Học Truyền Giáo với Thánh Phanxicô Xaviê

 

 Saint Phancico Xavie 5

Bạn thân mến,

Trong những ngày này chúng ta đang chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ kính thánh Phanxicô Xavier, vị Tông Đồ nhiệt thành truyền giáo mở mang Nước Chúa, và đã có người ví ngài như một “Phaolô mới” của thời cận đại. Hòa chung bầu khí này, tôi xin chọn đoạn Lời Chúa trong “Mt 9:35-10:1″ để cùng với mọi người suy nghĩ về sứ mạng truyền giáo của thánh Phanxicô, cũng là sứ mạng mà Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta trước lúc Người về trời vinh hiển: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo! ” (Mc 16:15). Vì thế, trước tiên tôi muốn cùng mọi người nhìn lại sơ lược hành trình truyền giáo của thánh nhân để phản tỉnh lại sứ mạng truyền giáo của bản thân mỗi người chúng ta.

Nếu có dịp đọc tiểu sử cuộc đời, ơn gọi và sứ mạng đặc thù của thánh Phanxicô Xavier, chúng ta có thể sẽ phát hiện một điểm thú vị trong tiểu sử ấy. Đó là, sau khi nhận lệnh truyền của vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian ra đi loan báo Tin Mừng cho người Á Châu cho tới khi nhắm mắt lìa đời trên hòn đảo xa vắng thuộc Trung Hoa Đại Lục, thánh nhân đã rong ruổi ròng rã hơn mười năm trời tới nhiều mảnh đất khác nhau như Ấn Độ, Malaysia, Inđônêxia, Nhật Bản, (nghe nói ngài có ghé ngang lãnh hải Việt Nam để tránh bão) và một hòn đảo thuộc Trung Hoa ngày nay, và đã đi khoảng 100,000 cây số đường biển, làm Phép Rửa cho khoảng 100,000 người. Như thế, trung bình một năm, thánh Phanxicô đi khoảng 10,000 cây số và rửa tội cho khoảng 10,000 người. Đây là con số “khủng bố” các nhà truyền giáo ngày nay. Một năm tôi có thể đi 10,000 cây số đường bộ nhưng không thể nào Rửa Tội cho những người mới biết Chúa nhiều như thánh Phanxicô đã làm. Tuy nhiên, điều ấy cho thấy rằng “có Chúa cùng hoạt động với thánh nhân” và lời bảo chứng của Đấng Phục Sinh (Mc 16:17-18) là sự thật và chân lý. Đồng thời chúng ta hãy tự hỏi tại sao thánh nhân có thể truyền giáo nhiệt thành như thế và tự chất vấn bản thân xem chúng ta có dám bắt chước ngài mạnh mẽ ra đi khắp nơi mở mang Nuớc Chúa, đáp trả tiếng mời gọi của Chúa Giêsu cách sống động hay không?

Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên, tôi thiết tưởng chúng ta hãy suy niệm đoạn Lời Chúa trong Mt 9:35-10:1. Ngay trong câu đầu tiên của đoạn Tin Mừng này, chúng ta bắt gặp một hình ảnh trong hai con người: Đức Giêsu và Thánh Phanxicô Xavier. Đức Giêsu đã đi khắp các thành thị và làng mạc để giảng dạy và loan báo Tin Mừng (Mt 9:35). Thánh Phanxicô cũng đã đi như thế. Qua đó, chúng ta có thể liên tưởng một điều, đó là thánh nhân dường như đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu. Điều này chứng minh rằng thánh nhân có một sự kết hiệp sâu xa với Đức Giêsu, có một tình yêu mãnh liệt dành cho Người.

Thánh nhân yêu Đức Giêsu như thế thì hầu chắc ngài cũng yêu mến các linh hồn, nhất là những linh hồn chưa biết Chúa: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9:36). Thực vậy, đã có lần thánh Phanxicô suy nghĩ đến việc phải tạm ngưng các chuyến du hành truyền giáo để quay trở lại Đại học Paris, nơi ngài đã bỏ dở dang việc học để đáp trả lời mời gọi của Vua Hằng Sống, gào thét trước các bạn sinh viên kêu gọi họ hãy cộng tác với ngài, nhấc chân bước đi tới những vùng đất đang có những bầy chiên vất vưởng không người chăn dắt, vì đối với ngài, “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì” (Mt 16:26).

Giữa một biển trời mênh mông, đồng không hiu quạnh, thánh nhân làm sao có thể thực hiện niềm khát khao của ngài để quay trở lại vùng đất đầy kỷ niệm của thời sinh viên. Ngài chỉ còn biết bám víu vào Chúa, cầu nguyện với Người như lời mời gọi của Đức Giêsu: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy, anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9:37-38). Rõ ràng, trong truyền giáo, con người chỉ đóng vai trò cộng tác với Chúa, vì Chúa mới là nhân tố chính. Nhà truyền giáo không tự mình ra đi hoặc chịu áp lực của người khác để ra đi. Chúa sai họ đi và Chúa Thánh Thần đồng hành với họ. Hơn thế nữa, không phải ai cũng có thể trở thành nhà truyền giáo bởi vì “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22:14). Thực thế, câu cuối cùng trong đoạn Tin Mừng chúng ta đang suy niệm chứng minh rõ điều đó, nghĩa là giữa nhiều người đang đi theo Đức Giêsu, Người chỉ chọn mười hai người làm Tông Đồ và ban năng quyền cho họ (Mt 10:1). Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể truyền giáo bằng đời sống cầu nguyện, bằng niềm ước ao cháy bỏng được đến những nơi gặp những người chưa biết Chúa như gương của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Qua đoạn Tin Mừng trên và qua chân dung của nhà truyền giáo vĩ đại – Phanxicô Xavier, Chúa nói gì với chúng ta và giúp chúng ta phản tỉnh ơn gọi truyền giáo của bản thân ra sao? Trước tiên, điều kiện tiên quyết để trở thành nhà truyền giáo là sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô và tình yêu mãnh liệt dành cho Người, cũng như dành cho các linh hồn, nhất là những người chưa nhận biết Chúa. Điều kiện thứ hai là đời sống cầu nguyện, lấy Lời Chúa làm vũ khí thiêng liêng trong hành trình truyền giáo, làm khí cụ loan báo Tin Mừng cho người chưa biết Chúa. Điều kiện sau cùng là để Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên mọi nẻo đường truyền giáo. Bên cạnh đó, lời mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng luôn cấp bách, nhất là trong Giáo Hội và Xã hội Việt Nam ngày nay. Nhìn vào công cuộc loan báo Tin Mừng trên Đất Việt từ năm 1960 đến nay, theo thống kê của các nhà hữu trách trong Giáo hội, bị thụt lùi so với thời điểm trước năm 1960 (thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam). Đây là một nỗi xấu hổ, nhục nhã… cho Giáo hội Việt Nam và mọi thành phần trong Giáo hội. Đó cũng là lý do chúng ta nhận thấy Giáo hội hoàn vũ đã chọn năm 2013 là Năm Tân Phúc Âm Hóa, và Giáo hội Việt Nam chọn năm 2014 là Năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình và năm 2015 là Năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo Xứ, nghĩa là chúng ta phải cố gắng, nỗ lực cầu nguyện để tìm kiếm ý Chúa, tìm ra phương thức thích hợp nhất để loan báo Tin Mừng cho mọi người và mọi vật trong thời đại hôm nay, từ các cá nhân tới từng gia đình, thôn xóm, trường học, công sở, Giáo xứ, Giáo phận, thậm chí cả muôn loài thọ tạo (động-thực vật và người đã chết (x. “1 Pr 3:18-22″) cũng cần được loan báo Tin Mừng như Thánh Máccô đã viết: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15). Chúng ta cũng nên chú ý rằng thông điệp này của Chúa trong Tin Mừng theo thánh Máccô hơi khác với hai tác giả còn lại trong Tin Mừng Nhất Lãm, vì thánh Mátthêu thì viết: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, …” (Mt 28:19), còn thánh Luca lại viết rằng “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân…” (Lc 24:47). Điểm khác biệt chính là đối tượng được nghe Tin Mừng. Thánh Máccô thuật lại lời mời gọi của Chúa Phục Sinh cách chi tiết và sâu rộng là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Nghĩa là, đối tượng được nghe biết Tin Mừng bao gồm mọi loài, dù là con người hay động vật, thực vật, kẻ chết và đang ở luyện ngục hay người còn sống, v.v.. Quả thực, ngày nay, thế giới đang chú tâm vào sự biến đổi khí hậu, tức là con người và môi trường sống có mối tương quan hữu cơ. Sự sống sung mãn của con người tùy thuộc vào môi trường sống lành mạnh, trong sạch… Do đó, loài vật và loài người đều cần được nghe biết Tin Mừng Sự Sống. Nếu tôi nhớ không lầm thì Dòng Tên rất quan tâm về “Ecological Crisis” (khủng hoảng sinh thái), đến nỗi đây là một trong những sứ mạng của Dòng – Hòa Giải với các thọ tạo vật (“Reconciliation with Creation”, x. “Dòng Tên, ‘Tổng Hội 35′, Nghị Quyết 3″).

Bạn thân mến, bạn học được gì nơi cách thức truyền giáo của thánh Phanxicô Xavier? Thánh nhân đã rung chuông kêu gọi mọi người đến nghe Lời Chúa và lãnh nhận Phép Rửa. Trong bối cảnh của xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta khó có thể truyền giáo theo cách của thánh nhân. Vì thế, chúng ta cần Tân Phúc Âm Hóa, tìm kiếm những phương thế mới để loan báo Tin Mừng hiệu quả. Trên các cánh đồng truyền giáo của Việt Nam, chúng ta không thể “khua chiêng đánh trống” để truyền giáo, nhưng có thể tìm gặp những người chưa biết Chúa, kết thân với họ, tạo lập tình bạn với họ, thấu hiểu cuộc sống và văn hóa của họ, giúp họ được thăng tiến trong các lãnh vực về giáo dục, y tế và xã hội (như tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các trẻ em nghèo và sống ở vùng sâu vùng xa được đến trường và phổ cập giáo dục, giúp người nghèo được khám chữa bệnh, sửa chữa nhà cửa, cho vay vốn trồng trọt và chăn nuôi, v.v..). Đây là lối truyền giáo dấn thân và đồng hành, năng động và đa chiều. Phần bạn, đâu là phương thức truyền giáo của bạn?

Tóm lại, Giáo Hội nói chung và Dòng Tên nói riêng đang rất cần có những “Phanxicô Xavier mới” để mở mang Nước Chúa. Sứ mạng truyền giáo không dành cho riêng ai. Sứ mạng ấy cần nơi mỗi Kitô hữu tình yêu rực cháy dành cho Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện chuyên cần và lòng khát khao phụng sự Thiên Chúa, cùng với một con tim bình tâm sẵn sàng để Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Bạn và tôi đã sẵn sàng chưa, sẵn sàng lên đường với Chúa Thánh Thần, sẵn sàng làm nhà truyền giáo của Nước Chúa, sẵn sàng làm Yaophu của Chúa (“Yaophu – Giáo Phu” là hạn từ chỉ về nhà truyền giáo giáo dân, đặc biệt là giáo dân thuộc sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên)?

Cầu chúc bạn thu lượm nhiều hoa trái thiêng liêng trong những ngày cầu nguyện chuẩn bị mừng lễ kính thánh Phanxicô Xavier, để Nước Chúa sớm có thêm nhiều thợ gặt tiếp nối sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu Kitô, để Danh Chúa Cha được tôn vinh hơn nữa. Amen.

(Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ)