
“Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo.
Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời.
Xướng: 1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.
Ðáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời.
2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời.
3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.
Ðáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời.
Bài Ðọc II: Kh 21, 1-5a
“Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ”.
Bài trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: “Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi”. Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự”.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 13, 31-33a. 34-35
“Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.
“Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.
Ðó là lời Chúa.
BÀI 1: HÃY YÊU MẾN NHAU
Suy Niệm
Khi Giuđa bỏ phòng tiệc đi ra thì trời đã tối (Ga 13,30).
Trong phòng chỉ còn Đức Giêsu và các môn đệ.
Ngài gọi họ là “những người con bé nhỏ” (Ga 13,33).
Đức Giêsu biết đã đến giờ Ngài về với Chúa Cha,
giờ Ngài tôn vinh Cha bằng cái chết trên thập giá.
Nhưng đây cũng là giờ Cha tôn vinh Ngài,
cho Ngài được phục sinh và đưa vào vinh quang.
Khi biết mình sắp chia tay các môn đệ
Đức Giêsu muốn để lại cho họ những điều tâm huyết.
Ngài lo cho sự sống của nhóm môn đệ Ngài yêu.
Ngài nói: “Như Thầy đã yêu mến anh em,
anh em hãy yêu mến nhau” (Ga 13,34).
Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến tình bạn nơi họ.
Yêu mến nhau trở nên điều răn mới.
Mới vì đây là điều răn tình yêu giữa các môn đệ,
chứ không phải giữa những người thân cận hay kẻ thù.
Mới vì Đức Giêsu đòi môn đệ phải yêu nhau
theo mẫu gương của Thầy, yêu như Thầy đã yêu.
Không phải là yêu người thân cận như yêu chính mình,
nhưng phải yêu như chính Thầy đã yêu (x. Lv 19,18).
Trong bầu khí của cuộc chia ly,
Đức Giêsu đã yêu các môn đệ đến cùng (Ga 13,1).
Đến cùng cả trong cường độ lẫn thời gian.
Ngài yêu họ ở mức độ cao nhất:
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu
của người hiến mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).
Tình yêu này được tỏ bày trên thập giá.
Tình yêu hy hiến sẽ kéo dài đến vĩnh cửu.
Cộng đoàn các môn đệ là cộng đoàn của tình yêu (agapê).
Tình yêu ấy bắt nguồn từ tình yêu Thầy Giêsu dành cho họ.
Tình yêu là nét đặc trưng của nhóm môn đệ.
Chỉ cần thấy anh em yêu mến nhau
người ta biết anh em là môn đệ của Thầy (Ga 13,35).
Trong một thế giới còn nhiều hận thù tranh chấp,
tình yêu giữa các môn đệ nổi bật như một điểm sáng.
Khi thấy hình ảnh môn đệ yêu thương nhau,
người ta sẽ nhận ra chính Chúa.
Tình yêu được thể hiện bằng hành động phục vụ.
Cộng đoàn yêu nhau là cộng đoàn phục vụ nhau.
Thầy Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các ông và cho Giuđa.
Ngài nói: “Như Thầy đã làm cho anh em,
anh em cũng hãy làm như vậy…
Anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13,14-15).
Cộng đoàn yêu thương nhau là cộng đoàn hiệp nhất.
Có nhiều đe dọa sẽ xảy đến cho đàn chiên,
nhưng Đức Giêsu đặc biệt xin Cha cho họ ơn hiệp nhất.
Ngài xin Cha cho các môn đệ nên một, nhờ đó
“thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con” (Ga 17,23).
Yêu thương, phục vụ và hiệp nhất trong cộng đoàn tín hữu
là điều quan trọng, làm cho lời giảng trở nên đáng tin.
Đời thường của người kitô hữu có tính truyền giáo.
Chính đời sống trong nhóm, trong gia đình hay giáo xứ
lại là những dấu hiệu loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu.
Người ta nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa
không chỉ nhờ đeo thánh giá hay làm dấu trước khi ăn,
hay qua những sinh hoạt hoành tráng bên ngoài,
nhưng nhờ những dấu hiệu nhỏ bé của yêu thương.
Làm sao chúng ta tìm ra những cách thức mới
hấp dẫn hơn, để người ta dễ nhận ra Chúa hơn.
Hiệp hành là con đường Giáo Hội hôm nay phải đi
để cho thế giới thấy khuôn mặt của Chúa.
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,
xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.
Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,
xin được sống chân thật đơn sơ.
Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,
xin được sống hồn nhiên thanh khiết.
Giữa một thế giới thù hận dửng dưng,
xin được chia sẻ yêu thương và hy vọng.
Lạy Chúa Giêsu mến thương,
xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.
Xin giúp chúng con tìm ra những cách thức mới
để người ta tin và yêu Chúa hơn.
Ước gì hơn hai tỉ Kitô hữu
giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,
để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,
và cho trần gian này trở thành tấm bánh thơm ngon.
Chỉ mong Thiên Chúa Cha được tôn vinh
qua những việc tốt đẹp chúng con làm
cho những người bé nhỏ.
BÀI 2: ĐIỀU RĂN MỚI
Suy Niệm
GANDHI được coi là bậc đại thánh của dân Ấn Ðộ.
Ông say mê Kinh Thánh, nhất là bài giảng trên núi.
Ông nghĩ rằng Kitô giáo sẽ là câu trả lời thích đáng
cho những xung đột giữa các giai cấp ở Ấn.
Một ngày nọ ông đến dự lễ tại một nhà thờ.
Nhưng người giữ cửa ngăn ông lại, và bảo ông
nên đến dự lễ ở một nhà thờ khác dành cho người da đen.
Ông đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.
Có thể chúng ta đã mất một Kitô hữu tốt như Gandhi
chỉ vì có sự phân biệt màu da nơi nhà thờ.
Biết đâu thế giới này lại chẳng có nhiều Gandhi,
họ sống tinh thần Ðức Kitô còn hơn cả các Kitô hữu.
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới:
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Lời trăn trối của Ðức Giêsu vẫn làm chúng ta nhức nhối.
Ở đây Ngài không nhắc chúng ta yêu thương người ngoài,
nhưng Ngài đòi buộc các môn đệ Ngài yêu thương nhau.
Yêu thương nhau trở thành điều răn mới,
mới vì Ngài đòi họ phải yêu nhau như Ngài đã yêu họ.
Vấn đề cốt lõi là cảm nhận được tình yêu của Ngài.
Trước khi công bố điều răn mới này,
Ðức Giêsu đã rửa chân cho môn đệ, trong đó có Giuđa.
Ngài cúi xuống bên chân Giuđa để bày tỏ một tình yêu.
Sau đó Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa
như đưa ra một vẫy gọi thân thương cuối cùng. (x. Ga 13,26)
Nhưng vô ích, Giuđa không đổi ý.
Anh vẫn ra đi để làm điều mình muốn (x. Ga 13,31)
Ðức Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình.
Ngài sẽ yêu đến cùng bằng việc hiến mạng trên thập giá.
Ðức Giêsu đã yêu trước khi truyền cho ta yêu nhau.
Nếu ta không cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho ta,
thì ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn.
Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu:
đeo thánh giá nơi cổ, làm dấu thánh giá trước khi ăn…
Nhưng theo Ðức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của nhóm môn đệ
là tình yêu thương mà họ dành cho nhau:
cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại…
Giữa các môn đệ, có bao dị biệt, bao hàng rào.
Nếu không vượt qua được những hàng rào dị biệt này
thì coi như việc truyền giáo bị đổ vỡ.
Tiếc thay, vẫn chưa có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu
khác màu da, khác văn hoá, khác quan điểm chính trị…
Có bất đồng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở Nga,
giữa người Công Giáo và người Tin Lành ở Bắc Ailen.
Ðến bao giờ mọi Kitô hữu có thể đọc chung kinh Lạy Cha,
mừng chung với nhau lễ Phục Sinh trong một ngày,
cử hành chung với nhau một phụng vụ.
Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu.
Ước gì thế giới Kitô trở thành một ốc đảo xanh tươi
mời mọi người đặt chân tới.
Gợi Ý Chia Sẻ
1) Theo bạn, thế nào là một tập thể có tình yêu thương lẫn nhau? Có những dấu hiệu nào để nhận ra tình yêu thương đó?
2) Bạn thấy nhóm của bạn, giáo xứ của bạn, cộng đoàn của bạn có làm chứng đủ về tình yêu thương nhau trước mặt mọi người chưa?
Cầu Nguyện
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng và thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Để lại một phản hồi