Lòng thương xót Chúa (phần cuối)
1. Sứ điệp của lòng thương xót
3 thế kỷ sau sứ điệp của Thánh Tâm Chúa tại Paray-le-Monial (Pháp), trong đó Đức Kitô phàn nàn về sự thờ ơ và vô ơn của con người và ngài kêu gọi sửa đổi, tức là yêu mến Ngài về những ai không yên mến Ngài, vào thế kỷ XX, Đức Kitô nói cho thánh Faustina: “Ta chỉ là Tình yên và lòng thương xót… Linh hồn nào tin vào lòng thương xót Ta sẽ hạnh phúc nhất vì chính Ta sẽ chăm sóc nó” (Tiểu Báo, 1273). “Không một linh hồn nào sợ hãi khi đến gần Ta, dù tội lỗi của nó có đỏ như vải điều” (TB, 699).
Sứ điệp lòng thương xót Chúa muốn nối dài và hoàn tất sứ điệp của Thánh Tâm Chúa. Nó là một lời mời gọi tin tưởng, lời mời gọi yêu thương, yêu Chúa và tha nhân, lời mời gọi gặp gỡ Chúa cách riêng tư. Chúa Giêsu hằng sống muốn gặp từng người một, Ngài muốn nói với từng người một, an ủi từng người. Ngài ban tình yêu và tha thứ của Ngài cho mỗi người.
Tiếp nối thánh Têrêxa hài đồng Giêsu, thánh Faustina dạy chúng ta về sự đơn sơ mà với đức tính này chị nói với Chúa Kitô, chị phó thác cho Ngài mọi đau khổ và mọi niềm vui. Chị mời chúng ta thờ phượng Thiên Chúa, hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, mời chúng ta nói trong lòng mình với Chúa: “Con dành thời gian tự nguyện dưới chân Chúa ẩn mình. Chúa là Thầy của con, con xin Chúa tất cả, con nói với Chúa tất cả, nơi đó con kín múc sức mạnh và ánh sáng, nơi đó con học tất cả, nơi đó nhiều ánh sáng đến với con theo cách thế hành động cùng với tha nhân” (TB, 704).
Thánh Faustina ngỡ ngàng trước sự vô biên của lòng thương xót Chúa, không kết án một ai, nhưng hướng về đau khổ của con người “tha thứ, hòa giải và mở linh hồn cho niềm hy vọng một lần nữa”. “Bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được cách độc nhất lòng thương xót, có nghĩa là tình yêu mạnh hơn tội lỗi”.
Sứ điệp này được trao phó cho thánh Faustina thực sự là một đáp trả tình yêu của Đức Kitô cho thời đại chúng ta. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà những chuẩn mực đang bị lu mờ, và thật khó cho mọi người nhận ra Chân lý đến từ Thiên Chúa. Một số hành vi, đi ngược với luật Chúa, được coi là chuẩn mực. Cho nên, mạc khải của lòng thương xót khôn dò của Thiên Chúa là căn bản để mọi người khám phá khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và quay về với Ngài”.
Khi kêu cầu lòng thương xót Chúa, chúng ta hãy xin ơn tha thứ để khỏi phải chết đời đời và không xúc phạm, không làm gương mù cho những người vô tội, khỏi phạm thánh, không giữ ngày Chúa nhật, không xúc phạm đến Đức Giáo Hoàng hay các mục tử của Giáo Hội và tự do quá trớn đối với Bí Tích Tình yêu (Bí Tích Thánh Thể).
Tình yêu và lòng thương xót Chúa đã được tỏ ra từ đời đời. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và các thụ tạo nhờ lòng thương xót. Tội lỗi đã sinh ra ngay từ lúc tạo dựng, không phải do Thiên Chúa mà là do thế lực của sự dữ. Thiên Chúa đã cứu các thụ tạo phạm tội ấy cũng bởi lòng thương xót qua cái chết của Con Ngài là Đức Giêsu. Lòng thương xót này tiếp tục được tỏ ra bằng nhiều cách: nơi thánh Tôma và các Tông đồ, nơi nhiều môn đệ, các thánh, qua nhiều văn kiện của các ngài, của các Đức giáo hoàng, của các nhà giảng thuyết trong Giáo Hội. Đặc biệt, lòng thương xót của Chúa Cha được thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II diễn tả trong tông thư lòng thương xót Chúa theo sau tông thư Đấng Cứu Chuộc, ca ngợi tình yêu và ơn cứu độ của Đấng được Chúa Cha sai đến, viết năm 1979 và ra đời trước tông thư về Chúa Thánh Cha với tựa đề Thiên Chúa và Đấng Được Trao Ban, viết năm 1986. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được sáng tỏ cách rõ ràng để hướng dẫn triều đại của giáo hoàng của Đức thánh cha và đã thay đổi một phần thế giới.
Trong tông thư này, Đức Thánh Cha đã thức tỉnh dân Chúa, mời gọi các chính trị gia vô thần đừng quay lưng lại với lòng thương xót Chúa, đừng có vi phạm quyền con người vì tất cả mọi người có quyền được sống xứng đáng là con người, vì con người không phải là con vật và ngay cả con vật cũng phải được bảo vệ, vì nhiều loài vật đang có nguy cơ diệt chủng trên thế giới. Đức Thánh Cha mời gọi mọi thành phần đừng phạm tội chống lại lòng thương xót Chúa và đừng phản bội giao ước của lòng thương xót Chúa. Đức Thánh Cha không ngừng tố cáo cái xấu của một số hệ tư tưởng dẫn con người đến đau khổ, sự dữ, bất công, tham nhũng. Con người cần chạy đến với Cha của lòng thương xót để sống tình con thảo.
Khi nói đến người con hoang đàng ở phần thứ 4 của tông huấn lòng thương xót, chúng ta không khỏi quên những kitô hữu, đặc biệt những người trẻ rời xa Giáo Hội như xa rời nhà của cha mình để đến “miền đất” mà họ tưởng là nó đem lại hạnh phúc như ma túy, cờ bạc, tà dâm… nhưng hạnh phúc sai lạc và mau tàn này làm cho họ không muốn gặp lại cha mẹ, anh chị em thân thuộc. Trong Giáo Hội cũng vậy khi rơi vào tình trạng đó, họ không muốn Giáo Hội nhìn thấy họ vì phẩm giá của họ bị mất đi, cái chết bằng tự tử là phương thế duy nhất để thoát khỏi lỗi khổ và sự khinh bỉ của người khác. Nhưng sự sống đời đời không phải là đảm bảo của họ nếu họ không chạy đến với lòng thương xót Chúa. Thiên Chúa không muốn sự dữ, nhưng ngài cho phép nó tồn tại để Ngài biến nó thành sự lành: người cha trong dụ ngôn cho con trai út được tự do cùng với gia tài thuộc về nó để nó ra đi, dù người cha biết rằng con của mình có thể sẽ rơi vào thân tàn ma dại, nhưng hy vọng nó sẽ hiểu ra sự nguy hiểm của tự do và tình phụ tử được tỏ rõ. Rất nhiều nhân vật được kể trong Kinh Thánh đã sa lầy vào vũng bùn tội lõi, sự dữ, vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã cứu họ và còn đang cứu những người vô tình hay cố ý phạm tội. Người con hoang đàng, nếu không trở về nhà cha mình, hình ảnh người cha có lẽ không đẹp trong con mắt người khác vì bị coi là để con cái tự do và không biết dạy nó hoặc dư luận bị kết án là “cha nào con ấy”.
Dọc theo lịch sử Giáo Hội, lòng thương xót được tỏ ra qua các bí tích, đặc biệt là bí tích hòa giải. Trong khi cử hành bí tích, linh mục giải tội như là người cha của cộng đoàn giáo xứ phải phản ánh lòng thương xót của Cha trên Trời, tức là các ngài phải chỉ ra cho các hối nhân lòng thương xót Chúa. Sau khi lãnh nhận bí tích này, họ cảm nhận được Thiên Chúa thực sự là Đấng đầy lòng thương xót. Khi truyền bá lòng thương xót, một số linh mục đi quá thẩm quyền hoặc rao giảng lệch lạc về tín lý của Giáo Hội. Hơn nữa, cần phải nói về lòng thương xót Chúa được thể hiện như thế nào, chứ không chỉ qua một vài chứng từ nhận được ơn của lòng thương xót Chúa.
Đức Thánh Cha khi nói về “Người con đã chết và nay sống lại”, ngài ám chỉ phẩm giá con người được tìm thấy, nhưng lời này cũng ám chỉ sự phục sinh mà Đức Kitô muốn nói nhân cơ hội Ngài giảng về dụ ngôn này vì người Xađuxê không tin vào sự sống lại. Con được sinh ra bởi cha, cho nên ông mong nó trở về. Giáo Hội lại không bác ái mà đón nhận những người con trở về như thế sao? Có, lòng thương xót được diễn tả qua sự đón nhận hào hiệp bằng đôi tay rộng mở, cho nên trong bí tích hòa giải, mỗi khi linh mục giơ tay đọc : “Thiên Chúa là Cha hay thương xót…”. lòng thương xót luôn được nhắc đến nhiều trong các bản văn phụng vụ của Giáo Hội.
Khi nói về lòng thương xót Chúa, chúng ta không thể không biết đến những nhân chứng của lòng thương xót: trước hết là Đức Maria, theo tông huấn, Mẹ là Mẹ của lòng thương xót, rồi chính đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II, tác giả của tông huấn này và chính ngài đã chọn Chúa nhật thứ 2 phục sinh để mừng kính lòng thương xót Chúa và thánh nữ Maria Faustina Kowalska cũng đã được chính Đức thánh giáo hoàng tôn phong hiển thánh, là nhân chứng và là tông đồ của lòng thương xót Chúa. Tất cả là con cái của Thiên Chúa, cần phải làm chứng về ĐGSKT, Đấng hằng muốn giới thiệu cho nhân loại hình ảnh đẹp đẽ của Cha trên Trời. Hình ảnh đó chính là lòng thương xót Chúa.
2. Kín múc nguồn ân sủng từ lòng thương xót Chúa
Qua thánh nữ Faustina, Chúa ban tặng cho nhân loại những phương thế và việc cầu nguyện để đến kín múc nguồn ân sủng từ Lòng thương xót Chúa và vinh danh Ngài hơn nữa. Đấng Cứu thế muốn rằng mọi người biết các lời hứa gắn liền với lòng sùng kính này. Các phương thế và việc cầu nguyện gồm:
° Sùng kính ảnh Chúa Giêsu đầy lòng thương xót;
° Cử hành Chúa nhật Lòng thương xót và tuần cửu nhật kính Lòng thương xót bắt đầu từ Thứ 6 Tuần Thánh;
° Lần chuỗi kính Lòng thương xót;
° Vinh danh Giờ của Lòng thương xót (15h) khi nghĩ đến cuộc Khổ nạn của Chúa và Trái tim Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu;
° Truyền bá sứ điệp của lòng thương xót Chúa;
Nhưng niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa và yêu tha nhân là trung tâm của sứ điệp Lòng thương xót Chúa.
Chúng ta tôn kính lòng thương xót bằng việc trước tiên là sống lòng thương xót, và nhất là qua các chứng từ bác ái cụ thể. Dừng lại ở việc sùng kính cách riêng tư chưa đủ. Sống lòng thương xót, tức là ra khỏi mình để đi đến với người khác.
Chúa đã nói cho thánh Faustina: “Con phải làm chứng lòng thương xót cho tha nhân mãi mãi và khắp nơi […], con không được trốn tránh việc làm này. Ta cho con ba phương thế làm chứng lòng thương xót cho tha nhân: thứ nhất, đó là hành động, thứ hai, đó là lời nói, thứ ba, đó là cầu nguyện. Chính trong ba cấp độ này mà lòng thương xót sẽ dư tràn chan chứa; chúng là bằng chứng không chối cãi của tình yêu đối với Ta. Chính như vậy tâm hồn đang làm vinh danh và tôn vinh lòng thương xót của Ta. […] Vì đức tin vững vàng nhất chính là phải có việc làm.
Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa