Phụ nữ được vinh thăng Hồng Y không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi hiểu rằng về mặt kỹ thuật bất cứ ai, thậm chí là một phụ nữ, có thể được vinh thăng Hồng Y, bởi vì một Hồng Y không buộc là một Giám mục hay linh mục. Xin cha làm rõ điều này. Thứ hai là, Đức Thánh Cha cũng là Giám mục Rôma. Ở Mumbai, Đức Hồng Y cũng được gọi là “Tổng Giám Mục”, chứ không là Giám mục của Bombay. Tại sao vậy, thưa cha? – R. C., Mumbai, Ấn Độ.

Đáp: Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải phân biệt các câu hỏi khác nhau. Trước tiên, một phụ nữ có thể được vinh thăng Hồng Y không? Thứ hai là, phụ nữ có thể được tham gia vào việc bầu cử Giáo hoàng không? Cuối cùng, sự khác biệt giữa tổng giáo phận và giáo phận là gì?

Để trả lời câu hỏi thứ nhất, tôi có thể nói rằng câu trả lời là không.

Đúng là chức Hồng Y là một tước hiệu, chứ không là một chức thánh. Tuy nhiên cũng đúng là ngay từ ban đầu của sứ vụ, các Hồng Y đã được kết hợp với bậc giáo sĩ.

Các Hồng Y được chia thành ba đẳng – đẳng giám mục, đẳng linh mục và đẳng phó tế – mặc dù gần như tất cả các vị là thực sự Giám mục. Điều này là bởi vì trong thời gian đầu của Giáo Hội, cuộc bầu cử Giám mục Rôma đã được giới hạn cho các Giám mục của các giáo phận chung quanh Giáo Phận Rôma: Albano, Sabina-Poggio Mirteto, Porto Santa Ruffina, Velletri-Segni, Frascati, Palestrina và Ostia, vốn không còn là một giáo phận hoạt động và thường do vị đứng đầu Hồng Y Đoàn nắm giữ.

Ngoài các giáo phận này, còn có thêm các linh mục quan trọng nhất của giáo phận Rôma và các phó tế, thường là rất ít vào thời cổ và có trách nhiệm quản trị giáo phận. Sự phân bổ này vẫn được phản ánh trong sự phân bố các Hồng Y, trong đó có sáu Hồng Y Giám mục, 160 Hồng Y linh mục và 39 Hồng Y phó tế.

Theo dòng thời gian, tước Hồng Y được ban rộng rãi ban cho các Giám mục của các giáo phận khác, và các vị làm việc trong Giáo Triều Rôma. Tuy nhiên, sự kết nối với hàng giáo sĩ Rôma luôn được duy trì, bằng cách ban cho mỗi Hồng Y một nhà thờ tước hiệu, mà ngài có thể được nói là linh mục quản xứ danh dự hay phó tế danh dự.

Đúng là tước hiệu Hồng Y đã thỉnh thoảng được ban cho các vị không có chức linh mục, nhưng nói cho đúng, không được ban cho người không là giáo sĩ. Khi ấy, người đàn ông này gia nhập chính thức vào hàng giáo sĩ theo luật (và buộc sống độc thân) bằng cách nhận phép cắt tóc, và đây là một yêu cầu tối thiểu để được tấn phong Hồng Y. Thật không may, một số vị đã cư xử giống như hoàng tử hơn là giáo sĩ, và ít có ý định tiến tới chức linh mục.

Tuy nhiên, có nhiều vị tỏ ra xuất sắc. Quốc vụ khanh của Đức Thánh Cha Piô VII. Hổng y Ercole Consalvi (1757-1824), mãi là một phó tế, và đã là Hồng Y một năm trước khi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Người ta nói rằng trên đường đi lưu vong, Napoleon Bonaparte đã nhận xét rằng Đức Hồng Y Consalvi, người không phải là một linh mục, đã là hơn một linh mục so với nhiều linh mục khác.

Kể từ thời Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, tất cả các Hồng Y phải là Giám mục, nhưng Đức Giáo Hoàng có thể và thường ban một biệt lệ cho yêu cầu này, nếu yêu cầu đụng đến một vị được vinh thăng Hồng Y. Nói chung, tước Hồng Y như thế chỉ được ban cho một số linh mục, khi các vị đã hơn 80 tuổi.

Vì vậy, bởi vì trong lịch sử tước Hồng Y gắn liền với bậc giáo sĩ, tôi cần nói rằng đây là một cản trở cho phụ nữ để được tấn phong Hồng Y.

Điều này không có nghĩa là phụ nữ không có vai trò gì. Phụ nữ được tham gia một cách nào đó trong cuộc bầu cử Giám mục trong thời cổ đại, khi cuộc bầu cử này đã được thực hiện bởi các tín hữu nhóm họp lại. Chính hệ thống bầu cử này đã chọn thánh Ambrôxiô làm Giám mục. Nhưng nó cũng có thể gây các chia rẽ sâu sắc, và bị lèo lái bởi các thế lực chính trị. Cuối cùng hệ thống bầu cử ấy đã bị hủy bỏ.

Trong một số thời kỳ, mà thế quyền có ảnh hưởng mạnh trong việc bổ nhiệm Giám mục, một số nữ hoàng, chẳng hạn Isabella ở Castile (1451-1504), đã có vai trò không nhỏ trong việc lựa chọn Giám mục, mặc dù cuối cùng việc bổ nhiệm Giám mục là thuộc quyền của Giáo Hoàng.

Việc bầu cử Đức Giáo Hoàng bởi Hồng Y đoàn không phải là luật Chúa; và Hồng Y đoàn đã có quyền tương đối độc quyền trong việc bầu cử Giáo hoàng từ năm 1059. Tuy nhiên, nó được bắt nguồn từ truyền thống rất cổ xưa của sự hiệp thông giữa các Giáo Hội lân cận, vốn dần dần được điều chỉnh theo thời gian, để phản ánh tình hình hiện tại của Giáo Hội hoàn vũ.

Tuy nhiên, theo giả thuyết mà nói, theo một hệ thống hoàn toàn mới của việc bầu Giáo Hoàng, có lẽ rằng phụ nữ cũng có thể tham gia.

Cuối cùng, không là hoàn toàn đúng khi nói rằng Đức Giáo Hoàng cũng là Giám mục Rôma. Chính xác hơn phải nói rằng Giám mục Rôma là Đức Giáo Hoàng theo thực tế. Không thể có một Giáo hoàng không phải là Giám mục Rôma, mặc dù đã có các thời điểm khi Giáo Hoàng không cư trú trong thành phố. Qui chế độc đáo của Giáo phận Roma có nghĩa rằng nó không phải chính thức là một tổng giáo phận.

Không đi sâu vào chi tiết, tôi xin nói rằng một tổng giáo phận thường là một giáo phận quan trọng nhất và lâu đời nhất trong một giáo tỉnh, mà trong đó các giáo phận khác đã được tạo ra từ lãnh thổ lấy từ giáo phận gốc. Đức Tổng Giám Mục có các nhiệm vụ và trách nhiệm nhất định đối với các giáo phận khác của giáo tỉnh, mặc dù ngài không có bất cứ thực quyền nào trên họ.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 27-1-2015)