 18 tháng Hai đến Chúa Nhật Phục Sinh 5 tháng Tư, trong vòng 40 ngày, người Công Giáo trên toàn thế giới sống thời gian phụng vụ Mùa Chay. Trước hết và trên hết, là thời gian chuẩn bị để cử hành cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Trong tâm tình ấy, chúng ta cùng đọc lại bài giáo lý về Mùa Chay Thánh của Đức cha Jacques Blaquart, Giám mục Phụ tá Bordeaux, Pháp.
Hướng về lễ Phục Sinh và về Đức Giêsu, Đấng hiến mạng sống mình vì tình yêu, các Kitô hữu được mời gọi canh tân mối quan hệ của mình với Thiên Chúa, trở lại với những liên hệ sâu thẳm nhất với Ngài. Thời kỳ thanh tẩy và chiến đấu nội tâm, Mùa Chay cách nghịch lý cũng là thời gian của niềm vui, vì chúng ta tìm lại được sự thân thương và hiện diện của Thiên Chúa.
Khuôn mẫu và điểm tựa của chúng ta suốt trong giai đoạn này chính là Đức Giêsu, Quà Tặng của Thiên Chúa cho nhân loại, đã chiến đấu giành chiến thắng trước thế lực sự dữ. Cùng với Người, chúng ta được gọi mời sống lại kinh nghiệm của dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ tại Ai Cập và bước đi trong sa mạc dưới sự dẫn dắt của Môsê. Trước cái đói và khát, dân chúng thường xuyên thất vọng, đôi khi nổi loạn chống lại Thiên Chúa và Môsê, tôi tớ của Ngài, thế nhưng một cách đặc biệt, dân ấy có kinh nghiệm về lòng thành tín của Thiên Chúa đối với họ. Dân Israel đã không ngừng đọc lại khoảnh khắc độc nhất vô nhị này trong lịch sử của mình, lúc Thiên Chúa ký kết giáo ước với họ bằng cách ban cho Thập Giới trên núi Sinai, và lúc Ngài dạy dỗ, trải qua những khó khăn trong khi dõi bước nơi sa mạc, biết phó thác trong niềm tin tưởng vào Lời Chúa. Đó chính là kinh nghiệm của dân Do Thái mà Đức Giêsu đã thực hiện nơi hoang địa trong vòng 40 đêm ngày, mà Ngài đã tái diễn qua cuộc chiến thắng trước những cám dỗ và qua mẫu gương trung thành của Ngài trước Chúa Cha. Đó cũng chính là kinh nghiệm sa mạc mà bản thân chúng ta được kêu mời thực thi mỗi năm vào dịp Mùa Chay.
Nhiều người thường chỉ coi Mùa Chay như những phương thế liên quan đến của ăn, và còn giảm thiểu vào những chỉ dậy chi li về thực phẩm, như kiêng thịt ngày thứ sáu. Nếu chúng ta được đề nghị sống tiết chế là để làm lại nơi bản thân mình sự chọn lựa Thiên Chúa, theo như lời nhắc nhở của Tin Mừng : « Ngươi chỉ tôn thờ một mình Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ». Một Mùa Chay tốt đẹp trước tiên không phải là thành công của những nỗ lực cá nhân, nhưng là sự cải thiện những mối tương quan với Thiên Chúa, và qua con đường có hậu với anh em đồng loại.
Với Đức Giêsu, chúng ta thông hiểu rằng « người ta sống không nguyên bởi bánh » và của cải vật chất, rằng chỉ một mình sự hiện diện đáng yêu của Thiên Chúa có thể làm triển nở tâm hồn mình. Thế thì Thiên Chúa đã ở trong chúng ta như thánh Phaolô Tông Đồ nói trong thư gửi tín hữu Rôma : « Lời Thiên Chúa ở gần bạn, trong môi miệng bạn, trong trái tim bạn ». Nếu trong suốt giai đoạn này của Mùa Chay, chúng ta được mời gọi suy niệm và cầu nguyện dài lâu bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, là để lấy lại ý thức về sự gần gũi Thiên Chúa và để nuôi dưỡng bằng điều mà Ngài muốn nói với chúng ta. Cầu nguyện đòi hỏi cái mà chúng ta rất khó cho đi : đó là thời gian, rất khó sống : đó là thinh lặng. Chúng ta cần phải học nơi trường học Giêsu cách thinh lặng trong cô tịch để cho Thiên Chúa nói với chúng ta.
Ăn chay là phương tiện tuyệt hảo giúp cho cầu nguyện được dễ dàng. Nó cũng dạy lại chúng ta cách chế ngự bản thân. Người ta có thể chay tịnh về cách ăn uống, ăn bánh mì khô và uống nước, kiêng cữ tất cả những gì làm cản trở chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân, tất cả những thứ đi kèm nơi mình như : rượu chè, chất nghiện hút các loại, nhạc MP3, sử dụng thái quá điện thoại, và máy vi tính…Để gặp gỡ Thiên Chúa, cần phải sống kinh nghiệm tự hủy. Mùa hè năm ngoái, trở về từ chuyến hành hương Đất Thánh trong xe buýt với câu hỏi : « Điều gì làm bạn ấn tượng nhất ? ». Chúng tôi đã viếng thăm nhiều nơi nào là Giêrusalem, Nazareth, Bêthlêm, nhưng nhiều bạn sinh viên lại trả lời là « sa mạc !», như chính trong sâu thẳm tâm hồn họ trào dâng niềm khát vọng đáp trả ơn gọi làm con cái Thiên Chúa của mình.
Mùa Chay, trong khi mở lòng ra cho Thiên Chúa, thiết thực giúp chúng ta hướng về phía anh em đồng loại, nhất là những người túng quẫn và cô đơn nhất. Làm sao có thể xưng mình là Kitô hữu trong khi trái tim lại không chung nhịp đập với trái tim của Đức Kitô từng rúng động trước người phong cùi hay trước những đám đông dân chúng ? Trong Mùa Chay, bằng việc cho đi của cải, chúng ta học lại cách yêu thương rộng lượng như Thiên Chúa. « Khi kết thúc hành trình dương gian, chúng ta sẽ bị phán xét về đức ái » thánh Gioan Thánh Giá đã nói như thế. Những khuyến dụ thì nhiều vô kể, Giáo Hội có thể giúp chúng ta có những chọn lựa cần thiết. Điều tốt hơn sẽ là thứ ơn huệ, vượt lên trên sự nhiệt huyết nhất thời, dẫn đưa chúng ta vào sự bền lâu và vào mối quan hệ đích thực với những người cần được giúp đỡ.
Như Đức Giêsu sau khi nhận phép rửa đã lui vào trong hoang địa dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, chúng ta hãy bước vào Mùa Chay này bằng cách dựa vào bí tích rửa tội đã được lãnh nhận, vào ân sủng của Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta ! Đức Giêsu đã khước từ những cám dỗ về quyền lực, về giầu sang, Ngài không đòi hỏi gì với Chúa Cha, trái lại Ngài đã khiêm tốn tuân phục trong niềm tin yêu. Đó chính là con đường mà chúng ta cần bước đi nếu như chúng ta muốn thành công trong cuộc sống.
Đức Giêsu đã từng bị cám dỗ, không chỉ trong hoang địa, mà còn trong suốt cuộc sống công khai. Ngài đã chiến đấu không ngừng chống lại điều dễ dàng, những bả vinh hoa, tham vọng và thỏa hiệp mà trần gian đề nghị. Ngài vẫn trung thành cho đến cùng sứ mệnh của mình. Trong thế giới này với cám dỗ về tận hưởng cho riêng cá nhân giây phút hiện tại, về việc chạy trốn trách nhiệm của mình, thì Mùa Chay mời gọi chúng ta bền tâm và trung thành với Thiên Chúa. Điều đó xảy đến qua những cuộc chiến chống lại các cám dỗ quấy nhiễu chúng ta, nhưng nhất là qua niềm tin yêu được đổi mới trong Đức Giêsu, Đấng chiến thắng sự dữ. Như lời điệp ca Mùa Chay mời gọi chúng ta : « Mắt hướng về Đức Giêsu Kitô, chúng ta bước vào cuộc chiến của Thiên Chúa ! ».
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng dịch