Câu chuyện cuối tuần: Bạo hành trong ngôn từ

CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN, SỐ 18

  

BẠO HÀNH TRONG NGÔN TỪ

 

bao hanh trong ngon tu 2Ngày 07.01.2015, cả thế giới rúng động trước vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris, Pháp. Ngay lập tức, hầu như mọi người – không phân biệt chính kiến, chủng tộc, quốc gia, tôn giáo – đều mạnh mẽ lên án hành động khủng bố, được cụ thể hóa trong cuộc biểu tình vĩ đại tại Paris ngày 11.01.2015.

Dĩ nhiên Giáo Hội Công Giáo không thể chấp nhận những hành động khủng bố, nhất là thứ khủng bố nhân danh niềm tin tôn giáo. Giáo Hội coi việc nhân danh Thiên Chúa để thực hiện những hành động khủng bố là sự phạm thượng, vì ở đây, Thiên Chúa bị biến thành công cụ để phục vụ mưu đồ của con người chứ không phải con người phục vụ Thiên Chúa. Tôn vinh những kẻ khủng bố như “thánh tử đạo” là bóp méo ý nghĩa của “tử đạo”, vì tử đạo là chứng tá của một người dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa, chứ không phải là hành động giết người nhân danh Thiên Chúa (x. Giáo huấn xã hội, số 515).

Đồng thời, khi thời gian lắng xuống, bên cạnh việc lên án hành động khủng bố, đã có nhiều tiếng nói vang lên, đặt vấn đề về những bức tranh biếm họa tôn giáo của tờ báo Charlie. Liệu người ta có thể nhân danh tự do ngôn luận để xúc phạm, chế giễu niềm tin tôn giáo của người khác không? Quyền tự do tôn giáo có hàm nghĩa phải tôn trọng niềm tin và cử hành tôn giáo của một người, một cộng đoàn không? Có thật sự là một xã hội dân chủ không, nếu không biết tôn trọng sự khác biệt trong tư tưởng, văn hóa, niềm tin của người khác?

Cũng từ đó, cần phải suy nghĩ thêm về cái được gọi là bạo động, bạo hành. Thông thường, nói đến bạo động là người ta hiểu về việc sử dụng sức mạnh thể lý để xúc phạm, gây thiệt hại hoặc lạm dụng người khác (x. American Heritage College Dictionary). Thế nhưng trong thực tế, lại không có những ngôn từ và hình ảnh xúc phạm, gây thiệt hại và lạm dụng người khác sao? Đức giáo hoàng Phanxicô đã không gọi thói buôn chuyện, nói hành nói xấu người khác là một thứ “khủng bố” đó sao? Ngài nói với các nữ tu : “Thứ khủng bố nguy hiểm nhất đã len lỏi vào đời sống tu trì là sự khủng bố của thói buôn chuyện”.

Chính thói buôn chuyện, nói hành nói xấu này cũng đang gây bất hòa và đau khổ trong biết bao gia đình. Gia đình mất bình an không chỉ vì những hành động vũ phu nhưng còn vì những lời nói cay độc, nhục mạ nhau, chì chiết nhau ngày này qua ngày khác. Trong đời sống giáo xứ cũng thế, thói buôn chuyện có thể gây chia rẽ, làm tổn thương sự hiệp thông giữa cha sở và giáo dân cũng như giữa các hội đoàn tông đồ. Vì thế, cần phải cảnh giác đối với thứ khủng bố bằng lời nói. Phương thế tốt nhất là vun trồng trái tim yêu thương, quảng đại và tha thứ, để có thể thực hiện cuộc “cách mạng của sự dịu dàng” theo gương Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và cũng là Kitô hữu mẫu mực cho chúng ta noi theo.

Ngày 31.01.2015

Người Mỹ Tho