Động lòng thương
Mc 1,40-45
40 Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. 41 Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. 42 Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay 44 và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. 45 Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
“Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh.” (Mc 1,41)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Chúa Giêsu chữa một người phong cùi:
– Việc chữa người phong cùi làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia về Đấng Messia, chứng minh Chúa Giêsu chính là Đấng Messia.
– Thái độ của người cùi chứng tỏ người này tin Ngài là Messia: anh “sấp mặt xuống” kêu xin; anh nói “Nếu ngài muốn, ngài có thể làm cho tôi được sạch” (thời đó, phong cùi được coi là chứng nan y vô phương chữa trị).
– Thái độ của Chúa Giêsu biểu lộ một sự ưu ái đặc biệt: “Ngài giơ tay đụng vào anh” (không ai khác dám đụng người cùi, vì sợ lây bệnh và lây sự ô uế).
– Lời Ngài bảo anh đi trình diện tư tế và dâng của lễ chứng tỏ Chúa Giêsu tôn trọng luật lệ đạo Do Thái.
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn đưa tay đụng anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh; Ngài còn dạy anh đi trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được hội nhập vào xã hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm. Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi bệnh tật tâm hồn. Sự quan tâm của ta với những người nghèo khổ có được toàn diện như thế chưa?
2. Cái nghèo cũng là một thứ “tội đầu”, vì nghèo nên khổ (như người ta quen nói “nghèo khổ”), vì nghèo khổ nên bị coi khinh và xua đuổi (như người ta quen nói “nghèo hèn”).
3. Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy, đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy tiền cho nhưng không tìm được đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc: “Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng đem theo gì”.
Mặt người ăn xin sáng lên và nói: “Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà rất lớn rồi!” (Góp nhặt).
Việc giúp đỡ người nghèo khổ chưa chắc có giá trị bằng thái độ tôn trọng của ta đối với họ.
4. “Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót, giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Ta muốn, anh sạch đi’. Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh và anh được sạch” (x. Mc 1,41-42)
Trong chương trình phóng sự về việc giúp đỡ đồng bào lũ lụt của Đài Truyền hình Thành phố, có một em bé đã gởi một cái quần kèm theo 5000 đồng trong túi để giúp người bị nạn. Cô bé đã nói: “Món quà này con tặng cho bạn nào bằng con để đi học”. Chắc rằng hình ảnh của những con người bất hạnh đã tạo cho cô bé một lòng thương cảm sâu sắc, và hành vi quảng đại ấy đã phần nào làm vơi bớt nỗi khổ của người bạn chẳng may.
Chúa Giêsu cũng chạnh lòng thương xót. Nhưng Ngài không chỉ làm vơi đi hoặc xóa đi bất hạnh của người bệnh bằng cách chữa lành cho anh, nhưng còn cất đi nỗi bất hạnh lớn lao của cả nhân loại là tội lỗi và cái chết, bằng cái chết trên Thập giá và sự phục sinh của Ngài.
Lạy Chúa, xin Ngài đập vỡ quả tim chai đá trong con và đặt trong con quả tim biết yêu thương. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa là Ðấng thấu suốt mọi sự. Chúa biết rõ những toan tính của chúng con. Chúa biết rõ những yếu đuối, bất toàn, bất xứng của chúng con. Xin tẩy rửa chúng con khỏi những bợn nhơ tội lỗi. Xin canh tân đổi mới linh hồn chúng con nên trắng như tuyết bằng ân sủng và tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, thế giới chúng con đang sống là thế giới hưởng thụ và ích kỷ. Người ta đặt mục đích trên mọi phương tiện. Người ta dùng tự do một cách thái quá đến độ đánh mất lương tri con người. Ðúng như ai đó đã nói trong xót xa: “Lương tâm không bằng lương tháng. Lương tháng không bằng lươn lẹo”. Người ta dùng sự khôn ngoan để lừa đảo thay vì để tìm chân lý. Người ta dùng quyền để gom góp thay vì trao ban. Vì tiền mà nhiều người đã bán rẻ lương tâm và đánh mất nhân phẩm của mình. Một xã hội mà đồng tiền là thước đo giá trị con người thì nhân phẩm sẽ bị xem thưởng. MỘt xã hội đánh mất Thiên Chúa thì cũng vong than và đánh mất chính mình. Xin cho chúng con can đảm bước ra ánh sáng của Chúa, bước theo chân lý của Chúa. Xin giúp chúng con mạnh dạn thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa Giê-su, xin thương chữa lành hồn xác chúng con. Xin cho chúng con được thấy ánh sáng của chân lý để vượt ra khỏi những đam mê lầm lạc”.
Lạy Chúa, xin tạo cho chúng con trái tim trong sạch, lương tâm trong sáng để chúng con làm chứng cho chân lý của tin mừng giữa dòng đời gian dối, tội lỗi hôm nay. Amen.
(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)