Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh Vịnh (bài 8)

Giới thiệu:

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

                                       Linh mục Mỹ Sơn giáo phận Long Xuyên

Bài năm

THÁNH VỊNH 16

Chỉ Chúa thôi là đủ !

Phần 1

1 Se sẽ. Của vua Đa-vít.

            Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,

            vì bên Ngài, con đang ẩn náu.

2          Con thưa cùng CHÚA : “Ngài là Chúa con thờ,

            ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc ?”

3          Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ,

4          vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo.

            Máu tế thần, con quyết chẳng dâng,

            tên của thần, môi con không tụng niệm !

5          Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,

            là chén phúc lộc dành cho con ;

            số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

6          Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,

            vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.

7          Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,

            ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.

8          Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,

            được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

9          Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,

            thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.

10        Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,

            không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

11        Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :

            trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,

            ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !

Ngoài việc khó giải thích, thánh vịnh 16 còn khó giúp cầu nguyện nữa, bởi lẽ thánh vịnh ấy không chất chứa những lời nguyện cầu thực thụ, trừ câu đầu tiên: “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.” Ngoài  ra tất cả những câu còn lại đều diễn tả sự tuyên xưng niềm tin.

Thực ra khi tuyên xưng đức tin trong lúc đọc kinh Tin Kính, là chúng ta cũng đang cầu nguyện, nhưng ta vốn chưa quen coi lời lẽ của thánh vịnh này như lời kinh nguyện cầu. Thế nên thánh vịnh 16 cũng sẽ dạy chúng ta biết sống điều mình tuyên xưng như một lời khẩn nguyện vậy. Chúng ta sẽ bắt đầu phần “đọc”, vừa đọc vừa cố tìm ra một nhan đề chung cho tất cả các câu, vừa cố gắng phân chia các phần đoạn cho hợp lý, vừa đọc lại từng đoạn riêng rẽ; sau đó, ta sẽ bước sang phần suy niệm (meditatio) để tìm ra những sứ điệp của thánh vịnh; cuối cùng, xin đề nghị một vài gợi ý giúp cầu nguyện.

“Đọc” thánh vịnh 16.

Trong bầu khí đọc lời Chúa, chúng ta hãy tự hỏi chủ đề tạo nên sự duy nhất cho thánh vịnh này là gì, có thể đặt cho thánh vịnh ấy một tiêu đề khác chăng?

Nhiều người thích chọn tiêu đề sau đây: “Đường về cõi sống”, vì dựa vào lời lẽ của câu 11: “Trước thánh nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi”. Tiêu đề này chỉ rõ thánh vịnh như một lời tung hô  đầy tin tưởng. Tuy nhiên, có lẽ ta cần nêu bật hơn nữa mối cảm xúc tràn trề của thánh vịnh này hầu tìm ra được một tiêu đề khác chính xác hơn.

S. Kierkegaard viết: “Khi bạn cảm thấy chán nản vì cảnh thế sự thăng trầm, và lòng người thay trắng đổi đen, hoặc tâm tình bạn mệt mỏi trước kiếp phù sinh của chính mình, bạn sẽ mong sao cho cái đầu nặng trĩu, những dằn vặt của tâm tư  và trái tim mệt mỏi của bạn có được một nơi chốn nào đó, để nghỉ ngơi, để chính bạn cũng có được những giây phút thư giãn, thì chỉ ở nơi Chúa là Đấng thuỷ chung như nhất, Đấng không hề có sự thay lòng đổi dạ, con người thực sự mới tìm được nơi nghỉ ngơi an toàn”. Những lời lẽ của Kierkegaard, theo ý tôi, diễn tả rất đúng những uẩn khúc tâm tình của thánh vịnh 16 mà tôi cho đó là: “Sự biểu dương niềm tin của một con người thành tín luôn bị các thần ngoại vây hãm” hoặc giả, vắn gọn hơn, “Chỉ Chúa thôi là đủ”, thánh nữ Têrêsa Avila vẫn hay kêu lên như vậy.

Thực ra tác giả thánh vịnh muốn nói lên tất cả tâm tình yêu mến thiết tha và lòng tin tưởng mãnh liệt nơi Chúa, vì, đối với ông, chỉ có mình Ngài là Thiên Chúa và là Đấng Tối cao trổi vượt trên mọi chư thần.

Người ta có thể cảm nhận được những rung động nội tâm nào khi đọc thánh vịnh này? Thánh vịnh được cơ cấu linh động thế nào, được phân chia làm sao?    Nếu chỉ dựa vào số câu, thánh vịnh 16 có thể chia thành bốn đoạn:

– Từ câu 1-4:  “Lạy Chúa Trời xin giữ gìn con……tên của thần môi con không tụng niệm”

– Từ câu 5-7: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng….lòng dạ nhắn nhủ con”

– Từ câu 8-9: “Con luôn nhớ có Ngài trước mặt…..thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn”

– Từ câu 10-11: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc……hoan lạc chẳng hề vơi”.

Nhưng nếu phân chia thánh vịnh ra làm hai phần chính, tôi nghĩ là phù hợp hơn:

– Phần 1: gồm các câu 1-6: là lời tuyên xưng niềm tin chống lại các thần ngoại bang.

– Phần 2: gồm các câu 7-11 diễn tả niềm hân hoan và tin tưởng là kết quả của lòng tin.

Phần một

Khi đọc lại phần một của thánh vịnh, chúng ta vấp phải ngay một khó khăn trong vấn đề dịch thuật, nhưng phải cố gắng vượt qua để có thể làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của toàn thánh vịnh.

Sau lời kêu cầu ban đầu: “Lạy Chúa Trời….ẩn náu”, ta gặp thấy một lời  tuyên xưng niềm tin có tính tích cực: “Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ”. Nhưng sau đó nếu đọc bản gốc bằng tiếng Do thái ta lại thấy những lời lẽ có phần nào ẩn ý, khó hiểu, tỷ như: “Những vị thánh nhân, những vị đã sống ở trần gian này, tất cả những vị ấy là những vị có quyền thế, nơi các vị ấy, con tìm được niềm hoan lạc” (chú thích của bản dịch Thánh Kinh Giêrusalem), hoặc lại dịch là: “Các thần thánh của xứ này, những thần linh con vốn sùng mộ” (theo chú thích của TOB).

Những vị thần thánh này là ai, và có liên hệ gì với chư vị thần ngoại đã được nêu ở câu 4? Trong thực tế, theo kiểu nói của người Do thái, “Những thần ngoại xứ này”, chắc chắn phải hiểu là những ngẫu thần được thờ rải rác trong đất Canaan; những vị này thường hay khuấy khuất khiến người ta phải sợ sệt mà thờ cúng, và họ cũng được coi như  có một chút linh thiêng nào đó.

Thế nên ở câu 3, tác giả thánh vịnh có lẽ đã phải thú nhận rằng: trong cuộc sống riêng tư của mình, Thiên Chúa không phải lúc nào cũng được ông phụng thờ triệt để, và coi Ngài như hạnh phúc duy nhất, nhưng có lúc ông đã để mình bị cám dỗ chạy theo việc tôn thờ các ngẫu tượng của dân ngoại. Vì thế phải dịch cho đúng là: “Còn các thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con coi là quyền thế và sùng mộ, thì nay họ chẳng còn là gì nữa.”

Một kiểu dịch khác bằng ngôn ngữ bình dân như sau: “Trước đây, con đã phụng thờ những thần linh của xứ sở này, con đã đặt niềm tin tưởng vào thế lực của họ.”

Vậy nếu chúng ta chấp nhận cách xếp đặt câu lại như trên (bản gốc bằng tiếng do thái rất khó hiểu và đã được lưu truyền từ đời nọ đến đời kia với ít nhiều sai sót về mặt chữ viết) thì cấu trúc của phần một sẽ rất sáng sủa.

Phần một này mở đầu bằng một lời khẳng định cương quyết thưa “vâng” với Chúa mà ta có thể dịch như sau: “Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?” Rồi sau đó là lời đối nghịch lại bằng tiếng “không”, không theo các thần ngoại mà trước đây tác giả thánh vịnh đã ít nhiều sùng mộ. Trong phần này, tác giả cũng khẳng định rằng ông đã thôi không còn tôn kính các vị thần ấy nữa, ông sẽ không còn giết con vật để lấy máu tế thần và môi miệng ông sẽ không còn tụng niệm tên  của thần nữa.    

             

Các bạn thấy đó, lời tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng duy nhất được nói trước, rồi theo sau đó là lời bày tỏ công khai và mạnh mẽ chống lại các chư thần ngoại: “xin tuân” theo Chúa và “phản đối” chư thần; cuối cùng ở những câu 5-6, lại một lời khẳng định khác được thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con.”

Vẫn trong phần một này, ta hãy nhìn gần hơn nữa vào những hình ảnh được dùng để mô tả Thiên Chúa: đối với tác giả thánh vịnh, thì Thiên Chúa là tất cả, là phần tuyệt hảo, là sản nghiệp của ông.

Tất cả những hình ảnh ấy đều không được phản ánh đúng trong bản dịch, bởi lẽ đó là những hình ảnh mang tính biểu tượng liên hệ tới việc sở hữu đất đai.

Hình ảnh một là hình ảnh về phần sản nghiệp được hưởng, hình ảnh hai là về các chén, chén rượu đang sủi bọt lấp lánh hoặc chén đựng những lá số mà người ta sẽ rút thăm xem ai sẽ trúng được phần đất nào đó của gia tài chung; hình ảnh ba là về số mạng: kiểu nói “Chính Ngài bảo đảm cho con được vé trúng” dịch một kiểu nói do thái cụ thể hơn: “Số mạng con, chính Ngài nắm giữ”. Còn nếu dịch là: “Lạy Chúa, đây là những con xúc xắc, mà chính Ngài sẽ gieo con quyết định vận mạng của con” thiết tưởng còn chính xác hơn nữa (vì ám chỉ kiểu bắt thăm xem ai trúng được những phần ruộng đã phân chia). Ta còn gặp một hình ảnh khác về đồng ruộng ở câu 6 : “Dây đã được giăng ra làm dấu chỉ cho tôi được hưởng một lô đất tuyệt hảo”; trong bản tiếng Do thái, câu này gợi nhớ những “dây thừng” là đơn vị đo lường để lượng giá khu đất mỗi người đã trúng số và được thừa hưởng: đối với tác giả của thánh vịnh, những dây này đã đo cho ông được một thửa đất mà ông rất ưng ý: “Vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn”.

Với những hình ảnh về một sản nghiệp là đất đai đồng ruộng này, các câu 5-6 muốn diễn tả đó là hình bóng của một gia nghiệp thiêng liêng. Nói cách khác, kẻ nào chọn Chúa là đã chọn cho mình phần tuyệt hảo, đúng như lời Chúa Giêsu đã phán với Maria làng Bêthania: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42). Trước mắt ta lúc này, là hình ảnh một người đang tuyên xưng niềm tin cậy tuyệt đối vào Chúa, sau khi đã quay lưng lại với các ngẫu thần, cùng từ bỏ những của cải trần gian, thì cảm thấy mình được thông phần sự sống của Chúa, được hưởng Đất Hứa, đất của Thiên Chúa. Chính con người ấy đang cất lên lời hoan hô vui sướng: “Chỉ Chúa thôi là đủ!”.  


[1]Chuyển ý từ Carlo Maria Martini, “Le désir de Dieu, Prier les psaumes”, Cerf, Paris, 2004. Nhóm dịch thuật.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*