Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 15 Thường niên năm C

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 15 Thường Niên năm C theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

 

Số 299, 381: Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa; Trưởng tử

Số 299. Nếu Thiên Chúa tạo dựng một cách khôn ngoan, thì công trình tạo dựng là có trật tự: “Chúa đã sắp xếp có chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi” (Kn 11,20). Trần gian được tạo dựng trong Ngôi Lời vĩnh cửu và nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), trần gian đó là dành cho con người và hướng tới con người, là hình ảnh của Thiên Chúa, và được kêu gọi để sống trong tương quan cá vị với Thiên Chúa. Trí khôn của chúng ta, được tham dự vào ánh sáng của Đấng Thượng trí thần linh, có thể hiểu được những điều Thiên Chúa nói với chúng ta qua công trình tạo dựng, tuy phải cố gắng nhiều, và trong tinh thần khiêm tốn và kính trọng trước Đấng Tạo Hóa và công trình của Ngài. Công trình tạo dựng, được phát sinh do sự tốt lành của Thiên Chúa, nên nó được dự phần vào sự tốt lành này (“Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp, … là rất tốt đẹp”: St 1,4.10.12.18.21.31). Quả thật, Thiên Chúa đã muốn công trình tạo dựng là như một quà tặng dành cho con người, như một gia sản được gởi gắm và ủy thác cho con người. Nhiều lần Hội Thánh đã phải biện hộ cho sự tốt lành của công trình tạo dựng, bao gồm cả sự tốt lành của thế giới vật chất.

Số 381. Con người được tiền định để họa lại hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người – “Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15) để Đức Kitô trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.

 

Số 1931-1933: Coi người lân cận như ‘cái tôi thứ hai của mình’

Số 1931. Để tôn trọng nhân vị, phải tôn trọng nguyên tắc này: “Mỗi người phải coi người lân cận, không trừ một ai, như ‘cái tôi thứ hai của mình’, nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và những phương tiện cần thiết giúp họ sống xứng với nhân phẩm”. Không một luật pháp nào tự mình có thể xóa bỏ được các nỗi sợ hãi, những thành kiến, những thái độ kiêu căng và ích kỷ, vẫn ngăn trở việc xây dựng những xã hội thật sự huynh đệ. Những thái độ đó chỉ chấm dứt nhờ đức mến là nhân đức nhận ra mỗi người đều là “người lân cận”, là anh em.

Số 1932. Bổn phận “trở nên người lân cận” của người khác và tích cực phục vụ họ lại càng khẩn thiết hơn, khi họ nghèo khổ hơn về bất cứ phương diện nào. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Số 1933. Bổn phận này được mở rộng tới những người suy nghĩ hay hành động khác với chúng ta. Giáo huấn của Đức Kitô đòi buộc phải đi đến chỗ tha thứ mọi xúc phạm. Giáo huấn đó còn mở rộng giới răn yêu thương, là nét độc đáo của Lề luật mới, đến tất cả các kẻ thù. Sự giải phóng theo tinh thần Tin Mừng không thể đi đôi với sự oán ghét kẻ thù, xét như một cá vị, nhưng phải oán ghét điều xấu mà người, xét như kẻ thù, đã làm.

 

Số 2447: Các việc từ thiện về mặt vật chất

Số 2447. Các việc từ thiện là những hành vi bác ái, qua đó chúng ta giúp đỡ tha nhân những gì cần thiết cho thể xác và tinh thần của họ. Dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ là những việc từ thiện về mặt tinh thần, cũng như tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng. Các việc từ thiện về mặt vật chất gồm có: cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết. Trong các công việc đó, bố thí cho người nghèo là một trong những bằng chứng chủ yếu của tình bác ái huynh đệ; đó cũng là việc thực thi đức công bằng làm đẹp lòng Thiên Chúa:

“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi” (Lc 11,41). “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” (Gc 2,15-16).

 

Số 1465: Linh mục như là người Samaritanô nhân hậu trong bí tích Thống Hối

Số 1465. Khi cử hành bí tích Thống Hối, tư tế chu toàn thừa tác vụ của vị Mục tử nhân lành đi tìm chiên lạc, của người Samaritanô nhân hậu băng bó các vết thương, của người Cha chờ đợi đứa con hoang đàng và đón nhận nó khi nó trở về, của vị thẩm phán công chính không thiên vị ai, và xét xử vừa công bằng vừa hay thương xót. Tắt một lời, tư tế là dấu chỉ và là dụng cụ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

 

Số 203, 291, 331, 703: Ngôi Lời và công trình tạo dựng, hữu hình và vô hình

Số 203. Thiên Chúa tự mạc khải cho Israel, dân của Ngài, tỏ cho họ biết Danh Ngài. Tên gọi diễn tả yếu tính, căn tính của một người và ý nghĩa cuộc đời của người đó. Thiên Chúa có một tên gọi. Ngài không phải là một sức mạnh vô danh. Cho biết tên gọi của mình là cho những người khác nhận biết mình, một cách nào đó là tự trao mình, để người ta có thể tiếp xúc với mình, có thể hiểu biết mình cách thân mật hơn, và thật sự có thể gọi mình một cách cá vị.

Số 291. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… và Ngôi Lời là Thiên Chúa…. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3). Tân Ước mạc khải rằng: Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu là Con yêu dấu của Ngài. “Trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất…. Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1,16-17). Đức tin của Hội Thánh cũng xác quyết một cách tương tự về hoạt động tạo dựng của Chúa Thánh Thần: Ngài, Đấng chúng ta tuyên xưng là “Đấng ban sự sống”, là “Thần Khí Sáng Tạo” (“Veni, Creator Spiritus”: “Lạy Thần Khí Sáng Tạo, xin ngự đến”), là “Nguồn mạch của sự thiện hảo”.

Số 331. Đức Kitô là trung tâm của thế giới Thiên thần. Các vị đều là sứ giả của Người: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu…” (Mt 25,31). Các Thiên thần là của Đức Kitô, bởi vì các vị ấy đã được tạo dựng nhờ Người và trong Người: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình, dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới. Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Các vị còn thuộc về Người hơn nữa, bởi vì Người đã dùng các vị làm sứ giả của kế hoạch cứu độ của Người: “Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?” (Dt 1,14).

Số 703. Lời Thiên Chúa và Hơi Thở của Ngài là nguồn gốc của sự hiện hữu và sự sống của mọi thụ tạo:

“Chúa Thánh Thần ngự trị, thánh hóa và làm cho các thụ tạo có sinh khí, bởi vì Ngài là Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con…. Vì Ngài là Thiên Chúa nên Ngài đem lại sức mạnh cho mọi thụ tạo và gìn giữ chúng trong Chúa Cha và Chúa Con”.

 

Bài Ðọc I: Ðnl 30, 10-14

“Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: ‘Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?’ Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: ‘Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?’ Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 68, 14 và 17. 30-31. 33-34. 36ab và 37

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.

Xướng: 1) Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con.

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.

2) Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.

3) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù.

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.

4) Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư.

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.

 

Bài Ðọc II: Cl 1, 15-20

“Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 19,38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:

“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*