01.11.19
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Các Thánh Nam Nữ
Mt 5,1-12
KHÁT KHAO NÊN CÔNG CHÍNH
“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.” (Mt 5,6)
Suy niệm: Trong Tin Mừng Mát-thêu, người “công chính” không chỉ là người chu toàn thật tốt mọi điều luật. Trong hàng ngũ những người được gọi là “có phúc” trong Tám Mối Phúc, thì người “công chính” đồng nhất với “con cái Chúa”, những người được thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời. Như thế, “công chính” là hoàn toàn sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, luôn tìm kiếm thánh ý Chúa và sẵn sàng thực thi Lời Chúa. Thánh cả Giu-se, cha nuôi của Đức Giê-su được gọi là người công chính, (x. Mt 1,19), người luôn sẵn sàng “làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1,24), ngài báo trước Đấng là khuôn mẫu cho sự “công chính trọn hảo” là Đức Giê-su Ki-tô. Do vậy, khát khao nên “người công chính” là khát khao “nên giống Đức Ki-tô” đến độ có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Mời Bạn: Các thánh là những người không chỉ làm đầy đủ những điều luật buộc mà là những người đi trọn con đường “Tám Mối Phúc”. Mời bạn tiếp bước trên con đường mà các thánh đã đi qua, là con đường luôn khát khao sự công chính trọn hảo đó.
Sống Lời Chúa: Chúa Giê-su mở cho bạn nhiều con đường hạnh phúc rất gần gũi với đời sống bạn: đơn sơ, hiền lành, thương xót, trong sạch, hiếu hòa, nhẫn nại… Mời bạn nỗ lực thực hành bước đi để trở nên “công chính” mỗi ngày.
Cầu nguyện: Đọc Thánh vịnh 42: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.” (Tv 42,2-3)
02.11.19
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 30 TN
Các Đẳng Linh Hồn
Ga 6,37-40
NIỀM HY VỌNG ĐƯỢC PHỤC SINH
“Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40b)
Suy niệm: Chúng ta đều biết sự chết là một định mệnh của đời người. Cái chết vẫn diễn ra hàng ngày trước mặt chúng ta nơi những người thân yêu cũng như kẻ xa lạ. Loài người chúng ta, ai cũng sợ cái ngày định mệnh của mình. Nhưng giáo lý Ki-tô giáo và niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sinh đã mang lại cho chúng ta một cái nhìn mới về sự chết, mang lại cho chúng ta niềm hy vọng vào sự sống đời sau: chết là cửa ngõ để bước vào đời sống mới với Thiên Chúa và chết là một sự thay đổi đời sống để được hưởng ơn cứu độ Chúa ban nhờ công nghiệp của Đức Ki-tô. Chìa khóa để bước vào cánh cửa đi vào nhà Chúa chính là ĐỨC TIN vào Chúa Ki-tô. Các tín hữu đã qua đời là những người đã tin vào Chúa Ki-tô khi còn sống; thì hôm nay, chúng ta xin trao phó các linh hồn thân yêu của chúng ta cho lòng thương xót của Ngài.
Mời Bạn: Tin tưởng vào lời của Chúa Giê-su, chúng ta tha thiết nguyện cầu và phó thác linh hồn những người thân yêu của chúng ta cho Thiên Chúa. Xin Ngài tha tội và dẫn đưa các linh hồn về tới chốn trường sinh.
Chia sẻ: Bạn đã chuẩn bị hành trang nào để đi về nhà Chúa trong ngày sau hết của mình?
Sống Lời Chúa: Ai cũng có ngày sẽ phải chết; thế nên, công việc chuẩn bị cho ngày tận cùng đời mình thật cần thiết. Và Tin Mừng vẫn nhắc nhở chúng ta là phải luôn tỉnh thức, biết cầm đèn sáng trong tay để sẵn sàng ra đón Chúa trong ngày sau hết đời mình.
Cầu nguyện: Đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Tin Kính cầu nguyện cho các linh hồn.
03.11.19
CHÚA NHẬT TUẦN 31 TN – C
Lc 19,1-10
DA-KÊU, LÙN MÀ CAO
“Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.” (Lc 19,6)
Suy niệm: Ông Da-kêu: Tiền bạc, thế lực, ông không thiếu. Nhưng ông lại thiếu thước. Với tầm thước đó, ông càng trở nên trò đàm tiếu khi ông vắt vẻo trên cành cây sung trước mắt mọi người. Hẳn ông là người hâm mộ Đức Giê-su, nên, mặc kệ tất cả, ông vẫn ở trên đó, chờ đợi Ngài đi ngang qua. Chỉ để được nhìn thấy ngài, dù chỉ là trong thoáng chốc. Thế nhưng từ lúc ông leo lên cây sung, ông đã lên tới một tầm cao hơn hẳn mọi người. Nhờ đó ông có một tầm nhìn xa hơn, rộng hơn. Ông có thể được nhìn thấy Đức Giê-su. Vậy mà chưa kịp nói gì hay làm gì thì Đức Giê-su đã đứng dưới gốc cây gọi ông xuống. Ông “tụt” xuống cách mau lẹ. Và khi nghe Đức Giê-su ngỏ lời ở lại nhà ông, ông đã thưa với Chúa: Một nửa tài sản, ông chia cho người nghèo; và nếu có làm thiệt hại của ai cái gì, ông sẽ đền gấp bốn. Tuy ông vẫn thấp lùn về thể lý, nhưng ông đã cao hơn vạn người. Cao hơn từ lúc ông biết “đón đầu” Đức Giê-su; cao hơn từ lúc ông ý thức chia sẻ cho người nghèo; cao hơn vì ý thức được Thiên Chúa thực sự đang ngự trong ngôi nhà của ông, trong tâm hồn ông.
Mời Bạn: Có bao giờ bạn mặc cảm tự ti vì mình có chiều cao khiêm tốn? Vì nước da không trắng như bạn bè? Vì không giỏi giang như người khác hoặc yếu kém về điều gì đó? Vì sao bạn không để Chúa Giêsu đi vào nhà bạn như Da-kêu? Có Chúa, bạn xoá bỏ được mọi mặc cảm tự ti mà chỉ ngập tràn yêu và thương.
Sống Lời Chúa: Hãy đến với Chúa và đi ra phục vụ tha nhân bằng chính những khả năng mà Chúa ban cho bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn tìm ra lối đi tìm gặp Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Amen.
04.11.19
THỨ HAI TUẦN 31 TN
Thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô, giám mục
Lc 14,12-14
NỚI RỘNG VÒNG TAY
“Hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ…” (Lc 14,14)
Suy niệm: Tính toán hơn thiệt về tiền của công sức mình bỏ ra là việc thường tình. Tuy nhiên nếu chỉ nghĩ đến cái lợi của mình mà quên quyền lợi tha nhân thì là người ích kỷ. Khi thấy người ta mời dùng bữa chỉ mời những người thân quen hay giàu có, Chúa Giê-su muốn họ mời những người nghèo khổ, đui mù, què quặt… Những khách mời ‘bất đắc dĩ’ này gây phiền hà, xấu hổ, không có khả năng đáp lễ, nhưng Chúa Cha trên trời sẽ hậu tạ cho lời mời vô vị lợi của họ. Chúa mời gọi chúng ta mở rộng vòng tay thân ái cho những người thấp hèn bé nhỏ, những người dễ bị tổn thương vì bị bỏ rơi trong cộng đồng.
Mời Bạn: Bên bàn tiệc xã hội hôm qua cũng như hôm nay, kẻ giàu sang được đãi ngộ biết bao của ngon vật lạ, còn người nghèo đứng xa nhìn thèm thuồng! Các cơ hội để thăng tiến không mở ra cách bình đẳng cho tất cả mọi người. Người nghèo là nạn nhân của những đối xử bất công. Ngay cả những gì họ được quyền hưởng cách chính đáng (như nước sạch, không khí trong lành,…) cũng bị lấy mất đi. Người ta đối xử nhau với thái độ loại trừ, kỳ thị dưới nhiều hình thức. Yêu thương người nghèo trước tiên là tôn trọng quyền lợi và trên hết, tôn trọng phẩm giá của họ.
Sống Lời Chúa: Quan tâm đến người bị bỏ rơi, thấp cổ bé miệng trong cộng đoàn. Biết chăm sóc, chia sẻ những phúc lợi mình hưởng được cho những người gặp phải hoàn cảnh kém may mắn hơn.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng Chúa trong mọi người chẳng trừ ai.” (Kinh Hòa Bình)
05.11.19
THỨ BA TUẦN 31 TN
Lc 14,15-24
ĐÂU LÀ PHÚC THẬT?
“Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.” (Lc 14,15)
Suy niệm: Ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa là “phúc”. Thế nhưng không phải ai cũng muốn. Cha Anthony de Mello nói: Người ta đi TÌM hạnh phúc, nhưng không MUỐN hạnh phúc. Cũng giống như, người ta tìm kiếm, muốn biết Sự Thật nhưng lại không muốn sống theo Sự Thật. Qua dụ ngôn “Khách được mời dự tiệc cưới xin kiếu” Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người. Ngài bày tỏ tình yêu – bằng hình ảnh Ngài mở tiệc lớn – Ngài muốn mọi người ở lại trong tình thương của Ngài. Thế nhưng, con người đã từ chối – xin kiếu. Con người chỉ muốn quan tâm những việc thế gian: mua bán đất đai, mua trâu bán bò, hay dựng vợ gả chồng. Tuy vậy, Thiên Chúa không từ bỏ ý định yêu thương. Thiên Chúa vẫn không ngừng mời gọi và đợi chờ con người đáp trả. Và nếu cánh cửa phòng tiệc có đóng lại thì không phải Thiên Chúa loại trừ họ mà vì họ vẫn hờ hững, chối từ lời mời gọi của Ngài: “Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.”
Mời Bạn: Người ta nói rằng, quãng đường dài nhất là từ đầu đến tay – điều tốt mình muốn làm, nhưng lại không làm. Cũng thế, chúng ta tin Chúa, nhưng chúng ta không tương quan tình bạn thân thiết với Chúa, yêu Chúa. Chúng ta vẫn thích thân thiết với vật chất trần gian. Điều đó có đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật không?
Sống Lời Chúa: Thánh lễ là bữa tiệc Chúa mời bạn. Bạn đáp lại lời ấy bằng việc sốt sắng tham dự.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con được phúc dự tiệc trong Nước Chúa. Xin cho con biết mau mắn sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa. Amen.
06.11.19
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 14,25-33
DÁM TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA
Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. (Lc 14,25)
Suy niệm: “Có rất đông người cùng đi với Đức Giê-su” trên con đường lên Giê-ru-sa-lem này. Nhưng “đồng sàng dị mộng”, cùng đi đường nhưng mỗi người đeo đuổi một mục đích; nhưng liệu có mấy ai cùng một suy nghĩ như Chúa “quả quyết” lên Đền Thánh để “hoàn tất công cuộc cứu thế” tại đó? Quả thật cũng có rất đông người tại dinh Phi-la-tô buổi sáng ngày thứ Sáu hôm đó la ó đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Phúc Âm thánh Gio-an cho biết số người “đứng gần thập giá Đức Giê-su”, đếm chưa hết mười đầu ngón tay (Ga 19,25-26). Để cảnh tỉnh đám đông đang đi theo Ngài, Chúa Giê-su cho biết những đòi hỏi gắt gao: Theo Chúa không phải hùa theo phong trào của số đông, cũng không phải để theo đuổi những mục đích thế tục; trái lại là dám từ bỏ đến cả mạng sống, và dám hy sinh vác cả thập giá để đi theo Ngài.
Mời Bạn: Đi lễ, đọc kinh trong một xứ đạo đông đúc, toàn tòng xem ra dễ dàng hơn khi bạn sống giữa một môi trường đại đa số là lương dân, hoặc tệ hơn nữa trong bầu khí không thiện cảm với đạo Chúa. Chúa mời gọi bạn dám sống trung thực khi rất đông người quanh bạn gian lận, dối trá. Chúa mời gọi bạn dám tôn trọng bảo vệ sự sống bằng mọi giá trong một môi trường xã hội đang tạo điều kiện quá dễ dàng cho việc huỷ diệt thai nhi. Chúa mời gọi bạn dám sống ngay chính khiết tịnh khi chung quanh bạn biết bao cám dỗ sống buông thả theo dục vọng đam mê.
Sống Lời Chúa: Dù làm bất kỳ việc gì, bạn cũng thể hiện tinh thần Tin Mừng, thực thi Tám Mối Phúc qua việc đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa là đèn soi bước chân con. Xin cho con luôn sẵn sàng bước đi theo đường lối Chúa.
07.11.19
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 15,1-10
CHÚA GIÊ-SU YÊU NGƯỜI CÓ TỘI
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” (Lc 15,2)
Suy niệm: Một người tù được trở về xã hội đến xin việc tại công ty bạn, bạn đón tiếp thế nào? Một cô gái điếm đến gặp bạn, bạn phản ứng ra sao? Hẳn là với ít nhiều dè dặt, e ngại. Còn Đức Giê-su, Ngài đón tiếp và ăn uống với người tội lỗi. Về phía người thu thuế và tội lỗi, họ thường lui tới với Đức Giê-su. Điều này quả làm cho chúng ta ngạc nhiên và cảm mến Đức Giê-su: bởi vì Ngài yêu thương những người tội lỗi. Đức Giê-su cùng ăn uống và kể chuyện cho họ nghe. Kể dụ ngôn “con chiên bị lạc mất”, Đức Giê-su mặc khải một niềm vui lớn lao: Ngài đi tìm con chiên lạc là mỗi chúng ta; Ngài mừng rỡ vác lên vai và cả triều thần thánh trên trời “vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.
Mời Bạn: Có những lúc, chúng ta thấy nhiều người làm điều xấu và sự dữ dường như lan tràn khắp nơi, khiến chúng ta sợ hãi, thất vọng, bi quan về xã hội, cuộc đời. Rồi câu hỏi đặt ra: trong xã hội, giữa thiện và ác, cái nào chiến thắng? Lời Chúa Giê-su phán với thánh Phê-rô: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Vì thế, niềm tin chúng ta vào chiến thắng của Chúa Giê-su, chúng ta dấn thân đem sự thánh thiện và tình thương của Chúa vào thế giới, bằng cách: chúng ta hãy sống yêu thương, chan hòa với mọi người, không phân biệt kỳ thị lương giáo, hoặc nhóm này nhóm kia.
Sống Lời Chúa: Trong những giao tiếp hằng ngày, hãy trao cho nhau những lời nói yêu thương, hoà nhã, tích cực.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn yêu thương người tội lỗi. Xin cho con biết sống yêu thương với anh em con.
08.11.19
THỨ SÁU TUẦN 31 TN
Lc 16,1-8
MƯU ÍCH CHO THA NHÂN
“Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16,8b)
Suy niệm: Chắc hẳn nhiều người cảm thấy khó hiểu khi Chúa khen người quản gia ấy là khôn khéo. Phải chăng trong dụ ngôn, Chúa đã không gọi tên quản gia đó là bất lương đấy ư? Chúa khen y khôn khéo là ở chỗ y đã biết nghĩ đến và chuẩn bị cho tương lai của mình. Những người con cái Chúa, là “con cái sự sáng” cần phải đặt mục tiêu không phải ở đời này mà là cuộc sống vĩnh cửu mai sau, và dùng những phương thế đời này, không phải một cách bất chính, nhưng với lòng trung tín và để phục vụ mưu ích cho tha nhân. Tiền của đời này là “tiền của bất chính” – vì chúng chỉ là tạm bợ – nhưng vấn đề là chúng ta sử dụng chúng thế nào để có thể đạt tới “nơi ở vĩnh cửu” mai sau.
Mời Bạn: Chúa mong muốn con cái sự sáng cũng biết sử dụng của cải đời này cách khôn ngoan bằng cách đầu tư vào Nước Trời. Cách đầu tư đúng đắn là biết chia sẻ và cho đi ngõ hầu mưu lợi ích và hạnh phúc tốt nhất cho anh chị em đồng loại để mọi người đều được hưởng niềm vui vĩnh cửu.
Chia sẻ: Những gì bạn đang được hưởng (sức khỏe, khả năng, của cải…), tất cả đều là nén bạc Chúa giao phó. Bạn hãy chia sẻ những gì mình đang có cho những ai đang cần cái họ còn thiếu.
Sống Lời Chúa: Sống niềm vui của sứ điệp ‘Cho thì có phúc hơn là nhận’ (Cv 20,30).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã hiến thân chịu chết trên thập giá để chúng con được thừa hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp. Xin cho con biết luôn chia sẻ những gì con đang có, để anh chị em con cũng được hưởng những gì con đang được hưởng. Amen.
09.11.19
THỨ BẢY TUẦN 31 TN
Cung Hiến Thánh Đường La-tê-ra-nô
Ga 2,13-22
THÁNH HIẾN ĐỀN THỜ
Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2,16)
Suy niệm: Đền thờ là nơi thờ phượng, tôn kính Thiên Chúa. Thế nhưng giờ đây đã bị tục hoá, bị xúc phạm vì cảnh tượng đảo điên, nhếch nhác của việc mua bán chiên bò, bồ câu, đổi tiền, v.v… Chúa Giê-su đã phản ứng hết sức mạnh mẽ để bảo vệ sự thiêng thánh, tinh tuyền của Đền Thờ, là “Nhà của Cha Ngài,” là nơi cầu nguyện, chứ không phải là “chỗ buôn bán” hay là “sào huyệt của bọn cướp” (Mc 11,17). Làm như thế, Ngài khẳng định Đền Thờ vật chất này là dấu chỉ một Đền Thờ đích thực “sẽ bị phá huỷ đi và nội trong ba ngày sẽ xây dựng lại”, đó là chính Thân Thể Ngài, tuyệt đối tinh tuyền thánh thiêng, là nơi Thiên Chúa hằng hiện diện.
Mời Bạn: Tâm hồn chúng ta nhờ Bí tích Rửa Tội cũng trở nên ngôi đền thờ thiêng liêng, nơi Chúa ngự trị. Chúng ta đừng để vì bận tâm đến những ngôi đền thờ vật chất to lớn lộng lẫy huy hoàng mà quên tô điểm cho ngôi đền thờ tâm hồn được tẩy sạch mọi tội lỗi và tính hư nết xấu để luôn tinh tuyền thánh thiện và thấm đầy lòng yêu mến chân thành. Chúa đâu cần những lễ vật bồ câu, chiên bò béo tốt nhưng Ngài muốn chúng ta hiến dâng lên Ngài tấm lòng chân thành, mến yêu và phó thác để Ngài thánh hoá nên ngôi đền thờ thiêng liêng nơi Ngài ngự trị.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên dọn sạch đền thờ tâm hồn bạn qua Bí tích Hòa Giải để luôn xứng đáng là Đền thờ thanh sạch của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho đền thờ tâm hồn con luôn tinh tuyền xứng đáng là nơi thánh để Chúa ngự trị. Amen.
10.11.19
CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – C
Lc 20,27-38
CHO MỘT CUỘC SỐNG MAI SAU
“Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng… Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,34-35)
Suy niệm: Cưới vợ lấy chồng là việc bình thường và còn là nghĩa vụ của con người sống trong cõi đời này. Còn trong cõi vĩnh hằng, khi con người sống lại từ cõi chết, người ta sống như các thiên thần (x. Lc 20,36), chuyện vợ chồng không còn cần thiết nữa. Như thế, người sống bậc độc thân cũng như bậc gia đình, có thể và có bổn phận theo cách thế của mình, sống cuộc sống đời này để làm chứng cho một cuộc sống mai sau. Người sống bậc độc thân tiên báo cuộc sống hoàn toàn siêu thoát mọi ràng buộc đời tạm này để có thể yêu thương một cách không giới hạn. Người sống đời đôi bạn làm chứng cho tình yêu hoàn hảo và vĩnh cửu là tình yêu của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh.
Mời Bạn: 1. Loại trừ mọi quan niệm lệch lạc: – cho rằng tu là chán đời, trốn đời, là “một thứ cung đàn lạc điệu”; – cho rằng đời sống vợ chồng là tội lỗi, thua kém so với đời tu. 2. Xác tín rằng mọi người, tu trì hay hôn nhân đều phải sống để làm chứng cho một cuộc sống mai sau.
Sống Lời Chúa: – Nếu còn “thong dong” (chưa kết hôn), bạn hãy tìm ý Chúa, để biết Ngài chọn gọi bạn dấn thân theo ơn gọi nào, tu trì hay hôn nhân. – Nếu bạn thuộc loại “ván đã đóng thuyền” (đã kết hôn hoặc đã cam kết trong đời sống tu trì), hãy thành khẩn xin Chúa trợ giúp để trung thành làm chứng cho Chúa trong bậc sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn bổn phận hằng ngày để làm chứng nhân cho Chúa nhờ đó con được nên thánh, và xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa. Amen.
11.11.19
THỨ HAI TUẦN 32 TN
Thánh Mác-ti-nô, giám mục
Lc 17,1-6
THA THỨ ‘BẤT QUÁ TAM’?
“Dù người anh em của anh xúc phạm anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần nó trở lại và nói với anh: ‘Tôi hối hận’ thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17,4)
Suy niệm: Còn nhớ ngày nào con người vẫn xử với nhau theo “luật rừng”, “mắt đền mắt, răng đền răng”. So với thứ “luật rừng” đó, người Việt Nam chúng ta tha thứ tới mức “quá tam ba bận” đã là “cực kỳ” quảng đại, tiến bộ rồi. Ấy thế mà chưa thấm vào đâu so với tiêu chuẩn của Chúa Ki-tô: tha thứ tới bảy lần. Chắc bạn còn nhớ con số bảy trong Thánh Kinh, con số nói lên sự hoàn hảo tốt đẹp thấy được trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Phúc âm theo thánh Mát-thêu còn nói mạnh hơn “tha thứ đến 70 lần 7”, tha thứ mà không đòi người kia nói lời xin lỗi. Phải chăng Chúa Giê-su muốn nói tha thứ là hành xử theo cung cách của Thiên Chúa, là góp phần làm cho người anh em được trở nên con người mới như thể được sáng tạo một lần nữa?
Mời Bạn: Điều làm cho người ta khó tha thứ là khi bị xúc phạm người ta cảm thấy một cái gì đó uất nghẹn như thể bị đè nén, một cái gì đó mất mát như thể bị chiếm đoạt, một cái gì đó đau đớn như thể đang chết đi. Đó chính là một nửa của cái gọi là “cục tự ái” của bạn đấy. Xin mách nhỏ “nửa kia” của cục tự ái là cảm giác khó khăn khi bạn phải xin lỗi ai đó. Phải “giải phẫu” cái khối u đó ra khỏi tim bạn thì bạn mới có thể tha thứ được – và có thể xin lỗi nữa.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi bạn bị xúc phạm, hoặc cảm thấy khó tha thứ, hãy ngước lên cây thập giá, nhìn ngắm thật kỹ Đức Ki-tô và hỏi Chúa: “Ở địa vị của con, Chúa sẽ làm gì?”
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình, đặc biệt ghi nhớ câu: “Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.
12.11.19
THỨ BA TUẦN 32 TN
Thánh Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo
Lc 17,7-10
LÀ TÔI TỚ CỦA CHÚA
“Đối với anh em cũng vậy; khi đã làm tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy cho mình, thì phải nói: Chúng tôi chỉ là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đó thôi.” (Lc 17,10)
Suy niệm: Ta thường quan niệm một Thiên Chúa sòng phẳng, một Thiên Chúa tiền trao cháo múc: Khi ta sốt sắng đọc kinh, đi lễ, tham gia hội đoàn, làm việc phục vụ, cư xử tốt với người khác… dường như Chúa mang ơn ta, và phải trả công cho ta sòng phẳng ngay ở đời này, nhiều lúc phải ngay lập tức. Đức Giê-su nhắc cho ta nhớ đến thân phận thụ tạo của mình: ta không có quyền gì đòi hỏi Chúa, cũng chẳng có tư cách gì để bắt Chúa phải mắc nợ ta. Hình ảnh người đầy tớ đi cầy ruộng hay chăn chiên về không có quyền kể công hay bắt chủ phải mang ơn, phải phục vụ mình nhắc ta nhớ đến thân phận thụ tạo ấy. Mỗi người chúng ta chỉ là nô bộc của Chúa, không hơn không kém. Nếu Chúa đổ tràn trề hồng ân trên ta là do lòng yêu thương của Ngài, chứ không do chút công trạng cỏn con nào của ta cả.
Mời Bạn: Nhớ rằng bạn là nô bộc của Chúa và phải sống đúng thân phận đó. Nếu có được chút địa vị, tư cách nào, bạn đừng tự hào tự phụ, mà hãy nhớ mình là tôi tớ vô dụng, sở dĩ hữu dụng là nhờ hồng ân Chúa.
Sống Lời Chúa: Trước khi đi ngủ, quỳ gối tạ ơn Chúa đã nâng bạn từ hàng tôi tớ vô dụng lên hàng bạn hữu, và hứa sẽ sống đúng địa vị ưu đãi ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường quên thân phận thụ tạo, thân phận tôi tớ của mình. Chúa là chủ đời chúng con, còn chúng con chỉ là nô bộc trong tay Chúa. Xin cho chúng con ý thức thân phận ấy, để luôn sống khiêm tốn như người tôi trung của Chúa. Amen.
13.11.19
THỨ TƯ TUẦN 32 TN
Lc 17,11-19
TIN THÌ SẼ ĐƯỢC
Đức Giê-su vào một làng kia, thì có mười người phong đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,12-13)
Suy niệm: Người bị bệnh phong, thân thể bị lở loét đau đớn lắm; họ còn đau đớn hơn khi bị cô đơn, bị người chung quanh xa tránh hất hủi vì chứng bệnh truyền nhiễm, gây ô uế cho người khác. Hơn ai hết, những người phong này mong muốn được lành bệnh, cho dù niềm mong muốn đó hầu như vô vọng. Nhưng với niềm tin vào Đức Giê-su là Đấng quyền năng, và giàu lòng thương xót, điều không thể đối với họ đã trở thành có thể. Với niềm tin mãnh liệt đó họ đón gặp Ngài và kêu xin: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Quả thật, Đức Giê-su đã dủ thương và ban cho họ điều họ cầu xin.
Mời Bạn: Thánh Phao-lô khẳng định: “Mọi người đều phạm tội” (Rm 3,23). Tội lỗi khiến chúng ta chẳng khác nào bị phong hủi về mặt thiêng liêng và đương nhiên cũng cần được Chúa chữa lành. Sứ mạng của Đức Giê-su đến trần gian là để làm điều đó. Ngài thương xót tội nhân và luôn sẵn sàng tha thứ cho bất cứ ai chạy đến với Ngài. Cơ hội đó Chúa ban cho chúng ta qua Bí tích Hoà Giải. Phần còn lại là của mỗi người chúng ta: Tôi có muốn đến với Ngài và xin Ngài chữa lành hay không. Mỗi lần đi xưng tội, bạn có thành tâm sám hối và quyết tâm chừa bỏ tội lỗi không?
Sống Lời Chúa: Bạn kiểm điểm đời sống mỗi ngày và thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hoà Giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban cho chúng con Bí tích Hòa Giải làm phương thế thanh tẩy tâm hồn. Xin cho chúng con biết quý trọng và siêng năng đến với bí tích tình yêu này.
14.11.19
THỨ NĂM TUẦN 32 TN
Lc 17,20-25
NƯỚC TRỜI ĐANG HIỆN DIỆN
“Vì này Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21)
Suy niệm: Giám mục Curtis một lần tới thăm thánh Newman, lúc ấy đang là hồng y. Thánh Newman cho Giám mục Curtis biết Toà Thánh đã ban cho Ngài đặc ân được đặt Mình Thánh Chúa trong phòng. Không ngờ tin này làm Giám mục Curtis xúc động mạnh, đến nỗi khi Đức Hồng Y mời Giám mục ở lại ban đêm, Giám mục đã trả lời rằng: “Tôi không thể nào ngủ được khi biết Chúa của tôi đang ở với tôi chung một mái nhà”. Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta vì Người toàn năng hiện diện khắp nơi, nhưng một khi chúng ta ý thức điều đó, một khi có bằng chứng nhắc nhở tới sự hiện diện đó, chúng ta thường xúc động mãnh liệt. Thật hạnh phúc cho chúng ta khi hằng ngày chúng ta lại được đích thân gặp Người trong Bí tích Thánh Thể. Chúa Giê-su là chính Nước Trời. Như vậy, Thánh Thể Chúa chính là “Nước Trời đang ở giữa chúng ta”.
Mời Bạn: Bạn có phải là người không còn niềm hứng khởi khi tham dự Thánh lễ? Hay bạn mong Thánh lễ mau kết thúc để đến điểm hẹn hò vui thú phàm trần như bàn nhậu, người yêu hoặc lo chạy mánh…? Bạn có biết không trong Thánh Thể, Chúa Giê-su đang khao khát được chúng ta đến với Ngài, tâm sự với Ngài, trút mọi nỗi lo, mọi ưu phiền thậm chí cả tội lỗi của chúng ta cho Ngài…?
Sống Lời Chúa: Tận dụng thời gian, sắp xếp công việc để có thể đến viếng Thánh Thể riêng hoặc tham dự giờ chầu Thánh Thể với cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng đôi mắt con, để con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa và lắng nghe lời Chúa mời gọi con canh tân đời sống mình. Amen.
15.11.19
THỨ SÁU TUẦN 32 TN
Thánh An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 17,26-37
TÔI CHỌN SỰ SỐNG
Chúa Giê-su nói: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.” (Lc 17,33)
Suy niệm: Nhạc sĩ Văn Cao có những vần thơ nói về vấn đề sống-chết nghe như âm hưởng của Lời Chúa hôm nay: “Giữa sự sống và sự chết, tôi chọn sự sống. Để bảo vệ sự sống, tôi chọn sự chết.” Sự sống là cái gì quý giá nhất trong cuộc đời, vì thế đáng cho ta nâng niu, chọn lựa. Thế nhưng, đừng quên rằng sự chết, nấp dưới vỏ bọc sự sống, cũng có sức huỷ diệt nhưng cũng hấp dẫn ghê gớm. Chẳng hạn sự chết của rượu chè say sưa, của phim ảnh đồi truỵ, của ma tuý, của phá thai, của đời sống buông thả. Người chạy theo nó tưởng là được sống, là cuộc đời, nhưng thực ra, là phải chết. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi đích danh đó là nền văn minh sự chết. Ngược lại, để có được sống thật, thì phải dám chấp nhận chết: chết vì quên mình để phục vụ đồng loại, chết do hy sinh từ bỏ cho những giá trị của Nước Trời.
Mời Bạn: Hãy xác tín rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về sự sống vĩnh cửu. Vì thế, bạn hãy mạnh dạn hy sinh những sự sống giả tạo, để có thể đạt được sự sống muôn đời của Chúa.
Chia sẻ: Tại sao tôi phải chấp nhận liều mất mạng sống thì mới được sự sống thật sự?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ mạnh dạn bỏ đi một nết xấu đang gây sự chết nơi tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý. Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác. Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hoà bình. Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con. Amen.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
16.11.19
THỨ BẢY TUẦN 32 TN
Thánh Ma-ga-ri-ta Xcốt-len
Lc 18,1-8
TIN THIÊN CHÚA NHÂN HẬU
Đức Giê-su nói: “Anh em nghe ông quan toà bất công ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không cứ công bằng mà xét xử cho những kẻ Người đã tuyển chọn, đang ngày đêm kêu cứu Người sao?” (Lc 18,6)
Suy niệm: Chúng ta cứ nghĩ rằng phải kiên trì, phải bền chí khi cầu nguyện là bài học chính của bài Tin Mừng hôm nay. Thế nhưng, một tác giả, cha H. Cousin lại nói rằng: “Dụ ngôn không có ý dạy ta phải cư xử với Chúa thế nào, nhưng có ý mạc khải cho ta biết Chúa cư xử với chúng ta ra sao. Chiêm ngưỡng lòng nhân hậu của Chúa, Đấng hằng nghe lời ta kêu nài sẽ là một động lực khích lệ ta cầu nguyện tin tưởng hơn, kiên nhẫn hơn.” Như vậy, Đức Giê-su đã dùng tật xấu của ông quan toà như một thí dụ để nói lên sự săn sóc chu đáo của Thiên Chúa nhân hậu, để nhắc ta tin tưởng vào Thiên Chúa nhân hậu ấy, qua lời cầu nguyện.
Mời Bạn: Nhớ rằng Thiên Chúa nhân hậu luôn lắng nghe lời bạn cầu xin, nhưng không phải theo ý bạn, mà là theo lòng nhân hậu của Ngài, bởi vì Ngài biết rõ hơn bạn là bạn đang cần gì. Bạn hãy xác tín rằng ngay cả không được như ý cũng là một ân huệ.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ kiên trì, bền chí cầu nguyện luôn, cầu nguyện mỗi ngày, vì tin rằng Chúa luôn ban cho tôi Thánh Thần, là ân huệ cao quý nhất Chúa ban mỗi khi tôi cầu nguyện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lòng Chúa say mê Chúa Cha, và Chúa muốn chúng con chia sẻ say mê ấy, qua việc chiêm ngắm Chúa Cha nhân hậu luôn quan tâm săn sóc, nhận lời chúng con cầu xin. Xin cho chúng con kiên trì cầu nguyện bởi vì tin rằng Chúa luôn nhận lời chúng con cầu xin, là ban Thánh Thần Chúa cho chúng con. Amen.
17.11.19
CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – C
Kính trọng thể các thánh Tử Đạo Việt Nam
Lc 9,23-26
BẢN LĨNH ĐỨC TIN
Đức Giê-su nói: “Ai xấu hổ vì Tôi và những lời của Tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Con Người ngự đến trong vinh quang của mình.” (Lc 9,26)
Suy niệm: Ngày lễ hôm nay chúng ta ca tụng các vị anh hùng Tử Đạo Việt Nam, đã nêu cao tấm lòng hiếu trung với Thiên Chúa, với Hội Thánh, với niềm tin. Làm sao ta không cảm phục những con người như thánh Phê-rô Vũ Văn Truật, mới 21 tuổi, nhưng đã khẳng khái trả lời các quan chê ngài dại dột lãng phí tuổi xuân: “Chưa chắc là tôi dại. Ai khôn mới hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu hạnh phúc muôn đời.” Thế nhưng, chúng ta không nhìn về quá khứ chỉ để ngợi khen, nhưng còn rút ra từ đó ánh sáng soi dẫn cho cuộc sống hôm nay, để nhận diện vẫn còn nhiều kẻ thù nguy hiểm cho đức tin, mà ta tạm gọi là những kẻ thù dấu mặt. Đó là tinh thần thế tục đang len lỏi vào trong Hội Thánh và bào mòn niềm tin, như hưởng thụ bằng mọi phương cách, việc mất cảm thức về tội lỗi, làm điều xấu mà tỉnh khô như không có chuyện gì.
Mời Bạn: Noi gương các thánh tử đạo Việt Nam, những vị anh hùng nhờ có một bản lĩnh đức tin; bản lĩnh đức tin ấy được hình thành nhờ việc trung tín trong các bổn phận hằng ngày của người cha, người chồng, người vợ, người mẹ, người con…
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ lưu ý tránh xa tinh thần thế tục đang ngấm ngầm làm xói mòn niềm tin bằng cách luôn trung tín trong bổn phận hằng ngày.
Cầu nguyện: Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng con noi gương các ngài, giữ được bản lĩnh đức tin của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem sức sống cho thế gian. Xin cho chúng con luôn trung tín trong bổn phận mỗi ngày. Amen.
18.11.19
THỨ HAI TUẦN 33 TN
Cung hiến thánh đường thánh Phê-rô và Phao-lô
Lc 18,35-43
ĐỂ ĐƯỢC GẶP ĐỨC KI-TÔ
Người mù tại Giê-ri-khô kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi.” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng… Chúa Giê-su dừng lại truyền dẫn anh ta đến… (Lc 18,35-43)
Suy niệm: Người mù thành Giê-ri-khô muốn gặp được Đức Giê-su thật khó lắm thay! Anh ta muốn đến trước mặt Chúa để nói lên điều làm anh khao khát đến điên cuồng: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” Thế nhưng những người chung quanh lại trở thành hàng rào ngăn cản anh đến với Đức Giê-su vì cho rằng anh ta không có “tiêu chuẩn” đó. Cũng may cho anh, Chúa đích thân can thiệp, và anh được toại nguyện: anh được dẫn đến gặp Chúa để bày tỏ ước nguyện và Ngài đáp ứng nguyện vọng của anh ngay lập tức. Điều tốt lành suýt nữa đã không xảy ra cho anh chỉ vì sự cản trở vô ý thức của những người chúng quanh. Cuối cùng phép lạ cũng vẫn xảy ra nhờ cặp mắt đầy quan tâm của Chúa luôn nhận ra và cảm thông nỗi thống khổ của người khác, và nhờ lòng cậy trông đầy kiên nhẫn của anh mù nữa.
Mời Bạn: Phải chăng đôi khi chúng ta cũng cản trở nhau đến với Đức Ki-tô bằng những lời “quát nạt” khiến chúng ta không nghe, không cảm được những nhu cầu bức xúc của người anh em?
Chia sẻ: Có người anh em nào trong cộng đoàn của chúng ta đang cần cảm thông, an ủi, chia sẻ?
Sống Lời Chúa: Bắt chước Đức Ki-tô, nhìn tha nhân bằng cái nhìn đầy quan tâm và nhân hậu của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đôi khi con cảm thấy người anh em đang sống gần gũi con thật đáng ghét và vướng bận. Xin cho con biết nhìn nhau bằng cái nhìn của Chúa, để con nhận ra Chúa trong người anh em đau khổ của con.
19.11.19
THỨ BA TUẦN 33 TN
Lc 19,1-10
TÌM LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT
Chúa Giê-su nhìn lên và nói với Da-kêu: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” (Lc 19,5)
Suy niệm: Là người đứng đầu ngành thuế tại một thành phố lớn như Giê-ri-khô, ông Da-kêu chắc chắn là rất giàu có và nhiều thế lực. Nhưng thật ra ông không hạnh phúc vì bị mọi người khinh miệt và căm ghét. Với một thân mình thấp bé, chen lấn giữa đám đông không chút thiện cảm, thật không dễ chịu tí nào cho Da-kêu. Khi đứng chênh vênh trên một cành cây sung, ông lại cô đơn hơn bao giờ hết: bị chường mặt ra như một trò cười trước hàng trăm cặp mắt. Hiểu được tình huống khó khăn ấy của Da-kêu ta mới thấy cảm động thay chút tia sáng le lói của niềm hy vọng trong tâm hồn tăm tối của ông: mong được nhìn thấy Chúa, dù chỉ từ xa. Và càng cảm động hơn, ánh mắt “nhìn lên” đầy nhân từ của Chúa, Đấng đã “không nỡ dập tắt tim đèn còn khói,” cái nhìn ấy đã biến đổi Da-kêu thành một con người mới.
Mời Bạn chậm rãi đọc lại đoạn Tin Mừng hôm nay một lần nữa để tâm hồn bạn có thể rung cảm trước một Da-kêu dù trong đêm tối của tâm hồn như thế vẫn không đánh mất niềm hy vọng, và để tâm hồn bạn cũng được biến đổi trước cái nhìn nhân từ của Đức Ki-tô.
Chia sẻ: Lắm khi cái nhìn đầy thành kiến của chúng ta đã vô tình dập tắt nốt chút thiện chí còn sót lại nơi những người mà chúng ta vẫn coi là “kẻ tội lỗi”. Thảo luận với nhau để tìm cách loại bỏ lối nhìn đầy thành kiến đó ra khỏi đời sống cộng đoàn.
Sống Lời Chúa: Tập quan sát người khác với chủ ý tìm ra ưu điểm nơi họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con nhìn anh em bằng con mắt của Chúa, và giúp con yêu thương anh em bằng trái tim của Chúa. Amen.
20.11.19
THỨ TƯ TUẦN 33 TN
Lc 19,11-28
ĐỪNG ĐEM GIẤU KỸ
Rồi người thứ ba đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ.” (Lc 19,20)
Suy niệm: Ai không chịu tiến lên có nghĩa là họ đang bị thụt lùi. Ý của ông chủ giao tài sản cho gia nhân là “làm ăn” và “sinh lời.” Không làm gì để sinh lời có nghĩa là đã thua lỗ rồi. Trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, trong khi những người khác đem yến bạc đi làm ăn sinh lợi thì có một người lại “dậm chân tại chỗ”. Anh ta an phận với những gì mình có, không dám mạo hiểm để đầu tư; thậm chí là việc “gửi số bạc vào ngân hàng” mà anh ta cũng không dám. Chúa Giê-su không bằng lòng với thái độ cầu an thụ động đó. Trái lại, Ngài dạy chúng ta phải có tinh thần bạo dạn của Tin Mừng: dám hành động để sinh lời nén bạc mình đã lãnh nhận chứ không phải chỉ “bảo quản” nó mà thôi.
Mời Bạn: Nén bạc Chúa trao có thể hiểu cách đơn giản là sức khỏe, tài năng, thời gian, là đời sống của mỗi người… Nén bạc còn là Lời Chúa, là kho tàng đức tin mà chúng ta đón nhận. Chúa ban cho chúng ta Lời của Ngài không phải để chúng ta đem về “bọc khăn cất kỹ” nhưng chúng ta phải làm cho Lời Chúa nảy sinh hoa trái tốt lành trong đời sống của mình. Chúa ban cho chúng ta đức tin không phải để chúng ta giấu kín cho mình nhưng phải làm lan tỏa đức tin ấy đến cho người khác.
Sống Lời Chúa: Tôi làm giàu “nén bạc” Chúa trao cho tôi bằng cách đem tinh thần “trung thực, hiền lành, phục vụ…” của Tám Mối Phúc vào trong mọi hoạt động của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con làm sinh lợi những nén bạc cho Chúa, nhưng không có ơn Chúa, chúng con chẳng làm gì được. Xin Chúa ban ơn cho chúng con. Amen.
21.11.19
THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Đức Ma-ri-a dâng mình trong Đền thờ
Lc 12,46-50
LÀ NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Lc 12,50)
Suy niệm: Không ai dám tự nhận mình là người thân của Chúa Giê-su, “làm anh chị em, làm mẹ” của Ngài. Ta có được vinh dự ấy là do chính Ngài nói với ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Thế nhưng, để là người thân của Chúa Giê-su, ta phải đáp ứng điều kiện này là “thi hành ý muốn của Cha trên trời” như chính Ngài đã làm. Khi vuông tròn chu toàn ý muốn Chúa Cha như lương thực nuôi sống mình, Ngài cho thấy mình là người Con Một yêu dấu Cha, đẹp lòng Cha trong mọi sự. Vì thế, ai làm theo ý muốn của Cha, người ấy trở thành người thân của Ngài. Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su hai lần: Mẹ sinh ra Ngài, nhưng đồng thời cũng là Mẹ Ngài vì đã lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Truyền thống vẫn cho rằng, Mẹ đã được đưa vào đền thờ từ lúc ba tuổi để dâng cho Thiên Chúa như thói quen của những gia đình đạo đức. Chắc một điều, cả cuộc đời Mẹ đã thuộc trọn về Chúa. Mẹ luôn là người lắng nghe, ghi nhớ và thi hành thánh ý Chúa, là mẫu gương cho những ai muốn thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Trở nên người thân thích với Chúa không phải vì lý do ruột thịt mà sâu xa hơn, phải thuộc về Ngài với cả tâm hồn của mình. Đời sống một Ki-tô hữu, do đó, phải là một cuộc sống thân tình với Chúa, bằng việc luôn kết hiệp với Ngài. Phương thế để đạt được điều đó là lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho con thành người nhà của Chúa bằng cách giúp con biết đem Lời Chúa ra thực thi mỗi ngày. Amen.
22.11.19
THỨ SÁU TUẦN 33 TN
Thánh Xê-xi-li-a trinh nữ, tử đạo
Lc 19,45-48
THANH TẨY ĐỀN THỜ TÂM HỒN
“Nhà ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Lc 19,46)
Suy niệm: “Nhà thờ là nơi thờ phượng. Sùng kính là thể thức cao cả của thờ phượng, là chính thể thức thờ phượng trên thiên quốc” (L. Kendrick). Hiếm khi ta thấy Đức Giê-su nổi giận. Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những lần hiếm hoi ấy. Ngài nổi giận vì nhà thờ phượng Cha của mình trở thành sào huyệt của bọn cướp. Sào huyệt cướp bóc vì buôn bán chặt chém khách hành hương với giá cắt cổ, cũng như cảnh ồn ào náo nhiệt tục hóa nơi tiền đình Đền thờ. Nhà thờ phượng Thiên Chúa ngày nay có thể là nhà thờ giáo xứ bằng gạch, đá. Nhà thờ phượng ấy cũng là Hội thánh toàn cầu, hay nhỏ bé, gần gũi hơn là Hội thánh tại gia. Cuối cùng, không có nhà thờ phượng nào quý giá hơn là chính tâm hồn ta, nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Vì thế, cần luôn thanh tẩy tâm hồn bằng lòng sám hối, hoán cải, cũng như bằng sự sùng kính mến yêu.
Mời Bạn: Nhà thờ phượng là tâm hồn bạn đôi khi cũng có thể trở thành sào huyệt ngổn ngang cho các loại ngẫu tượng như tiền bạc, lạc thú, quyền lực, hưởng thụ… khiến Chúa không còn chỗ trong nhà của Ngài. Bạn hãy bạo dạn mời Ngài mạnh tay thanh tẩy tâm hồn, lật nhào những thần tượng giả hiệu, để chỉ có Chúa ngự trị trong tâm hồn.
Sống Lời Chúa: Tôi đặc biệt tỏ lòng sùng kính Chúa mỗi khi bước vào nhà thờ, và cũng siêng năng nhớ Chúa hiện diện trong tâm hồn, dâng lên Ngài lời nguyện tắt trong ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa nêu gương nhiệt thành với nhà Chúa cho con. Xin cho con cũng biết nhiệt thành với công cuộc nhà Chúa, trong đó có nhà đền thờ tâm hồn con. Amen.
23.11.19
THỨ BẢY TUẦN 33 TN
Thánh Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 20,27-40
HƯỚNG VỀ TRỜI MỚI ĐẤT MỚI
“Họ sẽ không thể chết nữa vì được ngang hàng với các thiên thần.” (Lc 20,36)
Suy niệm: Những người phái Sa-đốc đặt ra cho Chúa Giê-su vấn nạn của tập thể những người không tin có sự sống lại: Một người đã lấy bảy đời chồng, khi sống lại, người này sẽ là vợ của ai? Thực ra đây là một câu hỏi hay và họ đã hỏi đúng chỗ, bởi vì Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người nên Người có thể có câu trả lời thoả đáng cho họ: Khi sống lại trong trời mới đất mới, người ta sẽ không dựng vợ gả chồng, họ sẽ nên như các thiên thần. Đó chính là Nước Thiên Chúa đã đến ngày hoàn tất: một vương quốc hoà bình, công chính, thánh thiện được Chúa Giê-su hiển trị và trao lại cho Thiên Chúa Cha. Nước đó đã bắt đầu tại trần gian, chính là Hội Thánh, nơi qui tụ những người tin vào ơn cứu độ do Đức Ki-tô mang lại.
Mời Bạn: “Thiên Chúa không làm nên con cá nếu Ngài chưa làm nên biển cả để nó bơi. Ngài không làm nên con chim, nếu Ngài không dựng nên bầu trời để nó bay. Thiên Chúa cũng sẽ không đặt khát vọng sống bất tử vào lòng người nếu Ngài không dựng nên một thiên đàng để thoả mãn khát vọng đó”. Mầm sống vĩnh cửu được gieo vào lòng bạn, đừng để bất cứ sự gì vùi dập nó đi.
Chia sẻ: Chủ nghĩa tiêu thụ có gì ngăn trở người Ki-tô hữu hướng về trời mới đất mới?
Sống Lời Chúa: Sống Tin Mừng, đón nhận Nước Chúa và hoán cải với tinh thần của một trẻ thơ, đấy là cách chúng ta tham dự vào – là cảm nếm trước – sự sống vĩnh cửu ở đây và ngay lúc này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con cho Chúa. Xin cho chúng con luôn khát mong đi tìm Chúa, và biết gạt xa chúng con tất cả những gì có thể làm chúng con xa Chúa.
24.11.19
CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – C
CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
Lc 23,35-43
VUA VŨ TRỤ, VUA CÁC VUA
Phía trên đầu Người, có bản viết: “Đây là vua người Do thái.” (Lc 23,38)
Suy niệm: Suốt cuộc đời công khai, bao nhiêu lần dân chúng muốn tôn Đức Giê-su lên làm vua nhưng Người không chấp nhận (x. Ga 6,15), bởi quan niệm này pha trộn quá nhiều yếu tố trần tục. Chỉ khi tiến vào Giê-ru-sa-lem để chịu khổ nạn, Người mới để cho dân chúng tung hô Ngài là vua Ít-ra-en (x. Lc 19,39). Chỉ khi đứng trước Phi-la-tô, Người mới tuyên bố: “Tôi là Vua” (Ga 19,37). Và chỉ khi chịu treo trên thánh giá Người mới được công nhiên nhìn nhận: “Đây là Vua người Do Thái.” Thật vậy, Đức Giê-su không nhận là vua của những kẻ nhằm trục lợi. Nhưng Người chính là vua thật, cho dù trút bỏ hết vinh quang hay uy quyền nơi hang đá Bê-lem, trên Thánh Giá hay trong Bí tích Thánh Thể. Là vua, Người cho những ai tin vào Người được chia sẻ sứ mạng vương đế trong Bí tích Rửa Tội. Vì thế Người là Vua trên các vua.
Mời Bạn: Ơn cứu độ mà Vua Ki-tô mang đến không nhằm gỡ nhân loại ra khỏi thập giá, nhưng là ban ơn và đồng hành với mỗi người hầu giúp họ vác thập giá của mình hằng ngày. Nhìn gương “người trộm lành”, chúng ta biết phải xin gì khi đối diện với thập giá đời mình.
Chia sẻ: Một thực trạng đau lòng: nhu cầu vật chất của con người càng được thoả mãn thì nguy cơ con người sống xa rời đức tin càng cao. Bạn làm gì để vượt qua được thách đố sống mầu nhiệm thập giá giữa thời đại hưởng thụ duy vật này?
Sống Lời Chúa: Tiếp tục dâng những hy sinh để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.
Cầu nguyện: Lạy Vua Ki-tô, xin cho con biết đi vào Nước Ngài bằng cách vác thập giá mỗi ngày của đời con. Amen.
25.11.19
THỨ HAI TUẦN 34 TN
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lc 9,23-26
THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,23-24)
Suy niệm: Một người tầm sư học đạo hoặc theo đuổi bất cứ ngành nghề nào, đều nhắm đến đầu ra là sẽ đạt được những gì. Chúa Giê-su thấu hiểu điều ấy, nên thẳng thắn tuyên bố rằng ai chọn theo Ngài thì “sẽ cứu được mạng sống mình,” nhưng cái giá phải trả là “mất mạng sống vì Ngài.” Sở dĩ Chúa Giê-su đòi hỏi gắt gao như vậy, bởi vì theo Ngài, ta không chỉ để học biết điều hay điều tốt, mà sâu xa hơn, còn để được biến đổi tận căn, trở nên con người mới theo hình ảnh Ngài. Điều đó đồng nghĩa với việc con người cũ nơi ta phải chết đi, tựa như hạt lúa mì, muốn phát triển thành cây, sinh nhiều bông hạt, phải chấp nhận bị mục nát.
Mời Bạn: Có người thất vọng sau khi chọn theo Chúa Ki-tô, bởi nguyện ước của họ đôi khi không được đáp thỏa. Còn bạn, bạn đang mong muốn nơi Ngài điều gì, và liệu rằng, đó có phải điều Ngài từng hứa với bạn chăng?
Sống Lời Chúa: Chúa Giê-su đòi ta phải vác thập giá theo Ngài và phải chấp nhận ‘chết đi’ mỗi ngày. Vì thế, cuối mỗi ngày sống, ta nên xét lại xem: mình có thực sự sẵn sàng để trở thành môn đệ Chúa Giê-su chưa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chấp nhận theo Chúa là chấp nhận mất để được. Xin cho chúng con can đảm và khôn ngoan quyết tâm chọn Chúa, dám đánh đổi sự sống trần thế vì đức tin, hầu có thể đạt được phần phúc như tổ tiên chúng con là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Amen.
26.11.19
THỨ BA TUẦN 34 TN
Lc 21,5-11
HƯỚNG VỀ ĐỀN THỜ VĨNH CỬU
Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)
Suy niệm: Năm 70 sCN, sau khi chiếm thành Giê-ru-sa-lem và bắt đi 97.000 tù binh, tướng Rô-ma là Titô đã cho phóng hỏa đốt thành và cho cày một luống cày chính giữa Đền thờ. Thế là chấm dứt ngôi Đền thờ nổi tiếng, để rồi trong gần 2.000 năm, câu chúc luôn nằm trên môi miệng người Do Thái là “Hẹn năm sau về Giê-ru-sa-lem”. Những lời tiên tri của Đức Giê-su đã được ứng nghiệm! Thế nhưng, với con mắt đức tin, ta khám phá ra một ý nghĩa khác về ngôi đền thờ như Đức Giê-su nói: “Hãy phá huỷ đền thờ này và trong ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại”. Từ nay ngôi đền thờ vĩnh cửu mọi người phải qui hướng về là con người Đức Giê-su phục sinh. Mọi người đều được mời gọi bước vào Đền thờ-Đức Ki-tô phục sinh để gặp gỡ Thiên Chúa.
Mời Bạn: Nhớ rằng thân xác mỗi người cũng là đền thờ Thiên Chúa. Phải qui hướng, gắn bó với Đức Ki-tô phục sinh và Thánh Thần của Ngài. Cần thường xuyên thanh tẩy đền thờ-tâm hồn bằng ơn thánh của Bí tích Hoà Giải.
Sống Lời Chúa: Tôi luôn kính trọng thân xác, không quá chiều chuộng, cũng chẳng khinh rẻ vì ý thức thân xác mình là đền thờ của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dẫn con vào nhà của con, căn nhà của trái tim, căn nhà vừa quen vừa lạ. Xin hãy cho con thấy những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co, những mâu thuẫn và vô lý nơi con. Xin hãy cho con thấy những nhỏ mọn, ích kỷ, những yếu đuối, khô khan, những cứng cỏi và tự ái nơi con. Xin biến đổi tâm hồn con thành nơi cư ngụ của Chúa.
27.11.19
THỨ TƯ TUẦN 34 TN
Lc 21,12-19
BỊ BÁCH HẠI LÀ LÀM CHỨNG
“Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em… Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” (Lc 21,12.13)
Suy niệm: “Tử đạo” theo nguyên ngữ tiếng La-tinh là “Martyr” có nghĩa là chứng tá, chứng nhân, được dùng để chỉ những ai làm chứng cho đức tin và luân lý Ki-tô giáo mà vì thế bị giết hại. Do đó, kiểu nói “tử đạo là làm chứng,” hay bị bách hại là làm chứng, không phải là để gây sốc nhưng là chính chân lý căn bản trong đời sống của Ki-tô hữu mọi thời và mọi nơi. Chính Chúa Giê-su đã dạy sự thật này qua hình ảnh hạt lúa bị mục nát: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà chết đi thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt khác” (Ga 12,24). Điều này không có gì lạ bởi vì khuôn mẫu của người môn đệ là mầu nhiệm Vượt qua như Thầy mình. Khi can trường làm chứng cho Chúa cách công khai, khi can đảm xả thân cho những giá trị của Tin mừng như công bằng, bác ái, sự thật… người môn đệ Chúa Ki-tô dám liều mất mạng sống ở đời này, nhưng họ lại được sự sống đời đời, đặc biệt được Chúa Giê-su làm chứng trước mặt triều thần thiên quốc.
Mời Bạn: Tin Mừng Nước Trời không chấp nhận tình trạng phẩm giá con người bị coi thường, tự do bị chà đạp, công lý bị rẻ rúng… Tin Mừng ấy đòi hỏi bạn phải loại trừ cách ứng xử theo con người tự nhiên, mời gọi bạn sống theo con người mới, được Thần Khí hướng dẫn, phù hợp tinh thần của Nước Trời. Vì lý do đó, xung đột, bách hại là cơ hội lửa thử vàng cho niềm tin nơi bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi cầu nguyện, dâng hy sinh để cầu cho các nhà truyền giáo đang gặp bách hại trên thế giới.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh của Thần Khí Chúa để con can đảm sống và làm chứng cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh. Amen.
28.11.19
THỨ NĂM TUẦN 34 TN
Lc 21,20-28
KHI NGƯỜI ĐẾN
“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Lc 21,27)
Suy niệm: Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến trần gian lần thứ nhất trong thân phận người phàm, âm thầm, khiêm hạ. Thế nhưng, lần ngự đến sau cùng của Ngài trong tư thế Vua vinh quang sẽ hoàn toàn khác. Trước đó sẽ là những cơn khốn cùng cho mọi dân nước: loạn ly, giặc giã, sự tàn phá của thiên nhiên và vũ trụ với những dấu lạ kinh hoàng. Qua cơn bĩ cực ấy sẽ là hồi thái lai với sự xuất hiện đầy quyền năng và vinh quang của Con Người. Người đến để cứu vớt những ai vẫn trung thành, tin tưởng, cậy tin, yêu mến Người, và mong đợi “trời mới đất mới.”
Mời bạn: “Đứng thẳng và ngẩng đầu” là hai tư thế của người luôn sẵn sàng bước vào đời sống mới trong Đức Ki-tô và đón nhận sự xuất hiện của Người. “Đứng thẳng” vì bạn không để mình bị lệ thuộc vào tình trạng tội lỗi kéo ghì mình xuống; “ngẩng đầu” là tư thế khi bạn luôn hướng vọng lên trời, sống cho những điều thanh cao và thánh thiện. Nên dù cho biển gào sóng thét, các quyền lực trên trời dưới đất bị lay chuyển, lòng bạn vẫn bình tâm chờ đón sự xuất hiện của Con Người.
Chia sẻ: Nếu bây giờ Con Người xuất hiện, bạn sẽ ở trong tư thế như Tin Mừng mời gọi chăng?
Sống Lời Chúa: Bạn sống tinh thần sẵn sàng và tỉnh thức trong từng biến cố lớn nhỏ của ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có nhiều điều đang kéo ghì con xuống, và đôi khi con chẳng cố gắng nhiều để thoát ra. Xin cho lời mời gọi của Tin Mừng luôn thúc bách con, để con mạnh mẽ vươn mình lên khỏi những gì tầm thường, nguy hại của cuộc sống hằng ngày. Amen.
29.11.19
THỨ SÁU TUẦN 34 TN
Lc 21,29-33
THỰC TẠI NƯỚC THIÊN CHÚA
“Khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,30)
Suy niệm: Khi nào Nước Thiên Chúa hiển trị hay nói cách khác khi nào “tận thế”? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Chắc chắn một điều là không ai biết, ngay cả Con Người cũng không biết ngày đó (x. Mc 13,32). Hình hài của Nước ấy thế nào cũng chẳng ai hay, thế nhưng ta có thể chắc chắn rằng trong Nước ấy sẽ không còn khổ đau, chết chóc mà chỉ có sự công chính, hạnh phúc, và bình an. Điều ấy là được nhắc đến ngay từ khi tạo dựng vũ trụ: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm ra thật là tốt đẹp” (St 1,31). Như vậy, Nước Thiên Chúa chỉ thành toàn khi sự dữ hoàn toàn bị tiêu diệt. Hiện nay cuộc chiến thiện–ác ấy vẫn đang diễn ra từng giây từng phút bên trong và chung quanh chúng ta. Để có thể đương đầu với sự dữ, ta hãy dùng vũ khí là đức tin mà chống cự. Niềm tin vào Chúa, tạo mối tương quan tốt đẹp với Ngài, sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an, là dấu chứng sự hiện diện của Nước Chúa giữa trần gian.
Mời Bạn ngước nhìn lên thập giá của Đức Giê-su, Đấng đã chết thay cho bạn; có tình yêu nào bằng! Ngài cũng đã sống lại để tăng sức cho bạn chiến thắng sự dữ. Chiêm niệm ấy giúp bạn can đảm đi trên con đường làm môn đệ Đức Ki-tô, làm công dân Nước Trời.
Chia sẻ: Sự dữ nào đang diễn ra trong tôi? Và tôi làm gì để vượt qua sự dữ ấy?
Sống Lời Chúa: Sống Tám Mối Phúc Thật là phương cách để chúng ta chiến thắng sự dữ và mở được cửa Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa hứa ban Nước Trời cho ai trung thành theo Chúa. Xin giúp chúng con can đảm sống những thực tại của Nước Trời ngay từ giây phút này. Amen.
30.11.19
THỨ BẢY TUẦN 34 TN
Thánh An-rê, tông đồ
Mt 4,18-22
ƠN GỌI VÀ GIA ĐÌNH
Chúa Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia là Si-mon, cũng gọi là Phê-rô, và người anh ông là An-rê… Người gọi các ông… Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (Mt 4,18-20)
Suy niệm: Trong số mười hai tông đồ thì có đến hai cặp là anh em với nhau: cặp Phê-rô và An-rê, cặp Gio-an và Gia-cô-bê. Đặt mình trong bối cảnh của Tin Mừng mới thấy việc Chúa Giê-su kêu gọi các ông phát sinh lắm vấn đề thật bức xúc. Là những lao động chính trong nhà, các ông đồng loạt bỏ lưới bỏ thuyền để đi theo Đức Giê-su theo kiểu “cầm cày không ngoái cổ lại đàng sau,” chắc hẳn các ông đã để lại không ít khó khăn cho công việc làm ăn của cả gia đình, chưa kể đến những tình cảm quyến luyến. Các ông quảng đại bỏ mọi sự theo Chúa đã đành mà thân nhân của các ông cũng phải hy sinh lớn lao để hiến dâng các ông cho Chúa. Tin Mừng còn cho biết gia đình các ông sau này vẫn tiếp tục hỗ trợ cho thầy trò các ông trên đường truyền giáo nữa (x. Mt 8,15; Mt 27,56).
Mời Bạn: Giáo Hội Việt Nam vốn được tiếng là giàu ơn gọi. Thế nhưng theo đà phát triển của xã hội hiện nay, đã xảy ra nhiều trường hợp gia đình không còn mặn mà với việc cho con cái bước theo con đường tu trì, thậm chí còn cản trở chống đối. Để đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, không thể không phát triển ơn gọi. Bạn, gia đình bạn, góp phần thế nào trong công cuộc này? Nhất là khi chính bạn hoặc con em bạn được ơn Chúa kêu gọi, bạn và gia đình bạn có sẵn sàng hiến dâng quảng đại chưa?
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng hy sinh từ bỏ những việc nhỏ trong đời thường để sẵn sàng từ bỏ theo như ơn gọi đòi hỏi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn sẵn sàng đáp lại ơn gọi của Chúa.