5 phút Lời Chúa tháng 06.2017

01/06/17

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS

Thánh Giút-ti-nô, tử đạo

Ga 17,20-26

HIỆP NHẤT TRONG CHÚA

 

“Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,23)

Suy niệm: Xung đột quyền bính là “chuyện thường ngày ở huyện” từ những cộng đoàn nhỏ bé nhất như gia đình cho đến những phạm vi rộng lớn hơn như quốc gia, quốc tế. Người trên nhân danh sự đoàn kết đòi buộc thuộc hạ chấp hành mệnh lệnh; người dưới khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình nhân danh phán quyết của lương tâm. Ai cũng muốn khẳng định mình là giềng mối của sự hiệp nhất hay sự hiệp nhất chỉ có khi mọi người vâng theo ý kiến của tôi. Thế là xung đột xảy ra. Đối với Chúa Giê-su, mọi quyền bính đã được Chúa Cha trao cho Ngài và Ngài cũng có tự do để hành sử quyền bính ấy, nhưng với tình yêu tự nguyện và để làm vinh danh Cha và để ý Cha được thể hiện. Với Ngài, trong Chúa Cha, tất cả được hiệp nhất với nhau. Như thế, sự hiệp nhất đích thực và trọn vẹn chỉ có được khi cả bề trên lẫn bề dưới cùng hành động phù hợp với Tin Mừng và vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Mời Bạn: Là người có quyền bính, bạn sử dụng quyền bính để qui mọi người về với Thiên Chúa hay qui về bạn? Là người có tự do, bạn hành sử tự do của bạn làm vinh danh Thiên Chúa hay để thoả mãn tính kiêu căng của bạn? Tất cả chúng mình cần nhìn lại và định hướng theo khuôn mẫu Chúa Giê-su để xây dựng sự hiệp nhất.

Sống Lời Chúa: Xét mình: – Bạn có lắng nghe ý kiến người khác và nhận thấy những điểm hay và hợp lý trong đó không? – Bạn phản ứng thế nào khi người khác không theo ý kiến của bạn?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.

 

 

 

 

 

02/06/17                                       

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS

Thánh Mác-xen-li-nô và Phê-rô, tử đạo

Ga 21,15-19

BA LẦN KHẲNG ĐỊNH TÌNH YÊU

 

Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô lần thứ ba: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.” (Ga 21,17)

Suy niệm: Hôm nay Chúa Giê-su hỏi Phê-rô đến ba lần có yêu mến Ngài không. Phê-rô cảm thấy nhói đau vì câu hỏi đụng đến vết thương chưa lành của ba lần chối Chúa. Sự cắn rứt dày vò vì lầm lỗi của mình có thể làm người ta trở nên cứng lòng và chai lỳ trong tội lỗi. Tuy nhiên, Phê-rô đã trả lời; và ba lần trả lời là cả ba lần Phê-rô đối lại việc mình đã chối Thầy trước đây bằng tâm tình thống hối và bằng việc khẳng định tình yêu không thay đổi dành cho Thầy Giê-su. Việc chăm sóc đàn chiên yêu dấu mà Ngài đã đổ máu ra để cứu chuộc, Chúa chỉ giao cho người nào dám khẳng định tình yêu của mình dành cho Đức Ki-tô đến độ say mê như thế mà thôi.

Mời Bạn: Phê-rô đã sửa chữa lỗi chối Chúa bằng cách tuyên xưng tình yêu, và rồi sẽ hiến mình vì đàn chiên được giao phó. Bạn đừng thất vọng vì lỗi lầm đã phạm. Trái lại, hãy can đảm tuyên xưng tình yêu đối với Chúa và hoàn thành tốt sứ mạng được giao phó là đem Tin Mừng Tình Yêu đến trong môi trường bạn đang sống và làm việc.

Sống Lời Chúa: Đặt mình trước mặt Chúa và lắng nghe Chúa hỏi mình: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Mỗi lần như thế bạn hãy lặp lại với tất cả niềm say mê và quả quyết: “Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự. Chúa biết con yêu mến Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin Chúa giúp con biết yêu mến Chúa trong anh chị em con để con luôn sống xứng đáng là con của Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

03/06/17

THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS

Thánh Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo

Ga 21,20-25

PHẦN BẠN, HÃY THEO CHÚA

 

“Giả như Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” (Ga 21,22)

Suy niệm: Thói xấu “trâu cột ghét trâu ăn” đã ăn sâu vào tâm thức con người đến độ các môn đệ, dù đã được Chúa Giê-su huấn luyện ba năm, vẫn chưa gột rửa được. Câu chuyện xì xèo chung quanh “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” ấy do chính Phê-rô là người “đầutêu” khơi dậy qua câu hỏi ngụ ý ghen tỵ: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Phải chăng Phê-rô quên rằng chính mình vừa được Thầy rộng lượng “xí xoá” vụ chối Thầy ba lần rồi lại “đặc cách” giao cho sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Chúa đó sao? Chúa kêu gọi mỗi người mỗi cách ban ơn riêng phù hợp để mỗi người chu toàn sứ mạng của mình trong sự hoà hợp với nhau để xây dựng Hội Thánh. Chúa Giê-su không trả lời câu hỏi của Phê-rô, nhưng Ngài nhắc nhở ông hãy lo chu toàn sứ mạng của mình thay vì dòm ngó người khác bằng cặp mắt ghen tỵ: “Việc gì đến anh? Phần anh hãy theo Thầy.”

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta đều được Chúa giao cho sứ mạng riêng. Thế nhưng chúng ta vẫn hay “lấn sân”, tò mò người này, xem xét người kia, phê bình thế này, chỉ trích thế nọ, không phải với thiện chí xây dựng mà chỉ vì động cơ ghen tức… Bạn nhớ mình cũng là “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến” và Ngài cũng hỏi bạn “có yêu mến Ngài không”. Khi bạn dành tất cả của bạn cho Ngài, trong lòng bạn, bạn sẽ chỉ còn bận tâm một điều: “Phần con, cứ theo Thầy.”

Sống Lời Chúa: Quyết tâm làm việc bổn phận cách cẩn thận, trong tâm tình vui vẻ hoà hợp với anh chị em.

Cầu nguyện: Xin Chúa cho con biết ý thức được sứ mạng của con trong bất kỳ công việc hay lãnh vực nào để từ đó con luôn nỗ lực chu toàn cách tốt đẹp hơn.

 

 

 

 

 

04/06/17                                        

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG–A

Ga 20,19-23

CUỘC SÁNG TẠO MỚI

Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy lãnh lấy Chúa Thánh Thần.” (Ga 20,22)

Suy niệm: Tác giả sách Sáng Thế đã dùng hình ảnh Thiên Chúa thổi làn sinh khí vào nắm bụi đất để sáng tạo nên con người giống hình ảnh Ngài (x. St 2,7). Cũng làn sinh khí ấy, Đức Ki-tô phục sinh cũng thổi trên các môn đệ để ban cho họ tràn đầy Thánh Thần: “Anh em hãy lãnh lấy Thánh Thần.” Sinh khí của Thiên Chúa chính là Chúa Thánh Thần, Ngài là nguyên lý sáng tạo. Hành động này của Đức Ki-tô phục sinh khác nào một cuộc sáng tạo mới được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Và vì thế, Chúa Thánh Thần là nguyên lý của công cuộc sáng tạo mới.

Mời Bạn: Từ ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, Hội Thánh Chúa Ki-tô chính thức được khai sinh. Lịch sử cứu độ lật sang một trang mới, trang của thời đại Chúa Thánh Thần, thời đại Ngài hoạt động trong Hội Thánh và trong từng người chúng ta. Mỗi người Ki-tô hữu cũng có một ngày hiện xuống của chính mình khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Nhờ được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, chúng ta trở thành con người mới. Chúng ta để Ngài thực hiện công cuộc sáng tạo mới trong cuộc đời mỗi người chúng ta bằng cách xin Lời Chúa soi sáng cho chúng ta nhận biết ý muốn của Thiên Chúa và xin ơn khôn ngoan và sức mạnh của Ngài để thi hành ý Chúa trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Tôi luôn bắt đầu một ngày sống, hoặc một công việc bằng việc cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường hát kinh Chúa Thánh Thần. Xin cho lời kinh ấy cũng là lời nhắc nhở chúng con mở lòng mình ra để cho Chúa Thánh Thần tác động và đổi mới.

 

 

 

 

 

05/06/17

THỨ HAI TUẦN 9 TN

Thánh Bô-ni-phát, giám mục, tử đạo

Mc 12,1-12

SỐNG ĐÚNG THÂN PHẬN

 

“Ông sẽ tiêu diệt tá điền rồi giao vườn nho cho người khác.” (Mc 12,9)

Suy niệm: Những yếu kém trong việc quản lý tài sản nhà nước (sử dụng sai mục đích, chiếm dụng, lãng phí, thất thoát ngân sách, đầu tư không hiệu quả,…) đang là một bất công nhức nhối cho xã hội. Qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giê-su “nhắm” đến những người ở vị trí lãnh đạo; họ như những tá điền bất lương: Họ quên rằng mình chỉ là người thay quyền Chúa quản lý thế giới này và những tài nguyên của nó. Khi họ phủ nhận chủ quyền của Thiên Chúa thì đồng thời họ cũng sẵn sàng chà đạp lên mọi chuẩn mực đạo đức và đang tâm xúc phạm đến anh em đồng loại. Chúa Giê-su cảnh báo những con người như thế sẽ bị Ngài phế bỏ.

Mời Bạn: Đức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô trong cuốn ‘Đức Giêsu Na-da-rét’ cảnh báo rằng sự phát triển ‘chỉ dựa thuần túy trên nguyên tắc kỹ thuật vật chất không những loại bỏ Thiên Chúa nhưng còn đẩy con người lìa xa Thiên Chúa do sự kiêu ngạo về sự hiểu biết của mình.’ Khi sùng thượng vật chất và tôn mình lên làm chủ hoàn toàn sự sống, con người lấy chính mình làm chuẩn mực đạo đức. Đây chính là nguồn gốc của bao nhiêu sai lầm và hỗn loạn trong đời sống cá nhân gia đình và xã hội.

Chia sẻ về một trường hợp cụ thể: Tình trạng ngừa thai nhân tạo, phá thai lan tràn trong xã hội xúc phạm thế nào đến chủ quyền của Thiên Chúa trên sự sống?

Sống Lời Chúa: Tôi tâm niệm rằng: Con người chỉ là quản lý chứ không phải là chủ quyền tuyệt đối trên sự sống.

Cầu nguyện: Lạy Cha là Đấng Tạo Thành, xin cho chúng con luôn biết sống đạo làm con theo gương Chúa Giê-su và biết lấy Lời Ngài làm ánh sáng soi đường trên trần gian.

 

 

 

 

 

06/06/17

THỨ BA TUẦN 9 TN

Thánh Nô-be-tô, giám mục

Mc 12,13-17

“CỦA AI ĐÂY?”

 

“Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xê-da.” Đức Giê-su bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mc 12,16-17)

Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu gài bẫy Chúa Giê-su: có được phép nộp thuế cho Xê-da, vị vua của Rô-ma đang đô hộ Do thái không? Nếu Chúa Giê-su trả lời: ‘có’, thì ghép Chúa vào tội bắt tay với quân đô hộ. Nếu Chúa trả lời: ‘không’, thì ghép Chúa vào tội chống lại hoàng đế Xê-da. Đàng nào Chúa cũng bị kết án. Câu trả lời của Chúa đã làm họ ngạc nhiên, Chúa vừa tháo gỡ được bẫy của họ, vừa chất vấn lại chính họ: “Hình và danh hiệu này là của ai? …Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. “Của ai đây?” cũng là câu hỏi chất vấn chúng ta trả lời. Cái gì của Thiên Chúa, cái gì của “Xê-da”, để chúng ta không cướp quyền Thiên Chúa và cũng không cướp đoạt những gì không phải là của chúng ta.

Mời Bạn: Mỗi giây phút chúng ta còn sống, thì chúng ta vẫn tiếp tục trả lời câu hỏi căn bản đó. Thật ra, tất cả mọi sự là thuộc về Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do để  cộng tác với Người trong công trình tạo dựng. Và Người cũng trao quyền cho những “Xê-da” trần thế. Vì vậy, “trả lại cho Xê-da”, cũng được hiểu là, hãy tôn trọng quyền bính trong cơ cấu xã hội trần thế. Quyền bính là do Thiên Chúa thiết lập (x. Rm 13,1).

Sống Lời Chúa: Với của cải, tài năng, trí tuệ, hôm nay, tôi tự hỏi: Của ai đây, để tôi sử dụng cho chính đáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa của chúng con, đôi khi thật không dễ dàng để phân được làn ranh, đâu là thuộc về Chúa, đâu là thuộc về Xê-da. Xin Chúa giúp chúng con tỉnh táo, để chúng con chọn Chúa và luôn thuộc về Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

 

07/06/17                                        

THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN

Mc 12,18-27

CÕI PHÚC THẬT

 

“Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.” (Mc 18,25)

Suy niệm: Khi nói đến chuyện đời sau, người ta thường quan niệm “dương sao, âm vậy”: đời này có nhà cửa xe cộ, có ăn uống, dựng vợ gả chồng thì đời sau cũng y như vậy. Nếu đã như thế thì hẳn chẳng cần đến đời sau nữa; nhất nữa là nếu ở đời sau lại xảy ra những cảnh “tréo ngoe” như câu chuyện một chị lần lượt cưới cả bảy anh em, sang đời sau chẳng biết là vợ của người nào. Đó là chiến thuật mà những người phái Xa-đốc dùng để phủ nhận sự sống lại và cuộc sống đời sau: đặt ra những vấn nạn không có trên thực tế và coi cuộc sống đời sau dưới lăng kính của cuộc sống đời này. Sự sống đời đời là một thực tại có thật, là hạnh phúc vô biên so với cuộc đời tạm này. Chúa Giê-su mô tả đó là cuộc sống “như các thiên thần trên trời;” thánh Phao-lô thì nói “gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt” (1Cr 15,42-43).

Mời Bạn đến với Chúa Ki-tô phục sinh và chiêm ngắm những dấu đinh nơi thân xác vinh quang của Ngài để xác tín niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau, cùng cảm nghiệm được niềm hạnh phúc khi được sống kết hợp với Ngài. Có Chúa Ki-tô phục sinh, hạnh phúc thiên đàng đã bắt đầu thành hiện thực cho bạn ngay ở trần gian này.

Sống Lời Chúa: Siêng năng kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể để cảm nghiệm được hạnh phúc thiên đàng ngay từ bây giờ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là niềm hạnh phúc đích thực của con. Xin cho con biết mang trái tim yêu thương của Chúa để con cũng đem hạnh phúc đến cho anh chị em con. Amen.

 

 

 

 

 

08/06/17

THỨ NĂM TUẦN 9 TN

Mc 12,28b-34

CUỐI CÙNG CHỈ CÒN TÌNH YÊU

 

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

Suy niệm: Hàng trăm điều khoản trong bộ luật đồ sộ của Mô-sê cuối cùng tóm lại duy nhất một điều luật tình yêu. Sở dĩ Thiên Chúa muốn con người yêu Ngài “hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực…” vì Ngài là nguồn mạch tình yêu, và từ suối nguồn này Ngài cung cấp cho con người năng lượng vô tận để yêu thương nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa. Mọi thứ đặc sủng đều“nhất thời,” “có ngần, có hạn,” chỉ có “đức mến là không bao giờ mất được.” “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại,” nhưng cuối cùng rồi cũng chỉ còn tình yêu (x. 1Cr 13). Mọi thứ lễ dâng, lễ toàn thiêu cũng chỉ là một thứ “hối lộ,” một thứ giả hình, nếu không có tình yêu, không thực tâm đối xử tốt với ‘người thân cận,’ người mà qua họ, ta trắc nghiệm được tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.

Mời Bạn: Chắc bạn cũng có kinh nghiệm này là khi ta thiếu nhiệt tình trong cầu nguyện, thoáng nghi ngờ tình yêu Chúa khi Ngài chậm đáp ứng những nhu cầu của bạn… thì chúng ta cũng sẽ có những phản ứng phản cảm đối với anh chị em, nhất là những người đang cần đến bạn. Thế mới hay tình yêu có phản ứng dây chuyền; và một khi có tương quan thân thiết với Chúa, chúng ta dễ yêu người hơn là khi chúng ta không để Ngài hiện diện trong cuộc sống thường ngày của mình.

Chia sẻ: Thánh Âu-tinh nói: “Hãy yêu rồi muốn làm gì thì làm”, phải chăng Ngài chủ trương một thứ tự do phóng túng?

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ vô vị lợi với tất cả tấm lòng yêu mến.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

 

 

 

 

 

09/06/17

THỨ SÁU TUẦN 9 TN

Thánh Ép-rem, phó tế, tiến sĩ HT

Mc 12,35-37

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA

 

“Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì do đâu Đấng Ki-tô lại là con vua ấy được?” (Mc 12,37)

Suy niệm: Triết gia Gabriel Marcel đã nói: Con người là một huyền nhiệm; mỗi người đều có chiều sâu kín ẩn mà không ai có thể đạt thấu. Chúng ta vẫn hằng ngày ở gần bên nhau, nhìn thấy nhau nhưng chưa hẳn chúng ta có thể nói mình đã thấu hiểu về nhau. Người Do Thái ngày xưa chỉ nhìn thấy Chúa là một con người, con bác thợ ở Na-da-rét. Một người con cháu hoàng tộc lại được tổ phụ Đa-vít gọi là Đấng Ki-tô, là Chúa Thượng, đó quả là một mê cung cho những trí óc suy tư theo cái nhìn tự nhiên của nhân loại. Vua Đa-vít được Chúa Thánh Thần soi sáng mới có thể cảm nhận được mầu nhiệm Thiên Chúa, để nhận ra Đấng Ki-tô mà Dân Chúa mong đợi chính là Con Thiên Chúa sinh ra làm người trong dòng tộc mình.

Mời Bạn: Phần chúng ta, nhờ đức tin, chúng ta đã biết Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật. Nhưng Thiên Chúa còn mời gọi chúng ta khám phá và tin nhận Chúa nhiều hơn, để qua mọi biến cố trong dòng đời biến chuyển ta thấy được Chúa đang điều khiển mọi sự. Nhờ việc kính trọng thông cảm và lắng nghe nơi những con người bé nhỏ thấp hèn, ta gặp được Chúa.

Sống Lời Chúa: Trong bổn phận âm thầm nhỏ bé hằng ngày như việc nhà, học hành, cầu nguyện, nghỉ ngơi, ta khám phá Chúa luôn đồng hành với ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bởi vì có thể những ngày còn lại quá ít ỏi nên cho con không chỉ gặp và mến yêu Chúa mỗi ngày nhưng biết khám phá và yêu mến Chúa mỗi giây phút hiện tại hết tâm hồn và hết sức lực theo ý Chúa muốn. Amen. (Chiara Lubich, người sáng lập Phong trào Focolare)

 

 

 

 

 

10/06/17

THỨ BẢY TUẦN 9 TN

Mc 12,38-44

VỚI TẤT CẢ TẤM LÒNG THÀNH

 

Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em, bà goá này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.” (Mc 12,43)

Suy niệm: Mô hình sản xuất hiện đại càng ngày càng cần ít nguyên liệu vật chất, càng tốn ít nhân công nhưng lại đòi hỏi “hàm lượng trí tuệ” cao, nghĩa là phải vận dụng công nghệ cao cấp với nhưng yêu cầu mỹ thuật tinh xảo… Có như thế mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Tương tự, một hành vi đạo đức “chất lượng cao” trước mắt Thiên Chúa cũng đòi hỏi một “hàm lượng tâm hồn” cao cấp như vậy. Lời nhận định của Chúa Giê-su khi quan sát những người dâng cúng tiền cho đền thờ cho ta thấy cách đánh giá đó của Chúa. Bà goá nghèo chỉ dâng hai đồng tiền kẽm, nhưng thật ngạc nhiên, Chúa công bố bà đã dâng cúng nhiều nhất, bởi vì bà đã dâng tất cả những gì bà có và dâng với tất cả tấm lòng thành.

Mời Bạn: đọc lại đoạn Tin Mừng này, hình dung cử chỉ bà goá bỏ tiền vào thùng để rồi thinh lặng nhìn lại thái độ sống của mình để thấy rõ hơn đâu là những việc mình đã làm nặng về hình thức bề ngoài mà thiếu vắng tấm lòng yêu mến chân thành. Cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành thô thiển nghèo nàn khi thiếu một tấm lòng thành. Trái lại nếu bạn thấm đầy cuộc sống mình bằng tình yêu mến, bạn sẽ làm cho cuộc sống của bạn và của người khác trở nên đậm đà ý vị và thực sự có giá trị trước mặt Chúa.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút thinh lặng trong ngày để nghiền ngẫm lại ý tưởng và tâm tình mà Lời Chúa vừa khơi gợi lên trong lòng bạn.

Cầu nguyện: Xin Chúa ban cho con tâm hồn chân thật để con luôn biết sống thật với Chúa, với chính mình và với tha nhân.

 

 

 

 

 

11/06/17

CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – A

CHÚA BA NGÔI

Ga 3,16-18

TÔI TIN THIÊN CHÚA BA NGÔI

 

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Suy niệm: Khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa đã phú ban cho con người một khả năng để hướng về Thiên Chúa và nhận biết Ngài. Hơn nữa, qua tiến trình mặc khải, Thiên Chúa cho con người nhận biết được các phẩm tính của Thiên Chúa cũng như chương trình và ý định của Ngài; mà đỉnh cao của công trình mặc khải là chính Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa. Ngài đã đến để mặc khải cho chúng ta biết được trọn vẹn về Ngài: Chúa là Thiên Chúa duy nhất và Ngài có Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta tin nhận và tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất là do bởi Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta: Ngài là Cha yêu thương và hằng muốn cứu vớt tất cả mọi người. Xác tín được điều này, chúng ta an tâm vững bước trên hành trình đức tin với lòng thờ phượng tôn kính và quyết tâm sống cho phải đạo làm con với Thiên Chúa là cha của mình.

Mời Bạn: Người con thảo hiếu, ngoan hiền là người con biết vâng nghe và thực hiện lời răn dạy của cha mẹ. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được nhận là con cái của Thiên Chúa, chúng ta sống tốt bổn phận thảo hiếu đối với Ngài: tin kính, mến yêu, thờ phượng, vâng nghe và thực hành Lời Chúa.

Chia sẻ: Bạn có cảm thấy an tâm vững dạ vì mình được gọi là Con của Thiên Chúa không? Bạn đã làm gì để sống là người con thảo với Chúa?

Sống Lời Chúa: Muốn biết ý muốn của Chúa để thi hành, bạn dành ít phút mỗi ngày để đọc và suy niệm Lời Chúa.

Cầu nguyện: Làm dấu thánh giá và đọc kinh Lạy Cha.

 

 

 

 

 

12/06/17

THỨ HAI TUẦN 10 TN

Mt 5,1-12

NGHÈO LÀ MỐI PHÚC

 

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)

Suy niệm: Con người trần thế tìm mọi cách để dành cho bằng được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tương tàn khốc hại… Đang khi đó, Chúa Giê-su lại coi nghèo là một mối phúc. Chắc chắn, Ngài không ủng hộ thứ nghèo làm giảm phẩm giá con người. Ngài muốn con người có được sự giàu sang vĩnh cửu: được cả Nước Trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu sang chỉ đem lại cho con người niềm hạnh phúc chóng vánh, tạm thời ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang bền vững ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Nghèo có phúc là: – nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị trái lại phục vụ trong khiêm tốn; – làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ còn có tình mến chan hoà. Nghèo như thế mới là mối phúc.

Mời Bạn: “Trong thế giới chúng ta, tiền, lợi nhuận, sự khao khát của cải vật chất phá hỏng mọi tương quan, đức nghèo chọn lựa cách tự nguyện trong đoàn kết và chia sẻ dạy ta lòng biết ơn và biết sống cách vô vị lợi, cậy trông và phó thác” (Sr Christianne, fmm). Lời chia sẻ đó có làm cho chúng ta suy nghĩ để sống nghèo như mối phúc của Chúa Giê-su không? Bạn hãy chia sẻ mục đích sống nghèo mà bạn sẽ chọn lựa.

Sống Lời Chúa: Trong tương quan với người khác, ta nghĩ đến tình nghĩa hơn là tư lợi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin ký thác đường đời con cho Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

13/06/17

THỨ BA TUẦN 10 TN

Thánh An-tôn Pa-đô-va, linh mục, tiến sĩ HT

Mt 5,13-16

ĐIỀU ƯỚC CỦA CHÚA

 

“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14)

Suy niệm: Dân Do Thái là dân Chúa chọn, dân tộc thánh thiện dành riêng cho Thiên Chúa. Họ có giao ước, lề luật thánh thiện, có các ngôn sứ đồng hành trong suốt dòng lịch sử. Biết bao nhiêu tâm hồn nghèo khó, công chính sống đẹp lòng Thiên Chúa, được Chúa chúc phúc. Chúa Giê-su biết rõ ơn gọi cao quí của dân tộc mình nhưng Ngài cũng thấy rõ những thối nát trong làm ăn buôn bán, điều hành xã hội và cả trong việc thờ phượng: cầu nguyện phô trương, giữ luật hình thức… Ngài rao giảng Tin Mừng, hiến thân chịu chết để chuộc tội cho con người hầu mang lại cho họ ơn cứu rỗi. Khi nói với các môn đệ: “Các con là muối cho đời… Các con là ánh sáng cho trần gian,” Chúa Giê-su muốn các môn đệ của Ngài tiếp nối sứ vụ của Ngài, mang đến cho trần gian một thuốc chữa công hiệu và cần thiết cho họ.

Mời Bạn: Làm muối cho đời, làm ánh sáng cho trần gian là làm cho Tin Mừng thấm nhập vào trong cuộc sống, các cơ chế gia đình, xã hội, văn hóa để biến đổi từ bên trong. Để trở thành sứ giả Tin Mừng, chúng ta phải để cho Tin Mừng thấm nhập và biến đổi chính con người chúng ta trước hết, để Chúa sống và hoạt động nơi chúng ta.

Sống Lời Chúa: Tôi siêng năng đọc Lời Chúa. Nhờ Lời Chúa, tôi nhận ra những gì nơi tôi hay chung quanh tôi cần thay đổi cho phù hợp với Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin dâng Chúa con người của con với những thương tích, tội lỗi và hèn yếu. Xin Chúa ban Thánh Thần xuống thanh luyện và biến đổi con nên giống Con Chúa hầu con có thể cùng với Ngài làm muối đất, làm ánh sáng cho trần gian.

 

 

 

 

 

14/06/17

THỨ TƯ TUẦN 10 TN

Mt 5,17-19

VIỆC NHỎ, GIÁ TRỊ KHÔNG NHỎ

 

“Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.” (Mt 5,19)

Suy niệm: Trong môn toán, chỉ cần lộn dấu cộng thành dấu trừ hay đặt dấu chấm, dấu phẩy sai chỗ là dẫn đến kết quả sai cho cả bài toán. Trong đời sống thường nhật cũng thế, người ta vẫn nói “lỗ nhỏ làm đắm thuyền.” Chúa Giêsu dạy chúng ta tuân thủ lề luật dù “một chấm một phết” cũng không thể bỏ qua; không phải là Ngài chủ trương duy luật lệ, câu nệ từng tiểu tiết, nhưng bởi vì những việc lớn được dệt thành từ vô vàn việc nhỏ bé, và vì “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10). Người biết làm những công việc nhỏ, nhưng với một sự cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm là người có một nhân cách lớn. Cũng thế, người biết nên thánh bằng cách chu toàn những việc bổn phận nhỏ bé chính là người lớn nhất trong Nước Trời.

Mời Bạn: Có bao giờ bạn đã từng tự nhủ mình thế này không: “Tội nhẹ, chẳng sao cả! – Mình chỉ thử thôi mà! – Một lần thì đã sao!”? Ngược lại, có khi nào bạn khinh suất, bó qua không làm những việc lành chỉ vì chúng nhỏ bé, âm thầm, hèn mọn?

Chia sẻ: Việc “nhỏ bé” nào, hoặc người “nhỏ bé” nào trong cộng đoàn của bạn đang bị bỏ qua, quên lãng?

Sống Lời Chúa: Chọn một việc bổn phận nhỏ bé hằng ngày mà bạn vẫn thường quên sót để làm một cách thật chu đáo và với ý hướng tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã không ngại hạ mình nên người nhỏ nhất để chúng con được Chúa nâng lên. Xin cho con luôn biết học với Chúa để nên thánh từ những việc bổn phận nhỏ bé nhất trong cuộc sống hằng ngày.

 

 

 

 

 

15/06/17

THỨ NĂM TUẦN 10 TN

Mt 5,20-26

CÔNG CHÍNH HƠN

 

“Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)

Suy niệm: Các kinh sư và Pha-ri-sêu vốn được coi là có đời sống công chính mẫu mực. Họ thông hiểu Lời Chúa, và Lề Luật Mô-sê. Họ ăn chay, bố thí cho người nghèo, “giữ luật cha ông một cách nghiêm ngặt.” Họ là người cầm cân nẩy mực trong việc sống đạo của người Do Thái. Thánh Phao-lô không ngần ngại nhìn nhận mình là một người biệt phái (x. Cv 22,3;26,5). Công chính như những kinh sư và biệt phái không phải là một điều dễ. Thế mà Chúa Giê-su dạy phải “ăn ở công chính hơn” thì mới được vào Nước Trời. Sống công chính hơn, không phải là tính đếm các giới răn mình tuân giữ (x. Mt 19,16-22), cũng không phải là so sánh mình với người khác (x. Lc 18,9-14). Tiêu chuẩn Ngài đưa ra là: “Anh em hãy nên toàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng Toàn Thiện” (Mt 5,49).

Mời Bạn nhìn vào cuộc đời Chúa Giê-su để biết thế nào là sống công chính hoàn hảo. Đó làcuộc sống vì yêu mến mà vâng phục thánh ý Chúa Cha. Và vì thế, yêu thương nhân loại đến mức hiến thân đến hơi thở cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta là sống như Ngài: làm mọi việc không vì mong danh, cầu lợi, nhưng với vì yêu thương mà hiến thân phục vụ.

Chia sẻ: Cha Mark Link viết: “Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi”. Điều đó có giúp gì cho việc sống công chính hơn không?

Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh phục vụ cách âm thầm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nên hoàn thiện như Chúa là Đấng Hoàn Thiện. Xin dạy con yêu người như Chúa yêu thương chúng con.

 

 

 

 

 

16/06/17

THỨ SÁU TUẦN 10 TN

Mt 5,27-32

TRÁNH TỘI TỪ TRONG Ý MUỐN

 

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5,28)

Suy niệm: Nhiều người trẻ ngày nay chuộng lối ăn mặc theo “mô-đen” “thiếu vải,” “xuyên thấu” cho rằng cần phải phô bày cho người khác thấy cơ thể của mình. Trong khi đó, tại những nơi thắng cảnh là đền chùa, những vị trụ trì lấy làm phản cảm trước cảnh du khách ăn mặc hở hang đến vãn cảnh, nên đã có dịch vụ cho khách tham quan mượn y phục kín đáo phù hợp với nơi tôn nghiêm. Hiển nhiên, lối ăn mặc phô bày cơ thể như thế dễ dàng khơi gợi ước muốn nhục dục, và do đó đi ngược với lời mời gọi nên thánh. Chúa Giê-su cho biết phải nên thánh từ trong tư tưởng và ước muốn của mình, bởi vì: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”

Mời Bạn: Những sách báo, phim ảnh hoặc trang mạng internet ngày nay, kể cả những địa chỉ được coi là đứng đắn cũng đầy dẫy những hình ảnh, thông tin, quảng cáo, minh nhiên hoặc ngấm ngầm, có tính cách khiêu dâm, kích thích những dục vọng thấp hèn nơi chúng ta. Một lần nữa bạn cần phản ứng chống lại những cám dỗ đó, để vượt lên trên những ước muốn dung tục, để sống cách thánh thiêng cho Chúa, Đấng đã yêu thương và hiến mình vì bạn.

Sống Lời Chúa: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa đã cho con nhận biết tình thương của Chúa và mời gọi con sống cho những điều cao quý hơn. Xin cho con biết kết hiệp với Chúa để nhờ sức mạnh của ơn thánh chúng con có thể vượt thắng những cám dỗ trong đời sống thường ngày. Amen.

 

 

 

 

 

17/06/17

THỨ BẢY TUẦN 10 TN

Mt 5,33-37

SỐNG THẬT

 

“ ‘Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’.” (Mt 5,37)

Suy niệm: Sách chữ Nho có câu: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (con người từ thuở ban đầu, tính vốn tốt). Thế mà, ngày nay, khi cuộc sống con người được nâng cao hơn bao giờ hết, “tính bổn thiện” đó dường như đang bị chết nghẹt bởi vì sự lừa đảo gian dối có mặt trong mọi lãnh vực, mọi tương quan. Bán buôn thì lo hàng giả, hàng nhái, tràn ngập thị trường. Mối tương quan giữa người với người bị đe doạ bởi dối trá, bội tín, bất trung. Ngay một em nhỏ cũng biết nói dối để chối tội, gian dối trong học tập để được điểm cao. Người sống trung thực dường như bị coi là người ngu dại, không biết lẽ sống ở đời. Lời Chúa dạy “có nói có, không nói không” đặt ra cho Ki-tô hữu một thách đố: Liệu tôi có dám lội ngược giòng không? Liệu tôi có dám sống trung thực như Chúa dạy trong xã hội nhiều gian dối hôm nay không?

Mời Bạn: Sở dĩ người ta gian dối là để được một mối lợi, để tránh một cái hại. Thế nhưng“được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình” (Lc 9,25), thử hỏi đàng nào hại hơn, đàng nào lợi hơn? Chấp nhận chịu thiệt để sống theo sự thật, đó là chọn lựa của những người làm chứng nhân cho Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô cho thấy cái lợi của sự lựa chọn này: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời”(2Cr 4,17).

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi quyết tâm sống thật với mình, với người anh em, và với Chúa, dù tôi có phải trả giá bằng một sự thua thiệt nào đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nêu gương cho chúng con khi “chẳng ai thấy Chúa mở miệng nói lời gian dối”. Xin Chúa giúp chúng con theo lời Chúa, luôn sống như con cái sự sáng.

 

 

 

 

 

18/06/17

CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – A

Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

Ga 6,51-58

SỐNG HIỆP THÔNG VỚI ĐỨC KI-TÔ

 

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54)

Suy niệm: Thời đại ngày nay, chuyện ăn chuyện uống đang là mối lo sợ của con người. Nào là cá bị nhiễm độc, nước bị ô nhiễm, hàng giả… đủ các mối lo. Con người cũng thật lạ! Lo lắng tìm kiếm của ăn ở trần gian mau hư nát này, còn của ăn tuyệt hảo bảo đảm cho sự sống thiêng liêng vĩnh cửu của linh hồn thì bỏ qua, không quan tâm. Đức Giê-su tha thiết mời gọi con người đến lãnh nhận Bánh Hằng Sống để linh hồn được nuôi sống, chẳng những ở đời này mà cả ở đời sau nữa. Ngài còn nói rõ Bánh Hằng Sống chính là Thịt và Máu của Ngài. Mạc khải đó thiết yếu đến nỗi cho dù người ta bị “sốc” vì “làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ấy được”, dù các môn đệ cảm thấy điều đó thật chướng tai và bỏ Thầy mà đi, Ngài vẫn quả quyết Mình và Máu Ngài là của ăn nuôi dưỡng thân-tâm và là bảo đảm sự sống đời đời.

Mời Bạn: Bạn có tin rằng Mình và Máu Chúa Giê-su là bảo chứng của tình yêu, là lương thực không thể thiếu đối với đời sống thân-tâm của bạn, của con người không? Mời bạn nhớ lại niềm vui, niềm hạnh phúc trong ngày đầu tiên được rước Chúa, để từ đó làm mới lại niềm vui, niềm hạnh phúc và lòng biết ơn Chúa Giêsu thánh thể.

Sống Lời Chúa: Siêng năng rước Mình Thánh Chúa với ý thức và xác tín Chúa hiện diện thật trong bí tích Thánh Thể, và dành thời gian cám ơn thật sốt sắng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thật hạnh phúc được kết hiệp với chính Mình Thánh Chúa. Xin Chúa ở lại, và nuôi dưỡng, để con có thể mạnh bước trên con đường về Nước Trời. Con yêu mến Chúa, xin Chúa ở lại với con luôn mãi.

 

 

 

 

 

19/06/17

THỨ HAI TUẦN 11 TN

Thánh Rô-moan-đô, viện phụ

Mt 5,38-42

BẰNG MỘT TÌNH YÊU LỚN HƠN

 

“Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.” (Mt 5,41)

Suy niệm: Chuyện kể rằng có một vị vua sau khi thắng trận liền mở tiệc khao quân. Ông mời cả các tù binh ăn mừng, đãi ngộ rất tử tế rồi trả tự do cho họ. Quần thần hỏi tại sao nhà vua đã thề tiêu diệt hết kẻ thù không sót một người mà nay lại cư xử như thế, nhà vua trả lời: “Ta đã tiêu diệt hết kẻ thù bằng cách biến họ thành bạn.” Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” bế tắc trước vấn đề sự ác, bởi vì lấy oán báo oán thì oán thù chồng chất. Không thể dùng lửa, cũng không thể dùng vài giọt nước để dập tắt một đống lửa, mà phải dùng một khối lượng nước lớn hơn đống lửa đó. Chúa Giê-su dạy chúng ta tiêu diệt sự báo thù bằng việc tha thứ, tiêu diệt nhỏ nhen ích kỷ bằng quảng đại quên mình. Trên thập giá Chúa tiêu diệt bạo lực bất công bằng sự hiền lành và tự nguyện chịu chết để đền bù muôn tội lỗi. Không thể tiêu diệt sự ác bằng sự ác mà phải bằng một tình yêu lớn hơn.

Mời Bạn: Chúng ta đón nhận đạo lý Chúa dạy, nhưng khi bị ai nói động đến, chúng ta lập tức “xù lông nhím” lên để tự vệ, không trả đũa sòng phẳng thì cũng hậm hực, mặt nặng mặt nhẹ. Muốn uốn nắn bản tính tự nhiên để sống theo Lời Chúa dạy, bạn hãy thực hiện những việc hay cách ứng xử giúp mình trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Ki-tô chịu đóng đinh, một Đức Ki-tô khiêm nhường, nghèo khó và chịu sỉ nhục.

Sống Lời Chúa: Chọn làm một công việc hèn mọn và âm thầm để phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nếu có điều gì làm cho con trở nên giống Chúa chịu đóng đinh hơn thì con xin nhận lấy vì lòng yêu mến Chúa và để cứu rỗi nhiều linh hồn hơn về cho Chúa.

 

 

 

 

 

20/06/17

THỨ BA TUẦN 11 TN

Mt 5,43-48

YÊU THƯƠNG KHÔNG MỨC ĐỘ

 

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Suy niệm: Theo lý mà xét, lời dạy bảo của Đức Giê-su thật chói tai về từ ngữ lẫn nội dung. Chẳng lẽ Ki-tô giáo lại dạy con người cách sống nhu nhược và chịu khuất phục trước kẻ ác? Không phải thế! Khi bị tên đầy tớ vả má cách bất công trước mặt thượng tế Cai-pha, Chúa Giê-su đã phản ứng lại tức khắc: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi.” Ở đây, Chúa Giê-su dùng kiểu nói đại ngôn hay thậm xưng để diển tả cái đòi hỏi ở mức độ quyết liệt. Chúng ta cần nắm bắt cho được tinh thần của Lời Chúa. Tinh thần ấy là lòng yêu thương không biên giới, không phân biệt bạn thù, nhưng hướng tới mọi người ở mức độ tuyệt đối. Bởi vì mức độ của tình yêu là yêu thương không mức độ.

Mời Bạn: Yêu hoa không có nghĩa là yêu luôn những những con sâu ẩn núp trong hoa. Đức ái ki-tô giáo đòi hỏi phải đấu tranh tích cực để trừ khử tội ác và cứu vớt con người, biến kẻ thù thành anh em, biến con người thành con Chúa, đó là một lý tưởng phải phấn đấu suốt đời.

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về câu nhận định của Gandhi: “Một trái tim dù chai đá đến đâu, cũng sẽ phải trở nên mềm mại trong lò lửa của tình yêu.”

Sống Lời Chúa: Vui vẻ, hoà nhã với người công kích hoặc dửng dưng với mình; nói tốt cho kẻ nói xấu mình.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con biết sống trong tình yêu, để con sống trong hạnh phúc. Những lúc con để bụng để dạ giữ lòng hận thù, con cũng chẳng sung sướng gì, mà chính là con tự đày đọa mình. Xin cho con biết sống xứng đáng là con cái của Cha, xứng đáng với danh hiệu làm môn đệ của Chúa Giê-su.

 

 

 

 

 

21/06/17

THỨ TƯ TUẦN 11 TN

Thánh Lu-y Gon-da-ga, tu sĩ

Mt 6,1-6.16-18

SẼ CÓ ĐẤNG TRẢ CÔNG CHO

 

“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,4)

Suy niệm: Tôn giáo nào cũng dạy tín đồ ba điều căn bản của đời sống đức tin: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Mục đích có thể là đền tội, thánh hóa bản thân và cầu phúc. Riêng về việc cầu phúc, nhiều khi ta muốn thấy kết quả tức thời: tôi cho đi để được cho lại. Thế nhưng, lắm khi gặp kết quả không như mong đợi, ta nản chí, thậm chí bỏ cuộc, không còn cố gắng, chỉ sống cho riêng mình thôi, lơ là mối tương quan với Chúa và người khác. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy rằng Đấng trả công cho ta chính là Thiên Chúa, là Cha hằng thấu suốt mọi bí ẩn và khát vọng của mỗi người. Đừng tìm hư danh, tiếng ngợi khen nơi người đời, nhưng hãy làm ba việc đạo đức ấy với ý hướng dâng lên Thiên Chúa. Nhờ đó, các việc đạo đức truyền thống kể trên sẽ được thúc đẩy bởi một nguyên lý siêu nhiên giúp duy trì đời sống Ki-tô hữu thực thụ.

Mời Bạn: Chủ nghĩa thực dụng là cha đẻ của những não trạng và phong cách có tên là “mì ăn liền”: làm gì cũng mong muốn thấy kết quả lập tức, không đủ kiên nhẫn chờ đợi những hoa trái về lâu về dài. Đang khi ấy, đời sống đạo đức lại mang tính bền vững và siêu nhiên, hướng về Chúa hơn là về mình.

Sống Lời Chúa: Ý thức rằng “biết cho đi mà không cần tính toán” là cách tốt nhất để thực thi sứ điệp của Tin Mừng ngày hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy khi làm việc bác ái bằng tay phải thì đừng cho tay trái biết. Xin cho con biết quảng đại trong khiêm tốn, tin tưởng Chúa sẽ ban thưởng cho mình. Xin cho con xác tín điều ấy để luôn bền chí làm việc lành phúc đức. Amen.

 

 

 

 

 

22/06/17

THỨ NĂM TUẦN 11 TN

Mt 6,7-15

LỜI KINH CHÚA DẠY

 

Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,7-8)

Suy niệm: Khi dạy các môn đệ cầu nguyện, trước hết Chúa Giê-su khuyên các ông đừng như dân ngoại, bởi họ không biết rõ Đấng họ kêu xin, nên cứ tưởng lải nhải nhiều sẽ được nhận lời. Khác với họ, người môn đệ đã trở nên con cái trong nhà, mà đã là con thì đương nhiên có quyền được hưởng tình thương, kể cả quyền thừa kế nữa. Thế nên, để lời kêu xin được hiệu quả, trước hết phải hiểu Đấng mình kêu xin và đặt mình đúng trong mối tương quan mật thiết ấy. Ngài là Cha và Ngài biết rõ chúng ta cần gì, đến nỗi Đức Giê-su còn khẳng định: “Anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11). Một khi hiểu được tấm lòng của Người Cha thì chúng ta biết mình cần xin gì, cũng như phải cầu xin với tâm tình nào.

Mời Bạn: Lời cầu xin cho “danh Cha cả sáng,” không phải là lời cầu xin thuộc dạng “lo bò trắng răng,” bởi đương nhiên Thiên Chúa phải làm cho danh Ngài cả sáng. Nhưng khi cầu xin như vậy, bạn ý thức mình là con, và xin cho danh Thiên Chúa được vinh hiển qua lời nói cũng như hành động của mình.

Chia sẻ: Đâu là yếu tố sẽ làm cho danh Chúa được cả sáng?

Sống Lời Chúa: Chú ý phần thứ hai của Kinh Lạy Cha và nỗ lực thực hành để danh Chúa được cả sáng.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha cách khoan thai và với tâm tình thảo hiếu.

 

 

 

 

 

23/06/17

THỨ SÁU TUẦN 11 TN

Thánh Tâm Chúa Giê-su

Mt 11,25-30

HỌC HIỀN LÀNH VỚI THẦY GIÊ-SU

 

“Hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,29)

Suy niệm: Một cặp vợ chồng sống giang hồ, hành nghề móc túi chuyên nghiệp, được cảm hoá nhờ một chàng trai hiền lành đến độ ngây ngô tin rằng trên thế gian này không ai là người trộm cắp, đó là chủ đề bộ phim “Thiên hạ vô tặc” (2004). Phải chăng đạo diễn Phùng Tiểu Cương muốn nói lên ước mơ dùng sự hiền lành để cải hoá thế giới đầy bạo lực này? Ước mơ đó không còn là viễn tưởng mà là hiện thực nơi lời dạy và hành động của Chúa Giê-su: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” Ngài “như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt chẳng mở miệng kêu ca” (x. Is 53,7), đón nhận cái chết trên thập giá để cứu độ nhân loại.

Mời Bạn: Trong giao tế hằng ngày, người ta thường thích làm bạn với người hiền lành, thích gần gũi với người khiêm tốn. Ở bên họ ta cảm thấy an tâm. Giữa một xã hội còn nhiều dối trá, bất công, bạo lực, người sống hiền lành và khiêm nhường thường bị coi là yếu đuối, nhát sợ. Thế nhưng hiền lành khiêm nhường lại là sức mạnh thâm trầm, là bản lãnh sâu xa cho một nhân cách. Là Ki-tô hữu, học hiền lành khiêm nhường Thầy Giê-su sẽ được tâm hồn an vui, không còn sợ hãi; sống hiền lành khiêm nhường như Thầy Giê-su để trở nên chứng tá sống động, góp phần loại trừ bạo lực, dối trá, bất công ra khỏi thế giới này.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ít phút xét mình xem trong cách cư xử, lời nói của bạn còn biểu hiện sự nóng giận, hung dữ, kiêu căng không.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường trong lòng xin uốn nắn lòng con nên như Rất Thánh Trái Tim Chúa.”

 

 

 

 

 

24/06/17

THỨ BẢY TUẦN 11 TN

Sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả

Lc 1,57-66.80

LÀ THẦN ĐỒNG CỦA CHÚA

 

“Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (Lc 1,66)

Suy niệm: Cậu bé Phạm Tuấn Minh từng được mọi người biết đến với khả năng ghi nhớ lịch vạn niên, quy đổi ngày âm – dương chỉ trong vài giây, thuộc tất cả quốc kỳ trên thế giới khi mới lên bốn tuổi. Cậu bé được đánh giá có bộ óc như máy tính, nghìn người chưa có một. Thế nhưng bây giờ, chị Phạm Thị Hà, mẹ bé Tuấn Minh, cho biết sau khi tài năng tỏa sáng rất sớm, nay em không có biểu hiện gì đặc biệt. Có lẽ không riêng gì Tuấn Minh, biết bao nhiêu tài năng nhí cũng chỉ “lóe sáng” rồi tắt ngúm, chẳng còn mấy ai nhớ đến. Riêng cậu bé Gio-an, chẳng tỏa sáng gì về tài năng, nhưng lại được mọi người ghi nhớ chỉ vì ngay từ trong bụng mẹ đã thuộc về Chúa, cũng như vì cả cuộc đời ấy được Chúa dùng làm phương thế loan báo hồng ân cứu độ cho nhân gian. Chúng ta cũng thuộc về Chúa, hãy để Chúa sử dụng ta như khí cụ loan báo Tin Mừng tình yêu của Ngài. 

Mời Bạn: Bạn và tôi được Chúa ban cho ơn huệ lớn lao được hiện hữu trên đời. Chúng ta cũng được Ngài ban cho không ít thì nhiều những khả năng cần thiết trong cuộc đời. Bạn dùng khả năng đó để làm gì cho Chúa và Giáo Hội?

Chia sẻ: Kẻ “có tật thì có tài,” không ai là “khuyết tật” trước mặt Chúa. Bạn có yên tâm trao con người bạn, dù còn lắm khiếm khuyết, cho Chúa sử dụng để làm vinh danh Chúa không?

Sống Lời Chúa: Luôn tạ ơn Chúa lúc thuận tiện cũng như bất tiện, để Thiên Chúa được tôn vinh trong chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đội ơn Chúa đã cho con làm người và làm con Chúa. Xin cho con luôn biết làm sáng danh Chúa mọi giây phút đời con. Amen.

 

 

 

 

 

25/06/17

CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – A

Mt 10,26-33

VỮNG MẠNH TRONG NIỀM TIN

 

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả xác lẫn hồn.” (Mt 10,31)

Suy niệm: Nếu vào Google tìm từ khóa: “Sợ là gì?”, bạn sẽ có 2.160.000 kết quả. Nếu lần giở Kinh Thánh, bạn sẽ có hơn 365 lời trấn an: “Đừng sợ!”. Hôm nay, Thầy Giê-su ba lần trấn an các môn đệ:

  1. 1. Đừng sợ rao giảng lời chân lý vì Tin Mừng cần được công bố cho tất cả mọi người ở mọi nơi mọi thời;
  2. 2. Đừng sợ bị bách hại, đe dọa khi thi hành sứ vụ, vì tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa luôn ở cùng người được sai đi; và
  3. 3. Đừng sợ khi tuyên xưng Danh Thầy, vì lòng tín nghĩa sẽ được đền đáp. Chính niềm tin soi dẫn cho bạn biết phải làm gì, cũng như không nên làm gì, để tuyên xưng niềm tin ấy trong hoàn cảnh cụ thể.

Mời bạn: Sống các giá trị Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội trong hoàn cảnh hiện nay thì chẳng dễ dàng chút nào, khi bao tệ nạn, sai lạc về luân lý đang lan tràn, khi sự thật bị bóp méo công khai, khi những con người dấn thân vì công bằng, bác ái bị đấu tố! Tựa như Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ không hề nao núng trước những tai họa và bất công, bạn và tôi cũng được mời gọi sống vai trò ngôn sứ trong hoàn cảnh hiện tại. Tội ác tràn ngập thế gian, nhưng chúng ta có Thầy Giê-su, Đấng đã đến để tái tạo ân sủng và nói cho ta biết: Thiên Chúa không bỏ ta mồ côi, nhưng đồng hành với ta, mời gọi ta tín thác nơi lòng từ bi và ân nghĩa của Ngài.

Chia sẻ: Điều gì đang làm bạn mất lòng tin vào sự quan phòng của Chúa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những đau khổ ở đời, xin cho con luôn hướng nhìn lên Thánh giá, để tìm nơi đó sức mạnh và tình thương của Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

26/06/17

THỨ HAI TUẦN 12 TN

Mt 7,1-5

ĐỪNG XÉT ĐOÁN

 

“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” (Mt 7,1)

Suy niệm: Con người thường quen và thích phê phán, xét đoán người khác. Hiếm ai tránh được thói xấu phổ biến này, cũng như hiếm có ai chưa một lần bị người khác xét đoán sai lầm về mình. Vì thế, Chúa Giê-su dạy ta:

  1. 1. tránh cung cách xét đoán người anh em với ý hướng khắt khe, thiếu lòng bác ái khoan dung;
  2. 2. khiêm tốn nhớ mình có những lầm lỗi có khi còn nghiêm trọng, nặng nề hơn người khác. Ngài dùng một hình ảnh cường điệu để nêu bật sự lố bịch trong việc xét nét khuyết điểm của người khác: ta nhanh chóng nhận thấy rõ cái rác nhỏ xíu trong mắt người anh em; trong khi ấy, cái xà to tướng trong mắt mình thì không thấy. Do đó, ta hãy thành thật xét mình để thấy rõ khuyết điểm của mình, nhờ đó không kết án, phê phán người khác cách bất công.

Mời Bạn: Chúa Giê-su quả quyết: “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.” Bạn hãy ghi khắc lời dạy này của Chúa, xác tín Chúa sẽ dùng chính cái đấu bạn đong với người khác mà áp dụng cho mình. Từ hôm nay, bạn hãy dần dần từ bỏ thói xấu này, thay đổi cái nhìn về người khác, để không bị Chúa xét đoán, cũng như để sống công bằng hơn với anh chị em chung quanh bạn.

Sống Lời Chúa: Tránh xa những dịp “tám chuyện” nói xấu anh chị em; dành thời gian đó cầu nguyện với Chúa hay làm việc bác ái, để được ơn ích cho đời sống chúng ta hôm nay và mai sau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy con tránh xét đoán nhau cách bất công. Xin cho con luôn biết nhận ra lỗi lầm của mình, tránh xa thói xét đoán người khác để danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa trị đến. Amen.

 

 

 

 

 

27/06/17

THỨ BA TUẦN 12 TN

Thánh Xy-ri-lô A-lê-xan-ri-a, tiến sĩ HT

Mt 7,6.12-14

ĐI QUA CỬA HẸP

 

“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong.”(Mt 7,13)

Suy niệm: Người ta thường dùng hình ảnh cửa và đường rộng thênh thang như  cách tiếp thị nhằm thu hút nhiều du khách đến tham quan công trình. Đang khi ấy, Chúa Giê-su lại giới thiệu đường và cửa hẹp để mời gọi con người đi vào Nước Trời. Một hình ảnh minh hoạ cho chân lý ấy là chiếc phi thuyền muốn đến đúng mục tiêu trong không gian thì phải đi theo một quỹ đạo nhất định, cũng như phải bỏ lại phía sau những bộ phận vốn được thiết kế từ ban đầu, nhưng nay không cần nữa. Chính Ngài làm gương cho ta đi qua cửa hẹp khi Ngài vác thập giá qua con đường gồ ghề lên Núi Sọ để hoàn tất cuộc lội ngược dòng đời về với Cha. Con đường hẹp nào cũng đòi sự từ bỏ, mang lấy thập giá, là con đường chẳng mấy ai muốn đi, nhưng lại là con đường dẫn đến sự sống.

Mời Bạn: Chỉ có một con đường, một cánh cửa để đi vào thiên đàng hạnh phúc, để trở nên hoàn thiện “như Cha trên trời,” đó là con đường mang tên Giê-su. Cánh cửa đó là cánh cửa hẹp; con đường đó là con đường thập giá. Bạn chấp nhận đi trên con đường hẹp ấy hay thích chọn cửa rộng và con đường  thênh thang đưa đến diệt vong, bất hạnh muôn đời?

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín “đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang,” và sẽ là động cơ đúng đắn thúc đẩy cả việc đời và việc đạo trong cuộc đời tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chọn đi con đường hẹp để đưa nhân loại đến hạnh phúc Nước Trời. Xin ban sức mạnh nâng đỡ con để con chọn con đường Chúa đã đi qua mà vào Nước Trời với Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

28/06/17

THỨ TƯ TUẦN 12 TN

Thánh I-rê-nê, giám mục, tử đạo

Mt 7,15-20

CÂY TỐT SINH QUẢ TỐT

 

“Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.” (Mt 7,20)

Suy niệm: Có những người tự xưng là danh y, thần y với những phương thuốc gia truyền, những dược liệu quý hiếm chữa bách bệnh. Nhiều người không ngại đường xa, không ngại tốn kém tuôn đến chữa trị. Thế nhưng chỉ đến khi tiền mất tật mang, mọi người mới vỡ lẽ họ là lang vườn, lang băm lừa đảo thiên hạ. Quả xấu sinh bởi cây xấu. Cây nào sinh quả ấy: đó là một định luật bất biến. Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta sự lừa đảo về thiêng liêng là nạn ngôn sứ giả mà thời nào cũng có. Họ mang dáng dấp là người của Thiên Chúa, họ tự nhận mình là sứ giả nói lời của Thiên Chúa. Họ hấp dẫn quần chúng và có nhiều người chạy theo. Chúa Giê-su dạy ta bí quyết để nhận biết ai là ngôn sứ giả đó. Hãy xem những hoa trái là đời sống và công việc họ làm. Cây xấu không thể sinh quả tốt, ngôn sứ giả sẽ bị lộ mặt nạ qua đời sống bất chính của họ. Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, những môn đệ đích thực của Đức Giê-su hẳn sẽ sinh quả tốt qua đời sống công chính trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

Mời Bạn: Sống trong một thế giới phẳng và đa nguyên, người môn đệ đích thực của Đức Giê-su phải tỉnh táo để nhận ra hoa quả nào là bắt nguồn từ Thần Khí: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín. Và quả xấu nào là bắt nguồn từ quỷ dữ: gian dối, tham lam, hận thù, bất hòa, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ,…

Sống Lời Chúa: Chọn một hoa quả của Thần Khí mang lại mà thực thi hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn đời sống chúng con sinh nhiều hoa quả tốt để trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

29/06/17

THỨ NĂM TUẦN 12 TN

Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô, tông đồ

Mt 16,13-19

TÌNH YÊU VÀ SỰ TRAO BAN

 

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.” (Mt 16,19)

Suy niệm: Phê-rô là một con người đầy nhiệt huyết, nhưng cũng lắm lỗi lầm. Vừa mới thay mặt anh em tuyên xưng Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, ông liền bị Thầy quở trách là Xa-tan, vì dám ngăn cản Ngài chọn đường thập giá. Vừa mới thề thốt trung thành với Thầy trong bữa Tiệc Ly, ông lại hèn nhát chối Thầy ba lần. Sau khi sống lại, thay vì hạch tội ông, Chúa lại ưu ái tiếp tục chọn ông làm người đứng đầu các tông đồ, trở thành vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa nhân từ muốn trao cho Phê-rô cơ hội thứ hai làm lại cuộc đời. Ngài chọn Phê-rô không phải vì tài năng đức độ của ông, nhưng vì lòng yêu mến ông dành cho Ngài: – “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết rõ con yên mến Thầy.” – “Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy” (Ga 21,15-17).

Mời Bạn: Bạn được mời gọi soi mình trong ánh sáng của hai vị thánh cột trụ Giáo Hội là Phê-rô và Phao-lô. Tựa như hai thánh nhân, lắm lúc bạn hứng khởi, nhiệt thành, nhưng cũng có lắm khi yếu đuối, sa ngã. Điều điều quan trọng là bạn biết tin tưởng vào tình yêu khoan dung của Chúa mà hoán cải trở về.

Sống Lời Chúa: Khiêm nhường nhận ra sự yếu hèn của mình mà phó thác nơi Chúa, nhìn lên lòng nhân hậu Chúa hơn là cậy dựa vào công trạng mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cái nhìn trìu mến, đầy lòng thương xót của Chúa buổi tối hôm ấy đã giúp Phê-rô sực tỉnh, nhận ra lỗi lầm của mình. Xin cho con biết noi gương thánh nhân, để mỗi khi phạm tội, sai lỗi, nhìn thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, con biết tỉnh ngộ, thay đổi lối suy nghĩ, lối hành xử, lối ăn nói của mình. Nhờ đó, con xứng đáng là môn đệ Chúa hơn. Amen.

 

 

 

 

 

30/06/17

THỨ SÁU TUẦN 12 TN

Các thánh tử đạo tiên khởi giáo đoàn Rô-ma

Mt 8,1-4

NẾU CHÚA MUỐN, CHÚA CÓ THỂ

 

“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,3)

Suy niệm: Các nữ tu phục vụ một trại phong ở miền Trung nói với khách tham quan rằng mỗi gia đình người phong có một ngôi nhà nhỏ xinh xắn, nhưng kiểu nhà và màu sắc khác nhau một chút. Tại sao vậy? Để người phong không cảm thấy bị đối xử như “cá mè một lứa.”  Các nữ tu ấy đã điều trị cho người phong không chỉ bằng thuốc men, nhưng với cả tấm lòng của mình. Cũng vậy, Đức Giê-su luôn tế nhị, sẵn lòng đón tiếp và chữa lành cho các người phong. Ngài đụng vào người phong này không phải chỉ bằng đôi bàn tay, nhưng với cả tấm lòng trắc ẩn của mình. Còn người phong, hiếm có lời cầu xin nào khiêm tốn và đầy tin tưởng cho bằng lời của người phong này: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.Người phong ấy đến với Chúa với ước mong được Ngài chữa lành, với lòng phó thác, đặt ý Chúa trên ý muốn của anh.

Mời Bạn: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Khi bạn phó thác cho ý muốn của Chúa, Ngài sẽ ban cho bạn những gì tốt đẹp nhất. Bạn hãy xét lại lời cầu nguyện của mình, phải chăng lâu nay bạn thường “ép” Chúa phải làm theo ý muốn bạn, hay tin tưởng, phó thác nơi ý muốn nhân lành của Ngài?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thêm chữ “Nếu Chúa muốn…” vào các lời cầu nguyện của mình, để tập sự khiêm tốn và phó thác hơn vào lòng nhân hậu của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chắc hẳn Chúa hài lòng trước lời cầu xin lịch lãm và phó thác của người phong lạ đời ấy. Xin cho con noi theo lời cầu xin mẫu mực này: lúc nào cũng biết thưa “Nếu Chúa muốn, Chúa có thể…” khi cầu xin, để lòng con thuận theo ý Chúa muốn, chứ không phải bắt Chúa theo ý con.