Hỏi (chi tiết):
Thưa cha, nếu Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn thiện, sao Ngài lại để cho một sự dữ nghiêm trọng như thế xảy ra trong đại biến sóng thần tại Đông và Đông Nam Á?
Đáp:
Phải thành thật mà nói: Đây là một vấn nạn khá hóc búa, khó lòng mà giải đáp thỏa mãn được độc giả. BGCN chỉ xin gợi ý và đưa ra một số ý kiến tiêu biểu của những vị vừa có thẩm quyền, vừa có thế giá, mở ra cho chúng ta một con đường, để rồi tự ta khám phá và kết luận.
Bất cứ một tai họa nào xảy đến, thì liền sau đó là một loạt những câu hỏi được đặt ra: làm sao ta có thể bào chữa sự tốt lành của Thiên Chúa và quyền năng của Ngài. Trong Thần học, có một ngành học gọi là Thần lý học (Theodicy, Théodicée). Ngành học này chuyên nghiên cứu về sự hiện diện của Thiên Chúa, dưới ánh sáng và lý trí tự nhiên, tách rời với mạc khải siêu nhiên. Thần lý học chú trọng đến sự tốt lành và sự quan phòng của Thiên Chúa trước những sự dữ tỏ tường trong vũ trụ.
Trong cuộc gặp gỡ cuối năm với các linh mục trong giáo phận, Đức Hồng y Tổng Giám mục đã gián tiếp trả lời câu hỏi trên khi đưa ra một số thông tin. Ở Inđônêsia, người Công giáo coi đây là lời cảnh báo của Thiên Chúa, vì nhân loại ngày nay xem ra muốn quay lưng lại với Ngài. Người Phật giáo ở Thái Lan và Tích Lan thì cho rằng đa số người chết là những người hành nghề đánh cá, phạm giới luật sát sinh, nên theo định luật nhân quả, phải chuốc lấy thảm họa. Các nhà môi trường học thì cho đây là hậu quả tất yếu vì con người ngày nay đã xâm phạm một cách thô bạo vào thiên nhiên, nên thiên nhiên đã phản ứng lại… Có một nhóm khá đông những người khác thì cho rằng Thiên Chúa đã trừng phạt mạnh tay với con người… vì ngày nay nhiều người đã lún sâu vào con đường khủng bố tàn bạo… Đức Hồng Y đã đúc kết: Theo tôi, những hệ luận kể trên chỉ để nghe, để biết chứ không thể kết luận được gì. Thánh ý Chúa thì nhiệm mầu. Là những người có lòng tin, ta tuyệt đối tin vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa và cố gắng sống sao theo thánh ý Ngài. Hãy coi đó như một dấu chỉ của thời đại, như cách nói của Công đồng Vatican II, và rút ra được bài học vô cùng hữu ích cho ta.
Có điều chắc chắn như chuyện tháp Silôa trong Tin mừng, Chúa đã trả lời: Không phải những người bị tháp đổ xuống đè chết là những người tội lỗi nặng nề hơn chúng ta (Lc 13,4). Nạn nhân của cơn sóng thần đáng chúng ta quan tâm giúp đỡ chứ không phải lên án.
Trên thế giới thì các Giáo hội Anh giáo, Tin lành và cả Công giáo cũng có những ý kiến xoay quanh vấn đề này.
Tiến sĩ Rowan Williams, Tổng Giám mục, thủ lãnh Giáo hội Anh giáo đã đưa một tựa đề trên báo The Sunday Telegraph, một tựa đề đã gây nên những cuộc tranh cãi kịch liệt: “Cố nhiên điều này (đại biến sóng thần) làm ta hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa”. Và trong bài viết, ngài còn thêm: “Đối diện với một thiên tai tầm cỡ gây tê liệt như thế này, tự nhiên là chúng ta cảm thấy uất hận và bơ vơ”. Và mặc dầu sau đó chính vị Tổng Giám mục này đã lên tiếng thanh minh và cho rằng nhà báo đã không diễn tả trung thực ý của ngài. Mục sư Albert Molia vẫn chỉ trích quyết liệt, và cho câu trả lời chẳng có chút gì là Kitô giáo cả. Nhưng mục sư lại rất đồng ý với ý kiến của Đức Tổng Giám mục Anh giáo tại Sydney, Phillip Jensen, người đã cho rằng tai họa này là lời cảnh cáo về ngày phán xét sắp xảy đến của Thiên Chúa.
Trong khi đó, tại Ottawa, Đức Hồng Y Jean Claude Turcotte của Công giáo nói với tờ Le Devoir rằng: Tôi mạnh mẽ bác bỏ mọi nhận định cho rằng tai họa này là sự trừng phạt của Thiên Chúa và đứng trước một tai ương nghiêm trọng như thế này, việc đặt ra những câu hỏi là lẽ tự nhiên và dễ hiểu. Đức Hồng Y nhận định rằng, con người luôn có ý muốn nổi loạn chống lại Tạo Hóa, hay coi Thiên Chúa như tay sai của mình. Thiên Chúa không phải là bù nhìn kiểm soát các biến cố theo ý muốn của con người. Chúng ta không nên cầu nguyện cho một sự chữa lành có tính ảo thuật hay cho một sự can thiệp siêu tự nhiên, nhưng hãy cầu nguyện cho sức mạnh và lòng can đảm vượt qua những thử thách hay khó khăn trong cách thế mà Đức Giêsu đã thực hiện.
Cha Richard Cote, Giám đốc Ủy ban Thần học thuộc Hội đồng Giám mục Canađa cho biết ngài quan tâm theo dõi cuộc tranh luận hiện nay trên thế giới về vấn đề này. Cha nhận định: “Có một giao lưu sâu xa giữa tin vui và tin buồn, Đức Kitô đã không đến trong thế gian nếu nhân loại sa ngã này không có chuyện buồn”.
Đức Giám mục Fréderick Henry của Giáo phận Calgary, Canada, chia sẻ ý tưởng này, ngài viết: “Máng cỏ và thánh giá là những phần mầu nhiệm nhập thể và từ Bethlehem đến đồi Calvê cũng không xa bao nhiêu. Đọc những lời tiên báo thanh bình của Tiên tri Isaia trước Giáng sinh và việc các quốc gia xích lại gần nhau, lòng tôi ngập tràn một tinh thần suy tư và kinh ngạc trước cách thế tất cả các dân tộc đã hiệp sức với nhau đáp trả lại nhu cầu trước sự thống khổ của Đức Kitô nơi dân Người”. Còn vì tại sao điều này xảy ra? Tôi đã từng trả lời nhiều lần: Hãy hỏi các nhà khoa học.
Cha Richard Cote cũng cho rằng, động đất là “một hiện tượng địa chấn tự nhiên”. Thiên Chúa đã tạo ra thế giới vật chất với những định luật về trọng lực và Ngài không can thiệp vào. “Thiên Chúa không áp lực tình yêu của Ngài lên chúng ta như sóng triều. Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa dễ bị thương tổn. Cái nguy lớn nhất mà Thiên Chúa đã tự nhận lấy là yêu thương chúng ta vô điều kiện. Thiên Chúa mãi mãi chấp nhận hiểm nguy vì yêu ta”.
“Thiên Chúa nhập thể. Ngài đã đến với thế giới trong sự liên đới hoàn toàn với chúng ta. Ngài chia sẻ thân phận nhân loại với chúng ta để chứng tỏ rằng Ngài đã không lầm khi tạo dựng nên chúng ta”.