Một vài thông điệp của ĐTC qua chuyến tông du: tôn trọng, người nghèo và gia đình

Đức Thánh Cha đã kết thúc chuyến tông du hai nước Châu Á một cách tốt đẹp. Ngoài những cảm xúc của tình cha con, sự quan tâm gần gũi với dân tộc châu á, Đức Thánh Cha còn để lại những lời kêu gọi: tôn trọng, người nghèo và gia đình.

Thứ nhất, tôn trọng người khác và sự khác biệt để thăng tiến, thúc đẩy hòa bình. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tình liên đới, đối thoại và bảo vệ phẩm giá con người trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nước và các tôn giáo khác nhau. Ngài khẳng định sự thù ghét, bạo lực chỉ có thể bị khuất phục bằng chính sức mạnh của cái thiện và sự tôn trọng mỗi cá nhân. Ngài nói với các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Sri Lanka rằng không được quên đi bản sắc của mình nhưng “nếu chúng ta thành thật trong việc trình bày những xác tín của mình, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng hơn những gì chúng ta có điểm chung”[1]. Đối thoại là cần thiết để hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Ngài nhấn mạnh thêm: “không được phép lạm dụng niềm tin tôn giáo vào mục đích bạo lực hay chiến tranh”[2]; cần tránh xúc phạm hay nhạo báng tôn giáo: “không được giết người nhân danh Thiên Chúa,… nhưng bạn cũng không thể xúc phạm đức tin tôn giáo của người khác”[3]. Tự do ngôn luận có giới hạn của nó. Vì vậy, sự tôn trọng đem lại hòa bình, thay vì không xúc phạm nhưng là “chất keo của tình đoàn kết huynh đệ”[4].

Thứ hai, công lý và nhân phẩm cho người nghèo. 

Những người nghèo đặc biệt được chú ý trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha. Ngài cho biết: người nghèo là “trung tâm của Tin Mừng” [5]. Phải chống lại các “nguyên nhân về bất bình đẳng, bất công tận căn”[6]. Đó là một mệnh lệnh luân lý cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội và thiết lập tinh thần Tin Mừng “lắng nghe tiếng nói của người nghèo”[7]. Ngài kêu gọi cần chiến thắng sự tha hóa, tham nhũng cũng như sự ích kỷ; phục hồi phẩm giá và quyền lợi cho người nghèo. ĐTC khẳng định lại tinh thần đó trong Buổi tiếp kiến chung tại Thính Đường Phaolô 6: “việc săn sóc người nghèo là một yếu tố nòng cốt của cuộc sống và chứng tá kitô của chúng ta”[8].

Thứ ba, bảo vệ phẩm giá và giá trị gia đình. 

Đức Thánh Cha nhận định ngày nay, gia đình và hôn nhân đang bị tấn công bởi các sức mạnh trần thế. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta cần cảnh giác với những ý thức hệ thực dân mới đang tìm cách phá hủy gia đình”[9]. Ngài nói thêm: “đang có những khuynh hướng cố gắng xác định lại chính cơ cấu của hôn nhân thông qua thuyết tương đối, văn hóa “chốc lát”, thiếu sự cởi mở với cuộc sống”[10]. Cần nhận thức rõ ràng: “bất kỳ mối đe dọa nào cho gia đình cũng chính là mối đe dọa đối với xã hội”[11]. Gia đình là nòng cốt, hy vọng của giáo hội và xã hội, do đó ĐTC kêu gọi: “hãy gìn giữ gia đình các bạn! Bảo vệ gia đình các bạn!”[12].

Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi mỗi người “hãy biết khóc”. Tại cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ ở Đại Học Thánh Toma, Đức Thánh Cha đã rất xúc động khi một bé gái khóc và đặt câu hỏi: “Tại sao Chuá đã cho phép những sự ấy xảy ra, dù đó không phải là lỗi cuả những đứa trẻ vô tội?”[13]. Qua đó, Ngài kêu gọi tất cả các bạn trẻ và mọi người cần học biết cách khóc trước những hoàn cảnh khó khăn, “đây là điều trên hết mà Cha muốn nói với chúng con: Hãy học để khóc…hãy học, học thực sự để mà khóc, khóc cách nào”[14]. Ngài giải thích cũng như Chúa Giêsu đã khóc và động lòng trắc ẩn trước những người bạn và dân chúng bơ vơ. Là kitô hữu, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu và biết “khóc” trước những hoàn cảnh cơ cực. Vì chỉ khi nào chúng ta biết khóc với những ai đang đau khổ thì chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu và yêu thương họ.
 

Lm. Giuse Vũ Văn Hiếu