Trong dịp rất đặc biệt này, ĐHY đã chia sẻ về ơn gọi linh mục của ngài như sau:
Theo lời yêu cầu của một số anh em linh mục, tôi xin kể lại giai đoạn đầy gian nan trước khi làm linh mục.
Lúc tôi mới được 5 tuổi – tức năm 1939 – Cha Trương Bửu Diệp tới nhà tôi dùng cơm, và bảo cha mẹ tôi cho tôi vào nội trú trường Taberd. Tôi đến Taberd học lúc 6 tuổi. Theo lời khuyên của Cha Trương Bửu Diệp, cha mẹ tôi cho tôi đi tu làm linh mục. Nên vào năm 1944 – lúc 10 tuổi – tôi được vào Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng.
Thế nhưng, khi tôi vào Tiểu Chủng viện được 1 năm thì do chiến tranh, Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng bị đốt. Tôi phải về nhà bán bánh giúp gia đình sinh sống. Sau 2 năm, các Cha Thừa Sai gọi tôi đi học lại ở Tiểu Chủng Viện Nam Vang. Tiểu Chủng Viện này mới thành lập, nhiều tháng đầu không có giường. Nằm trên sàn nhà có nhiều rệp, tôi phải leo lên kèo trên trần nhà để ngủ trong nhiều tháng cho đến khi có giường.
Sau 9 năm theo học ở TCV Nam Vang, vào năm 1955, tôi lên học ở Đại Chủng viện Sài Gòn. Học xong 2 năm Triết, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi buộc phải nghỉ học, về nhà dạy học 4 năm để giúp các em ăn học. Sau đó trở lại học 4 năm Thần học ở Đại Chủng viện Sài Gòn.
Có lẽ nhờ lời cầu bầu của Cha Trương Bửu Diệp, vào tuổi 31 (năm 1965), tôi đã được Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang phong chức Linh mục.
Năm 1968, Đức Cha Giacôbê gởi tôi đi du học tại Hoa Kỳ. Năm 1971 tôi lấy bằng Cao Học về Quản Trị Giáo Dục. Sau đó về giúp dạy học ở TCV Cần Thơ, rồi lập Đại Chủng viện Thánh Quý Giáo phận Cần Thơ, và lãnh trách nhiệm ban giám đốc cho đến năm 1993, tức năm 59 tuổi, thì được Vatican đề cử đi làm Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho.
Đến năm 1998 – lúc 69 tuổi – tôi được đề cử làm Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Sài Gòn. Năm 2003, Vatican đặt tôi làm Hồng Y. Vào năm 2014 – sau 16 năm làm Tổng Giám Mục Sài Gòn – tôi được Vatican cho nghỉ hưu.
Tạ ơn Chúa ban cho tôi 52 năm sống đời Linh mục. Dưới ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an của Lời Chúa, thời gian hồng ân đó đã trở thành 52 năm chu toàn bổn phận làm người. Bổn phận làm người bao gồm 4 việc chính:
– Tu thân, là bổn phận đối với Chúa;
– Tề gia, là bổn phận đối với gia đình;
– Trị quốc, là bổn phận đối với đất nước;
– Bình thiên hạ, là bổn phận đối với xã hội loài người.
1. Bổn phận đối với Chúa
Bổn phận này đòi hỏi tu thân, bước theo Chúa trên con đường tình yêu cứu độ, gồm 4 bước: là tình yêu hòa nhập (5 Sự Vui), tình yêu phục vụ (5 Sự Sáng), tình yêu hy sinh (5 Sự Thương), tình yêu đổi mới (5 Sự Mừng).
2. Bổn phận đối với gia đình
Bổn phận đối với gia đình, cũng là bổn phận đối với cộng đoàn, đòi hỏi việc tề gia: xây dựng gia đình thành cộng đoàn an lành, thành tế bào lành mạnh của xã hội.
3. Bổn phận đối với đất nước
Bổn phận này đòi hỏi đồng hành với mọi người, đi đến sự sống dồi dào, xứng hợp với phẩm giá làm người, giúp cho con người có lòng tự trọng và trung thực, phát huy tình liên đới trong xã hội, mở đường cùng nhau đi đến bình thiên hạ.
4. Bổn phận đối với xã hội loài người
Muốn đem lại bình an cho mọi người liên hệ, việc thi hành bổn phận đối với Chúa, với gia đình, với xã hội phải mang tính thiên thời, địa lợi, nhân hòa, và việc chu toàn bổn phận phải qua con đường đối thoại mọi nơi mọi lúc, với hết mọi người:
a. Thiên thời là thuận ý Trời. Địa lợi là lợi cho nền văn hóa dân tộc. Nhân hòa là hợp với lòng nhân.
b. Muốn được như thế phải biết đối thoại. Một mặt, đối thoại cần phải tránh thái độ đối kháng và đối đầu. Mặt khác, đối thoại đòi hỏi phải có cùng với thái độ kiên nhẫn và bình tâm mọi nơi mọi lúc, là thái độ yêu thương và bình an đối với hết mọi người, không loại trừ phe phái nào.
ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn