Tiếp kiến chung Đức Thánh Cha: Giáo Hội – thực tại hữu hình và thiêng liêng

 

 

papa_francesco_VATICAN. Sáng thứ 4, 29.10, dù thời tiết ở Roma khá lạnh, nhưng hàng chục ngàn khách hành hương vẫn quy tụ về quảng trường thánh Phêrô để tiếp kiến Đức Thánh Cha như thường lệ. Bài chia sẻ của ngài lần này vẫn tiếp tục nói về Giáo Hội, với đề tài “Giáo Hội, thực tại hữu hình và thiêng liêng”

Trước hết, ngài đặt vấn đề “…bất cứ khi nào chúng ta nói về Giáo Hội, ngay lập tức tư tưởng của chúng ta liền hướng đến các cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận của chúng ta, đến những cấu trúc mà trong đó chúng ta được nối kết lại với nhau và dĩ nhiên, là cũng nghĩ đến những thành tố và những thể chế, những người thành lập và quản lý nó. Đây chính là thực tại hữu hình của Giáo Hội. Chúng ta phải tự hỏi mình: đó là hai điều khác nhau hay đều thuộc về một Giáo Hội duy nhất? Và nếu đó luôn là một Giáo Hội duy nhất thì làm sao chúng ta hiểu được tương quan giữa thực tại hữu hình và thiêng liêng của nó?

Ngài cũng làm rõ ngay từ đầu là Giáo Hội không phải chỉ bao gồm Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, nhưng “thực tại hữu hình của Giáo Hội được xây dựng bởi rất nhiều anh chị em được rửa tội trên khắp thế giới, những người tin, cậy và mến, những người bước theo Đức Giêsu, nhân danh Người mà gần gũi với những ai bần cùng, đau khổ, trao ban an ủi, nâng đỡ và bình an. Tất cả những ai thực thi điều mà Chúa đã truyền cho chúng ta làm nên Giáo Hội.”  Ngài cũng khẳng định rằng: “Thực tại hữu hình của Giáo Hội vượt trên tất cả những tính toán đo lường của chúng ta, trên những nỗ lực và là một thực tại nhiệm mầu, bởi vì nó đế từ Thiên Chúa.”

Thứ đến, Đức Thánh Cha cho rằng để có thể hiểu được tương quan giữa thực tại hữu hình và thiêng liêng trong Giáo Hội, chúng ta không còn cách nào khác là phải nhìn đến Đức Kitô, Đấng đã thiết lập Giáo Hội bằng một tình yêu vô biên. Nơi Đức Kitô, trong mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta nhận thấy có một bản tính con người và một bản tính Thiên Chúa, kết hiệp với nhau trong một nhân vị theo một cách thức thật tuyệt vời và không thể chia cắt. Cũng tương tự như vậy, Giáo Hội cũng có hai tính chất vừa hữu hình vừa thiêng liêng, trong đó những gì người ta không nhìn thấy thì quan trọng hơn cái người ta nhìn thấy rất nhiều và điều đó chỉ có thể được nhận biết dưới cái nhìn của đức tin mà thôi.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Chúng ta phải tự vấn mình: ‘Thực tại hữu hình có thể trợ giúp cho thực tại thiêng liêng như thế nào?’”. Lại một lần nữa, chúng ta phải nhìn đến gương mẫu Đức Giêsu. Tin Mừng Luca đã thuật lại cho chúng ta biết là khi Đức Giêsu trở về làng Nazaret, Ngài vào Hội Đường. Người ta đưa cho Ngài cuốn sách Tiên Tri Isaia. Ngài mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, thánh hóa tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù được sáng mắt, trả lại tự do người bị áp bức và công bố một năm hồng ân” (x. Lc 4,18-19). Là một con người, Đức Kitô phục vụ người khác, nhưng Ngài loan báo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, với tư cách là Thiên Chúa. Hai yếu tố con người – Thiên Chúa hòa quyện trong chính Ngài. “Giáo Hội cũng vậy” – Đức Thánh Cha nói – “qua thực tại hữu hình, qua tất cả những gì mà người ta thấy, các bí tích, chứng tá của tất cả các Kitô hữu chúng ta, Giáo Hội được mời gọi mỗi ngày để làm cho mình trở nên gần gũi với con người, bắt đầu từ những ai nghèo nàn, đau khổ, bị loại trừ, để làm cho họ cảm nghiệm được ánh mắt nhân từ và đầy thương cảm của Đức Giêsu.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ đến tất cả mọi người:

“Anh chị em thân mến, cũng như Giáo Hội, chúng ta đều kinh nghiệm được sự mỏng dòn và giới hạn của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Không ai có thể nói rằng mình không có tội. Ai nói mình không có tội thì thử giơ tay lên nào. Không ai cả! Sự mỏng dòn, giới hạn, tội lỗi này của chúng ta đã gây ra những sai phạm vô lường, đặc biệt khi chúng ta nêu gương xấu và trở thành cớ vấp ngã cho người khác. Khi nào chúng ta nghe từ một người hàng xóm: ‘Người kia kìa, ở trong Giáo Hội mà đi nói xấu người khác, lừa gạt người khác…’ Đây quả là một gương xấu phải không: đi nói xấu người khác. Đó không phải là một Kitô hữu, nhưng là một người vô thần, bởi vì chứng tá của chúng ta là chứng tá cho người khác biết rằng mình là Kitô hữu.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta đừng trở nên cớ vấp phạm. Xin Chúa ban cho chúng ta đức tin để chúng ta có thể hiểu làm thế nào mà bất chấp sự nghèo nàn và ít ỏi của chúng ta, Chúa vẫn làm cho chúng ta trở thành công cụ ban phát ân sủng và dấu chỉ hữu hình cho tình yêu của Người cho toàn thể nhân loại. Chúng ta có thể gây ra cớ vấp phạm, vâng, nhưng chúng ta cũng phải trở thành chứng tá, chứng nhân để với đời sống của chúng ta, chúng ta có thể nói rằng: chính Đức Giêsu đã muốn chúng tôi làm như thế”

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ