5 phút Lời Chúa tháng 09.2016

01.09.16

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

Lc 5,1-11

MỘT TƯƠNG LAI RỘNG MỞ

“Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. (Lc 5,10)

Suy niệm: Chắc chắn người mặc cảm tội lỗi không thể thi hành bổn phận truyền giáo, dù nhìn nhận sự yếu hèn của mình là điều cần thiết của người loan báo Tin Mừng. Tiên tri I-sai-a và Giê-rê-mi-a mặc cảm sự yếu kém của mình và tìm cách thoái thác sứ mạng ngôn sứ. Phê-rô mang tâm trạng đầy mặc cảm và sợ hãi trước sự cao cả và quyền năng của Chúa nên không dám đi theo Ngài: “Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” Nhưng Chúa đâu muốn để người ta chìm sâu trong mặc cảm và tránh xa Ngài. Ngài đến để cứu chữa chứ đâu phải để tiêu diệt. Chúa đã tha thứ tội lỗi rồi và không hề muốn con người được tha cứ đấm ngực rên rỉ. Vì thế, sau khi nghe I-sai-a thú nhận ông bất xứng làm ngôn sứ, Thiên Chúa đã dùng than hồng thánh hóa môi miệng ông. Tương tự, sau khi nghe Phê-rô xin Chúa tránh xa ông, Chúa Giê-su đã trấn an ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.”

Mời Bạn: Nếu ai đã từng nhận thức mình tội lỗi và bất xứng, thì đồng thời cũng hãy nhớ rằng tình yêu của Ngài còn mạnh mẽ hơn: Chúa muốn và có thể tái tạo chúng ta trở nên người mới để đảm nhận lại sứ mạng đưa người thân, người lạ đến với ơn cứu độ. Sau mỗi lần từ tòa giải tội trở về, bạn làm gì để đáp đền lòng Chúa thương xót?  Cứ mãi mặc cảm tội lỗi hay hăng hái bắt đầu lại bằng việc loan báo tình thương của Chúa cho tha nhân?

Sống Lời Chúa: Làm ngay một việc với ý hướng truyền giáo.

Cầu nguyện: Xin Chúa tiếp tục dùng con như khí cụ truyền giáo của Chúa, nỗ lực thu phục nhiều người cho Chúa trong môi trường con đang sống.

02.09.16

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

Lc 5,33-39

ĐỔI MỚI THEO CÁCH CỦA CHÚA

 

“Rượu mới đổ vào bầu da mới. (Lc 5,38)

Suy niệm: Đức Hồng Y Lustiger, tổng giám mục Paris (+2007), được ca ngợi như là “người của truyền thống và của canh tân… Ngài đã thành công lớn trong việc tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 1997, biểu tượng cho sự đổi mới không mặc cảm trong Giáo Hội…” (x. Vietcatholic 8.8.2007). Những nhận xét trên về Đức Hồng Y Lustiger như một minh hoạ cho sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Đổi mới để thích nghi và đáp ứng cho hoàn cảnh mới là qui luật tất yếu của cuộc sống và mọi cơ chế, nếu ta không muốn phá hư cả ‘rượu’ lẫn ‘bầu da’. Đức Giê-su xuất hiện trong tôn giáo và xã hội Do Thái như một nhà canh tân triệt để; và theo cha A. de Mello: “Người đã bị từ khước không phải vì Người mang đến tin mừng mà vì Người mang đến tin mới mẻ”.

Mời Bạn: Dĩ nhiên, khẩu hiệu “đổi mới” có thể dễ bị lạm dụng và gây ra những xáo trộn không cần thiết. ‘Nhân đức đứng giữa’, tức trung dung, có vai trò quan trọng ở đây, như câu ngạn ngữ La-tinh: “Virtus in medio stat.” Là Ki-tô hữu, ta không đứng bên lề, nhưng trong lòng xã hội. Ta cố gắng thích nghi với những dấu chỉ mới của thời đại, nhưng đồng thời cũng không tối mặt ‘vơ’ hết những trào lưu mà xã hội hôm nay ‘tọng’ cho mình (x. Thư gởi Đi-ô-nhê-tê).

Chia sẻ: Giáo xứ hay cộng đoàn bạn cần đổi mới những gì? Đâu là điểm cốt lõi của việc đổi mới? Dùng phương cách nào? Đâu là những thuận lợi và bất lợi?

Sống Lời Chúa: Dùng việc xét mình cá nhân hoặc lượng giá tập thể để nhận ra đâu là điều cần đổi mới.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi con mỗi ngày, để con có thể góp phần biến đổi thế giới xung quanh mình trong Ánh Sáng của Chúa. Amen.

03.09.16

THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT

Lc 6,1-5

ĐỪNG CHẺ SỢI TÓC LÀM TƯ!

 

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sa-bát?”… Đức Giê-su trả lời: Con Người làm chủ ngày Sa-bát. (Lc 6,2.5)

Suy niệm: Người Do-thái giữ rất nghiêm luật nghỉ ngày Sa-bát; đó là ngày nghỉ, không ai được phép lao động, vì Thiên Chúa đã nghỉ ngơi và thánh hoá ngày đó (x. St 2,2-3). Việc các môn đệ của Đức Giê-su bứt lúa rồi vò trong tay mà ăn bị người Pha-ri-sêu xem như là đã “gặt lúa” và “xay lúa”, một việc bị cấm trong ngày Sa-bát, thì quả thật là quá đáng. Quả là các ông Pha-ri-sêu này đã “chẻ sợi tóc làm tư” khiến luật nghỉ việc ngày Sa-bát đã trở nên gánh nặng và là cái cớ để bắt bẻ, kết án người khác. Chúa Giê-su đã lên án thái độ đó vì nó làm con người thành nô lệ cho lề luật, và Ngài tuyên bố: “Con Người làm chủ ngày Sa-bát”.

Mời Bạn: Thái độ “chẻ sợi tóc làm tư”, xoi mói những tiểu tiết vụn vặt để bắt bẻ người khác là một bằng chứng của người sống thiếu tình người. Nếu phải sống với một người như thế thì thật là một ác mộng, phải không bạn? Thế nhưng không chừng bạn đang là ác mộng cho những người sống quanh bạn đấy! “Nghiêm khắc với mình, khoan dung với người”, đó là nguyên tắc sống để diệt trừ thói xấu “chẻ sợi tóc làm tư”.

Chia sẻ: Kiểm điểm xem bạn có thói xấu chuyên bắt bẻ những chuyện nhỏ nhặt để lên án người khác không.

Sống Lời Chúa: Loại trừ thói xấu bình phẩm vội vàng và chỉ nhìn khía cạnh tiêu cực.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con vẫn thường đòi hỏi nơi người khác rất nhiều điều, nhưng lại nuông chiều bản thân. Xin giúp con biết sống bao dung và yêu mến nhiều hơn để cuộc sống của con trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn.

04.09.16

CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN C

Lc 14,25-33

CẤP ĐỘ ƯU TIÊN TRONG TÌNH YÊU

 

“Ai đến với tôi, mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. (Lc 14,26)

Suy niệm: Chúa Giê-su có đòi hỏi một điều “phản tự nhiên” không khi Ngài yêu cầu người ta phải “dứt bỏ” người thân và cả mạng sống mình nữa thì mới được làm môn đệ của Ngài? Trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa nói rõ hơn về “cấp độ ưu tiên” này: “Ai yêu cha hay mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37). Nhớ chuyện Áp-ra-ham vâng lời Thiên Chúa, đem người con duy nhất của mình là I-xa-ác hiến tế cho Ngài, để hiểu được rằng Ngài là Đấng Tối Cao sáng tạo nên muôn loài, đã tín thác vào Chúa, thì cũng yêu mến Ngài “trên hết mọi sự,” trên cả tình yêu dành cho cha mẹ, anh em, chị em, con trai con gái, và thậm chí, dám hy sinh cả mạng sống mình, nếu Ngài muốn.

Mời Bạn: Kinh Mười Điều Răn được tóm kết bằng câu: “Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy.” Hai điều răn kính mến Chúa và yêu thương người không được tách biệt nhau. Khi dạy ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự, Chúa không hạ giá tình yêu nhân loại mà Ngài lại nâng nó lên tầm cao vô biên của tình yêu Thiên Chúa. Nhờ đó, khi “yêu Chúa trên hết mọi sự” ta sẽ “yêu người như Chúa yêu ta.”

Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm một việc thờ phượng Chúa, bạn luôn luôn kèm theo một việc bác ái phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con nhận rõ cấp bậc ưu tiên trong tình yêu để con yêu Chúa hết lòng, và cũng yêu người như Chúa yêu con.

05.09.16

THỨ HAI TUẦN 23 TN

Lc 6,6-11

CỐT LÕI CỦA NIỀM TIN

 

Đức Giê-su nói với họ: Tôi hỏi các ông, ngày sa-bát được phép làm sự lành hay sự dữ, được cứu sống hay là giết chết? (Lc 6,6-11)

Suy niệm: Hôm nay, nhân việc các kinh sư và người Pha-ri-sêu rình xem Chúa Giê-su có chữa người bại tay trong ngày Sa-bát hay không để có cớ tố cáo Ngài, Chúa Giê-su nhắc nhở họ về cốt lõi của niềm tin vào Thiên Chúa. Không úp mở, Ngài trực tiếp chất vấn họ: lề luật và tình thương, cái nào trọng hơn? Phải chăng Thiên Chúa yêu thích lề luật đến nỗi mặc sự dữ đàn áp sự lành, mặc sự chết thay cho sự sống? Không, Thiên Chúa là Đấng tốt lành, là Sự Thiện tuyệt hảo, là Sự Sống muôn loài. Thiên Chúa luôn muốn con người sống và được sống dồi dào. Hay nói cách khác, Thiên Chúa ban cho con người luật như là con đường, là phương tiện để đến với Ngài. Bởi thế, không được vị luật mà quên mất tình thương; không được đóng kín con tim để mở to con mắt dò xét. Song phải đi vào cốt lõi của niềm tin là tình thương. Đi vào để kiện toàn lề luật. Đi vào hầu đẹp lòng Chúa-Đấng Giàu Lòng Xót Thương.

Mời Bạn: Có khi nào bạn thử hỏi: cốt lõi niềm tin của tôi là gì hay không? Trước những bất công đau khổ anh em đang phải chịu, trước những tình trạng sự sống và phẩm giá con người bị coi thường, bị chà đạp, tôi đã chọn sự sống hay giết chết? Cảm thông, chia sẻ hay dửng dưng, vô cảm?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày xin ơn bắt chước Chúa, luôn chọn sự sống thay vì giết chết, chọn hy sinh phục vụ thay vì ích kỷ hưởng thụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin sưởi ấm trái tim con, để con luôn can đảm xót thương và thứ tha dù phải chịu nhiều khổ đau. Amen.

06.09.16

THỨ BA TUẦN 23 TN

Lc 6,12-19

MÔN ĐỆ, NGƯỜI LOAN TIN VUI

 

Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.(Lc 6,12-13)

Suy niệm: Chúng ta hãy trở về với bối cảnh chính trị nước Do Thái thời Chúa Giê-su, lúc ấy đang bị Đế quốc Rô-ma đang đô hộ. Ấy vậy mà, sau khi “thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” Chúa Giê-su chọn các tông đồ, chỉ có mười hai ông thì ông Mát-thêu là người thu thuế, bị coi là “tay sai” cho đế quốc Rô-ma, còn ông Si-mon và Ta-đê-ô thì đối lại, thuộc nhóm Nhiệt thành, chủ trương dùng vũ lực để chống lại Rô-ma. Trong Nhóm Mười Hai, các ông khác nhau về lập trường, xung khắc với nhau như thế, vậy mà các ông ngày ngày phải ăn chung một mâm, học chung một thầy. Thế nhưng, ở với Thầy, các ông đã được hoán cải, và trở thành những người đi rao giảng Tin Vui của Nước Thiên Chúa.

Mời Bạn: Từ những con người tính cách khác nhau, lập trường chính trị đối lập nhau, các tông đồ đã được Chúa huấn luyện trở thành những sứ giả của đem Tin Vui cho thế giới. Tin Mừng của Chúa xoá đi mọi bức tường ngăn cách để hình thành một thế giới bao dung, tha thứ và thương xót. Bạn được kêu gọi làm môn đệ của Đức Ki-tô nghĩa là trở thành người đem niềm vui của Ngài đến cho những người mà bạn gặp gỡ.

Sống Lời Chúa: Bạn là môn đệ của Chúa, bạn được mời gọi sống yêu thương, yêu thương và yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, các tông đồ của Chúa được Chúa dạy dỗ và đã được biến đổi, để trở thành những người mang Tin Vui cho thế giới. Xin cho chúng con cũng là những môn đệ của Niềm Vui. Amen.

07.09.16

THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 23 TN

Lc 6,20-26

“PHÚC CHO ANH EM…”

 

“Phúc cho anh em là những người nghèo khó. (Lc 6,20)

Suy niệm: Chỉ sáu năm sau khi qua đời (năm 1997), Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta đã được tuyên chân phước ngày 19.10.2003. Ngày 04.09 vừa qua tại Rô-ma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên hiển thánh cho Mẹ. Một con người nhỏ bé, nhanh nhẹn trong dáng dấp một bà nhà quê, thế mà được cả thế giới ngưỡng mộ, được mọi dân tộc đồng thanh gọi bằng cái tên thân thương là Mẹ, nhận được nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới, và là một trong những người được tuyên thánh sớm nhất sau khi qua đời. Mẹ Tê-rê-xa được như thế là vì Mẹ đã dành cả cuộc đời chăm sóc những người nghèo khổ, bị ruồng bỏ, để phục hồi cho họ phẩm giá cao quý là người và là con cái Thiên Chúa. Chúa nói “phúc cho người nghèo khó” không phải để họ ở mãi trong cảnh nghèo mà vì Chúa đứng về phía họ, và giải cứu họ khỏi cảnh khốn cùng ấy. Mẹ Tê-rê-xa là thánh vì Mẹ đã làm cho Lời Chúa đó trở thành hiện thực.

Mời Bạn: Chúng ta thường dễ bị “choáng” trước tình trạng nghèo đói chung quanh ta và trên thế giới: Nhu cầu thì quá lớn mà tôi thì có quá ít để cho! Mẹ Tê-rê-xa chia sẻ: “Nếu bạn không thể cho một trăm người đói ăn, bạn hãy cho ít là một người.” Bạn cứ bắt đầu bằng một việc tốt đẹp nhỏ bé cho một người anh em bé nhỏ đi, rồi Chúa sẽ làm những điều còn lại.

Sống Lời Chúa: Thực hiện điều tâm niệm được coi là của Mẹ Tê-rê-xa: “Hãy làm một điều gì đó tốt đẹp cho Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhận ra Chúa là người đói” để con cho Chúa ăn, Chúa là “người khát để con cho Chúa uống, Chúa là người rách rưới để con cho Chúa mặc. (Mẹ Têrêxa)

08.09.16

THỨ NĂM TUẦN 23 TN

Sinh nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a

Mt 1,1-16.18-23

SINH RA ĐỂ THI HÀNH Ý CHÚA

 

“Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. (Mt 1,21)

Suy niệm: Thông thường, mỗi dịp mừng sinh nhật, chúng ta thường cảm tạ ơn Chúa và cha mẹ đã cho chúng ta sinh ra đời. Đó là điều phải đạo. Nhưng, trong dịp mừng lễ sinh nhật của Mẹ Ma-ri-a, chúng ta còn hiểu thêm rằng, con người được sinh ra đời luôn bao hàm một sứ mạng do Thiên Chúa giao phải chu toàn. Từ nguyên thuỷ, trong ý định của Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a đã được tuyển chọn làm Mẹ của Ngôi Hai Nhập thể và làm mẹ nhân loại. Mẹ chào đời là để đảm nhận sứ mạng mở ra một cuộc chào đời khác của Đức Giê-su. Tất cả cuộc đời trần thế của Mẹ là một nỗ lực chu toàn điều Chúa muốn cho Mẹ: Mẹ không chỉ cưu mang Con Thiên Chúa làm người, mà còn dưỡng nuôi và cùng chia sẻ những gai chông cuộc đời thánh giá của Chúa Giê-su, Con của Mẹ. Sau đường thánh giá, Mẹ còn quảng đại đảm nhận vai trò làm Mẹ nhân loại và phù trợ cho nhân loại được lãnh ơn cứu độ của Chúa Giê-su.

Mời Bạn: Từ sứ mạng Chúa giao cho Mẹ trong ngày sinh nhật của Mẹ, chúng ta nhận ra sứ mạng của chúng ta trong ngày sinh nhật của chúng ta. Thiên Chúa chọn bạn làm người và làm con của Thiên Chúa để bạn chia sẻ niềm vui làm con của Thiên Chúa cho mọi người. Vậy, bao nhiêu người chung quanh bạn được nghe bạn chia sẻ niềm vui của bạn?

Sống Lời Chúa: Tôi có sứ mạng đem niềm vui đến mọi người trong gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đã hiểu rõ điều Chúa muốn cho Mẹ và Mẹ đã thành tâm thi hành. Xin cho con bắt chước Mẹ theo đuổi điều Chúa muốn.

09.09.16

THỨ SÁU TUẦN 23 TN

Thánh Phê-rô Cla-ve, linh mục

Lc 6,39-42

LỜI CHÚA LÀM CHO MẮT SÁNG

 

Chúa Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? (Lc 6,39)

Suy niệm: Chúa Giê-su muốn nói đến những kẻ mù lòa nào vậy? Đó là kẻ không khiêm tốn nhận ra khuyết tật của mình, không thấy “cái xà trong con mắt của chính mình.” Thánh Phao-lô tông đồ giải thích, “bạn xác tín mình là người dẫn dắt kẻ mù lòa, là ánh sáng cho kẻ trong bóng tối, là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy người non dại, vì bạn tưởng mình có Lề Luật, là có tất cả tri thức và chân lý” (Rm 2,19-20). Thật là tai họa cho trường hợp “mù mà lại dắt mù”!

Mời Bạn: Bạn có băn khoăn khi đứng trước tình trạng mất định hướng của nền giáo dục, nhất là giáo dục đức tin, ngay từ trong các gia đình hôm nay không? Các bậc làm cha mẹ có thể yên tâm được không, khi không biết phải dạy dỗ con cái thế nào trong thời đại ngày nay? Đó là thứ mù nguy hiểm có nguy cơ làm cả gia đình có ngày phải “sa xuống hố.” Nếu bạn tự hào mắt bạn sáng, thì khi đi trong bóng tối mắt bạn có sáng được không? Vậy, tại sao bạn không tìm đến với Chúa là nguồn Ánh Sáng để được ánh sáng và giúp người khác “khỏi sa xuống hố”? Vì vậy, rất cần mọi người, trong các gia đình, các cộng đoàn lớn nhỏ, đều phải hằng ngày soi mình trước Lời Chúa để tiếp nhận ánh sáng của Chúa và cùng nhau đi vào cõi sống. Mời bạn tìm biết ý Chúa trước đã rồi mới có thể giúp cho con cái hay người đang cần đến bạn một lời khuyên.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày học thuộc một câu Lời Chúa và cầu nguyện với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chữa lành đôi mắt tâm hồn tật nguyền của con, để con nhìn thấyánh sáng từ Lời Chúa.

10.09.16

THỨ BẢY TUẦN 23 TN

Lc 6,43-49

ĐỂ TÂM HỒN NÊN KHO TÀNG TỐT

 

“Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra (Lc 6,45)

Suy niệm: Muốn biết người ta dùng gì trong nhà, cứ việc nhìn vào thùng rác của họ sẽ biết. Muốn biết xã hội như thế nào, cứ nhìn vào các hiện tượng trong xã hội sẽ rõ, vì như một nhạc sĩ nhận xét, “sản phẩm của xã hội văn hóa nào thì sinh ra con người ấy.” Như vậy, những hiện tượng xấu giữa xã hội này từ những “kho tàng xấu” trong lòng người mà ra. Nhưng, Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta theo “hình ảnh của Thiên Chúa” mà! Vậy, tại sao có những “kho tàng xấu” ấy? Chúa Giê-su đã giải thích qua câu hỏi: “Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!, mà anh em không làm điều Thầy dạy?” Thì ra, một khi không làm những điều Chúa dạy, lòng dạ người ta sẽ trở thành “thùng rác” chứa đầy mọi thứ xấu xa, bẩn chật và tai ác; một khi không thực thi lời Chúa, thì thay vì trở thành cộng đoàn yêu thương, xã hội sẽ trở nên một đám đông “quỷ ở với người.”

Mời Bạn: Bạn làm gì để gia đình bạn thành tổ ấm yêu thương và là cộng đoàn chứng nhân giữa xã hội này? Lòng bạn thấm đầy lời Chúa dạy hay ngập tràn điều xấu? Bạn có để Chúa làm chủ đời bạn và gia đình của bạn không?

Sống Lời Chúa: Mỗi tối, bạn đọc cho cả gia đình nghe lời Chúa và nhắc nhủ gia đình sống theo lời Chúa dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dùng Thánh Thần của Chúa đổi mới tâm hồn con, để con luôn thuộc về Chúa và làm những điều đẹp lòng Chúa. Xin cất khỏi lòng con những điều tệ hại, để không làm buồn lòng Chúa và không làm gương xấu cho bất cứ ai.

11.09.16

CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN C

Lc 15,1-32

CHIÊM NGẮM LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Đức Giê-su nói: Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.(Lc 15,10)

Suy niệm: Trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, ba dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay như một chùm ánh sáng làm nổi bật hình ảnh ba chiều của Lòng Thương Xót. 1. Niềm mong ước của Lòng Thương Xót là không để mất một ai trong những tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên giống hình ảnh Ngài, cho dù nó có nhỏ bé mấy đi nữa. 2. Lòng Thương Xót chứa đựng một quyền năng vô biên thúc đẩy Chúa ra đi tìm kiếm cho bằng được những người tội lỗi, lạc xa tình Chúa để đưa họ trở về với Ngài. 3. Lòng Thương Xót hoá thành Niềm Vui viên mãn khi những người con cái Chúa “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

Mời Bạn: Lòng Thương Xót của Chúa tuôn tràn lai láng trên chúng ta để rồi chúng ta lại trao ban lòng thương xót ấy cho anh chị em của mình. Mời bạn chiêm ngắm Đức Ki-tô chịu đóng đinh là “dung nhan Lòng Thương Xót” để mô phỏng, đồng hoá những “nét” thương xót ấy trong tâm hồn của bạn.

Chia sẻ: Tính vô cảm đã tiêm nhiễm vào lối sống Kitô hữu ngày nay như thế nào? Bạn cho một ví dụ chứng minh.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khắc hoạ vào tâm hồn mình một “nét” thương xót của Đức Ki-tô bằng cách thực hiện ba điều tâm niệm này: – luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho tha nhân; – sống bao dung nhẫn nại; – và tha thứ không giới hạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài bằng sự tha thứ và lòng thương xót. Xin làm cho chúng con trở thành gương mặt hữu hình của Lòng Thương Xót Chúa trên trái đất này. (theo Kinh Năm Thánh)

12.09.16

THỨ HAI TUẦN 24 TN

Thánh Danh Đức Ma-ri-a

Lc 7,1-10

LÒNG TIN VỮNG MẠNH

 

“Ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế. (Lc 7,9)

Suy niệm: Người có đạo lâu năm không đương nhiên là có đức tin mạnh hơn các anh chị em tân tòng; những người lớn tuổi chưa chắc là có đức tin kiên cường hơn những người tuổi nhỏ, bởi vì đức tin không tùy thuộc vào tuổi tác và ngày tháng ghi trong sổ Rửa Tội. Thậm chí, đôi khi người ngoại đạo nhưng lại có lòng tin mạnh mẽ vào quyền năng và tình yêu của Chúa hơn cả những người mang danh là đạo gốc từ nhiều đời. Viên đại đội trưởng ngoại giáo hôm nay là một điển hình. Ông tin vào quyền lực của Đức Giêsu đến mức Người phải thán phục thốt lên: “Ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”

Mời Bạn: Nhìn lại chính lòng tin của mình và thử đánh giá xem bạn tin mạnh mẽ đến mức nào. Chẳng hạn, bạn có tin vững vàng rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, rằng Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ cho mọi người, rằng Chúa Thánh Thần đang không ngừng hoạt động cách mầu nhiệm để dẫn dắt và thánh hoá con người và lịch sử? Bạn có tin Chúa Ki-tô hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể? Bạn có tin vào ơn tha thứ của Chúa trong Bí tích Hoà Giải? Và đừng quên: muốn lượng giá đức tin, phải xem xét hành động.

Sống Lời Chúa: Căn tính của người Ki-tô hữu là lòng tin vào Đức Ki-tô; bạn hãy bảo đảm rằng mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình đều toả sáng lòng tin ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù ở giữa những gian nan thử thách, những cô đơn tuyệt vọng, những ê chề sa ngã, xin cho con vẫn một niềm tin tưởng vào quyền năng và tình yêu của Chúa. Amen.

13.09.16

THỨ BA TUẦN 24 TN

Thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ HT

Lc 7,11-17

TRÁI TIM ĐỒNG CẢM

 

Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa! (Lc 7,13)

Suy niệm: Người phụ nữ thành Na-in từng sống với nỗi đau của người góa bụa: mất chồng, cô đơn, thiếu người nâng đỡ, một mẹ một con, đương đầu với những gian nan khốn khó trong cuộc sống. Bao nhiêu an ủi, hy vọng bà đặt nơi người con trai duy nhất, nhất là khi cậu sắp thành người lớn. Thế nhưng chính lúc đó, tử thần cướp mất mạng sống của anh khỏi tay bà. Tâm hồn bà tan nát sầu khổ, không gì bù đắp được. Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương xót. Ngài đến gần quan tài gọi người thanh niên chỗi dậy. Đây là một trong những trường hợp Chúa Giê-su làm phép lạ không phải vì có người đến khẩn khoản cầu xin hay bày tỏ đức tin chân thành, nhưng chỉ vì Chúa chạnh lòng thương xót. Ngài cho thấy bản tính của Thiên Chúa chính là yêu thương, đúng như thánh Gio-an đã định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Tất cả cuộc sống trần gian và cái chết Chúa Giê-su cho thấy Ngài là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Nhà khoa học mong sao chế tạo một người máy có đôi chút rung cảm của con người, trong khi đó, con người lại sống vô cảm như người máy! Chúa Giê-su muốn thức tỉnh những tâm tình yêu thương, tha thứ, cảm thông trong trái tim mỗi người để chúng ta đừng thờ ơ lãnh đạm với những đau khổ của tha nhân. Chúng ta đừng quên lời Thánh Gioan Thánh Giá: “Vào lúc cuối đời chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.”

Sống Lời Chúa: Noi gương Chúa Giê-su, tôi để tâm giúp đỡ những người cần cứu giúp về vật chất hoặc tinh thần đang sống gần bên tôi.

Cầu nguyện: Đọc kinh Thương Người Mười Bốn Mối.

14.09.16

THỨ TƯ TUẦN 24 TN

Suy tôn Thánh Giá

Ga 3,13-17

KI-TÔ GIÁO VÀ THÁNH GIÁ

 

“Con Người cũng phải được giương cao, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (Ga 3,14-15)

Suy niệm: Kể từ khi Đức Ki-tô chịu đóng đinh và sống lại, cây thánh giá không còn là một nhục hình kinh tởm, mà là vinh dự và tự hào của Ki-tô giáo: “Vinh quang của ta là thánh giá Đức Kitô, nơi Người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta…” Thánh giá hiện diện trên các cơ sở tôn giáo. Dấu thánh giá khởi đầu mọi cử hành phụng vụ và việc đạo đức. Dấu thánh giá được vạch trên mọi đồ vật tôn giáo, trên mọi Ki-tô hữu. Phép lành được ban với hình thánh giá. Đấy là bên ngoài, còn bên trong tâm hồn Ki-tô hữu, họ được mời gọi yêu mến, đón nhận và vác thánh giá theo Chúa. Ki-tô hữu không xin Chúa cất thánh giá đi, nhưng xin Chúa thêm sức mạnh để mình có thể vác thánh giá theo chân Chúa (Kinh Mân Côi, gẫm thứ 4 mùa Thương).

Mời Bạn: Môn đệ Chúa là người vác thánh giá theo Chúa. Dòng Mến Thánh Giá chọn châm ngôn: “Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí tôi.” Thánh Tê-rê-xa A-vi-la cầu xin Chúa rằng: “Cho con chịu đau khổ, không thì cho con chết đi.” Trước những gương sáng đó bạn cũng yêu mến và đón nhận thánh giá trong đời bạn chứ?

Chia sẻ: Đâu là thánh giá hiện nay của đời bạn? Một người, sự kiện, bệnh tật, thất bại, một điều trái ý bạn. Hãy nhìn vào cây thánh giá trước mặt bạn, và cầu xin sức mạnh của Chúa để chấp nhận.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn hãy vui tươi đón nhận mọi thánh giá bạn gặp trên đường và vác đi trong tin yêu.

Cầu nguyện: “Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giê-su Ki-tô; vì Chúa đã dùng Rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.”

15.09.16

THỨ NĂM TUẦN 24 TN

Đức Mẹ Sầu Bi

Ga 19,25-27

VÌ MẸ LÀ MẸ CỦA CON

 

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. (Ga 19,25-26)

Suy niệm: Lời tiên báo của Si-mê-on gắn liền số phận của Mẹ với số phận của con trẻ Giê-su: Con sẽ bị người ta chống đối; lòng Mẹ sẽ như bị gươm đâm thâu. Điều đó có nghĩa rằng cuộc đời của Mẹ liên đới chặt chẽ với cuộc đời của Con; số phận của Con là tương lai của Mẹ; thánh giá của Con là khổ giá của Mẹ; mẹ với con cùng chung một số phận. Người ta khó hình dung những gì xảy ra trong lòng Đức Ma-ri-a lúc ấy, khi Mẹ đứng dưới chân thập giá bên cạnh con mình trên đỉnh núi Sọ; nhưng chắc chắn có thể khẳng định rằng Mẹ luôn chia sẻ những biến cố cuộc đời của Chúa Giê-su, con của Mẹ, và sẵn sàng “xin vâng” theo ý của Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh với niềm phó thác.

Mời Bạn nhớ đến những người mẹ đang cưu mang hay nuôi nấng con của mình. Có những người mẹ đang phải lo lắng vì một người con sẽ sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn kinh tế, bệnh tật. Có những người mẹ đang ưu tư về tương lai của con cái. Có những người mẹ đang phải khốn đốn vì những đứa con hư hỏng, bê tha. Họ đang cần lời cầu nguyện và sự ủi an, chia sẻ của bạn.

Chia sẻ: Là con cái, bạn thường có tâm tình gì đối với mẹ mình?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ những người mẹ đang phiền muộn vì con cái, để họ bắt chước Đức Ma-ri-a vác thập giá cùng với con mình.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin cho các bà mẹ biết đón nhận sự sống của con mình vàchia sẻ mọi cảnh huống của con như Mẹ đã sống với Chúa Giê-su. Amen.

16.09.16

THỨ SÁU TUẦN 25 TN

Thánh Co-nê-li-ô, giáo hoàng và Xíp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo

Lc 8,1-3

TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ PHỤ NỮ

 

Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Ngài có Nhóm Muời Hai và mấy người phụ nữ đã được Ngài trừ quỉ và chữa bệnh. (Lc 8,1-2)

Suy niệm: Bất chấp những luật lệ của hàng tư tế về sự thanh sạch, Chúa Giê-su tiếp xúc với những chị em bị xã hội coi là ô uế. Trong Tin Mừng hôm nay Ngài chấp nhận cho một số chị em – từng bị quỉ ám và bệnh tật – cùng đồng hành trên đường truyền giáo cùng với Nhóm Mười Hai. Quả thật, Chúa Giê-su tôn trọng phẩm giá người phụ nữ và đánh giá cao sự đóng góp của họ trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.

Mời Bạn: Tôn trọng quyền lợi và phẩm giá người phụ nữ, Giáo Hội mong muốn càng ngày càng có nhiều phụ nữ có điều kiện về thời giờ và khả năng tham gia vào các sinh hoạt trong đạo cũng như ngoài đời. Đặc biệt, nơi gia đình là “Hội Thánh tại gia,” chị em là người đóng vai trò chủ chốt trong việc chuyển giao đức tin cho con cái mình.

Chia sẻ: Trong giáo xứ của tôi có tình trạng khinh miệt, bạo hành phụ nữ (vợ, người nữ giúp việc…) không? Tôi có giúp các chị em nhận thức và bảo vệ phẩm giá của mình, không cho phép biến người nữ thành “vật dụng kinh tế” hay “đồ giải trí tầm thường không?”

Sống Lời Chúa: Trong phạm vi của mình, tôi để tâm phát hiện và chận đứng những hình thức khinh miệt, bạo hành phụ nữ.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a đầy ơn phúc, xin Mẹ cho các chị em tỏa lan ra xung quanh hương thơm đời sống thánh thiện nhân đức. Xin cho chị em dẫn đưa tha nhân về với Chúa bằng cánh tay và trái tim mẹ hiền.

17.09.16

THỨ BẢY TUẦN 24 TN

Thánh Rô-be-tô Ben-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT

Lc 8,4-15

KIÊN TRÌ GIEO HẠT LỜI CHÚA

 

“Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả. (Lc 8,15)

Suy niệm: Kể dụ ngôn này với các môn đệ, Chúa Giê-su bị giới lãnh đạo Do Thái chống đối ra mặt. Nhưng Người vẫn kiên trì tiếp tục sứ vụ của mình: rao giảng, dạy dỗ, chữa bệnh, trừ quỉ… Người làm việc như một người gieo hạt cần mẫn. Dẫu biết rằng có những hạt giống rơi trên vệ đường, trong bụi gai, trên đá sỏi sẽ không sống được nhưng người gieo vẫn cứ gieo vì biết có rất nhiều hạt khác rơi trên đất tốt, hứa hẹn một mùa gặt chắc chắn sẽ đến.

Mời Bạn: Bức tranh thế giới hôm nay thật ảm đạm: ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, khoảng cách giàu nghèo, khủng bố, chiến tranh, nợ nước ngoài, đại dịch HIV.AIDS. Thêm vào đó là: tham nhũng hối lộ, đạo đức suy thoái, cơ chế bất công, nội chiến triền miên, thất nghiệp, giáo phái lộng hành… Tuy vậy, người môn đệ Đức Ki-tô vẫn tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của Nước Thiên Chúa. Cùng với Chúa Giê-su họ tham gia vào cuộc chiến chống lại ác thần, không để mình bị bóp nghẹt bởi thế lực của tội lỗi.

Sống Lời Chúa: Biết bao người đang dấn thân xây dựng xã hội công bằng bác ái. Họ là những mảnh đất tốt đang đón nhận hạt giống Lời Chúa và đang sinh hoa kết trái. Tôi vui mừng tạ ơn Chúa và quyết tâm kiên trì dấn thân cho Nước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù cuộc sống không luôn mỉm cười với con, nhưng xin cho con luôn sống vui tươi và tín thác nơi Chúa. Khi con bị cám dỗ chùn bước hay buông thả, xin cho con biết nắm chặt bàn tay Chúa để Chúa sẽ dìu con lên. Amen.

18.09.16

CHÚA NHẬT TUẦN 25 TN C

Lc 16,1-13

TRUNG TÍN TỪ VIỆC NHỎ

 

“Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn. (Lc 16,10)

Suy niệm: Một sợi tơ mỏng manh nhỏ bé dường như chẳng làm nên tích sự gì. Nhưng bạn nên nhớ rằng tấm lụa mượt mà kia đã được dệt bằng những sợi tơ như thế. Cuộc đời chúng ta được kết dệt bằng biết bao việc nho nhỏ được trải đều trong khắp cả đời sống thường ngày. Từng giây, từng phút trong đời, một cử chỉ yêu thương, một lời nói dịu dàng, một hy sinh kín đáo, một cái nhìn cảm thông, một ý tưởng ngay lành, tất cả những điều đó, từng chút một, sẽ dệt nên cuộc sống tươi đẹp, hào hùng thấm đầy ơn phúc của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã nhắc nhở chúng ta: Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn, ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn (Lc 16,10).

Mời Bạn: Hãy nhìn ngắm Chúa Giê-su tại Na-da-rét, Ngài đã trung tín với bổn phận hằng ngày để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Chúa cũng mời bạn, hôm nay và trong cả cuộc đời, hãy làm những việc bổn phận dù là rất đỗi tầm thường, nhưng hãy làm với lòng yêu mến Chúa.

Chia sẻ: Bạn có cảm nhận được niềm hạnh phúc cao thượng khi bạn có một việc giúp ích nho nhỏ để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân?

Sống Lời Chúa: Để sống Lời Chúa mời gọi hôm nay tôi sẽ cố gắng chu toàn bổn phận hằng ngày, bổn phận đối với Chúa và đối với những người thân yêu của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con biết trung thành với Chúa khi làm những việc tầm thường nhỏ bé trong đời sống hằng ngày để chứng tỏ lòng con yêu mến Chúa.

19.09.16

THỨ HAI TUẦN 25 TN

Thánh Gia-nu-a-ri-ô, giám mục, tử đạo

Lc 8,16-18

ĐẶT ĐÈN TRÊN ĐẾ

 

“Chẳng có ai đốt đèn rồi để dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. (Lc 8,16)

Suy niệm: Nắm một bài thuốc gia truyền thật hay, nhưng ‘sống để bụng, chết đem đi’, biến nó thành… thất truyền! Mua một quyển sách thật hay rồi đem về cất kỹ trong tủ, không bao giờ đọc! Miệt mài nghiên cứu nhiều năm để có được phát minh mới, nhưng chẳng bao giờ đưa nó vào ứng dụng cả! Những chuyện trên đây cũng vô lý và vô nghĩa như chuyện “đốt đèn rồi để dưới gầm giường.” Đức Ki-tô và Lời của Người là ánh sáng cho trần gian. Sẽ thật vô lý và vô nghĩa nếu ta bảo rằng mình ‘có’ ánh sáng này nhưng lại vô tâm cất kỹ cho riêng mình và không buồn chia sẻ cho người khác.

Mời Bạn: Nhìn những panô và hộp đèn quảng cáo rực rỡ ở các khu trung tâm, quảng trường, sân vận động…, bạn nghĩ gì? Tại sao người ta chấp nhận bỏ ra những khoản tiền rất lớn để được đặt các bảng quảng cáo ở những vị trí có nhiều người nhìn thấy nhất? Đành rằng đây là một phần tất yếu của việc kinh doanh, dĩ nhiên; nhưng cái ‘lý’ của hành động trên chính là: người ta tin rằng sản phẩm của mình rất tốt, rất có giá trị, và rất đáng phổ biến cho nhiều người. Bạn có tin rằng Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người rất tốt, rất có giá trị, và rất đáng phổ biến cho nhiều người không?

Sống Lời Chúa: Trong những cuộc gặp gỡ, những câu chuyện hằng ngày…, bạn tế nhị nhưng tích cực đưa chất Tin Mừng vào, để chia sẻ ánh sáng mà bạn xác tín cho (những) người mà bạn đang tiếp xúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết mạnh dạn chứ không nhút nhát, để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

20.09.16

THỨ BA TUẦN 20 TN

Thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung và các bạn tử đạo

Lc 8,19-21

“ĐEM RA THỰC HÀNH

 

“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.(Lc 8,21)

Suy niệm: Thuở còn sinh thời, thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II được một tờ báo Ý viết dí dỏm rằng Chúa Giê-su chỉ có một bài giảng trên núi, còn ngài thì có cả một ‘núi’ bài giảng. Thật ra, không riêng chi Đức Gio-an Phao-lô II, các giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân ngày nay cũng viết lách, sáng tác rất nhiều. Tình hình xuất bản sách báo Công giáo ‘trăm hoa đua nở’ đến nỗi nhiều tác phẩm mới trình làng thì đã sớm chìm vào quên lãng. Văn kiện này chưa kịp triển khai, văn kiện khác đã xuất hiện. Về khả năng ăn nói và viết lách, Giáo Hội ngày nay chẳng nghèo chút nào. Tạ ơn Chúa! Thế nhưng, để trở thành “mẹ và anh em” của Chúa Giê-su, giàu phần ‘lý thuyết’ mà thôi thì chưa đủ, còn phải biết “đem ra thực hành” nữa.

Mời Bạn: Thánh Gia-cô-bê nhắc chúng ta rằng đức tin không có việc làm là đức tin chết! Đạo Ki-tô giáo là đạo thực hành, chứ không phải là lý thuyết.

Chia sẻ: Có người nói rằng niềm tin Ki-tô giáo không chỉ được gói ghém trong kinh Tin Kính, nhưng cả trong kinh Hòa Bình; cũng như không chỉ nguyên nơi việc đọc hai kinh đó, mà nhất là thực hành chúng nữa. Bạn nghĩ sao?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, như tiêu đề của tập sách này, bạn dành 5 phút để đọc và suy niệm Lời Chúa. Và nhất là bạn hãy dành 24 giờ để SỐNG LỜI ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con muốn được Chúa coi như anh em, chị em của Chúa. Xin cho chúng con không chỉ bằng lòng với việc đọc suông, nhưng còn biết suy niệm Lời Chúa; và nhất là tìm mọi cách áp dụng Lời ấy vào đời sống của chúng con. Amen.

21.09.16

THỨ TƯ TUẦN 25 TN

Thánh Mát-thêu, tông đồ

Mt 9,9-13

TRẢ LỜI CHO NHỮNG THẮC MẮC

 

“Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? (Mt 9,11)

Suy niệm: Khi gọi người thu thuế và tội lỗi là “bọn” là “quân,” nhóm Pha-ri-sêu cho thấy họ khinh rẻ hai hạng người này như thế nào. Đối lại thái độ kiêu căng khinh người này, Chúa Giê-su đáp trả bằng một câu trả lời đậm tình yêu thương: “Ta muốn lòng nhân từ.” Lòng nhân từ là chiếc chìa khóa mở toang lồng ngực cho thấy Trái Tim Chúa yêu dấu loài người quá bội, một Trái Tim yêu thương thực sự có sức thu hút và hoán cải những tâm hồn cứng cỏi, nguội lạnh. Việc ngồi đồng bàn với những người bị xã hội coi là tội lỗi càng cho thấy Chúa muốn chia sẻ niềm vui với những con người sám hối. Niềm vui Tin Mừng là niềm vui của hoán cải đổi đời. Đó chính là mục tiêu ưu tiên của Chúa Giê-su khi đến thế gian này.

Mời Bạn: Nhiều khi bạn và tôi cũng có những thắc mắc tương tự khi nhìn thấy ông kia bà nọ ngồi ăn với những kẻ bị mang tiếng là tội lỗi. Có thể những ông bà, anh chị đó chưa đủ mức độ thánh thiện như Chúa Giê-su, ta lo họ bị kẻ xấu cám dỗ, lợi dụng. Điều này không sai, nhưng cũng cần có những cơ hội như thế để bắt nhịp cầu thống hối đổi đời. Hãy bao dung hơn trong cách nhìn nhận và phê phán của mình.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ suy niệm và nỗ lực thực hiện câu Lời Chúa sau đây: “Hãy học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế…”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cho thấy Trái Tim đầy xót thương của Chúa khi kêu gọi thánh Mát-thêu và đồng bàn với những kẻ tội lỗi. Xin dạy con biết sống quảng đại như Chúa từng quảng đại với con là kẻ tội lỗi, biết bao dung như Chúa đã bao dung với con. Amen.

22.09.16

THỨ NĂM TUẦN 25 TN

Lc 9,7-9

SỨC MẠNH CỦA SỰ THẬT

 

Vua Hê-rô-đê nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su. (Lc 9,9)

Suy niệm: Hê-rô-đê tưởng rằng chém đầu ông Gio-an Tẩy Giả – người dám kết án hành vi loạn luân của vua – là đã bịt miệng được kẻ chống lại mình. Thế nhưng, vua chỉ có thể bịt miệng kẻ lên án mình, chứ không bao giờ có thể bịt miệng được sự thật. Các bạo chúa như Hê-rô-đê có thể tiêu diệt được những kẻ lên tiếng bảo vệ sự thật, nhưng chính sự thật thì không bao giờ tiêu diệt được. Trái lại, sự thật ấy luôn trở nên nỗi ám ảnh cho kẻ gây tội ác. Không lạ gì khi nghe tin Chúa Giê-su xuất hiện, Hê-rô-đê cảm thấy bất an. Bởi hơn ai hết, ông hiểu rõ sự xâu xé nơi nội tâm mình: những hành vi đen tối của ông không thể nào chịu nỗi trước sức ép của ánh sáng sự thật. Đúng như lời Chúa Giê-su đã nói: “Kẻ làm điều ác, thì không đến cùng ánh sáng” (Ga 3,20).

Mời Bạn: Theo tâm lý bình thường, chẳng ai muốn tội lỗi của mình bị phanh phui, nên tìm cách che đậy, như kiểu A-đam và E-và kết lá vả che thân. Nhưng như một thứ ung nhọt, tội lỗi càng che đậy thì càng trở nên nguy hiểm và khó chữa lành hơn. “Duy sự thật mới có thể giải thoát chúng ta mà thôi” (Ga 8,32).

Sống Lời Chúa: Bí tích Hòa Giải không chỉ đem lại ơn tha tội mà còn là phương thế chữa lành hữu hiệu nhất về mặt nội tâm. Tôi siêng năng đến với Bí tích Hòa Giải để tâm hồn được bình an.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Chân Lý, là Ánh Sáng chiếu soi trần gian, xin dùng Sự Thật màthánh hiến chúng con. Amen.

23.09.16

THỨ SÁU TUẦN 25 TN

Thánh Pi-ô Pi-ét-ren-xi-na, linh mục

Lc 9,18-22

CHÂN DUNG ĐẤNG THƯƠNG XÓT

 

“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại. (Lc 9,22)

Suy niệm: Vào một ngày tháng 11 năm 2014, tại trạm tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, có một người đàn ông mặc chiếc áo với dòng chữ “Bao cát thịt người, giá 10 tệ một cú đấm” và xin người khác đánh vào mình. Người đó là Hạ Quân, anh có đứa con trai mắc bệnh máu trắng hiểm nghèo. Sau khi bán hết tài sản và vay mượn số tiền lớn để chữa trị cho con nhưng không đủ, anh không còn cách nào khác bèn nghĩ ra cách này để mong có tiền chữa bệnh cho con. Tấm lòng của người cha yêu thương con vô bờ đã khiến nhiều người rớt nước mắt. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã yêu thương con người vô hạn và luôn làm mọi cách để cứu độ con người, ngay cả việc phải hy sinh chính mạng sống Con Một của mình.

Mời Bạn: “Đức Giêsu Na-da-rét đã mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người” (Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 1). Cao điểm lòng thương xót ấy chính là cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Bạn được mời gọi nhận ra dung mạo của lòng thương xót nơi con người Đức Giê-su và sống lòng thương xót ấy nơi cuộc đời mình. Bằng cách đi con đường thập giá với Đức Ki-tô, là đón nhận những đau khổ, bạn góp phần cứu độ mình và cứu độ người khác.

Sống Lời Chúa: Làm việc hy sinh trong ngày để cầu nguyện cho một người nào đó, hoặc làm việc chia sẻ với một người đang gặp đau khổ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết đón nhận những đau khổ trong cuộc đời mình bằng sự kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa, vì phần rỗi của con và của người khác. Amen.

24.09.16

THỨ BẢY TUẦN 25 TN

Lc 9,43b-45

CHỌN THUA ĐỂ THẮNG

 

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. (Lc 9,44)

Suy niệm: Ai cũng mong thông báo cũng như đón nhận tin vui, tin mừng, chẳng ai muốn tin xấu, tin dữ cả. Thầy Giê-su cũng thế, Ngài đã trải qua kinh nghiệm khó khăn ấy khi báo cho các môn đệ biết Người “sắp bị nộp vào tay người đời.” Không chỉ một, mà đến ba lần tiên báo. Tuy nhiên, các môn đệ thật sự không hiểu, bởi vì làm sao hiểu được khi các ông đang chứng kiến bao việc kỳ diệu Thầy làm (x. Lc 9,43)? Làm sao các ông có thể chấp nhận “đầu hàng,” trong khi ông nào cũng muốn được ngồi hai bên tả hữu của Thầy? Chỉ sau biến cố Phục Sinh, khi tưởng chừng như Thầy đã “thất bại,” song hóa ra thành công vinh quang, các ông mới sáng mắt ra với cái lý của việc Thầy chọn con đường “bị trao nộp vào tay người đời.”

Mời Bạn: Con đường thập giá của Đức Giê-su luôn là thách đố gay go với các môn đệ. Thái độ thông thường của bạn là không hiểu, tránh né, muốn “thắng”, chứ không chịu “thua.” Giáo Hội được thế quyền ưu đãi vẫn sướng hơn là tách biệt khỏi thế quyền và bị ăn hiếp! Bạn vẫn quen nhìn nhiều biến cố xảy đến như một loại “tai nạn” cho Giáo Hội, chứ ít khi nhận ra Chúa Thánh Thần đang thanh luyện Giáo Hội. Bạn thích chưng diện, trang hoàng thập giá nhưng lại ngao ngán và từ chối vác nó!

Chia sẻ: kinh nghiệm trong đời bạn về thập giá nở hoa, khi thập giá ấy được đón nhận cách tích cực.

Sống Lời Chúa: Tập kết hợp với Đấng chịu đóng đinh trong mọi nghịch cảnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con lẽ khôn ngoan của con đường thập giá, để con trung kiên bước theo Ngài và làm cho thập giá nở hoa. Amen.

25.09.16

CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN C

Lc 16,19-31

LỘ TRÌNH LÒNG THƯƠNG XÓT

 

“Có một ông nhà giàu kia Lại có một người nghèo khó…” (Lc 16,19.20)

Suy niệm: Dụ ngôn Chúa kể hôm nay đầy những chi tiết tương phản đến độ gây sốc: ông nhà giàu – người nghèo ăn xin; ông nhà giàu mặc lụa là gấm vóc – người ăn xin mụn nhọt đầy mình; ông ta yến tiệc linh đình – người nghèo La-da-rô thèm ăn những thứ rớt xuống từ bàn ăn… Thế rồi giàu hay nghèo cùng có một kết cục chung: cái chết. Đến đây, tình thế lại đảo ngược: từ dưới âm phủ, ông nhà giàu “ngước mắt lên” để van xin được một giọt nước từ đầu ngón tay của anh La-da-rô. Không biết lúc đó, ông có nhớ lại nhiều lần anh La-da-rô cũng có cử chỉ đó với ông? Khi còn sống, chắc hẳn không chỉ một lần ông đã bắt gặp ánh mắt nài xin, bàn tay chìa ra để xin sự giúp đỡ của ông. Rất tiếc, ánh mắt và bàn tay ấy đã không chạm được vào trái tim khép kín của lòng ông.

Mời Bạn: “Lòng thương xót là một lộ trình khởi hành từ con tim tới đôi tay, nghĩa là tới các công việc của lòng thương xót” (ĐGH Phanxicô). Những hình ảnh tương phản trong dụ ngôn vẫn còn mang tính thời sự trong xã hội hôm nay. Trái với người phú hộ, bạn có trái tim và đôi bàn tay để yêu thương và trao ban. Xin được một chút nhạy cảm và hào phóng trước nỗi khổ đau của đồng loại, để như một lời đáp trả, chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.

Sống Lời Chúa: Hãy làm một việc cụ thể cho người đang cần sự giúp đỡ của bạn: lời cầu nguyện, sự sẻ chia vật chất hay tinh thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì chúng con luôn giàu có và nghèo nàn về một mặt nào đó. Xin cho chúng con biết quảng đại chia sẻ cho nhau, cũng như biết khiêm tốn đón nhận sự sẻ chia của những người chung quanh con. Amen.

26.09.16

THỨ HAI TUẦN 26 TN

Lc 9,46-50

LÀM LỚN LÀ PHỤC VỤ

 

“Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất. (Lc 9,48)

Suy niệm: Các Tông Đồ hôm nay cãi cọ tranh giành nhau để xem ai trong các ông là người lớn nhất trong Nước Chúa. Tại sao các ông tranh giành làm lớn trong Nước Chúa? Vì các ông tin Chúa Giê-su là Đấng Thiên Sai, nhưng là để khôi phục một vương quốc hùng cường như thời vua Đa-vít; vì thế, các ông tính toán trước ai sẽ làm quan lớn trong triều đại của Thầy Giê-su. Các ông không chấp nhận và cũng chẳng quan tâm gì đến những khổ hình Chúa báo trước là Ngài sắp phải chịu; trái lại điều các ông tranh cãi, giành giật với nhau là những vinh sang phú quý mà các ông vẽ vời ra. Chúa dạy trước hết người làm lớn phải khiêm tốn, hy sinh phục vụ mọi người, nhất là phục vụ những người nghèo hèn, bé mọn nhất, những người không có gì để trả ơn lại.

Mời Bạn: Để khiêm tốn phục vụ, bạn phải biết xoá mình đi, từ bỏ những ham muốn ích kỷ, từ bỏ những đặc quyền đặc lợi, cậy dựa vào chức vụ, địa vị, quyền hành. Phục vụ, nhất là phục vụ Đức Ki-tô hiện diện nơi tha nhân không phải là chuyện hạ mình đánh mất phẩm giá, cũng không phải là luồn cúi hay hèn nhát, nhưng là vinh dự, là hạnh phúc, bởi vì chính Chúa đã nói: “Ai phục vụ Thầy, thì Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy (Ga 12,26).

Sống Lời Chúa: Sống tinh thần phục vụ bằng cách chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, hay trong cộng đoàn qua những việc giúp ích nhỏ bé âm thầm, nhất là những việc đòi hỏi sự hy sinh, kiên trì trong cuộc sống đời thường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phục vụ Chúa trong mọi người. Amen.

27.09.16

THỨ BA TUẦN 26 TN

Thánh Vinh-sơn Phao-lô, linh mục

Lc 9,51-56

NO MẤT NGON, GIẬN MẤT KHÔN!

 

“Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? (Lc 9,54)

Suy niệm: Tính nóng nảy và ngạo mạn khiến hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an suýt chút nữa mất khôn. Nóng nảy muốn trả đũa, thiêu đốt đám dân làng Sa-ma-ri-a không đón tiếp Chúa Giê-su, coi thường các môn đệ; ngạo mạn vì nghĩ rằng lẽ ra với một người danh tiếng như Thầy mình, người dân ở đây phải ra nghênh tiếp vì ngưỡng mộ. Chúa Giê-su quở trách hai ông, vì chuyến vi hành của Ngài lên Giê-ru-sa-lem lần này là để chịu đau khổ vì yêu thương con người, lẽ nào trên đường đi Ngài không bày tỏ lòng thương xót ấy. Trong kinh Cải Tội Bảy Mối, sự hờn giận đứng ở giữa. Hờn giận dễ dẫn đến thái độ thiếu khiêm tốn, mất bình tĩnh, nóng nảy đòi trả đũa những ai coi thường mình. Nói theo Thánh Phao-lô, lòng bác ái phải bao hàm sự nhẫn nhục, hiền lành (1Cr 13,4).

Mời Bạn: Một trong những điểm sáng của lòng thương xót nơi Chúa Giê-su là “chậm bất bình và giàu ơn cứu độ.” Tính kiên nhẫn, dẹp bỏ sự tức giận, nóng nảy không chỉ là điểm son của các nhà ngoại giao, nhưng còn phải là của các môn đệ Chúa Ki-tô. Bạn làm gì để sống Năm Thánh Lòng Thương Xót theo dung mạo Chúa Ki-tô: chậm bất bình, bớt nóng giận, thêm kiên nhẫn?

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín và nỗ lực sống câu Lời Chúa: Hãy học cùng Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11,29).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu gương thương xót cho con. Xin ban cho con lòng hiền lành, giúp con vượt qua tính nóng giận, mong trả đũa, để xây dựng bầu khí yêu thương huynh đệ trong cộng đoàn con. Amen.

28.09.16

THỨ TƯ TUẦN 26 TN

Thánh Lô-ren-xô Ru-y, tử đạo

Lc 9,57-62

ĐIỀU KIỆN LÀM MÔN ĐỆ CHÚA

 

Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi.” (Lc 9,59)

Suy niệm: Những điều kiện phải có để được chọn làm môn đệ của Chúa được minh hoạ qua ba trường hợp trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay:

  1. Về mục đích: Theo Chúa không phải là để đạt tới một “nơi” – “Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo” – vì khi tới “nơi” rồi thì không cần đến Chúa nữa. Chẳng hạn có người cầu xin Chúa để được điều nọ điều kia, khi đạt được rồi thì “hậu tạ”, sau đó giữa Chúa và người ấy chẳng còn có quan hệ chi. Trái lại theo Chúa để được chính Chúa, Chúa đi đâu mình theo đó; “nơi chỗ” không quan trọng bằng việc mình được thuộc về Chúa cách thân thiết nhất.
  2. Về tính ưu tiên: Chúa bảo: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết.” Điều đó có nghĩa là muốn làm môn đệ Chúa thì phải dành cho Chúa và công việc của Ngài địa vị ưu tiên số một. Hãy coi chừng lời cảnh báo trong dụ ngôn “Người gieo giống”: Những bận tâm lo lắng việc đời có thể làm cho Lời Chúa bị chết nghẹt.
  3. Về tính triệt để: “Cầm cày không ngoái lại đàng sau,” điều đó có nghĩa là dứt khoát từ bỏ những gì là tội lỗi và sống thân tình với Chúa tới cùng, tới mức cao nhất.

Sống Lời Chúa: Mời bạn kiểm điểm xem mình sống tinh thần người môn đệ Chúa trong đời sống thường ngày như thế nào:

  1. Mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời gian để tâm sự thân tình với Chúa?
  2. Bạn có liều mình kiếm tiền một cách bất chính? Hoặc bạn để việc làm của bạn chi phối đến độ Lời Chúa bị chết nghẹt không?
  3. Bạn có mê đắm một thú vui bất chính đến độ không dám dứt khoát chừa bỏ không?

Cầu nguyện: Bạn dành năm phút thinh lặng tâm sự với Chúa.

29.09.16

THỨ NĂM TUẦN 26 TN

Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en

Ga 1,47-51

SỐNG TRONG THẾ GIỚI HỮU THẦN

 

“Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người. (Ga 1,51)

Suy niệm: Theo Thánh Kinh, các thiên thần có nhiều nhiệm vụ: thờ phượng Chúa, sứ giả của Chúa, bảo vệ con người… Chúa Giê-su xác nhận sự hiện diện đầy huyền nhiệm của các ngài trong thế giới này để chuyển lời cầu nguyện của ta lên Thiên Chúa, và chuyển ơn phúc của Chúa xuống cho ta. Vai trò của các thiên thần thật là quan trọng trong việc nối kết thế giới thần linh và trần thế. Thật ra, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại là Đức Giê-su Ki-tô (Con Người). Và các thiên thần “lên lên xuống xuống trên Con Người” để thực hiện vai trò trung gian này nhờ, qua và với Đức Giê-su Ki-tô.

Mời Bạn: Thế giới này không chỉ có loài người với những vật chất “vô hồn”, “vô thần”, trái lại tràn ngập sự hiện diện của thần linh. Ý thức được điều đó, mỗi khi bạn cầu nguyện hay làm một việc gì, bạn xin các thiên thần giúp bạn dâng những việc ấy lên Thiên Chúa. Nhờ đó, bạn sẽ cầu nguyện sốt sắng hơn, và làm mọi việc cách tốt đẹp hơn.

Chia sẻ: Sự hiệp thông, liên kết giữa người với người đã là điều quý báu; sự hiệp thông trong đời sống thiêng liêng càng quý báu hơn, nhờ các thiên thần. Chúng ta hãy cảm tạ các ngài.

Sống Lời Chúa: Ca ngợi Chúa bằng thánh vịnh 138,1: “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa sai Sứ thần dâng lễ vật này lên bàn thờ cao sang trước tôn nhan uy linh Chúa, để hết thảy… chúng con được tràn đầy ân phúc bởi trời. Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen. (x. KNTT I)

30.09.16

THỨ SÁU TUẦN 26 TN

Thánh Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

Lc 10,13-16

NHIỆT THÀNH THỜ PHƯỢNG

 

“Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì… họ đãtỏ lòng sám hối. (Lc 10,13)

Suy niệm: Ta thường nghĩ rằng đối nghịch với yêu là ghét. Nhưng kỳ thực còn hơn thế nữa; dửng dưng, lãnh đạm, không quan tâm đã là thù ghét, là đối nghịch với yêu rồi. Khi không yêu thích thì người hay vật dù có đó ngay trước mắt ta mà vẫn như không có, chẳng lọt được vào “mắt xanh” của ta. Khi không còn yêu nhau, người ta không còn quan tâm đến sự hiện diện của nhau, không còn nhạy bén với nhu cầu của nhau nữa. Đức Giê-su nói rằng khốn cho các thành ven bờ hồ Ga-li-lê không phải vì họ ghét Chúa, xua đuổi Ngài, mà vì thái độ dửng dưng, thờ ơ với Tin Mừng. Đối với họ, lời rao giảng, phép lạ Ngài làm lôi cuốn thật đấy, kỳ diệu thật đấy, nhưng chẳng chút gì liên quan đến họ. Họ cảm thấy không cần hoán cải, thay đổi đời sống, vì họ không chú ý đến Ngài.

Mời Bạn: “Tôi thích sự điên rồ của lòng nhiệt thành hơn là thái độ dửng dưng của sự khôn ngoan” (A. France). Lòng nhiệt thành yêu mến Chúa thúc đẩy bạn hăng hái, đôi khi hơi điên rồ trong việc thể hiện đức tin hay loan báo Tin Mừng. Trái lại, lối sống thế tục lại xui khiến bạn dửng dưng, thờ ơ với việc chung, nguội lạnh trễ nải trong việc thờ phượng Chúa. Bạn chọn thái độ nào?

Sống Lời Chúa: Khi thức dậy buổi sáng mỗi ngày, tôi sẽ chọn một ý tưởng tích cực trong Tin Mừng làm châm ngôn sống trong ngày ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin lỗi Chúa vì đã bao lần thờ ơ, dửng dưng trước Lời Chúa mời gọi qua những trang Tin Mừng, hay lời giảng dạy của các chủ chăn. Xin giúp con nhiệt thành hơn trong việc thờ phượng Chúa, nhiệt tâm hơn trong tình yêu thương nhau.