Thứ Tư Tuần II Mùa Thường Niên
Mc 3,1-6
1 Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. 2 Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. 3 Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. 4 Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Được cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. 5 Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. 6 Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.
“Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Được cứu sống hay là giết chết?” (Mc 3,4)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Đây là cuộc tranh luận thứ năm trong số những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài được Máccô ghi lại… Vấn đề cũng vẫn là luật nghỉ ngày Sabbat nhưng được nhìn dưới một khía cạnh khác: làm gì trong ngày đó.
– Hoàn cảnh: Có một người bệnh cần được chữa, người đó đang có mặt trong hội đường, và hôm đó là một ngày Sabbat.
– Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã nêu rõ mục đích của khoản luật nghỉ làm việc ngày Sabbat là để phục vụ con người. Trong đoạn này Ngài cho biết thêm ngày đó ta có thể (và phải) làm việc lành.
– Khi đặt cho những người biệt phái câu hỏi “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ?”, Chúa Giêsu muốn họ suy nghĩ để thấy thêm điểm quan trọng đó.
– Nhưng họ làm thinh: một là do cảm thấy khó trả lời; hai là do cố chấp không chấp nhận lẽ phải. Do đó Chúa Giêsu “đưa mắt nhìn họ”, một cái nhìn vừa “thịnh nộ” vừa “buồn phiền”.
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Những người biệt phái đang dùng luật để ngăn cản Chúa Giêsu chữa một người bệnh, và để hại Chúa Giêsu. Thái độ đó đụng chạm tấm lòng của Ngài rất mạnh, đến nỗi Ngài “thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền”.
2. “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ?”. Câu hỏi này Chúa Giêsu đặt ra cho những người biệt phái. Họ đã làm thinh không trả lời, cho nên chính Chúa Giêsu tự trả lời bằng hành động chữa người bại tay. Câu trả lời của Ngài là: cứu giúp một người đang đau khổ là sự lành; từ chối giúp đỡ là sự dữ.
3. Hai cái nhìn: Điều Chúa Giêsu thấy rõ hơn hết trong hội đường ngày hôm ấy là có một người bị khô bại một tay. Ngài thấy và rất thương anh nên muốn cứu anh. Còn những người biệt phái thì chỉ thấy những khoản luật về ngày Sabbat. Những khoản luật ấy che khuất tầm mắt của họ nên họ chẳng thấy nỗi khổ của bệnh nhân mà chỉ coi đây là cơ hội để họ bắt bẻ Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu đã chữa cho anh này thì họ không vui mừng mà còn tức giận và “tìm cách hại Người”. Cái nhìn của Chúa Giêsu xuất phát từ một tấm lòng nhân hậu, còn cái nhìn của biệt phái xuất phát từ một “cõi lòng chai đá”. Xin ban cho con một quả tim bằng thịt thay vì quả tim bằng đá.
4. “Những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người”: trước đây biệt phái không thích những người phái Hêrôđê vì biết những người này xấu. Nhưng hôm nay, sự thù ghét Chúa Giêsu đã đưa họ đến hợp tác với những kẻ xấu ấy để cùng nhau làm thêm một việc xấu to lớn nữa là hại Chúa Giêsu. Đôi khi trong cuộc sống va chạm, tôi cũng thấy trong lòng mình nổi lên sự tức giận. Nhưng tôi cần phải bình tĩnh, đừng để mình bị cuốn lôi theo những xúi dục xấu xa của sự tức giận ấy.
5. “Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người” (Mc 3,6)
Trong ký túc xá Nguyễn Huệ, Hương là một cô gái hiền lành và đoan trang. Hương luôn tìm cách giúp đỡ những người bạn gặp khó khăn vì hoàn cảnh xa gia đình, cũng như an ủi những bạn gặp thất bại trong học tập. Từ những việc tốt đó, Hương bị một số bạn bè xấu ghen tương và đố kỵ, toa rập với nhau để hãm hại. Hương vẫn vô tư không biết chuyện dữ sắp xảy đến với mình. Một ngày kia, cả phòng xôn xao vì một người trong phòng bị mất đồ. Bảo vệ đã lên làm việc và không thể tin được: “thủ phạm” lại chính là Hương. Mọi người đều biết rằng Hương không bao giờ làm chuyện đó.
Những kẻ xấu thường không ưa nhau. Nhưng chỉ vì muốn hạ đối thủ chung nên sẵn sàng liên kết với nhau. Tôi là người biết rõ từ A đến Z. Nếu như tôi không đủ can đảm đứng ra đương đầu với các bạn kia, sao tôi không biết liên kết với những bạn còn lại trong phòng để bênh vực cho Hương?
Chúa ơi, thế giới con đang sống đã trở nên thảm hại, không chỉ vì tội ác của kẻ xấu nhưng còn vì sự nhu nhược của kẻ lành. Xin giúp con biết yêu chuộng sự thật và liên kết với mọi người thành tâm thiện chí hầu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con cám ơn Chúa đã nhập thể làm người và ở cùng chúng con. Cám ơn Chúa đã đồng hành với chúng con qua những thăng trầm của cuộc sống. Cám ơn Chúa đã chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Xin giúp chúng con cũng biết tín thác và cậy trông vào Chúa, để nhờ đó chúng con luôn an vui sống trong sự quan phòng của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã sống một cuộc sống yêu thương để nêu gương cho chúng con. Chúa luôn cảm thông với nỗi bất hạnh của tha nhân. Chúa luôn thi thố tình thương cho những ai kêu cầu Chúa. Chúa còn ra lề luật của Chúa chính là tình thương. Tình thương là lẽ sống của Chúa cũng là căn tính của đời Kitô hữu chúng con. Xin giúp chúng con biết sống yêu thương như Chúa. Xin loại trừ nơi chúng con tính ghen ghét, lòng hận thù để chúng con sống với nhau trong sự hoà hợp thân thương. Xin khơi gợi nơi chúng con tình liên đới thay cho những cái nhìn thiển cận, hẹp hòi. Xin giúp chúng con biết sống bái ái với nhau trong tư tưởng, lời nói và hành động.
Lạy Chúa, Chúa là Ðấng giầu lòng thương xót, xin cho chúng con biết nương nhờ nơi lòng thương xót của Chúa. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)