Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc đổi mới việc học hỏi lịch sử Giáo hội

Thư về đổi mới việc học hỏi lịch sử Giáo hội” của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố vào thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024 vừa qua. Trong Thư này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc học hỏi lịch sử Giáo hội để hiểu và diễn giải thế giới đương đại tốt hơn, đặc biệt là trong tiến trình đào tạo ứng viên linh mục. Dưới đây là toàn văn bức thư của Đức Thánh Cha:

THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

VỀ VIỆC ĐỔI MỚI VIỆC HỌC HỎI LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Anh chị em thân mến,

Qua lá thư này, tôi muốn chia sẻ một vài suy tư về tầm quan trọng trong việc học hỏi lịch sử Giáo hội, đặc biệt có ý giúp các linh mục giải thích tốt hơn các thực tại xã hội. Tôi muốn vấn đề này được đưa ra xem xét trong quá trình đào tạo tân linh mục và các tác nhân mục vụ khác.

Tôi biết rõ là, trong quá trình đào tạo các ứng viên linh mục, cần phải chú ý nhiều đến việc học hỏi lịch sử Giáo hội, như cần phải thế. Đúng hơn, điều tôi có ý nhắm đến ở đây là khơi dậy nơi các sinh viên thần học trẻ một cảm thức chân thực về lịch sử. Qua cách diễn đạt này, tôi không chỉ muốn nói rằng cần hiểu biết thấu đáo và chính xác về những thời điểm quan trọng nhất của Kitô giáo trong hai mươi thế kỷ qua, nhưng trên hết là phải thật quen thuộc với lịch sử của chính con người. Chẳng ai có thể thực sự biết mình là ai và ngày mai mình muốn trở thành con người thế nào, nếu không gìn giữ mối dây liên kết họ với các thế hệ trước. Điều này không chỉ đúng trên bình diện cá nhân, mà còn đúng trên bình diện rộng lớn hơn của cả cộng đồng. Thật vậy, việc học hỏi và kể lại lịch sử giúp cho “ngọn lửa của lương tâm tập thể” luôn cháy sáng. Nếu không, tất cả những gì còn lại chỉ là ký ức cá nhân về những sự kiện gắn liền với lợi ích hoặc cảm xúc cá nhân, không thực sự liên hệ với cộng đồng nhân loại và Giáo hội mà chúng ta đang sống.

Với cảm thức đúng đắn về lịch sử, mỗi người chúng ta sẽ có ý thức về sự cân xứng và chừng mực, cũng như có khả năng hiểu biết thực tại mà không bị những ý tưởng trừu tượng nguy hại và phi thực tế làm sai lệch, một thực tại như nó vốn có chứ không phải như chúng ta tưởng tượng hoặc mong muốn. Như thế chúng ta có thể đan kết mối tương quan với thực tại vốn đòi hỏi trách nhiệm đạo đức, sự chia sẻ và tình liên đới.

Theo một lời truyền miệng mà tôi không xác minh được nguồn bằng văn bản, một nhà thần học người Pháp nổi tiếng đã nói với các sinh viên rằng việc học hỏi lịch sử bảo vệ chúng ta khỏi “thuyết duy nhất tính về giáo hội học”, tức là bảo vệ chúng ta khỏi quan niệm quá siêu phàm về Giáo hội, một Giáo hội không tì ố và nếp nhăn nên cũng không có thật. Đúng ra, chúng ta phải yêu Giáo hội như yêu một người mẹ, mẹ có thế nào thì chúng ta yêu mẹ như thế; nếu không, chúng ta sẽ chẳng yêu mẹ mình chút nào cả, mà chỉ yêu một ảo ảnh trong trí tưởng tượng của chúng ta. Lịch sử Giáo hội giúp chúng ta nhìn thấy Giáo hội thật để có thể yêu mến chính Giáo hội này, là Giáo hội thật đang tồn tại, một Giáo hội đã đón nhận những bài học và vẫn tiếp tục học hỏi từ những sai lầm và vấp ngã của mình. Đây là Giáo hội cũng nhận biết mình cả trong những thời khắc đen tối của bản thân nên có khả năng hiểu được những vết lấm lem và thương tích của thế giới mà Giáo hội đang sống trong đó. Khi tìm cách chữa lành và thăng tiến thế giới, Giáo hội cũng làm điều đó theo cách Giáo hội tự chữa lành và đổi mới chính mình, cho dù thường không thành công.

Đây là biện pháp hiệu chỉnh cho lối tiếp cận tồi tệ trước đây khiến chúng ta chỉ nắm bắt thực tại với thái độ cao ngạo bảo vệ vai trò chức năng của mình. Như tôi đã nhấn mạnh trong Thông điệp Fratelli Tutti, đó chính là cách tiếp cận coi người bị thương trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu là điều phiền toái cho cuộc sống của chúng ta, vì người đó chỉ là một kẻ ngoài lề, một kẻ chẳng có chức vị gì.

Nhu cầu bồi đắp về cảm thức lịch sử cho các ứng viên linh mục dường như là một điều hiển nhiên. Đặc biệt trong thời đại hiện nay của chúng ta, “cảm thức lịch sử ngày càng lu mờ, dẫn đến thực trạng phân rã hơn nữa. Có một “xu hướng phá bỏ cấu trúc” đang thấm nhiễm nền văn hóa ngày nay, theo đó con người nại đến tự do, muốn làm nên tất cả từ số không. Hậu quả nó để lại chỉ là nhu cầu tiêu thụ vô độ với các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân rỗng tuếch”.

Tầm quan trọng của việc kết nối với lịch sử

Cách chung, phải nói rằng tất cả chúng ta – không chỉ các ứng viên linh mục – đều cần có một cảm thức mới về lịch sử. Trong bối cảnh này, tôi có lời khuyên các bạn trẻ. “Nếu có ai đó đề nghị và bảo các bạn đừng ngó ngàng lịch sử, đừng đếm xỉa đến kinh nghiệm của các bậc lão thành, khinh miệt quá khứ và chỉ hướng đến tương lai do họ bày vẽ ra, thì đó chẳng phải là cách dễ dàng dụ dỗ bạn làm theo lời họ hay sao? Những kẻ này muốn các bạn trở nên hời hợt, mất gốc, hoài nghi, để rồi chỉ tin tưởng vào những hứa hẹn và làm theo những ý đồ của họ. Đó chính là cách thức các ý thức hệ thuộc đủ loại sắc màu vận hành: chúng phá hủy mọi khác biệt (phá bỏ cấu trúc) để rồi có thể thống trị mà không bị phản kháng. Để làm được như thế, chúng cần các bạn trẻ khinh thường lịch sử, chối bỏ di sản tinh thần và nhân văn phong phú do các thế hệ cha ông truyền lại, không biết gì về những chuyện đã xảy ra trước đây”.

Để nắm bắt được thực tại, chúng ta phải xem xét nó theo phương pháp lịch đại, thế mà xu hướng phổ biến hiện nay lại dựa vào việc lý giải các hiện tượng và đánh đồng các hiện tượng ấy bằng phương pháp đồng đại: tóm lại chỉ có hiện tại chứ không có quá khứ. Việc tránh né lịch sử thường khiến chúng ta như những kẻ mù quáng, cứ bận tâm về một thế giới không có thật và phí sức cho nó khi đặt ra những vấn đề giả tạo và hướng đến các giải pháp không thích đáng. Một số lý giải này có thể hữu ích đối với các nhóm nhỏ nhưng chắc chắn không hữu ích cho toàn thể nhân loại và cộng đồng Kitô giáo.

Đó là lý do tại sao lại thời nay càng cấp thiết phải có một cảm thức sâu sắc hơn về lịch sử, bởi lẽ đây là thời đại phổ biến của một xu hướng muốn loại bỏ ký ức hoặc tạo ra một thứ ký ức phù hợp với yêu cầu của các hệ tư tưởng thống trị. Trước mưu toan xóa bỏ quá khứ và lịch sử hoặc trước các câu chuyện lịch sử “có ý đồ”, thì công trình của các nhà sử học, cũng như lượng tri thức và sự phổ biến rộng rãi các công trình đó, có thể hợp thành lớp rào chắn ngăn chặn sự dối trá, chủ trương xét lại đầy thiên kiến và việc sử dụng công khai các thủ đoạn này, nhất là, để biện minh cho chiến tranh, cho các cuộc đàn áp, cho việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ vũ khí và cho biết bao điều ác hại khác.

Ngày nay, chúng ta bị bủa vây bởi đủ loại ký ức, thường là sai lầm, giả tạo và thậm chí là dối trá, đang khi lại thiếu vắng sự hiểu biết lịch sử và ý thức lịch sử trong xã hội dân sự và cả trong các cộng đồng Kitô giáo chúng ta. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn nếu chúng ta nghĩ đến những câu chuyện lịch sử được nhào nặn cách ngấm ngầm và công phu nhằm tạo nên những ký ức ad hoc (nhất thời), ký ức đầy thiên kiến và ký ức mang tính loại trừ. Hiện nay vai trò của các sử gia và lượng tri thức trong những công trình của họ có tầm quan trọng quyết định và có thể là phương thuốc giải độc chống lại thể chế thù hận gây chết chóc, dựa trên sự thiếu hiểu biết và định kiến này.

Đồng thời, chính những tri thức lịch sử sâu sắc và được quảng bá này cho thấy rằng chúng ta không thể nắm bắt quá khứ bằng lối diễn giải vội vã, tách rời khỏi hậu quả của nó. Thực tại, dẫu là quá khứ hay hiện tại, không bao giờ là một hiện tượng giản đơn để có thể bị giản lược một cách ngờ nghệch và nguy hiểm. Càng không thể là mưu toan của những người tự coi mình là những vị thần hoàn hảo và toàn năng, muốn xóa bỏ một phần lịch sử và nhân loại. Đúng là trong nhân loại chúng ta có thể tồn tại những khoảnh khắc kinh hoàng và những cá nhân có điều mờ ám, nhưng nếu chúng ta chỉ phán đoán dựa vào truyền thông và mạng xã hội, hoặc chỉ vì lợi ích chính trị, chúng ta sẽ khó tránh khỏi những cơn giận dữ hoặc cảm xúc bùng phát vô lý. Cuối cùng, như người ta thường nói, “nếu tách sự việc ra khỏi bối cảnh thì nó chỉ là cái cớ”. Chính ở điểm này, học hỏi lịch sử sẽ giúp ích chúng ta. Các nhà sử học có thể góp phần giúp chúng ta hiểu được sự phức tạp của quá khứ thông qua phương pháp diễn giải nghiêm ngặt mà họ sử dụng. Không có hiểu biết này thì không thể biến đổi thế giới hiện tại, đưa nó thoát khỏi tác hại của ý thức hệ.

Ký ức về sự thật toàn vẹn

Chúng ta hãy nhớ lại gia phả của Chúa Giêsu do Thánh Matthêu thuật lại. Không điều gì bị đơn giản hóa, xóa bỏ hay bịa đặt. Gia phả của Chúa được tạo nên từ một lịch sử có thật, trong đó danh tính của một số nhân vật dù có vấn đề vẫn được nêu lên, cả tội lỗi của Vua Đavít cũng được nhấn mạnh (x. Mt 1,6). Tuy nhiên, tất cả được hoàn tất và triển nở nơi Đức Maria và Chúa Kitô (x. Mt 1,16).

Nếu điều này đã xảy ra trong lịch sử cứu độ, thì nó cũng xảy ra trong lịch sử Giáo hội: “Thật vậy, sau những thành tựu ban đầu, đôi khi Giáo hội phải đau đớn ghi nhận một sự thoái trào, hoặc ít ra là đang ở trong một tình trạng bất toàn và thiếu sót”. Hơn nữa, “Giáo hội không phải là không biết rằng trong suốt lịch sử lâu dài của mình, không thiếu các thành viên trong Giáo hội, cả giáo sĩ và giáo dân, đã bất trung với Thánh Thần của Thiên Chúa. Ngay trong thời đại chúng ta, Giáo hội cũng không phải là không biết đến sự cách biệt lớn lao giữa sứ điệp do Giáo hội công bố và sự yếu đuối nhân loại nơi những người đang đảm nhận việc loan báo Tin Mừng. Dù lịch sử có phê phán thế nào về những khiếm khuyết này, chúng ta cũng phải ý thức về những khiếm khuyết ấy và mạnh mẽ khử trừ chúng để khỏi phương hại đến việc rao giảng Tin Mừng. Cũng vậy, trong việc mở rộng tương quan với thế giới, Giáo hội biết mình phải liên tục hoàn thiện nhờ rút tỉa kinh nghiệm qua bao thế kỷ”.

Do đó, việc học hỏi lịch sử cách chân thành và can đảm sẽ giúp Giáo hội hiểu rõ hơn mối tương quan của mình với các dân tộc khác nhau, các nỗ lực này phải góp phần lý giải và làm sáng tỏ những khoảnh khắc khó khăn và phức tạp nhất của các dân tộc này. Chúng ta không được yêu cầu mọi người quên đi, thật vậy, “chung ta không được để thế hệ hiện tại và tương lai đánh mất ký ức về những gì đã xảy ra, ký ức ấy bảo đảm và thúc đẩy việc xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn”. Vì lý do này, tôi nhấn mạnh rằng, “không được phép quên thảm họa Shoah […]. Chúng ta cũng không được phép quên vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki […]. Chúng ta cũng không được quên các vụ đàn áp, nạn buôn bán nô lệ, các cuộc tàn sát sắc tộc đã và còn đang xảy ra ở nhiều quốc gia, cũng như nhiều biến cố lịch sử khác khiến chúng ta phải xấu hổ vì chúng ta là con người. Chúng ta phải luôn ghi nhớ những điều này, không buông lơi, không ngưng nghỉ, không để trở nên chai lỳ. Ngày nay, chúng ta rất dễ bị cám dỗ lật sang trang khi cho rằng những điều đó đã xảy ra lâu rồi và cần phải hướng đến tương lai. Vì Chúa, xin đừng làm vậy! Không thể tiến bước nếu không nhớ lại quá khứ, không thể tiến bộ nếu không có ký ức đầy đủ và rõ ràng […]. Tôi không chỉ nói đến ký ức về những nỗi kinh hoàng, mà còn về những người, trong cảnh huống vô nhân đạo và tồi tệ vẫn giữ được phẩm giá, và bằng những nghĩa cử lớn nhỏ, họ đã chọn các giá trị liên đới, tha thứ và huynh đệ. Thật an lành biết bao khi nhớ về những điều thiện hảo […]. Tha thứ không có nghĩa là quên đi […]. Chúng ta vẫn có thể tha thứ khi có điều gì đó không có lý do gì để được phép quên đi”.

Cùng với ký ức, việc tìm kiếm sự thật lịch sử là điều thiết yếu để Giáo hội có thể khởi tạo – và giúp khởi tạo – những con đường chân thành và hiệu quả dẫn đến sự hòa giải và hòa bình trong xã hội: “Những người đã từng đối đầu gay gắt với nhau phải đối thoại khởi đi từ sự thật rõ ràng và trần trụi. Họ cần phải học cách vun trồng ký ức sám hối, có khả năng chấp nhận quá khứ để giải thoát tương lai khỏi những bất mãn, những nhầm lẫn và những dự phóng của họ. Chỉ khởi đi từ sự thật lịch sử về các biến cố họ mới có thể kiên gan bền chí trong nỗ lực đạt tới sự hiểu biết lẫn nhau và tạo ra một sự tổng hòa mới vì thiện ích chung của mọi người”.

Học hỏi lịch sử Giáo hội

Giờ đây tôi muốn thêm một vài nhận xét ngắn gọn liên quan đến việc học hỏi lịch sử Giáo hội.

Nhận xét đầu tiên liên quan đến nguy cơ của cách học hỏi lịch sử vẫn giữ nguyên lối tiếp cận thuần túy theo niên đại hoặc thậm chí giữ nguyên định hướng hộ giáo sai lầm, biến lịch sử Giáo hội thành một công cụ phụ trợ đơn thuần cho lịch sử thần học hoặc lịch sử linh đạo của các thế kỷ trước. Đây sẽ là cách học hỏi và do đó sẽ là cách giảng dạy lịch sử Giáo hội không khơi dậy cảm thức lịch sử mà tôi đã đề cập lúc đầu.

Nhận xét thứ hai liên quan đến thực tế là lịch sử Giáo hội, như được giảng dạy trên toàn thế giới, dường như chịu ảnh hưởng của xu hướng giản lược toàn thể. Lịch sử vẫn là môn phụ so với thần học và thường tỏ ra không có khả năng thực sự đối thoại với thực tại sống động và hiện sinh của con người trong thời đại chúng ta. Bởi vì lịch sử của Giáo hội, khi được giảng dạy trong khuôn khổ thần học, không thể tách rời khỏi lịch sử của các xã hội.

Nhận xét thứ ba dựa trên những gì chúng ta nhận thấy trong thực tế, đó là trong việc đào tạo các linh mục tương lai, chưa có sự đào tạo đầy đủ để hiểu biết các nguồn tài liệu. Ví dụ, sinh viên hiếm khi được tạo điều kiện đọc các bản văn gốc của Kitô giáo cổ đại như Thư gửi DiognetusSách Didache hoặc Chuyện các vị tử đạo. Khi không biết các nguồn này do thiếu các phương tiện cần thiết để đọc chúng thì thay vào đó, sinh viên sẽ dùng đến các bộ lọc ý thức hệ hoặc các quan niệm lý thuyết định sẵn, không cho phép họ có thể tiếp thu lịch sử cách sống động và thú vị.

Nhận xét thứ tư liên quan đến tầm quan trọng của việc “làm lịch sử Giáo hội” – cũng như “làm thần học” – không chỉ với sự nghiêm cẩn và chính xác, mà còn với niềm đam mê và sự dấn thân. Niềm đam mê và sự dấn thân này, mang tính cá nhân và cộng đồng, là đặc tính của những người dấn thân loan báo Tin Mừng, họ không chọn một quan điểm trung lập và không vấy bẩn vì họ yêu mến Giáo hội và đón nhận Giáo hội như đón nhận một người Mẹ đúng như Mẹ là.

Một nhận xét khác gắn liền với nhận xét trước, liên quan đến mối liên kết giữa lịch sử Giáo hội và giáo hội học. Nghiên cứu lịch sử là một đóng góp không thể thiếu trong việc xây dựng một giáo hội học thực sự mang tính lịch sử và bí tích.

Nhận xét áp chót, là điều tôi luôn canh cánh bên lòng, có liên quan đến ý đồ xóa bỏ dấu vết của những người không được lắng nghe trong suốt nhiều thế kỷ. Điều này khiến việc tái dựng lịch sử cách trung thực trở nên khó khăn. Ở điểm này, tôi tự hỏi: đây chẳng phải là một lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt dành riêng cho các sử gia Giáo hội hay sao? Các sử gia phải làm thế nào để khuôn mặt bình dị của những người rốt hết ngày càng được sáng tỏ; đồng thời tái hiện lịch sử không những của những thất bại và áp bức mà họ phải gánh chịu, nhưng cả những nét phong phú về mặt nhân bản và tinh thần của họ. Làm như thế, các sử gia sẽ cung cấp những công cụ giúp con người ngày nay hiểu được hiện tượng gạt ra bên lề và loại trừ của thời đại.

Trong nhận xét cuối cùng, tôi muốn nhắc lại rằng lịch sử Giáo hội có thể giúp tái khám phá toàn bộ kinh nghiệm tử đạo, với ý thức rằng không có lịch sử nào của Giáo hội mà không có sự tử đạo và chúng ta không bao giờ được đánh mất ký ức quý báu này. Ngay trong lịch sử đau thương của mình, “Giáo hội vẫn nhìn nhận rằng cả sự chống đối của những kẻ công kích hay bách hại Giáo hội cũng đã và đang có thể giúp ích rất nhiều cho Giáo hội”. Chính tại nơi mà Giáo hội chưa được vinh thắng trước mắt thế gian thì Giáo hội lại đạt tới vẻ đẹp rạng rỡ nhất của mình.

***

Tóm lại, tôi muốn nhắc nhớ rằng chúng ta đang nói đến việc học hỏi, chứ không nói đến những chuyện phù phiếm, đến việc đọc lướt qua hoặc “cắt dán” các bản tóm tắt trên mạng. Ngày nay, có nhiều người “xúi giục chúng ta theo đuổi những thành công rẻ tiền, coi thường sự hy sinh và in trí rằng học hỏi là hoạt động vô ích nếu không tạo ra kết quả cụ thể tức thời. Không, học hỏi là để đặt câu hỏi, để không ngủ vùi trong sự tầm thường, để tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta cần phải đòi cho mình có quyền được bảo vệ để không bị áp đảo bởi biết bao giọng điệu quyến rũ khiến ngày nay chúng ta sao lãng việc học hỏi này […]. Giờ đây nhiệm vụ cao cả của anh chị em là phản ứng lại những điệp khúc gây tê liệt của chủ nghĩa tiêu thụ văn hóa bằng cách lựa chọn năng động và mạnh mẽ, bằng việc tìm tòi, hiểu biết và chia sẻ”.

Trong tình anh em thắm thiết,

PHANXICÔ

Ban hành tại Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 21 tháng 11, Lễ Đức Trinh Nữ Maria dâng mình trong Đền thánh, năm 2024, năm thứ mười hai Triều đại Giáo hoàng của tôi

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Từ: vatican.va 

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 145 (Tháng 01 & 02 năm 2025)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*