Sứ vụ đời thánh hiến, phục vụ và chứng tá

Trong thư gửi các tu sĩ nhân dịp năm Đời Sống Thánh Hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tu sĩ: “ anh chị em hãy đánh thức thế giới!”. Lời mời gọi này không chỉ cho thấy đời sống thánh hiến có một vai trò hết sức quan trọng trong Giáo hội và thế giới, mà còn nhắc nhớ người tu sĩ đặt thành vấn đề với căn tính của mình: tôi là ai trong Giáo Hội và thế giới, và đâu là lý do cho sự hiện diện của tôi trong Giáo Hội? Để rồi qua đó hướng người tu sĩ ý thức hơn về sứ vụ của mình trong Giáo Hội và thế giới hôm nay.

 
1. Sứ vụ của đời sống thánh hiến
 
Chia sẻ về Đời tu tại Á Châu, Cha Josefa Aldana nói, “Không thể công bố Tin Mừng thực sự, nếu như người tu sĩ không chỉ ra chứng tá đời sống hài hòa với thông điệp mà họ rao giảng.” Lời khẳng định này cho thấy việc rao giảng Tin Mừng cần thiết phải đi đôi với việc sống chứng tá. Nhìn lại lịch sử của đời sống thánh hiến, ban đầu các tu sĩ sống đời ẩn dật để chỉ đi tìm một mình Thiên Chúa, thế mà đời sống thánh thiện của họ đã vượt không gian và thời gian lan tỏa tới biết bao người, họ trở thành những con người của Phúc Âm, chứng tá đời sống của họ đã đóng góp rất lớn cho sự Phúc Âm hóa của Giáo Hội. Từ thế kỷ 13 trở đi, có nhiều dòng tu mới ra đời với những hoạt động tông đồ đa dạng, đời sống thánh hiến mở ra với thế giới để góp phần xoa dịu những nỗi đau của người nghèo và đau khổ, nhưng cũng lại mang về nguy cơ “Các tu sĩ bận rộn đáp lại những nhu cầu của Giáo Hội, của hội dòng hay của xã hội đến độ không còn có thời giờ đặt thành vấn đề với cái gì đang được làm, làm cho ai và tại sao”[1]. Các tu sĩ trở nên cái mà họ làm nhiều hơn là cái mà họ là, họ được đánh giá qua số liệu và kết quả công việc hơn là cái ý nghĩa của công việc mà họ làm. Đời tu trở thành như một đặc sủng phục vụ. Vì thế Công Đồng Vaticano II nhắc nhớ các tu sĩ: vai trò chứng tá mới chính là sứ vụ và là cốt lõi cho sự hiện diện và hoạt động của người tu sĩ trong Giáo hội và trong thế giới.
 
Trong Tông Huấn Vita Consecrata, Giáo Hội khẳng định: sứ vụ của người thánh hiến là trở nên chứng tá của Chúa Ki-tô cho thế giới. Họ được gọi để cộng tác một cách hữu hiệu vào sứ vụ của Chúa Giê-su Ki-tô và đóng góp cách đặc biệt cho sự canh tân thế giới. Bổn phận truyền giáo trước hết của người thánh hiến là thực hiện với bản thân bằng cách mở lòng ra để thích ứng với Thần Khí Chúa. Họ là những nhà truyền giáo bằng cách không ngừng nhúng sâu ý thức mình được Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn, do đó họ phải quy hướng và trao dâng tất cả con người và cuộc đời của họ, tự do khỏi những chướng ngại có thể làm cản trở cho việc đáp trả Thiên Chúa cách trọn vẹn. Bằng cách này họ trở nên những dấu chỉ thực sự của Chúa Ki-tô trong thế giới. Lối sống của họ phải chỉ ra lý tưởng mà họ tuyên xưng, lối sống đó như là một dấu chỉ sống động của Chúa, là một công bố hùng hồn của Phúc Âm… Giáo Hội có quyền mong đợi sự đóng góp quan trọng từ phía người thánh hiến với tư cách là những người mang chứng tá sống động của người thuộc về Đức Ki-tô trong mọi hoàn cảnh (x.VC.25).
 
Như vậy, sứ vụ quan trọng của đời sống thánh hiến chính là trở nên chứng tá của Chúa và Phúc Âm của Người. Người tu sĩ được gọi và được chọn cho sứ vụ này, đó là lý do cho sự hiện diện và tồn tại của họ trong Giáo Hội. Chính trong sứ vụ này họ đạt tới sự trọn lành, bởi vì sứ vụ làm cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, Đấng đã đến để làm chứng tá cho tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại trong tất cả mọi sự, trong cả tâm tình lẫn lối sống và cung cách hoạt động. Đời sống của họ được đặc điểm hóa không phải bởi tác vụ họ làm, nhưng bởi chứng tá mà họ chỉ ra. Họ được đánh giá cao trước mặt Chúa và Giáo Hội không bởi cái mà họ làm nhưng bởi cái mà họ là. Do đó, cái mà tu sĩ làm không quan trọng bằng cái mà tu sĩ là, trái lại cái tu sĩ làm phải mang đến cái mà họ là. Đời sống thánh hiến không đặt thành vấn đề trên công tác hay hiệu quả của công việc nhưng trên chất lượng chứng tá đời sống hay ý nghĩa của công tác mà người thánh hiến làm cho Chúa và cho tha nhân.
 
Đặc biệt trong bối cảnh của thế giới hôm nay, những giá trị vật chất và tinh thần bị đảo lộn, vật chất và hưởng thụ dễ làm cho người ta lu mờ hình bóng của Thiên Chúa, sự hiện diện của Thần Linh. Con người hiện đại “cần có chứng nhân hơn thầy dạy”, vì thế chứng tá đời sống của người tu sĩ càng trở nên cấp bách. Trong cuộc khảo sát những người trẻ tại một trường học cho thấy hầu hết các bạn trẻ ngày nay thích nhìn thấy các tu sĩ trong sự thánh thiện. Tông Huấn về Đời Sống Thánh Hiến cũng nhìn nhận chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến là sự thánh thiện ( x. VC 32 – 35). Sự hấp dẫn và ảnh hưởng của đời tu đối với họ phải là một kinh nghiệm thiêng liêng và sự phục vụ mà Phúc Âm trình bày. Người trẻ muốn nhìn thấy người thánh hiến như là những biểu tượng về những giá trị tôn giáo, nơi đó họ có thể mở ra những kinh nghiệm về Chúa, những giá trị của Nước Trời; cho thấy một vị “Thiên Chúa sai lầm” ở nơi họ; tạo điều kiện cho họ nghe được, nhìn thấy, chạm vào và cảm nhận Đức Ki-tô như thế nào.
 
Đời tu tận hiến để tìm kiếm Đấng Tuyệt Đối và mục tiêu của Người. Điều này được biểu lộ bằng sự dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, tận hiến một đời sống cầu nguyện và hy sinh, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong lối sống khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục và hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn. Chính trong lối sống ấy, tu sĩ thể hiện chứng tá mạnh mẽ về tính ưu việt của đời sống siêu nhiên trong một thế giới hưởng lạc, trọng vật chất và danh vọng như Giáo Hội nhìn nhận: “Tu sĩ tìm thấy trong đời tu một phương tiện ưu tiên phúc âm hóa hiệu quả. Ở mức độ hiện hữu thâm sâu nhất của mình, họ được tìm thấy trong sự năng động của đời sống Giáo Hội, là khao khát Đấng Tuyệt Đối và được gọi tới sự thánh thiện. Chính trong sự thánh thiện này mà họ mang chứng tá… Bằng cuộc sống của mình họ là một dấu hiệu của sự hoàn toàn sẵn sàng cho Chúa, cho Giáo Hội và cho anh em” (EN.69).
 
2. Qua phục vụ đến chứng tá
 
Kể từ Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội khích lệ các tu sĩ mở ra với thế giới, chia sẻ với con người của thời đại mọi niềm vui và nỗi buồn của họ, tham gia vào những hoạt động nhằm  mưu ích cho người khác cách cụ thể và thực tiễn. Người tu sĩ trở thành những con người dấn thân phục vụ tha nhân dưới mọi hình thức và trong mọi lãnh vực, tích cực góp phần xoa dịu những nỗi đau của đồng loại, xây dựng một thế giới công bình và tốt đẹp hơn. Người tu sĩ càng cần ý thức về sứ vụ tối hậu của mình để không dừng lại ở những kết quả của công việc, nhưng tích cực tìm mọi phương thế để đem Chúa đến cho tha nhân và công bố Tin Mừng của Chúa cho họ. Bằng việc đi đến với người khác, gặp gỡ, đối thoại, giúp đỡ và làm việc với họ, người tu sĩ ý thức sứ vụ làm cho người ta có thể nhận ra được nơi mình hình ảnh của một vị Thiên Chúa trắc ẩn, một Thiên Chúa quảng đại yêu thương, một Thiên Chúa tha thứ và công bình, một Thiên Chúa của tất cả mọi người nhưng đặc biệt đứng về phía những người nghèo và đau khổ.
 
Như vậy, những công việc mà tu sĩ làm cho người khác không chỉ để đem đến miếng cơm, manh áo, sự công bình, niềm an ủi và hạnh phúc tạm thời cho đồng loại mà trên hết là để mang về cho họ niềm hạnh phúc vĩnh cửu là được biết Chúa và nhận được ơn cứu độ của Ngài.  Sứ vụ của đời sống thánh hiến không phải là công việc để làm nhưng là cái để cho người ta nhìn ra và thấy được một bức chân dung sống động về Đức Giê-su Ki-tô và Phúc Âm của Ngài như thế nào. Người ta có thể cảm nghiệm một Đức Ki-tô đang ở đây và ngay trong lúc này, và rồi người ta có thể đón nhận Đức Ki-tô.
 
Vì vậy, các tu sĩ ngày nay cần ý thức hơn trong việc nhắm vào vai trò của mình như là tiếng gọi, là sự hiện diện và là tiên tri cho thế giới chứ không phải là một lực lượng lao động. “Căn tính hệ tại hiện hữu (là), không hệ tại hành động (làm); hiện hữu thì quan trọng hơn bất cứ công tác nào; sứ vụ đời tu không mang tính chuyên nghiệp nhưng mang tính đặc sủng; điều quan trọng không phải là làm được gì cho nhân loại, nhưng là có ý nghĩa gì cho nhân loại, lẽ sống cho đời tu không phải là tính công cụ, nhưng là tính biểu tượng”[2]. Chỉ khi nhắm đến vai trò này, người tu sĩ mới thực sự sống đúng căn tính của mình, họ đang góp phần“đánh thức thế giới”  bị đam mê vật chất và hưởng thụ ru ngủ mà không thấy được sự hiện diện của Tạo Hóa.
 
Ý thức được sứ vụ tối hậu này, người tu sĩ sẽ luôn cảm nhận được giá trị cao quý của ơn gọi
thánh hiến nơi mình, không buồn vui với những thành công hay thất bại, việc lớn lao hay nhỏ bé, hợp sở thích hay không, có lợi hay bất lợi cho mình. Bởi vì cái mục tiêu duy nhất của mọi hoạt động nơi họ là làm cho Chúa Ki-tô hiện diện và chạm tới người khác. Với ý thức và tâm tình đó, tất cả những gì tu sĩ làm đều có một giá trị siêu việt, không thuần túy chỉ như những công việc xã hội mọi người đang làm, mà là đang thi hành một sứ vụ nhân danh Giáo Hội, một sứ vụ đến từ trời cao. 
 
Nt. Maria Stephano, fmsr.